Độc đáo ‘phim trường’ bên bờ sông Sài Gòn

Độc đáo ‘phim trường’ bên bờ sông Sài Gòn

Thứ 4, 12/06/2013 | 13:06
0
Nằm ở phía thượng nguồn sông Sài Gòn đầy thơ mộng, đình Tân An của xã Tân An (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) từ lâu đã được coi như một “phim trường” cực kỳ nổi tiếng với hàng trăm bộ phim được lấy bối cảnh ở đây để quay.

Một số bộ phim từng quay ở đây gồm: “Vó ngựa trời Nam”, “Lục Vân Tiên”, “Áo lụa Hà Đông”, “Ván bài lật ngửa”, “Đất phương Nam”… với sự tham gia của những đạo diễn lừng danh như Lý Huỳnh, Hồng Sến, Khương Mễ, Bùi Sơn Duân cùng những diễn viên gạo cội như Thương Tín, Nguyễn Chánh Tín, Hồ Kiểng, Mạc Can… Thế nhưng đó không phải là tất cả bởi xung quanh ngôi đình có tuổi đời khoảng 200 năm này còn có nhiều chứng tích lịch sử vô cùng quan trọng đối với người dân quanh vùng.

Sự kiện - Độc đáo ‘phim trường’ bên bờ sông Sài Gòn

 

Đình Tân An

 

Vẻ đẹp độc đáo

Có thể nhận thấy ngay rằng, đình Tân An (hay còn gọi là đình Bến Thế) có một vẻ đẹp cổ kính, nên thơ và rất lãng mạn, phù hợp với bối cảnh của những bộ phim lịch sử mặc dù vùng quê nơi đây cũng đang bị cơn bão đô thị hóa quét qua. Dạo quanh một vòng ở đình Tân An, ngoài những cây đa cổ thụ có gốc chừng 3 người ôm mới xuể là những mái ngói cổ kính, rêu phong. Chiếc cổng đình với những rễ cây mọc um tùm như từ những trang chuyện cổ cũng là hình ảnh mà ít có đạo diễn nào bỏ qua khi quyết định nên đình Bến Thế này làm phim.

Nói về điều này, ông Bình, người từng nhiều năm nhận trách nhiệm gìn giữ đình cổ Tân An chia sẻ: Đình Tân An của chúng tôi bắt đầu thu hút các đoàn làm phim cách đây khoảng hơn 20 năm bởi lúc đầu có một nhóm họa sỹ tình cờ tới thăm đình, thấy phong cảnh hữu tình nên thơ nên mới ký họa, vẽ lại rồi sau đó đến tai các nhà đạo diễn. Khi có nhiều đạo diễn về đình xin mượn cảnh để quay phim, họ đều nói rằng, khắp vùng này từ Sài Gòn, Thủ Dầu Một hay Biên Hòa… cũng không ở đâu có được những không gian rộng rãi, thoáng mát mà lại cổ kính, đẹp lãng mạn như ở đây.

Trong lúc dạo quanh khuôn viên đình, chúng tôi thực sự luôn có cảm giác… thân quen với những con đường, hàng cây, quán nước, mái nhà… nơi đây bởi dường như, nó đã xuất hiện đâu đó trong các bộ phim trên màn ảnh nhỏ mà mình từng xem, nhưng thoáng chốc chưa thể nhớ chính xác được.

Thấy vậy, ông Bình cười bảo, đình Tân An được xây dựng vào năm 1812 bởi một vị danh tướng thuộc hàng khai quốc công thân triều Gia Long Nguyễn Ánh là Tả quân Nguyễn Văn Thành. Trải qua bao hưng trầm của thời gian và các triều đại khác nhau, đình hầu như vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ ban đầu với những mái ngói, cột gỗ, cánh cửa hay cấu trúc sân, cổng…

Không những thế, những năm kháng chiến chống giặc Pháp, Mỹ đình còn là nơi trú ẩn, họp liên lạc của các chiến sỹ cộng sản. Vì thế, cách đây mấy năm, chính quyền tỉnh Bình Dương quyết định công nhận đình cổ Tân An là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cần được đưa vào bảo tồn và quản lý nghiêm ngặt.

Sự kiện - Độc đáo ‘phim trường’ bên bờ sông Sài Gòn (Hình 2).

Nhiều người đến thăm đình vì vẻ đẹp cổ kính

 

Tuy nhiên, ngoài những giá trị tinh thần đó, đình Tân An còn mang lại cho hàng trăm người dân ở các xóm Cầu Ván, Suối Giữa, Bến Chành, Cầu Tre một… công ăn việc làm. Đó chính là làm diễn viên đóng phim, nhất là những cảnh quay quần chúng, cảnh quay cần có một số người tham gia đi lại tạo bối cảnh với số tiền thù lao đủ để các diễn viên nghiệp dư ấy cảm thấy vui vẻ cùng niềm tự hào mình sắp được… lên tivi.

