Mùa lễ hội: Ra quân dẹp lộn xộn, biến tướng

Mùa lễ hội: Ra quân dẹp lộn xộn, biến tướng

Thứ 2, 18/02/2013 | 15:03
0
Năm nay, theo khẳng định của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, công tác tổ chức lễ hội sẽ được đảm bảo nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh những biến tướng tồn tại từ những năm trước.

Các loại "cò" sẽ hết đất sống

Đó là khẳng định của lãnh đạo ban tổ chức lễ hội chùa Hương trong buổi trao đổi với báo chí mới đây. Xuất phát từ hiện tượng đủ các loại "cò" hoành hành "chăn dắt" du khách xảy ra tại lễ hội chùa Hương những năm trước, năm nay Ban quản lý (BQL) cam kết sẽ làm thật mạnh tay để chùa Hương sạch bóng... "cò". Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu Di tích Hương Sơn cho biết, lễ hội chùa Hương được coi là một trong những lễ hội trọng điểm của cả nước và là lễ hội đầu xuân của Hà Nội hưởng ứng năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng. Năm nay khâu tổ chức được BQL khu di tích Hương Sơn cũng như sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch Hà Nội đặc biệt coi trọng. Dự kiến mùa lễ hội 2013 sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách về vãn cảnh và tham dự lễ hội.

Ông Thanh cũng cho biết, vẫn theo thông lệ hàng năm, lễ khai hội sẽ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, gồm hai phần lễ và hội. Tuy kinh tế có biến động nhưng năm nay phí tham quan danh thắng và phí thuyền, đò, cáp treo trong mùa lễ hội 2013 không tăng so với năm 2012. Giá vé tham quan thắng cảnh chung cho toàn khu di tích chùa Hương vẫn là 50.000đ/lượt; phí thuyền, đò thường 35.000đ/người/lượt với tuyến Hương Tích, đối với tuyến Long Vân - Tuyết Sơn phí thuyền, đò chất lượng cao, mỗi tuyến tăng thêm 5.000đ/người/lượt. "Để đảm bảo mùa lễ hội an toàn, năm nay chúng tôi sẽ không cho các hộ kinh doanh ở một số điểm như nội tự các chùa, các khu vực không an toàn...", ông Thanh nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo giới tại Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2013 cho biết, cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2013 cơ bản đã hoàn tất. Hiện đã có 4.800 chủ phương tiện thuyền, đò đăng ký tham gia phục vụ du khách. Ban tổ chức cũng đã bố trí trưng tập một số phao cứu sinh, áo phao của ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu hộ, cứu nạn huyện Mỹ Đức và tổ chức thuyền đi tuần tra thường xuyên nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.

Xã hội - Mùa lễ hội: Ra quân dẹp lộn xộn, biến tướng

Lễ hội Lim.

Cũng theo lãnh đạo huyện Mỹ Đức, năm nay, ban tổ chức sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước lễ hội, đã tập huấn cho các hộ trực tiếp kinh doanh, chế biến thực phẩm; nghiêm cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng bố trí các đội thanh tra liên ngành chốt tại nhiều điểm thường xuất hiện lực lượng "cò" để "dẹp loạn". UBND huyện Mỹ Đức cũng ký kết cam đoan với các hộ dân xã Hương Sơn về việc không chèo kéo, "cò" khách.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của ban tổ chức lễ hội chùa Hương, các cấp chính quyền địa phương, những biến tướng, lệch lạc của mùa lễ hội năm trước sẽ được chấn chỉnh.

Hội Lim hứa hẹn sẽ... nghiêm chỉnh

Chẳng phải ngẫu nhiên khi người ta bảo hội Lim (Tiên Du) là lễ hội đặc sắc vùng quan họ. Không biết bởi duyên trời hay tình người quan họ đằm thắm mà giã bạn rồi, du khách thập phương cứ vương vấn mãi câu hát "Người ở đừng về"... Và vì thế, cứ 12, 13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, người người nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cùng với cơn sóng thị trường, hội Lim ngày càng bị lệch lạc, biến tướng. Không chỉ là nơi "làm ăn" cho dân cờ bạc, những hình ảnh: "Dập dìu đi trẩy hội Lim. Hờ quên Quan họ, cứ tìm tay nhau. Lãng cười mắt liếc dao cau. Bổ ba lời hát, lá trầu dọc đôi..." dường như đang dần phai nhạt trong tâm thức của những người say làn điệu quan họ.

Những liền anh liền chị nhiều khi hát không phải vì niềm đam mê nghệ thuật dân gian mà chỉ chăm chút việc đi xin tiền. Vừa hát các liền quan họ vừa ngửa nón đi vòng quanh hứng tiền của khách thập phương đứng nghe. Chưa nói đến chất lượng của tiếng hát, thiếu sự đam mê, kém tiếng vang rền nền nảy, mà hình ảnh này khiến nhiều người ví von rằng các liền anh, liền chị đang bán giọng hát và người nghe phải bỏ tiền ra để mua suất thưởng thức di sản văn hóa thế giới tại chính vùng đất quan họ Bắc Ninh. Thế nên, những người yêu nghệ thuật dân gian từ lâu đã truyền nhau rằng muốn nghe quan họ thì đừng về hội Lim.

Để lấy lại "phong độ" của hội Lim trong mắt du khách, năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch Bắc Ninh sẽ kiên quyết xử lý những hình ảnh làm xấu đi nét văn hóa xứ Lim. Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, mùa lễ hội 2013 tỉnh sẽ cương quyết xử lý những cá nhân nào vi phạm, làm xấu đi hình ảnh quan họ trong mắt du khách thập phương. Chủ tịch UBND Bắc Ninh đã chỉ thị, nghiêm cấm hành vi ngửa nón nhận tiền vì gây phản cảm, và không có tác dụng tốt đến văn hoá quan họ cũng như dân ca quan họ đã thông báo.

