Độc quyền xăng dầu, lợi nhuận vào tay đại lý?

Độc quyền xăng dầu, lợi nhuận vào tay đại lý?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Lâu lắm rồi mới có cuộc đối thoại thẳng thắn về một vấn đề nhạy cảm là điều hành giá xăng dầu của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, điều này khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Vấn đề minh bạch giá xăng dầu, khi nào thì trích quỹ bình ổn đã được đề cập nhiều lần nhưng qua cuộc hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" phát lộ nhiều bất ngờ.

Độc quyền xăng dầu, lợi nhuận vào tay đại lý?

Trong cuộc hội thảo, ông Bùi Ngọc Bảo-Chủ tịch HĐQT Petrolimex liên tục kêu lỗ. Nhưng khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ hỏi cụ thể xăng lỗ bao nhiêu, dầu lỗ bao nhiêu thì ông Bảo lại lúng túng gộp xăng dầu từ đầu năm đến tháng 9/2011 lỗ 1.800 tỷ đồng.

Sự độc quyền của xăng dầu như hiện nay khiến người dân vẫn còn phải chịu thiệt thòi.

Ông Huệ yêu cầu giải trình lý do lỗ, minh bạch từng khoản lỗ thế nào, chiết khấu cho đại lý bao nhiêu? Ông Bảo cho rằng, Petrolimex không tách từng mặt hàng lỗ lãi bao nhiêu mà tính tổng thể.

Trước sự lòng vòng đó, ông Huệ phê: "Không hạch toán từng mặt hàng thì không biết quản trị các anh thế nào"? Nhìn nhận vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội) bình luận: "Doanh nghiệp báo cáo chung chung, lỗ lãi không rõ ràng thì bị "mắng" là phải".

Hiện nay, cơ chế mới về quản lý giá xăng dầu cho phép doanh nghiệp chủ động tăng, giảm giá xăng dầu theo sát động thái giá thị trường khi mức điều chỉnh không quá 5%, nếu vượt mức trên thì phải trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt.

Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ, doanh nghiệp dễ lách quy định này bằng cách chỉ tăng giá dưới 5%, nhưng nhiều lần. Trong khi đó chưa có cơ chế giám sát đầy đủ để cơ quan quản lý buộc doanh nghiệp hạ giá khi giá thế giới giảm nhanh và sâu.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nhất là giá của xăng dầu chưa được minh bạch, chưa công khai. "Chính sự thiếu tường minh cơ cấu giá xăng dầu là nguyên nhân khó giải thích nhất, dù giá lên hay xuống thì doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng luôn chịu cảnh trên đe dưới búa, ngân sách Nhà nước thất thu và người tiêu dùng thì cắn răng chịu đựng vì không còn lựa chọn nào khác. Phải chăng tất cả lợi lộc của sự độc quyền xăng dầu đều rơi vào túi các đại lý dù là tính chất nhà nước hay tư nhân thì cũng độc quyền không kém và đang ngày càng mở rộng trên phạm vi cả nước", TS Nguyễn Minh Phong nghi vấn.

Hiện nay, điều hành xăng dầu kiểu "lưỡng tính" còn nhiều lúng túng và rối, vừa muốn có giá cả thị trường trong cơ chế không có cạnh tranh thị trường, tất yếu sẽ làm méo mó giá cả, đe dọa lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như vi mô. Bên cạnh đó, nó còn gây cảnh "đục nước béo cò", tăng nhanh, giảm chậm, thậm chí giá chỉ tăng một chiều, tăng thực còn giảm chỉ là hình thức.

Cũng theo ông Phong, việc trích quỹ bình ổn để giảm giá xăng dầu người dân thuộc diện ưu tiên cuối cùng và chịu thiệt. "Người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ, xong lại luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu cho vay không lãi. Rốt cuộc, dường như chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức, cũng như không có gì để mất từ mọi hoạt động thu -chi Quỹ", TS Phong nhận xét.

