Đội lốt 'xử lý rác' để sản xuất 'trà ướp xác'

Đội lốt 'xử lý rác' để sản xuất 'trà ướp xác'

Thứ 3, 04/06/2013 | 10:44
0
Cái gọi là sản phẩm “trà ướp xác” hoàn toàn không hề có trên bất kỳ danh mục hàng hóa nào. Vì vậy, quy trình sản xuất “trà ướp xác” cũng nằm… ngoài vòng luật pháp.

Cty thu gom chất thải thành…“nhà cung ứng” nguyên liệu

Mới đây, trong buổi làm việc với PV, ông Crispin J.Francisco – GĐ tài chính Cty TNHH URC Việt Nam (DN sản xuất nước trà C2 đóng chai, đóng tại KCN VN- Singapore, tỉnh Bình Dương) – nói: “Trước đây, chúng tôi đã có nghe hiện tượng tái chế bã trà rồi bán trở lại cho người dân uống. Chúng tôi đã theo dõi công ty thu gom, xử lý rác thải cho DN chúng tôi, nhưng chưa phát hiện được.

Việt Nam Xanh - Đội lốt 'xử lý rác' để sản xuất 'trà ướp xác'

Chó đùa giỡn trên trà.

Tuy nhiên, chúng tôi rất lo lắng nếu xảy ra hiện tượng này. Nó không chỉ nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, bã trà sau tái chế còn có thể đội lốt nguyên liệu, bán trở ngược cho chúng tôi; hoặc người ta dùng bã trà tái chế để sản xuất nước trà C2 giả”. Ông Francisco cho biết, mỗi tháng Cty URC thải ra khoảng 50 tấn bã trà, sau khi sản xuất sản phẩm trà xanh C2. Theo hợp đồng số 0101/2013/URC-RV ngày 1.1.2013 được ký giữa Cty URC và Cty TNHH giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Rồng Vàng (Bình Dương), sau khi chiết xuất trà làm trà C2, bã trà phế thải được Cty URC bán lại cho Cty Rồng Vàng.

Giữa “trà ướp xác” với “trà uống”, người ta chỉ bằng vài thủ thuật (trộn bã trà tái chế với trà nguyên chất, hay tẩm hương hóa chất…), vô số “trà ướp xác” sẽ biến thành… trà uống và tỏa đi khắp các vùng miền, mà không ai hay biết.

Cty Rồng Vàng có trách nhiệm “thu gom, vận chuyển và xử lý”. Cty Rồng Vàng “không sử dụng phế liệu/chất thải của bên B (Cty URC – PV) để làm giả hoặc sản xuất sản phẩm tương tự”. Cty Rồng Vàng cũng “không sử dụng phế liệu/chất thải của bên B cho bất kỳ giao dịch bất hợp pháp nào” v.v… Tuy nhiên, không hiểu tại sao sau khi thu gom, vận chuyển chất thải bã trà ra khỏi Cty URC, Cty Rồng Vàng đã không mang đi xử lý như cam kết tại hợp đồng; trái lại mỗi tháng, hàng chục tấn bã trà C2 lại lọt ra ngoài, “lột xác” thành nguyên liệu và được sản xuất một cách có hệ thống thành sản phẩm…“trà ướp xác”, sau đó được phân phối và bán cho các trại hòm v.v…

Theo ông Francisco, nếu phát hiện Cty Rồng Vàng vi phạm hợp đồng, Cty URC sẽ ngừng ngay hợp đồng bán rác thải cho Cty Rồng Vàng. Tuy nhiên, trước các vấn đề PV nêu, ông Francisco hứa sẽ cho kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn từ gốc, không để xảy ra sự cố, gây tác hại xấu cho cộng đồng và cho chính thương hiệu trà C2 cùng uy tín của Cty URC. Trong lúc đó, theo Nghị định số 59/2007/NĐ-CP- ngày 9.4.2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn, thì bã trà sau sản xuất thuộc chất thải rắn thông thường. Điều 20 của Nghị định 59 quy định rất rõ việc phân loại chất thải rắn thông thường, “các chất thải hữu cơ (các loại cây, lá cây, rau, thực phẩm…)”, thuộc “nhóm chất thải cần xử lý, chôn lấp”. Quy định của luật pháp hoàn toàn không có sự cho phép nào biến chất thải bã trà thành nguyên liệu để sản xuất “trà ướp xác”…

Nguy cơ “trà uống” đội lốt “trà ướp xác”?

Tháng 11.2011, Hiệp hội Chè VN đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cảnh báo hiện tượng một số cơ sở sản xuất trà đã tái chế bã trà đã qua sản xuất của Cty TNHH Tân Hiệp Phát (Bình Dương) rồi sau đó trộn lẫn với trà mới và cuối cùng tung ra bán ngoài thị trường. Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các ban, ngành liên quan chấn chỉnh hiện tượng này.

