“Đối ngoại nhân dân góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước”

Nhóm PV

“Đối ngoại nhân dân luôn là một trong những công tác quan trọng được hội Luật gia Việt Nam chú trọng phát triển, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền chung của đất nước”, Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh khẳng định.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập hội Luật gia Việt Nam (04/4/1955 - 04/4/2020), PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh - người đã có nhiều năm hoạt động và gặt hái nhiều thành công trong công tác đối ngoại nhân dân.

Thưa Phó Chủ tịch, từ khi thành lập cho đến nay, hội Luật gia Việt Nam đã chú trọng, phát triển công tác đối ngoại nhân dân như thế nào?

Nhận thức sâu sắc về công tác đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước, từ khi thành lập đến nay, hoạt động đối ngoại của Hội luôn chú trọng bám sát vào yêu cầu của từng giai đoạn trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hội đã tích cực tham gia, mở rộng hợp tác với các tổ chức luật gia quốc tế, giới luật gia nước ngoài, tham dự các diễn đàn pháp lý quốc tế, đấu tranh trên mặt trận pháp lý, vận động giới luật gia tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xin bà cho biết những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân của hội Luật gia Việt Nam trong 65 năm qua?

Qua chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, công tác đối ngoại nhân dân của Hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể:

Giai đoạn đầu từ khi được thành lập (năm 1955) đến năm 1980: Trong bối cảnh đất nước tập trung cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác đối ngoại của Hội đã chú trọng vào việc vận động giới luật gia tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới tố cáo, lên án Đế quốc Mỹ xâm lược, gây tội ác với nhân dân Việt Nam. Để thuận lợi cho công tác này, Hội đã tham gia hội Luật gia Dân chủ quốc tế - một tổ chức phi chính phủ với hơn 100 tổ chức thành viên đến từ hơn 100 nước - có tư cách cố vấn tại hội đồng kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc, được lập ra để ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng. Qua quá trình tham gia vào tổ chức này, hội Luật gia Việt nam đã tuyên truyền, vận động để giới luật gia quốc tế hiểu rõ được bản chất của cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, từ đó nhiệt tình ủng hộ nhân dân, giới luật gia Việt Nam trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý bảo vệ đất nước.

Giai đoạn từ 1980 - 2004: Đây là giai đoạn đất nước mới trải qua thời gian dài trong chiến tranh, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tập trung cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước, thực hiện đường lối “đổi mới”, phá thế bị bao vây cấm vận. Trong bối cảnh đó, Hội đã phát triển các hoạt động đối ngoại của mình theo hướng đa dạng hóa, đa phương hoá, cả thế giới và khu vực, cả song phương và đa phương với các tổ chức luật gia quốc tế và giới luật gia tiến bộ nước ngoài. Hội đã tích cực giới thiệu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đường lối đổi mới của nước ta tại các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế; đấu tranh yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận; phê phán những luận điệu vu cáo nước ta vi phạm nhân quyền, dân chủ, đàn áp tôn giáo, dân tộc… Những việc làm đó đã góp phần tích cực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.

Giai đoạn từ năm 2004 đến nay: Đây là giai đoạn đất nước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Hội đã tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động tiến bộ của hội Luật gia dân chủ quốc tế, đồng thời tham gia vào các tổ chức khu vực khác như hiệp hội Luật ASEAN (ALA), hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP). Hội đã chủ động tham gia, chủ trì tổ chức các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; đăng cai, tham gia tổ chức, tham dự các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế; vận động giới luật gia quốc tế và khu vực có tiếng nói ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở biển Đông.

Công tác đối ngoại nhân dân của hội Luật gia có vai trò như thế nào trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo?

Việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn nhân dân, trong đó có hội Luật gia Việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các kênh ngoại giao chính thức của Nhà nước, việc phát huy các kênh đối ngoại nhân dân trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc làm hết sức quan trọng.

Trong những năm vừa qua, với sự chỉ đạo của ban Bí thư, hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó phải kể đến là hoạt động tuyên truyền để giới luật gia quốc tế hiểu rõ cơ sở pháp lý, tính chính nghĩa của Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó, lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Với những nỗ lực không ngừng, hội Luật gia dân chủ quốc tế và hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ngoài ra, Hội cũng tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về chủ đề biển Đông ở cả Việt Nam và nước ngoài, tổ chức các sự kiện họp báo để ra tuyên bố khẳng định chủ quyền ở Việt Nam, tổ chức trưng bầy các tài liệu chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gửi các sách, tờ gấp nói về chủ quyền của Việt Nam cho giới luật gia quốc tế…

Có thể nói, công tác đối ngoại nhân dân của Hội đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền chung của đất nước.