Một số chuyên gia còn cho rằng việc ủy thác quản lý thu trích lập và chi dùng quỹ cho doanh nghiệp có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, vì doanh nghiệp có thể khai thấp, bán không ghi sổ. Cần thu quỹ bình ổn thông qua thuế ngay từ khi nhập khẩu, chứ để như hiện nay doanh nghiệp vừa nói dối vừa ăn gian được.

"Đối thoại gay gắt cũng là việc bình thường"

Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng tất cả các cơ chế minh bạch giá xăng dầu từ trước đến nay đều có hết: "Vấn đề nói cần công khai, thì công khai đến đâu, công khai như thế nào kể cả công khai giá nhập khẩu. Như vậy, mọi người sẽ biết khi nào thì giá bán lẻ xăng dầu lỗ hoặc lãi, còn không có luật nào quy định doanh nghiệp phải công bố lỗ lãi. Doanh nghiệp họ lỗ thì họ có quyền kêu chứ, nếu cơ quan quản lý không tin báo cáo của họ thì tiến hành kiểm toán. Việc 5 năm kiểm toán xăng dầu một lần cũng là theo luật và theo quy định".

Một số chuyên gia còn cho rằng việc ủy thác quản lý thu trích lập và chi dùng quỹ cho doanh nghiệp có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, vì doanh nghiệp có thể khai thấp, bán không ghi sổ

Tại hội thảo này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định từ nay đến cuối năm không tăng giá xăng dầu, lỗ nhà nước bù và mạnh mẽ hơn là doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn cung thì giải tán. Vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đặng Thị Nhàn bình luận: "Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong trường hợp còn độc quyền (ba ông lớn chiếm trên 90% thị phần) nếu họ "bắt tay" nhau thì người dân chịu thiệt. Chính vì thế, hiện tại khó có thể thả giá xăng theo cơ chế thị trường".

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Kiên, việc tăng giảm giá xăng phải dựa trên cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay giá xăng dầu quốc tế đang lên mà giá xăng trong nước không tăng thì phải sử dụng quỹ bình ổn giá. Bởi lẽ, tăng giá xăng nó sẽ tác động lên đời sống của người lao động, đến sản xuất kinh doanh, góp phần tăng chỉ số giá tiêu dùng. Đây là vấn đề không nằm trong vấn đề minh bạch hay không minh bạch giá xăng mà nằm trong vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô".

Nhìn nhận quan điểm khác nhau thậm chí có phần gay gắt của hai Bộ Tài chính và Công Thương, ông Kiên cho rằng đó là chuyện bình thường. Vấn đề yêu cầu doanh nghiệp chịu lỗ thêm chút nữa đó là vấn đề trong điều hành giữa các cơ quan hiệp thương với nhau.

"Chúng ta theo cơ chế thị trường thì giá thế giới lên mình lên, giá xuống mình xuống nhưng chúng ta khác là "tự dưng" có quỹ bình ổn giá thì phải có tổ điều hành cho tốt. Còn vấn đề ông Bộ trưởng Tài chính nói từ nay đến cuối năm không tăng giá là Bộ trưởng nói, chứ Thủ tướng có đồng ý không, ngân sách nhà nước có đủ không? Bộ trưởng Bộ Tài chính nói vậy xong thì phải trả lời luôn cho doanh nghiệp tiền bù lỗ lấy ở đâu chứ. Chuyện cơm áo, gạo tiền không thể nói chủ quan thế được vấn đề này còn phải chờ tập thể Chính phủ quyết định".

Tuy nhiên, ông Kiên cũng đồng tình về cuộc đối thoại cởi mở của hai Bộ để chuẩn bị đưa nội dung này vào chương trình của kỳ họp Chính phủ định kỳ tháng 9. "Tôi mừng khi có cuộc trao đổi thẳng như vậy, thông qua dư luận, báo chí để mọi người dân được biết", ông Kiên nói.

Vương Hà