Đọc sách văn học online - thú vui mới của giới trẻ

Đọc sách văn học online - thú vui mới của giới trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Không cần tốn nhiều thời gian để đến các hiệu sách chọn và tìm mua sách văn học mình yêu thích, bạn trẻ chỉ cần ngồi nhà, nhấp vài cú chuột là có thể... đọc. Đọc sách văn học online đang là thú vui mới của giới trẻ trong thời đại công nghệ @ này.

Cầm quyển sách đọc là bị... "ẩm IC"

Có nhiều lý do để giới trẻ thích đọc online, nhưng nguyên nhân chủ yếu là sự tiện dụng. Cách đọc "tĩnh" này khiến nhiều bạn trẻ không phải chen chúc trong các thư viện sách, không phải cầm trên tay những quyển sách dày cộp. Những bạn trẻ ham đọc sách văn học online đã mách nhau nhiều địa chỉ như: Đọc sách online, thư viện online, sách hay online... Đó là những trang web có số lượng bạn trẻ truy cập nhiều nhất.

Trên các trang này có đủ sách thuộc nhiều lĩnh vực để lựa chọn và các loại sách mới cũng được cập nhật thường xuyên. Theo đường dẫn của các trang web này, chúng tôi phát hiện, thời gian vừa qua, các bạn trẻ truy cập vào hạng mục sách văn học nhiều nhất. Họ coi đó như "thư viện nhà mình", tranh thủ đọc bất kỳ thời gian nào (có thể) trong ngày.

Văn Hoàng, sinh viên trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Chúng tôi nhìn thấy bạn trẻ nào cầm quyển sách dày 200-300 trang lên đọc nghi họ bị "ẩm IC". Thời buổi công nghệ, vào mạng đọc tiện lợi hơn rất nhiều. Ở mạng có cả những cuốn sách văn học, lịch sử, chính trị mà tìm ở thư viện, hiệu sách không có". Hoàng phân tích: "Đọc sách văn học trên mạng, đỡ buồn ngủ hơn là cầm quyển sách dày cộp. Đọc sách online có cái tiện nữa là nhiều người không biết mình đang làm gì. Cầm cuốn sách dày cộp đưa lên đọc ở nhiều thời điểm tôi thấy phô trương, không phù hợp".

Một số sinh viên ngữ văn phân trần, các tiểu thuyết văn học hay những tác phẩm kinh điển trên thế giới thường là những quyển sách dày, họ không có tiền để mua, mà đến thư viện mượn về đọc thì cực kỳ kích rích, bất tiện. Vì thế, đọc online là giải pháp hữu hiệu nhất để thỏa mãn "cơn nghiện" sách của dân văn.

Nguyễn Mỹ Ngọc, sinh viên khoa Ngữ văn, đại học Sư phạm Hà Nội bộc bạch: "Các tác phẩm văn học đồ sộ như Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy... nếu cầm sách đọc thì thật ngại. Vì nó quá dày, giấy lại cũ. Thế nhưng, khi "xơi" nó trên online thì "ổn" vô cùng. Em đã đọc hết rồi. Ngoài đọc bản gốc, chúng em còn đọc được cả bản tóm tắt, bản phân tích... Những đoạn "đinh" của tác phẩm được nhấn mạnh, người đọc có thể copy ra ngoài thành tài liệu dễ dàng".

Theo Ngọc thì công nghệ thông tin phát triển, "xơi" tác phẩm văn học online là tiện lợi nhất. Ngoài ra, người đọc còn tha hồ lựa chọn những cuốn sách, những đoạn văn hay theo cách cảm nhận của riêng mình.

Công nghệ - Đọc sách văn học online - thú vui mới của giới trẻ

Vũ Việt Dũng đang đọc sách online.