Hạnh phúc những diễn viên nhí

Là một trong những diễn viên nhí thuộc loại “gạo cội” khi từng tham gia hàng chục bộ phim truyền hình, chưa kể các cảnh quay của những video ca nhạc, tuồng chèo, tích cổ lịch sử… em Nguyễn Hoàng Minh, 13 tuổi kể: Năm nay học lớp 7, nhà em ở cuối xóm Cầu Ván nhưng từ hồi em học lớp 5 đã có mấy cô chú kêu đi đóng phim rồi. Thú thực, lúc đầu bà Hai ở phía chợ gọi em vô bảo đi đóng phim em sợ lắm nhưng các cô chú ấy bảo em chỉ đi lại, ngôi chơi bình thường chứ không nói gì thì em cũng bớt run. Trước mỗi lần quay xong (nhiều lúc phải quay mấy lần mới xong) em được trả 80.000 đồng nhưng từ hồi đầu năm, các chú ấy trả cả trăm ngàn. Nhiều hôm còn bao cơm trưa hay thỉnh thoảng, em phải trả lời mấy câu “vâng, dạ” thì tiền nhận được có khi tới gần hai trăm lận.

Sự kiện - Độc đáo ‘phim trường’ bên bờ sông Sài Gòn (Hình 3).

Các diễn viên nhí

Tuy nhiên, ở quanh khu vực đình Tân An này, không chỉ riêng em Minh biết kiếm tiền từ các vai diễn nhí mà rất nhiều các bạn nhỏ khác, ngoài giờ học cũng được mời tham gia các bộ phim, các cảnh quay của những đài truyền hình trung ương và địa phương. Một trong những cậu bé có sự nghiệp điện ảnh “huy hoàng” ở Tân An chính là em Hữu Công, 14 tuổi.

Được biết, trước đây Công từng xuất hiện trong một số phim của đạo diễn Lý Huỳnh với kịch bản được chuyển thể từ các tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Hồ Biểu Chánh như “Khóc thầm”, “Ông Hai cũ”…

Ngoài những diễn viên nhí, ở Tân An còn có những diễn viên “chân đất”. Đó chính là những người nông dân một nắng hai sương sinh sống trong vùng, nay được các đoàn làm phim gọi đến để quay một số cảnh. Họ, ban đầu đều có cảm giác chung là sợ sệt, e dè nhưng sau khi đã quen thì đều tỏ ra thích thú, muốn được đóng phim để vừa có tiền lại vừa được… nổi tiếng.

Như bà Hai, một diễn viên chân đất kiêm “cò” diễn viên ở đây tâm sự: Nhà tôi ở ngay sau đình Tân An này đó. Lúc đầu mấy anh đạo diễn ở dưới Sài Gòn lên, kêu thiếu người nên mời tui vô thử. Tui chả biết gì những cũng chẳng phải làm gì khó, chỉ ngồi, nhìn rồi thi thoảng cười cười là được. Xong, họ trả tiền luôn. Thấy ngon ăn nên mỗi lần có đoàn làm phim, tôi lại lân la xin đóng tiếp, từ bấy đến giờ, tôi đóng mấy chục phim chứ chẳng ít hơn. Sau, những lúc cần nhiều người tôi lại gọi điện cho người quen, kêu họ tới diễn để kiếm tiền nữa. Giờ, mỗi lần có đoàn về, họ gọi điện trước, kêu cần những vai nào, tuổi ra sao là tôi chuẩn bị chu đáo trước.

Có lẽ, ngoài số tiền ít ỏi mà các diễn viên này nhận được, mọi người luôn tỏ ra vui vẻ, thích thú và tự hào mỗi khi được đóng một vai nào đó, trong các bộ phim bởi tâm lý, được đứng dưới ánh đèn và ống kính máy quay luôn mang lại cho con người ta những cung bậc cảm xúc diệu kỳ.

Chia tay phim trường đình cổ Tân An, chúng tôi chợt nhận ra rằng, nơi đây không chỉ có những mái ngói cổ kính, một làng quê thuần hậu, chân chất, không chỉ đẹp về cảnh, về nhà mà còn đẹp ở cái nghĩa, cái tình của những người nông dân ở thượng nguồn sông Sài Gòn này nữa.

Hoàng Giang

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Khói lửa phim trường: Sinh nghề tử nghiệp

Thứ 4, 27/02/2013 | 20:34
"Làm nghề này giống như sống cạnh trái bom nổ chậm. Không biết khi nào tử thần gọi tên mình. Ai làm nghề cũng phải lường trước cảnh sinh nghề tử nghiệp nhưng lo nhất vẫn là an toàn của những người xung quanh mình".

Phía sau màn bạc, thực sự là một chiến trường

Thứ 6, 12/04/2013 | 19:16
Khán giả xem phim, thấy những hình ảnh long lanh, thấy được cái đẹp đẽ, cái bình yên, hạnh phúc. Nhưng không ai biết, phía sau màn bạc, thực sự là một chiến trường. Khốc liệt vô cùng! Hiểm ác vô cùng!

Những tình huống khó đỡ của đạo diễn phía sau trường quay

Thứ 6, 17/05/2013 | 16:46
Lao ra đường giữa trưa hè nắng gắt chỉ để mua suất phở xào cho cô diễn viên "kén ăn" hay tối nào cũng lọ mọ đến nhà diễn viên để thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con gái tham gia bộ phim mình đang đạo diễn... là những tình huống khó đỡ của thân phận "nhạc trưởng" phía sau trường quay.