Độc đáo quảng cáo ở Sài Gòn trước Giải phóng

Độc đáo quảng cáo ở Sài Gòn trước Giải phóng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Quảng cáo tại Sài Gòn trước 1975 mang dấu ấn của sự đơn giản, thuần phác, của thời chưa có sự can thiệp của đồ họa, vi tính hay công nghệ hiện đại.

Ngày nay, quảng cáo được xem là ngành công nghiệp không khói của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, quảng cáo vẫn là ngành còn khá non trẻ, dù cho quảng cáo đã có mặt tại Việt Nam từ gần hai thế kỷ trước. Sài thành bây giờ nhìn đâu cũng thấy quảng cáo.

Có thể nói, quảng cáo xuất hiện mọi lúc, mọi nơi với mọi hình thức. Không phải chờ đến ngồi trước cái ti vi, cầm trên tay một tờ báo mới có thể bắt gặp những mẩu quảng cáo. Đi trên đường, nhan nhản các biển hiệu, áp phích quảng cáo. Thậm chí, dừng xe trước ngã tư, chúng ta cũng được một người dúi vào tay những tờ rơi quảng cáo.

Công nghệ - Độc đáo quảng cáo ở Sài Gòn trước Giải phóng

Không phải bây giờ, người Sài Gòn mới áp dụng cách thức giới thiệu sản phẩm hiệu quả này đến người tiêu dùng. Những năm trước 1975, quảng cáo đã xuất hiện tại Sài Gòn. Hiện chưa tìm được một tài liệu nào nói rõ quảng cáo ra đời tại Sài Gòn từ khi nào nhưng có thể lý giải rằng, khi thực dân Pháp xâm chiếm Sài Gòn, đã mang theo vào vùng đất này nhiều giá trị vật chất và tinh thần khá mới mẻ mà trước đó Sài Gòn không hề có. Thêm vào đó, chính những thanh niên từng có cơ hội đi học, hoặc ra nước ngoài (mà giai đoạn đó chủ yếu là sang Trung Quốc, Pháp, Anh) đã học hỏi nhiều điều mới lạ mang về áp dụng ở Việt Nam, trong đó có cả quảng cáo.

Tờ báo đầu tiên tại Sài Gòn là tờ Gia Định báo ra đời vào năm 1865, do Trương Vĩnh Ký làm chủ bút đã xuất hiện một số lời rao quảng cáo. Các tờ báo ra đời sau đó đều có những mẩu quảng cáo, ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp hơn về hình thức thể hiện. Trong nhiều tấm ảnh về Sài Gòn xưa, cũng không thiếu những bảng hiệu quảng cáo, áp phích quảng cáo treo tại những nơi công cộng, những tòa nhà cao tầng.

Có lẽ đến thời điểm đó, quảng cáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân cũng như mọi ngóc ngách của đường phố Sài Gòn; với đủ loại sản phẩm từ bia, thuốc lá, xà phòng, cho đến trại hòm, sách báo ở đó, không thiếu những quảng cáo sản phẩm của một số hãng có tên tuổi cho đến ngày nay như: Sony, kem đánh răng Hynos... Các biển quảng cáo này treo rất phù hợp. Hầu như không có hiện tượng treo xô bồ, chồng chéo như hiện nay. Kích thước, độ cao của biển hiệu cũng rất nhất quán, chứng tỏ thời đó đã có sự quy hoạch về quảng cáo.

Tuy nhiên, dù quảng cáo ngày một hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn so với giai đoạn sơ khai ban đầu, quảng cáo tại Sài Gòn trước 1975 vẫn mang dấu ấn của sự đơn giản, thuần phác, của thời chưa có sự can thiệp của đồ họa, vi tính hay công nghệ hiện đại. Các mẩu quảng cáo trên báo giấy thường rườm rà, chủ yếu dùng lời, mà lời lẽ cũng không được trau chuốt như bây giờ. Ví dụ như mẩu quảng cáo kem đánh răng trên báo in như sau: "Trồng lúa mới có gạo mà ăn. Thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn. Vì không săn sóc răng một cách chu đáo, có người đã bị sâu răng và mất nhiều răng. Với Hynos, đánh răng sớm chiều, răng vững bền nhiều"…

Hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, có thể nói ngành quảng cáo ở TP.HCM đã có bước phát triển dài, bắt kịp với sự phát triển của quảng cáo thế giới. Ngắm lại những bức hình quảng cáo trước đây, là để nhớ về một Sài Gòn xưa. Thời mà có những mẫu quảng cáo dùng lời lẽ cũng như cách diễn đạt rất giản đơn và chân chất. Như bản chất và tâm hồn con người Sài Gòn lúc bấy giờ. Qua đó, chúng ta cũng có những khám phá thú vị về đời sống vật chất và tinh thần của người Sài Gòn trước năm 1975.

Hương Lam