Vũ Việt Dũng, sinh viên trường đại học Thương mại cho rằng: "Thời công nghệ @, nên cách đọc sách cũng phải @. Tôi nhìn thấy người trẻ nào cầm quyển sách 300 - 400 trang rồi đọc, tôi cho rằng, bị "ẩm IC". Có thể, cái nhìn của tôi hơn quá, nhưng thời đại công nghệ, tiếp cận thông tin phải mới". Với Dũng, đọc sách online là giải pháp an toàn, tiện lợi. Vì sách online mà Dũng yêu điên cuồng cái tính cách của Thằng gù trong tác phẩm văn học kinh điển Nhà thờ Đức Bà Paris của đại thi hào văn học Pháp - Victor Hugo và tình yêu cuồng nhiệt, đẹp buồn của người Nga qua thơ Puskin.

Đến trường... không cần sách vở

Là những người năng động, thích khám phá cái mới nên giới trẻ thích những thông tin "nóng bỏng tay", họ luôn muốn mình trở thành người "biết trước thiên hạ" tất cả mọi điều, đặc biệt là tin tức. "Đọc online" cho họ cảm giác "bắt kịp thời đại" và đôi khi "biết trước" người khác. Nhiều bạn đến trường không mang sách vở, họ chỉ mang laptop (máy tính xách tay), dùng mạng wifi hay 3G để tiện sử dụng. Họ có thể ghi chép, ghi lời thầy, cô giảng bài hoặc vào mạng tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất, như cuộc chạy đua về kiến thức.

Thùy Mai (sinh viên đại học Hà Nội) cho biết: "Trước đây, tôi là khách hàng quen thuộc của các nhà sách trên phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí (Hà Nội), nhưng giờ chuyển sang đọc online, vì cách đọc này vừa nhanh, vừa tiết kiệm. Thực tế, giá của các bộ sách văn học hiện rất đắt, một cuốn sách 400 trang giá gần 50 nghìn đồng trong khi đó, phí internet/tháng lại rẻ. Ngoài đọc sách văn học, tôi có thể tra cứu nhiều thông tin khác. Cái tiện nữa là tôi chỉ cần ngồi ở nhà cũng đọc được sách mà không phải chi phí tiền xăng, hao mòn xe, nếu đi thư viện đọc".

Theo phân tích của Vũ Việt Dũng, thì đọc sách online quá tiện lợi, giá rẻ và có thể tận dụng thời gian rảnh bất kỳ lúc nào. Trên xe bus, trong hội trường hoặc quán nước, bạn có nhu cầu, vẫn đọc tốt. Nhiều bạn trẻ sử dụng hình thức đọc online chứng tỏ giới trẻ Việt Nam đang bắt kịp với xu thế hiện đại của thế giới. Đó là một sự bổ sung cần thiết cho văn hóa đọc khi mọi thứ đã được số hóa, được internet hóa.

Ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đã lấn át văn hóa đọc. Các thiết bị nghe, nhìn hiện đại như: Điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, máy xem phim MP4, internet... rất phổ biến và tiếp cận sâu rộng trong giới trẻ. Sự tiện ích của các phương tiện trên đã làm cho người trẻ lười đọc sách giấy. Nhiều người trẻ cho rằng: Tất cả nằm ở internet, cứ "enter" sẽ có, không cần phải tra cứu.

Bị cuốn hút bởi sự tương tác và tiện lợi

Giới trẻ đọc sách online luôn đi kèm với "chat" để chia sẻ cảm xúc với bạn bè, nên họ cảm thấy thoải mái. Hồng Lê - một "con nghiện" sách văn học trên mạng chia sẻ: "Đọc online rất thú vị, nhiều khi đọc xong cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn hay, tin nào lạ, mình thường "send" ngay cho các bạn đường link, để họ đọc. Nhiều người, đọc xong đã đưa ra ý kiến rất hay, dù đó là đồng tình hay phản đối. Chính những giao tiếp mang tính tương tác này đã làm nhiều bạn trẻ mê đến nghiện đọc sách online". Lê kể, có lần tôi đọc một cuốn truyện rất hay trên mạng của một nhà văn trẻ, sau mấy ngày "lang thang" trên mạng, tôi bắt gặp địa chỉ Facebook của nhà văn trẻ này. Tôi và nhà văn chia sẻ cảm xúc. Sau đó, tôi và chị ấy đã thành bạn thân.

Lạc Thành