Động đất liên tục, có phải hiện tượng dị biệt?

Động đất liên tục, có phải hiện tượng dị biệt?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Theo TS Minh những trận động đất liên tục xảy ra vừa qua trong khu vực Thái Bình Dương không phải là một hiện tượng dị biệt.

Đối với Việt Nam nguy cơ phải hứng chịu động đất lớn là rất ít và đặc biệt chưa xác định được dấu tích nào cho thấy chúng ta đã từng bị sóng thần tấn công.

TS Lê Huy Minh

Không thể dự đoán được động đất

TS Lê Huy Minh cho biết, chu kỳ động đất lớn trên 9 độ Richter được ghi nhận chủ yếu từ năm 1900 trở lại đây, đặc biệt là những năm 60 xảy ra 3 vụ. Đầu thế kỷ XXI, năm 2004 và 2010 cũng ghi nhận có 2 trận động đất trên 9 độ Richter.

Trên toàn cầu, chu kỳ xảy ra những trận động đất lớn hơn 9 độ Richter thường lặp lại sau 50 năm. Đây cũng không gọi là tác động dây chuyền. Hoạt động động đất có là do chuyển động kiến tạo mảng địa chất, các mảng xô vào nhau.

Để hình thành nên hoạt động này cần một quá trình dài tích lũy năng lượng, khi năng lượng vượt quá ngưỡng cho phép sẽ dẫn đến hiện tượng giải phóng, xảy ra động đất. Sự di chuyển của quá trình kiến tạo mảng cũng không xảy ra tùy ý mà có thể theo tính chu kỳ, tuy nhiên chu kỳ này có thể không chính xác.

Từ năm 2006, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu được thành lập. Từ đó đến nay, trung tâm luôn có người trực 24/24 để theo dõi tình hình. Theo đề án của Chính phủ, số liệu mạng lưới địa chấn sẽ được xây dựng gồm 30 trạm xung quanh Việt Nam.

Hiện đã lắp đặt được 12 trạm trong đó có 5 trạm Việt Nam, 7 trạm hợp tác quốc tế truyền số liệu thời gian thực nên những trận động đất xảy ra ở khu vực Việt Nam và lân cận là xác định được ngay. Khi động đất xảy ra khoảng vài phút là xác định được vị trí cũng như cường độ của nó. Với 12 trạm khu vực Việt Nam và hơn 20 trạm khu vực Đông Nam á chúng ta đều có thể ghi được địa chấn.

Khó xảy ra sóng thần

Theo TS Lê Huy Minh, vùng nguồn nguy hiểm nhất có thể gây sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam là khu vực Tây Philippines (máng chìm Manila). Trung tâm đã xây dựng các kịch bản từ 1 - 17 tương ứng với động đất nằm trên đới này. Máng Manila có chiều dài hơn 1.000km, tại đây đã ghi nhận được nhiều trận động đất mạnh tới hơn 8 độ Richter. Trong khoảng thời gian từ 1589 - 2005, trên đới này đã xảy ra ít nhất 6 trận động đất làm phát sinh sóng thần.

Bản đồ các khu vực có thể xẩy ra động đất gần Việt Nam

Hiện Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần đã xây dựng được 25 kịch bản cho các trận động đất có nguy cơ gây sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam trên cơ sở 9 vùng nguồn sóng thần có khả năng ảnh hưởng tới bờ biển nước ta. Kịch bản gắn với 25 mức độ động đất khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Với kịch bản số 1 giả sử trên vùng biển này xuất hiện động đất mạnh 6,5 độ Richter (nguồn tâm chấn xảy ra tại 119,1 độ kinh Đông, 17, 5 độ vĩ Bắc) thì khả năng xảy ra sóng thần xảy ra trên vùng bờ biển Việt Nam là rất thấp. Kịch bản số 5, nếu xẩy ra động đất ở vùng biển này mạnh 8,8 độ Richter (tâm chấn là 119,1 độ kinh Đông, 17,3 độ vĩ Bắc) thì vùng ảnh hưởng đầu tiên là khu vực Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sóng biển có thể cao từ 7 m đến 8,13 m.

Tuy nhiên kịch bản này rất khó xẩy ra. TS Lê Huy Minh khẳng định, cho tới thời điểm hiện tại chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định đã từng có sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.

Anh Đức