Đột nhập lớp... múa ghế của chị em công sở

Đột nhập lớp... múa ghế của chị em công sở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Cách đây không lâu, múa cột trở thành trào lưu, nhưng thời điểm hiện tại, sự uốn dẻo của cơ thể, với từng nét cảm xúc trên khuôn mặt kết hợp cùng những động tác xoạc chân, dướn người đầy gợi cảm của môn... múa ghế (chair dance) lại đang làm nhiều chị em mê mẩn.

Chen chân đi học múa ghế

Trong tiếng nhạc rộn rã, dù chưa tới giờ học nhưng nhìn những cái đầu lắc lư, khuôn mặt đầy phấn khích sau một ngày làm việc căng thẳng mệt nhọc mới thấy lớp học này gây được niềm hứng thú ra sao với phái đẹp. Lớp học với 12 học viên, mỗi người đến đây với những mong muốn riêng. Có người đi học vì chồng muốn vợ mình gợi cảm hơn và cũng có người như tôi đi học để biết múa ghế tại sao lại "hút" được nhiều chị em vậy.

Lạ & Cười - Đột nhập lớp... múa ghế của chị em công sở

Lớp học múa ghế tại ISIS world studio

Những học viên mặc quần sooc, áo thun bắt đầu xoay hông, xoạc chân trên chiếc ghế nhỏ. Dáng vẻ khỏe mạnh, những bước chân xoay điệu nghệ, đầy lôi cuốn. Không chỉ có tôi tò mò về lớp học này mà nhiều chị em công sở cũng bị hút hồn với lớp học còn khá mới với giới trẻ.

Những buổi học đầu, mỗi học viên ở lớp sẽ được giáo viên hướng dẫn từng dáng đứng, từng bước di chuyển, điểm tựa của bàn tay làm sao để mỗi động tác đều toát lên sự gợi cảm của cơ thể người múa. "Hãy lắng nghe âm nhạc và hãy nghĩ bạn muốn chuyển tải gì đến người xem và cố gắng biểu cảm những điều bạn muốn nói bằng khuôn mặt và cơ thể", giọng giáo viên nhẹ nhàng vang lên.

Khác với sự khắt khe về nhạc nền của của các bộ môn múa khác, trong lớp học này, chúng tôi có thể sử dụng rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Từ âm thanh dữ dằn của kèn đồng trong nhạc Jazz đến trữ tình, lãng mạn của những bản nhạc pop balad đều có thể sử dụng trong múa ghế. Không phụ thuộc quá nhiều vào nhịp điệu của bản nhạc, môn múa ghế sử dụng nhạc để truyền tải nhịp đập từ trái tim giống như nhịp điệu của cảm xúc. Do đó yêu cầu dành cho học viên của lớp múa ghế không cần quá cứng nhắc theo nhịp nhạc mà phải lắng nghe nhạc bằng cảm xúc và thể hiện chúng bằng những bước di chuyển và biểu cảm.

Vũ công Phạm Huyền Trang, giáo viên lớp Chair dance tại ISIS world dance cho biết: "Múa ghế được hình thành từ lâu dựa trên phong cách Cabaret với các loại nhạc được mix một chút jazz, khá thân thiện với người học vì phong cách trẻ trung đầy ngẫu hứng. Chính vì thế các lớp học chair dance thu hút rất nhiều chị em công sở và sinh viên trên địa bàn Hà Nội".

Dương Lan Hương, nhân viên PR một công ty bất động sản tâm sự: "Ban đầu, tôi luôn nghĩ một màn trình diễn với ghế sẽ khá cứng nhắc, hoặc chỉ hợp cho các cô gái có cơ thể thiên phú, dẻo dai và mảnh mai, nhưng hoàn toàn không phải. Bộ môn này giảm bớt tối đa kỹ thuật khó như khiêu vũ thể thao hay các điệu nhảy cổ điển. Tôi cảm thấy được tính chất tự do, sự hoang dã trong các điệu nhảy với nền nhạc Jazz. Vì thế mà tham gia học, tôi cảm thấy thoải mái, đầy cảm hứng và thả sức “phiêu”. Ngoài việc rèn luyện cơ thể, tôi cũng có chút "vốn dắt lưng" tài lẻ để có thể trổ tài khi cơ quan có văn nghệ. Đặc biệt là mong sau khi kết thúc khóa học, tôi không bị chồng chê là "người thô như cành củi.”

