'Đôi đũa lệch' dệt nên tình yêu da cam kỳ diệu

'Đôi đũa lệch' dệt nên tình yêu da cam kỳ diệu

Thứ 5, 18/07/2013 | 11:21
0
Đó là câu chuyện tình yêu tuyệt vời được dệt nên bởi hai số phận, hai con người hoàn toàn khác nhau. Chàng trai cao 1,65m, gần 70kg sánh duyên cùng cô gái chỉ cao 0,8m, nặng dưới 30kg.

Tình yêu từ chiếc xe ba bánh

Vượt quãng đường hơn 50km từ TP. Đà Nẵng, chúng tôi tìm đến với gia đình anh Trần Ngọc Trung (28 tuổi) và chị Trần Thị Xuân Thu (33 tuổi) ở thôn Phú Lai, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Trong ngôi nhà tình nghĩa chưa đầy 20m2, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc giản dị của đôi vợ chồng trẻ cùng với những đứa con thơ. Bên ly trà, chị Thu cùng chồng mình nhắc lại những kỷ niệm khó quên về tuổi thơ.

Xã hội - 'Đôi đũa lệch' dệt nên tình yêu da cam kỳ diệu

Vợ chồng chị Thu đang nhận lời chúc phúc của hai bên gia đình.

Chị Thu kể, không riêng gì chị mà anh Trung cũng vậy, tuổi thơ là những tháng ngày đầy khó khăn và cực khổ. Dường như trong ký ức của hai anh chị không tồn tại hai chữ "niềm vui". Cả hai đều sinh ra trên mảnh đất nghèo Tam Phước, những năm chiến tranh nơi đây đầy khói lửa của bom đạn. Cha mẹ anh chị đều là những người lính chiến đấu quả cảm trên chiến trường đó. Ngày độc lập, niềm vui hòa bình, bố mẹ anh chị chưa kịp tận hưởng niềm vui ấy thì nỗi đau chiến tranh mang tên "da cam" đã đến khi những đứa con thơ của họ sinh ra không được bình thường như những đứa trẻ khác. Cả hai anh chị từ khi lọt lòng mẹ đã mang trong mình di chứng của chất độc da cam mà quân đội Mỹ gieo rắc.

Chị Thu lúc sinh ra nhìn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lại chỉ nặng chưa đến 1kg. Oái ăm thay, nhiều năm trôi qua, chị Thu vẫn... không lớn. Có gì trong nhà có thể bán để đưa con đi chữa bệnh đều được gia đình dốc cạn, thế nhưng chị vẫn cứ như vậy. Sự thật quá đau đớn khiến cha mẹ chị Thu ngã quỵ khi nhận kết luận rằng, đứa con gái duy nhất của mình bị nhiễm chất độc da cam từ chiến tranh. Năm chị Thu được 18 tuổi, chỉ cao được 0,8m. "Lúc đó, tôi mặc cảm với thân hình của mình lắm, nhưng may mắn được cha mẹ yêu thương và lo lắng rất nhiều. Tôi lại là đứa con duy nhất của cha mẹ nên mình tự nhủ sẽ cố gắng sống tốt để họ được vui lòng", chị Thu tâm sự.

Nhận thấy đã đến lúc phải tự lập bằng chính sức lực của mình, chị Thu xin phép cha mẹ vào TP. Tam Kỳ đi bán vé số, sau đó chị vào Sài Gòn kiếm sống với rất nhiều nghề như: Rửa chén bát, bưng bê ở các quán ăn, lượm ve chai... Khi có được ít tiền, chị Thu quyết định tự tìm đến bệnh viện để kiểm tra xem mình có khả năng làm mẹ hay không. Chị Thu xúc động kể lại: "Dù lúc đó không dám mơ tưởng sẽ có một gia đình hạnh phúc nhưng tôi thật sự vỡ òa khi được các bác sĩ thông báo mình có khả năng làm mẹ như bao cô gái khác".