Năm nay, tỉnh Bắc Ninh cũng quyết tâm đưa ra các quy định mới nhằm xóa bỏ các tệ nạn tại lễ hội như: Cờ bạc, trộm cắp tiền, đồ dùng cá nhân của du khách... Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây không phải là lần đầu Bắc Ninh tuyên bố ra quân chấn chỉnh trật tự lễ hội này song thực tế đâu vẫn hoàn đấy. Người về trẩy hội Lim vẫn không khởi chướng tai gai mắt trước những cảnh nhếch nhác, nhốn nháo. Tiếng hò reo trong sới bạc nhiều khi át cả tiếng hát quan họ, dòng người vẫn cứ chen chúc nhau, và không ít trường hợp thảng thốt vì mất đồ. E rằng tìm lại lễ hội giữ nguyên nét truyền thống còn khó lắm, thay vào đó là cảnh người mua kẻ bán từ hàng hóa đến tiếng hát, điệu chèo.

Các lễ hội sẽ được "thiết quân luật"

Bốn lễ hội lớn nhất miền Bắc sẽ lần lượt khai màn trong mùa lễ hội năm nay là chùa Hương (mùng 6 tháng Giêng), Yên Tử (mùng 9 tháng Giêng), hội Lim (13 tháng Giêng) lễ hội đền Trần (14 tháng Giêng). Đại diện ban tổ chức các lễ hội đều khẳng định sẽ "thiết quân luật", đưa công tác tổ chức vào khuôn khổ. Những hình ảnh biến tướng, lệch lạc làm xấu đi nét văn hóa các lễ hội sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đại diện BQL khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định) cho biết, để tránh tình trạng cướp lộc đã từng xảy ra ở mùa lễ hội năm 2012, năm nay, ban tổ chức sẽ cùng với nhà đền lập kế hoạch tuyên truyền tại chỗ đối với khách thập phương và du khách. Ban tổ chức sẽ phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương từ 7h ngày rằm tháng Giêng âm lịch tại một số địa điểm trong khuôn viên khu di tích đền Trần. Năm nay, do có nhiều thời gian chuẩn bị nên lượng ấn in được sẽ lớn hơn con số 25 vạn của năm ngoái, ban tổ chức sẽ cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu của du khách...

Bà Cao Thị Tính, phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định cho biết, năm nay ban tổ chức sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tại chỗ để mọi người nâng cao ý thức văn hóa khi tham gia lễ hội. Tăng cường lực lượng "bao sái" (thu gom tiền, đồ lễ), đảm bảo sự trang nghiêm, tính thẩm mỹ tại các ban thờ. Liên quan đến việc tăng giá, chặt chém các dịch vụ, bà Tính cho biết việc này thành phố đã giao trực tiếp cho chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương sở tại quản lý, thực hiện. Thành phố cũng đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành để xử lý. Lực lượng công an sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, không để tình trạng mua bán ấn diễn ra tràn lan.

Với lễ hội Yên Tử, ban tổ chức cho biết các hoạt động chính của lễ khai hội xuân năm nay sẽ tổ chức tại khu vực chùa Trình. Bên cạnh đó, thời gian cũng được đẩy lên sớm 1 ngày vào tối mùng 9 tháng Giêng. Năm nay sẽ là "3 trong 1", nghi lễ này sẽ làm cùng lúc với lễ khai hội để tránh quá nhiều sự kiện dồn dập.               

Sẽ kiểm tra đột xuất các lễ hội

"Năm 2013, bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch sẽ tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra lễ hội, kiểm tra và chỉnh đốn các hoạt động của lễ hội trước Tết, trong Tết và sau Tết. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu các đoàn kiểm tra đến trực tiếp các cơ sở có lễ hội chứ không thông báo cho chính quyền địa phương ở đó. Do đó các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ đi đột xuất đến các nơi, sẽ không thông báo trước cho các địa phương. Đây là đi kiểm tra thực tế lễ hội chứ không kiểm tra trên giấy tờ", ông Phạm Văn Thủy, cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở khẳng định.    

Anh Đức

Tục 'bắt vợ' thời … biến tướng

Thứ 4, 13/02/2013 | 14:29
Tháng giêng, trên những cánh rừng của miền “sơn cước” hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở rộ báo hiệu mùa xuân về với các lễ hội như: Hội Sải Sán (hội cầu phúc); Hội Cầu Tào (hội tạ ơn tổ tiên, cầu cho mùa màng tươi tốt).

Văn hóa dân gian đang bị biến tướng

Thứ 2, 07/01/2013 | 09:26
Phải thừa nhận rằng, các lễ hội vui chơi giải trí trong dịp Tết ngày càng phong phú hơn, tuy nhiên cũng nhiều trò chơi dân gian đang dần bị biến tướng thành thương mại. Từ những trò chơi cổ truyền trở thành "cờ bạc bịp" cho đến việc người ta đua nhau bói toán, buôn thần bán thánh trắng trợn!

Những biến tướng “khó đỡ” của “tình công sở”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Có người đến với tình công sở để lấp khoảng trống về tình cảm; để dịu bớt áp lực công việc; có người chỉ để thăng tiến, trục lợi cá nhân hoặc vì thích cảm giác lạ...

Ngắm lễ hội hoa lớn nhất thế giới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Những bông hoa luôn là biểu tượng của tình yêu, sắc đẹp, sự sinh sôi nảy nở và hạnh phúc tràn đầy. Hàng năm, trên thế giới thường tổ chức những lễ hội hoa hoành tráng với đầy đủ ý nghĩa và biểu tượng...