Gợi cảm nhưng không “lố”

Chị Đỗ Phương Liên, Giám đốc ISIS chia sẻ: "Phụ nữ luôn mong muốn cho mình một cơ thể đẹp và gợi cảm, đó là điều hoàn toàn chính đáng. Việc mở lớp học múa ghế xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của phái nữ. Là phái đẹp ai cũng muốn mình gợi cảm hơn. Cộng với đây là một môn hết sức mới mẻ nên ISIS muốn thông qua đó để giới thiệu đến cho các bạn nữ, nơi họ có thể biểu đạt cảm xúc tốt hơn, rèn luyện sức khỏe dẻo dai và thân hình như ý".

Lạ & Cười - Đột nhập lớp... múa ghế của chị em công sở (Hình 2).

Lý giải về sức hút của các lớp học này, vũ công Huyền Trang cho rằng: "Nhiều môn nhảy hoặc múa ở Việt Nam bị chú trọng quá nhiều đến kỹ thuật mà khiến cho người tập trở nên cứng nhắc và khô cứng với cảm xúc âm nhạc. Ngược lại, với múa ghế, chúng tôi luôn cố gắng hướng dẫn các học viên tham gia lớp học thể hiện cảm xúc của bản thân người múa. Những cảm xúc này được biểu cảm ngay trên khuôn mặt người múa. Sau đó học viên mới đến các động tác kỹ thuật. Bản thân tôi quan niệm rằng nếu bạn không có cảm xúc với âm nhạc hay cho chính bản thân của mình thì sẽ chẳng thể nào có hứng thú để trau dồi rèn luyện kỹ thuật tốt hơn nữa. Kỹ thuật múa ghế không quá phức tạp và dễ ứng dụng”.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Cầu Giấy chia sẻ: "Dù đã có gia đình, có con nhưng tôi luôn khuyến khích vợ mình đi học các lớp múa. Đặc biệt là múa ghế vì nó không đòi hỏi người học nhiều kỹ thuật cầu kỳ, không tốn nhiều thời gian và quan trọng hơn là vợ tôi được thoải mái vào đầu tuần và cuối tuần để có thể đi làm và chăm sóc gia đình với niềm hứng khởi. Học phí cũng không quá cao chỉ khoảng 800.000 đồng /khóa/10 buổi".

Mặc dù khá hứng thú với trào lưu học múa ghế rèn luyện sức khỏe nhưng không ít người ngại ngần rằng chỉ có thể biểu diễn múa ghế tại gia dễ gây phản cảm giống như múa cột. Vũ công Huyền Trang tâm sự: "Nếu thực hiện nhiều động tác quá lố thì mới dẫn tới phản cảm, không chỉ ở múa ghế mà ở các bộ môn múa hay khiêu vũ khác cũng vậy. Vì thế, mặc dù mình có tiếp thu bộ môn mới từ phương Tây nhưng trong khuôn khổ văn hóa của Việt Nam mình cũng chỉnh sửa sao cho phù hợp để đảm bảo tất cả các kỹ thuật động tác đẹp, gợi cảm mà không trở nên phản cảm. Vì thế, các bạn học viên hoàn toàn có thể đem bài biểu diễn của mình ra để biểu diễn văn nghệ với cơ quan hay các buổi văn nghệ với bạn của mình".

Nguyễn Thanh Kim, sinh viên Học viện Ngân Hàng chia sẻ: "Trước đây với trào lưu múa cột nhiều bạn trẻ khá hào hứng nhưng thực sự với những cú vắt chân quanh cột thì không phải ai cũng đủ tự tin chân dài để làm được điều đó. Thứ hai là để có một chiếc cột là đạo cụ biểu diễn cũng không phải là điều đơn giản. Nhưng nếu là múa ghế thì lại hoàn toàn khác. Bất cứ nơi nào nếu muốn mình cũng có thể thể hiện một bài múa để giảm stress, chỉ cần có âm nhạc".

Hoàng Mai


Tag: XH