Chị Thu trở về quê hương sau nhiều năm bôn ba kiếm sống. Tại đây, chị xin theo học nghề may dành cho phụ nữ khuyết tật. Và rồi, đoạn đường từ nhà đến trường, trên vòng quay của chiếc xe Wave ba bánh ấy chị đã gặp được anh Trung, chồng chị bây giờ. Anh Trung cũng là một người bị dị tật do chất độc da cam, cơ thể phát triển như người bình thường nhưng hai chân rất yếu, tay trái của anh lại bị teo nhỏ, không thể cử động cầm nắm vật gì. Hằng ngày, anh Trung phải cuốc bộ hơn 10km từ nhà xuống trung tâm TP. Tam Kỳ để học nghề sửa chữa điện tử. Trên con đường đất đỏ ấy, hình ảnh một chàng trai tật nguyền lê những bước chân nặng nhọc khiến chị Thu cảm động. Liếc thấy ý của chị, anh Trung với tính hài hước của mình liền ngỏ lời xin được quá giang sáng đi chiều về. Hai mảnh đời cùng cảnh ngộ quen nhau từ đó.

Hằng ngày, trước ngã ba gần nhà chị Thu, người ta lại thấy hai con người tật nguyền chở nhau đi học việc. 5 năm, trên từng vòng quay của chiếc xe Wave ấy, họ đã kể cho nhau nghe về nỗi đau bệnh tật, về hoàn cảnh gia đình, ước mơ vươn lên sau này và rồi họ yêu nhau tự lúc nào. Anh Trung thổ lộå: "Vào một buổi sáng như thường lệ, tôi cầm theo một bó hoa giấu sau lưng rồi đợi khi cô ấy đi xe đến liền ngỏ lời yêu. Sau phút giây suy nghĩ, cô ấy đã gật đầu đồng ý về làm vợ mình. Chiếc xe Wave ba bánh đã trở thành minh chứng cho tình yêu của đôi mình ngày đó".

Xã hội - 'Đôi đũa lệch' dệt nên tình yêu da cam kỳ diệu (Hình 2).

Nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng giàu nghị lực.

Thuận vợ, thuận chồng

Tấm gương sáng

Ông Nguyễn Hữu Đại, chủ tịch hội Da cam/dioxin xã Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Vợ chồng anh Trung, chị Thu ở địa phương là một tấm gương để những người không may bị chất độc da cam noi theo. Người dân xung quanh kể cho chúng tôi nghe về anh chị, về những lúc tối lửa tắt đèn có nhau của bà con hàng xóm. Sự cố gắng vươn lên của anh Trung và chị Thu rất đáng khen ngợi và địa phương cũng luôn quan tâm, giúp đỡ để gia đình họ có cuộc sống tốt hơn".

Khi biết tin hai anh chị đến với nhau, nhiều lời bàn tán khi cho rằng, anh Trung cao, còn chị Thu thấp lùn, tật nguyền, lại cao tuổi làm sao có tương lai. Gia đình hai bên biết chuyện cũng kịch liệt phản đối vì cả hai đều không có việc làm thì sống với nhau bằng gì, con cái sau này sẽ ra sao. Trong lúc ấy, anh Trung đã lên tiếng bày tỏ nỗi lòng mình: "Nếu cha mẹ không cho chúng con cưới nhau thì chiếc  xe Wave ba bánh sẽ là mái nhà, là hành trình của hai chúng con. Hai chúng con yêu thương nhau chân thành, đến với nhau để cùng quan tâm, chia ngọt sẻ bùi, lo lắng tương lai sau này. Xin cha mẹ đừng chia cắt". Chính lời nói tận sâu đáy lòng đầy cảm động, chất phát của anh Trung đã làm cha mẹ rơi lệ. Anh chị đã được gia đình cả hai chấp thuận làm đám cưới.

Rằm trung thu năm 2005, anh Trung và chị Thu đã chính thức nên nghĩa vợ chồng. Ngày vui hai bên gia đình và hàng xóm kéo đến rất đông, để xem cô dâu tí hon đứng trên ghế cùng chú rể thắp hương cho ông bà tổ tiên và cảnh chú rể "bồng" cô dâu ra mắt bà con khiến ai cũng cười tươi chúc phúc. Đầu năm 2006, hai vợ chồng anh Trung đón niềm vui mừng khôn xiết khi chị Thu có thai, con trai đầu lòng được đặt tên là Trần Ngọc Bình (hiện đang học lớp 1A, trường tiểu học Phan Đình Phùng). Năm 2007, chị Thu tiếp tục hạ sinh thêm một công chúa tên là Trần Thị Xuân Thủy (đang học mẫu giáo nhỏ trường mầm non Hoa Mai).