Năm 2017, hội Luật gia Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội nghị Ban Thường vụ hội Luật gia Dân chủ quốc tế và hội nghị Ban chấp hành hiệp hội Luật các nước châu Á - Thái Bình Dương tại TP.Hồ Chí Minh. Bà đánh giá thế nào về những kết quả tại hội nghị này?

Năm 2017, được sự đồng ý của Ban Bí thư, hội Luật gia Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội nghị Ban Thường vụ hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) và hội nghị Ban Chấp hành hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) tại TP.Hồ Chí Minh.

Việc đăng cai và tổ chức thành công các hội nghị này cho thấy, công tác đối ngoại của hội Luật gia Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao vị thế của Hội trong giới luật gia khu vực và thế giới.

Đặc biệt, bên lề hội nghị này, Hội đã phối hợp với học viện Ngoại giao tổ chức thành công hội thảo quốc tế về biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

Hai điểm thành công nhất của hội thảo là: giới luật gia quốc tế đã thấy rõ được những cơ sở pháp lý quan trọng của việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông vì thế, sẵn sàng lên tiếng ủng hộ chúng ta khi cần thiết.

Thứ hai, tất cả các thành viên IADL và COLAP đều nhất trí về cơ chế tổ chức hội thảo thường niên nhằm thảo luận những biện pháp cần thiết để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình trên biển Đông.

Là người làm về công tác đối ngoại nhân dân, trực tiếp tham gia nhiều hội nghị, hội thảo về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cá nhân Phó Chủ tịch có những cảm xúc thế nào?

Trước hết, phải nói rằng, làm công tác đối ngoại nhân dân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo chưa bao giờ là dễ.

Người nhận trọng trách này phải có sự hiểu biết sâu sắc về các bằng chứng pháp lý và lịch sử chứng minh việc khẳng định chủ quyền, phải có kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục để bạn bè luật gia quốc tế hiểu được lẽ phải thuộc về chúng ta, phải biết lúc nào cần cứng rắn, lúc nào cần mềm mỏng để đạt được kết quả tốt nhất cho đất nước.

Vì thế, tôi luôn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo trước mỗi lần tham dự hội nghị. Tôi phải chuẩn bị kỹ không chỉ các bài tham luận mà cả những chi tiết nhỏ trong khâu chuẩn bị hội nghị.

Thực lòng trước mỗi hội nghị tôi cũng rất lo lắng. Nhưng cho tới nay, tôi tự hào có thể nói rằng, mình đã đóng góp được một phần nhỏ bé cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước và các cuộc hội nghị mà tôi tham gia đều mang lại những kết quả tốt đẹp.

Thưa bà, trong giai đoạn tiếp theo công tác đối ngoại của Hội đứng trước những thời cơ và thách thức ra sao? Định hướng sắp tới trong công tác đối ngoại của Hội?

Với những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại nhân dân, trong 4 năm từ 2016 - 2019, hội Luật gia Việt Nam liên tiếp được tặng Cờ thi đua là “Tập thể dẫn đầu trong Công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực Đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc” của ban Đối ngoại Trung ương.

Dù vậy, nhưng trong giai đoạn tới, với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, công tác đối ngoại nhân dân của Hội có nhiều thời cơ, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, phạm vi hoạt động rộng mở hơn, nội dung hoạt động đa dạng hơn, nhiệm vụ đặt ra cao hơn.

Định hướng của Hội trong thời gian tới là bám sát các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là thành viên của hội Luật gia Dân chủ quốc tế và hiệp Luật gia châu Á - Thái Bình Dương cũng như các tổ chức luật gia khác, mở rộng giao lưu, hợp tác để tranh thủ sự ủng hộ của giới luật gia quốc tế cho các vấn đề pháp lý quốc tế của Việt Nam.

Luôn chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn luật quốc tế về các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam; tích cực thể hiện tiếng nói của giới luật gia Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp pháp lý quốc tế, qua đó nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của hội Luật gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nhóm PV