Đột nhập 'đại bản doanh' giới in sách lậu: 'Ma trận' của đầu nậu

Đột nhập 'đại bản doanh' giới in sách lậu: 'Ma trận' của đầu nậu

Thứ 7, 11/03/2017 | 19:36
0
Thực tế, trong quá trình thâm nhập, PV bất ngờ nhận được nhiều cuộc điện thoại mời mọc in sách lậu dù chưa gặp mặt một lần, với giá cả rất “mềm”.

Móc nối

Trở lại với việc in thử từng tờ tại công ty MTV Ngọc Yến (số 213, Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5, TP.HCM), người phụ nữ tên Phượng làm việc cho công ty này đồng ý in thử cho PV xem. Thế nhưng, chị ta chỉ chấp nhận in 4 màu tờ trong (tờ xen kẽ, có hình minh họa trong một quyển sách). PV phải căng mắt nhìn kỹ mới phát hiện có một vài khác biệt về màu sắc và độ dày của giấy. Tờ giấy in thử mỏng hơn so với giấy gốc dùng để in sách thật. Tuy nhiên, chất liệu giấy là gần như giống nhau. Khi chị nhân viên cho in thử trang ruột đen trắng, PV nhận thấy không hề khác biệt, nhất là in trên nền giấy vàng, loại giấy mà sách gốc sử dụng.

Tuy nhiên, sau một hồi thuyết phục, chị Phượng cũng đồng ý in thử cả quyển sách cho PV và nói: “Em nói thiệt, làm thử cũng được nhưng giá mắc lắm. Bây giờ, em tính sơ sơ cho anh nghe qua nha. Bìa sẽ in theo hình thức gấp thành in hai mặt. Mặt ngoài vẫn in bình thường, còn mặt trong mình in liền vào cho có nội dung, chứ không gấp lại phần này. Nếu làm như vậy thì sẽ rẻ hơn cho anh”.

Sau đó, chị Phượng tính giá cho 8 cuốn sách “Nhà giả kim” (làm bằng một xấp giấy màu vàng có tại công ty) là 68.000 đồng/cuốn, tổng cộng hết 544.000 đồng. “Nếu anh in số lượng 5.000 cuốn, em sẽ trả lại cho anh phần dư ra, chỉ tính 26.000 đồng/cuốn. Anh không in tiếp thì phải chấp nhận giá này”, chị Phượng nói.

Chấp nhận với cách làm trên, hẹn ngày đến lấy sách, PV lại lên đường, tiếp tục hành trình thâm nhập các điểm in sách lậu khác. Trong quá trình đó, PV bất ngờ nhận được điện thoại của người xưng tên Diệu. Đối tượng này hỏi ngay: “Em được biết anh đang tìm nơi in sách đúng không, anh đã tìm được chưa, không thì để em làm cho, chỗ em làm là tốt nhất Sài Gòn đó”.

Nghe đến đây, PV hết sức giật mình, việc đi đặt in sách lậu đã được lan đi rất nhanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các đầu mối này có mối liên kết với nhau. Nó cũng lý giải cho việc PV rất khó tiếp cận với các điểm khi chưa quen biết. Và một khi các cơ sở in lậu đã tin mục đích của PV làm sách lậu chỉ là để bán kiếm lời, các đối tượng này nhảy vào ngay mà không cần PV phải mất công đi tìm.

Trở lại với Diệu, nhân viên công ty TNHH Đại Hàn (quận 3, TP.HCM), khi được hỏi vì sao biết PV đang có ý định in sách lậu, Diệu ấp úng: “Do có người quen giới thiệu”. PV gặng hỏi tiếp, đối tượng này cũng ậm ừ tránh né cho qua chuyện. Mãi về sau, khi tạo được niềm tin, Diệu mới cho biết anh ta được một đầu mối ở quận Gò Vấp giới thiệu. Trước đó, PV đã liên hệ, cơ sở này cũng đồng ý in nhưng lại ngắt ngang giữa chừng mà PV đã đề cập ở kỳ trước. Diệu giải thích: “Do họ ngại anh là người của công an, nhà báo gài vào để bắt nên họ không dám in cho anh. Nhưng em đã tìm hiểu và thấy anh là người có nhu cầu in sách thật nên mới gọi”.