Chị Thu chia sẻ: "Có lẽ niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng tôi không phải là cuộc sống giản dị qua ngày mà là hai đứa con thơ của chúng tôi không bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Nhìn chúng khỏe mạnh mà nhiều lúc chúng tôi mừng rơi nước mắt!".

Và tiếng cười trẻ thơ

Sau khi kết thúc khóa học, chị Thu đi xin việc ở các xí nghiệp, nhà may nhưng không được chấp thuận vì quá nhỏ bé, sợ không đảm đang nổi dây chuyền. Có được ít vốn, vay mượn thêm bạn bè người thân, chị Thu mua một chiếc máy may về sửa chữa quần áo cho người dân trong xóm, kiếm ít tiền chăm lo cuộc sống. Còn anh Trung sau khi học nghề sữa chữa điện tử nhưng không tìm được việc, anh về phụ giúp chị thu gom, phân loại đồ đạc. Bà con hàng xóm biết nỗi vất vả cực khổ của hai vợ chồng tật nguyền nên xa mấy cũng động viên đem đồ hư đến cho anh chị sửa kiếm thêm mấy đồng. Chị Thu chia sẻ: "Mỗi ngày hai vợ chồng sửa cao nhất cũng được 30 ngàn đồng, có anh ấy phụ giúp thì nhanh hơn và có thời gian chăm sóc cho hai con. Tuy kiếm được ít thôi nhưng hai vợ chồng có nhau. Nhiều lần thấy anh ấy sửa quần áo cũng tội lắm, mong anh có được nơi nào đó nhận làm để hai đứa con được chăm sóc khá hơn".

Hằng tháng, vợ chồng anh chị cũng nhận được 980 ngàn đồng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, số tiền đó dành hết để lo cho hai con đi học. Thương cha mẹ vất vả, không được như người bình thường, hai đứa con anh chị đều chăm ngoan, cố gắng học rất giỏi. "Ngọc Bình được thầy cô khen nhiều lắm, đi họp phụ huynh là tôi luôn tự hào. Chính hai con là niềm tin, động lực để hai vợ chồng tôi cố gắng lao động dù cuộc sống còn lắm khó khăn thiếu thốn", anh Trung cầm quyển sổ liên lạc cười vui khoe với chúng tôi.

Chia tay gia đình trong một chiều muộn, chúng tôi thấy cả nhà bên bữa cơm đạm bạc chỉ có cà chấm tương và rau luộc nhưng tiếng nói cười vui vẻ khiến ai cũng ghen tị với hạnh phúc giản dị đơn sơ ấy. Rồi mai đây còn lắm lo toan vất vả nhưng anh chị sẽ không bao giờ thôi cố gắng như tình yêu đầy mãnh liệt ở trong hai con người tật nguyền đã đơm hoa kết trái.

Du Ngoạn

Chuyện tình tổng thống Mỹ trăng hoa nhất và cô gái đồng trinh

Thứ 6, 12/07/2013 | 20:24
Cố Tổng thống John F.Kennedy (JFK) là người đàn ông có duyên với quá nhiều phụ nữ. Số phụ nữ mà vị cố tổng thống này cặp kè thuộc đủ mọi tầng lớp, từ gái điếm, vũ nữ thoát y, thư ký, tiếp viên hàng không... cho đến người nổi tiếng.

Chuyện tình người phụ nữ Việt làm xúc động nước Mỹ

Thứ 5, 11/07/2013 | 08:20
Thời báo New York ngày 5/7 đã dành chuyên mục “Making it last” (Giữ sao cho bền) để giới thiệu chuyện tình của cặp vợ chồng Mỹ - Việt khiến nhiều người xúc động vì sự gắn bó bền chặt của họ.

Chuyện tình cảm động của nam sinh và cô gái tật nguyền

Thứ 4, 19/06/2013 | 16:40
Lúc 21 tuổi, chàng sinh viên trường cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) đã thực sự gây sốc cho gia đình, người thân và bạn bè khi quyết tâm đến với cô gái mang đôi chân tật nguyền.

Chuyện tình nhà vô địch cử tạ ngồi xe lăn bán vé số

Thứ 3, 11/06/2013 | 15:47
Mặc dù bị khuyết tật ở chân, nhưng chị vẫn vươn lên sống có ý nghĩa bằng chính nghị lực của mình. Sự chắp cánh của tình yêu đôi lứa đã giúp chị trở thành nhà vô địch thể thao môn cử tạ.