Trả lời báo chí, đại diện Cty Tân Hiệp Phát cho rằng, bã trà sau khi Cty chiết xuất làm nước trà đóng chai, Cty cho không người dân hoặc dùng làm phân bón. Tuy nhiên sau đó, vì ham lời, người ta lấy bã trà đó tái chế, trộn với trà tươi bán tiếp ra thị trường. Những việc làm này, Cty Tân Hiệp Phát không biết và không thể kiểm soát nổi v.v…

Trở lại “nhà máy” sản xuất “trà ướp xác” ở tỉnh Bình Dương. Ngày 28.5, trả lời PV, ông Phạm Lê Tấn Phong – đại diện Cty TNHH Tân Hiệp Phát – khẳng định: Toàn bộ bã trà phế thải sau khi chiết xuất làm nước trà xanh bán ngoài thị trường, Cty sử dụng để trồng nấm và giao cho một số Cty làm phân bón cho cây caosu. Ngoài ra, một số bã trà được Cty giao cho Cty xử lý rác thải chôn lấp ở bãi rác tỉnh Bình Dương. Ông Phong cũng cho biết thêm, lần đầu tiên ông mới nghe tới chuyện có người sử dụng bã trà phế thải tái chế thành cái gọi là “trà ướp xác”.

Cty Tân Hiệp Phát không cho phép sử dụng bã trà cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc trồng nấm, làm phân bón và tiêu hủy. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp cụ thể các văn bản, hợp đồng… thể hiện việc Cty cùng các đối tác thu gom, vận chuyển và xử lý phế liệu bã trà đúng như ông Phong trình bày ở trên, thì ông Phong từ chối, viện lý do “bảo mật trong kinh doanh”. Thậm chí, khi phóng viên xin số liệu bã trà thải ra hằng tháng, ông Phong cũng không đáp ứng, với lý do… “bảo mật” (?!) v.v… Trong khi đó, một cán bộ thuộc Sở TNMT tỉnh Bình Dương không muốn nêu tên đã cho chúng tôi biết: Quy định chung, chất thải công nghiệp - bã trà xanh sau khi chiết xuất để SX nước trà đóng chai - phải được tiêu hủy hoặc chỉ dùng làm phân bón. Nếu sử dụng cho tái chế thì đơn vị thu gom tái chế phải được sự cấp phép, chịu sự giám sát của cơ quan chức năng…

Đằng này, “nhà máy” tái chế bã trà hoạt động không phép, sản xuất sản phẩm “trà ướp xác” - không hề có tên trong danh mục hàng hóa - là hoàn toàn sai trái. Ở đây, cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; còn phía Cty phát sinh chất thải cũng vô trách nhiệm khi không quản lý, xử lý chất thải công nghiệp theo đúng quy định. Trái lại, các Cty này còn trao chất thải cho cơ sở không hề có chức năng xử lý chất thải; từ đó mới “đẻ” ra “nhà máy” tái chế bã trà “khủng”, chuyên cho ra mặt hàng “trà ướp xác” với số lượng rất lớn mà không bị chế tài bởi bất kỳ một quy định nào của luật pháp.

“Nhà máy” sản xuất không giấy phép, sản phẩm “trà ướp xác” không thấy đăng ký trong danh mục quản lý, mà trung tâm phân phối “trà ướp xác” cũng… “chui” nốt. Giữa “trà ướp xác” với “trà uống”, người ta chỉ bằng vài thủ thuật (trộn bã trà tái chế với trà nguyên chất, hay tẩm hương hóa chất…), vô số “trà ướp xác” sẽ biến thành… trà uống và tỏa đi khắp các vùng miền mà không ai hay biết. Và, cái thứ trà bẩn này đến với vô số người dân vốn quen uống trà, thì không biết điều gì sẽ xảy ra?

Theo Lao Động

Ô nhiễm nặng tại bãi biển hoang sơ nhất thế giới

Thứ 4, 15/05/2013 | 09:23
Khu du lịch Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc được đánh giá là một trong 5 bãi biển hoang sơ và đẹp nhất thế giới, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan rất đông. Tuy nhiên trong những năm gần đây lượng du khách đến đây ngày một giảm dần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ô nhiễm môi trường ngày càng nặng tại bãi biển xinh đẹp này.

Buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thứ 3, 14/05/2013 | 17:22
UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở – ngành liên quan, UBND các quận – huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản.

Nhà máy bột cá gây ô nhiễm môi trường

Thứ 3, 28/05/2013 | 09:15
Ngày 26/5, sở văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan này vừa tiến hành kiểm tra, tìm hiểu thực tế mức độ ô nhiễm môi trường khu vực chung quanh nhà máy chế biến bột cá của doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn và bãi tắm Cửa Tùng, Quảng Trị.

Xử lý ô nhiễm ở làng nghề Đông Mẫu: Vẫn trên giấy

Thứ 5, 23/05/2013 | 08:56
Nhiều năm nay, thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) trở thành làng nghề tái chế nhựa nổi tiếng, mỗi năm có khoảng 60.000 tấn nhựa phế thải từ khắp nơi được đưa về đây. Nghề “băm nhựa” đem lại việc làm cho khoảng 1.000 lao động, giúp gần 200 hộ phất lên nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sống.