Xã hội - Đột nhập 'đại bản doanh' giới in sách lậu: 'Ma trận' của đầu nậu

Chỉ sau một đêm thực hiện tất cả các công đoạn: làm file, in, cán màng, dán keo, đóng sách…Diệu đã giao được sách in thử cho PV. 

Gặp PV tại một quán cà phê ngay góc đường Trần Quốc Toản và Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), Diệu lấy trong túi ra một tờ giấy màu vàng và nói: “Em chưa thấy sách nhưng biết ngay là loại giấy này mà. Đây là loại giấy độc quyền của các nhà in, em phải có mối mới lấy được đó, làm nhiều năm rồi nên em biết. Dù khi nhìn thấy nó rời như thế này là mỏng nhưng in chữ lên là nó sẽ dày cho anh xem. Chỗ em chuyên làm sách này và bao cả Sài Gòn luôn”.

Rất khó phân biệt thật-giả

Cũng như các điểm khác, khi cầm cuốn sách mẫu PV đưa, Diệu “tư vấn” ngay: “Nếu anh in hai đường gấp sách (trang bìa) thì giá sẽ mắc mà không được gì hết. Do đó, em nghĩ anh nên chế phần này để có giá thành rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo được hình thức cũng như nội dung của sách. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu này rủi ro cũng rất cao, bởi như vậy phải đưa bìa vào in hai lần. Trong khi đó, bìa em sẽ cán màng hai mặt cho anh”.

Diệu nói thêm: “Giờ anh muốn làm, em sẽ làm file cho anh, từ bìa, cho tới trang ruột. Cái này là phải in lại, chứ không thể photo được đâu. Khi in, sách đảm bảo một-tám, thậm chí là lên đến một chín, một mười so với sách thật. Không khi nào dưới bảy đâu, nếu có em hoàn lại tiền cho anh”.

Để làm cho PV tin tưởng, Diệu còn “nổ”: “Ở Sài Gòn, em chuyên làm sách này mà. Thậm chí, em còn làm sách cho người Hàn Quốc nữa. Đó là các loại giáo trình, từ điển… bằng tiếng Hàn Quốc, để người ta dạy học tại Việt Nam. Hiện giờ, em vẫn còn lưu mấy cuốn mẫu ở công ty. Nói chung, bên em có công nghệ hiện đại để làm, máy cán màng cỡ lớn, máy cắt, máy dán keo, đóng sách… đủ cả”.

Trở lại công ty Ngọc Yến, nói về quá trình làm, chị Phượng cũng cho biết: “Bây giờ là phải lột bìa sách gốc ra, sau đó, làm sạch sẽ, đưa vào máy xử lý để thành một tờ bìa hoàn chỉnh, in tất cả ra, sau đó mới ốp keo vô. Trong đó, tụi em cán lớp màng ở trên bìa, phải làm cho nó đạt được như sách thật”.

“Nếu đưa vô nhà in thì máy móc nó làm hoàn toàn. Bên em làm thủ công, phải qua rất nhiều công đoạn nhưng giá thành vẫn mềm hơn, chỉ 26.000 đồng/cuốn. Giá đó là đã giảm cho bên anh sát đáy rồi đó. Nếu anh đồng ý, bên em sẽ làm sẵn file, anh chỉ cần a lô, vài ba ngày là xong thôi”, chị Phượng nói tiếp.

Biết PV đang phân vân về loại giấy, chị này liền nói: “Nếu anh chọn in giấy vàng, giống sách gốc thì mỗi lần lấy về bao nhiêu giấy là em làm hết. Ví dụ, em mua lẻ một xấp thì giờ làm hết cho anh luôn nha, khoảng 500 tờ đó (loại lớn), được bao nhiêu cuốn thì tính giá tiền bấy nhiêu, chắc khoảng 10 cuốn. Đây là số giấy mà em lấy về để làm sách đặt riêng, còn dư để đó. Chứ bình thường không ai xài loại giấy này cả. Khi nào in thử xong, em sẽ gọi cho anh ra lấy”.

Xã hội - Đột nhập 'đại bản doanh' giới in sách lậu: 'Ma trận' của đầu nậu (Hình 2).

Sách giả và sách thật không có sự khác biệt.

Về giá cả, mỗi nơi báo giá mỗi khác, song đến khi nhận sách, PV mới nhận ra, cơ sở nào báo giá cao thì chất lượng sách làm ra gần giống sách thật hơn. Do vậy, dù báo giá cho PV lên tới 38.000 đồng/cuốn (in số lượng 5.000 cuốn) song Diệu vẫn cho rằng chỗ mình in rẻ nhất ở Sài Gòn. Sau khi kỳ kèo, Diệu giảm xuống còn 34.000 đồng/cuốn và đồng ý làm thử một cuốn để PV tin giống đến mức nào, từ đó có quyết định in hay không. Mặt khác, các đối tượng này cũng yêu cầu phải đặt cọc trước.

“Nếu anh đồng ý làm, phải gửi cọc trước nhé, chứ nhiều người đặt in nhưng không đến lấy sách. Ở đây chả ai mua hay photo mấy loại sách này cả. Lâu lâu mới có người đến làm thôi. Do vậy, anh làm thì phải cọc trước cho em 30% và ký hợp đồng anh nhé”, chị Phượng cũng yêu cầu tương tự. Lý giải về chuyện ký hợp đồng, chị này bảo: “Tại vì, em in nhiều cũng sợ. Cho nên, anh nhận được sách mẫu rồi, cảm thấy ưng ý và đồng ý làm thì hai bên phải làm hợp đồng. Hợp đồng này để đảm bảo anh không phải là người đi phá em. Em làm theo yêu cầu của anh, anh phải là người chịu trách nhiệm về chuyện đó. Nguyên tắc là bên em không được phép in nhiều như vậy, nếu in nhiều thì phải có giấy phép mới được. Anh không có cái làm tin mà kêu em in nhiều thì cũng sợ lắm…”.

Ngạc nhiên sách giả như thật!

Khi nhận sách in thử từ các cơ sở in lậu, nếu chỉ nhìn vào màu sắc, hình thức, PV nhận thấy không có sự khác biệt với sách thật. Tuy nhiên, chất lượng sách mỗi nơi mỗi khác. 

Chí Thanh

Xem thêm: Đột nhập 'đại bản doanh' giới in sách lậu: Tôi đi in sách lậu

Cùng tác giả

Quận 3, Tp.HCM: Ngang nhiên thu phí giữ xe ô tô

Thứ 4, 22/11/2023 | 09:00
Nhân viên mặc đồ bảo vệ ngang nhiên thu phí giữ xe, với mức 50.000 đồng/xe ô tô. Trên phiếu giữ xe ghi tên Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thiên Phúc.

Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ của Tp.HCM bị “khai tử” - Bài 4: Gần 20 năm, Tp.HCM vẫn chưa có bãi xe ngầm

Thứ 4, 23/11/2022 | 14:00
Bài toán bãi đậu xe trên địa bàn Tp.HCM đang rất khó giải. Dù vậy, gần 20 năm qua, quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm của Tp.HCM đang bế tắc.

Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ của Tp.HCM bị “khai tử” - Bài 3: Năng lực của IUS thế nào?

Thứ 3, 22/11/2022 | 08:00
UBND Tp.HCM chấm dứt hợp đồng BOT đã ký là do IUS không đảm bảo năng lực tiếp tục triển khai dự án và vi phạm hợp đồng. Vậy, thực hư về IUS như thế nào?.

Nhà đất công cho thuê ở quận 5: “Em đi khai thác làm gì, thôi mệt”

Thứ 2, 21/11/2022 | 11:00
Trung tâm Văn hoá quận 5, Tp.HCM đang “chia 5 sẻ 7” đất công cho thuê hoặc bỏ hoang. Tuy nhiên, khi liên hệ, PV Người Đưa Tin nhận được câu trả lời… bất ngờ.

Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ của Tp.HCM bị “khai tử” - Bài 2: Vì sao dự án bị “khai tử”?

Chủ nhật, 20/11/2022 | 09:00
Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (Dự án BOT) sau nhiều năm được phê duyệt và “khoan cọc nhồi” lại vướng hàng loạt vấn đề… dẫn tới bị “khai tử”.