Du học sinh Lào “khóc, cười” khi học tiếng Việt

Du học sinh Lào “khóc, cười” khi học tiếng Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Về chuyện học ngoại ngữ, chính người Việt còn thốt lên câu "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt" thì du học sinh Lào "dở khóc, dở cười" khi học tiếng Việt là điều khó tránh.

Bạn có dịp đi đến những phiên chợ ở thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) sẽ được chứng kiến cảnh tượng những khách hàng là sinh viên Lào nói thì ít mà "khua tay, múa chân" thì nhiều. Vì ra chợ, theo kinh nghiệm "để đời" của du học sinh Lào, đó là nơi học tiếng Việt thực hành vừa đơn giản mà lại "vui" và hiệu quả nhất. Họ có những "bí quyết" học tiếng Việt độc đáo và không ít câu chuyện "dở khóc, dở cười" từ sự học tiếng Việt mà ra.

Xã hội - Du học sinh Lào “khóc, cười” khi học tiếng Việt

Toau Yang Neng Vang (ngoài cùng bên phải), sinh viên khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH và NV Hà Nội, cùng các bạn sinh viên Việt Nam.

"Hoa hỏng, hoa cu, hoa đòi" là hoa gì?

Mỗi năm, Việt Nam đón nhận hàng ngàn du học sinh Lào sang học tập, nghiên cứu sinh. Học tiếng Việt là điều khó khăn với tất cả người nước ngoài nhưng với những du học sinh Lào thì điều đó còn khó khăn gấp bội. Bởi tiếng Việt là ngữ hệ Latin, tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, chịu những ảnh hưởng của tiếng Phạn. Vì thế, những sinh viên Lào phải nỗ lực hơn rất nhiều để không những nghe, nói được tiếng Việt mà còn phải hiểu được tiếng Việt trong chuyên ngành đặc thù mà mình theo học. Thực tế, mỗi sinh viên Lào lại tự nghĩ ra cách riêng, nhanh nhất để học tiếng Việt.

Anh Toau Yang Neng Vang, sinh viên khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH và NV (Hà Nội) cho biết: "Lúc ở Lào, tôi chưa hề biết nửa chữ tiếng Việt. Sang Việt Nam, tôi phải học tiếng Việt một năm trước khi theo học chuyên ngành Xã hội học. Tiếng Việt phát âm khó, từ tiếng Việt phong phú và đa nghĩa chẳng là trước đó, Neng Vang đã từng theo học tiến Anh, tôi thấy học tiếng Việt khó hơn rất nhiều so với học tiếng Anh".

Không chỉ với Toau Yang Neng Vang mà hầu hết các lưu học sinh Lào sang Việt Nam nhập học đều chưa biết tiếng Việt. Chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều sinh viên Lào - tại Trường cao đẳng Sư phạm Sơn La và được biết, họ đến từ những tỉnh xa xôi nhiều khó khăn của nước Lào như Hủa Phăn, Luông Pha Bang, U Đôm Xay, Bò Kẹo, Phông Sa Lỳ, Luông Nặm Thà, Xay Nha Bu Ly, Xiêng Khoảng. Được đi học đã là rất tốt với họ, cho nên tiếng Việt là một ngôn ngữ hoàn toàn mới với họ là điều dễ hiểu. Như những "đứa trẻ" bập bẹ học tiếng Việt, họ khiến các thầy cô giáo, những người quản lý ký túc nhiều phen phát hoảng vì bất đồng ngôn ngữ và cách nói tiếng Việt không giống ai.

Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ, anh Bun Chăm Khăm Phô Thong đến từ tỉnh Bó Kẹo, sinh viên K47, khoa Công nghệ Thông tin, trường cao đẳng Sư phạm Sơn La chia sẻ: "Lần đầu tiên bập bẹ tiếng Việt, thầy giáo đọc mẫu và chỉ vào bức tranh các loại hoa rồi bảo sinh viên đọc theo hướng dẫn của thầy, tên các loại hoa này. Một bạn xung phong đứng lên đọc lại các loại hoa như sau: "Hoa hỏng, hoa hợi, hoa cu, hoa đòi...". Thực ra tên các loài hoa theo thứ tự là hoa hồng, hoa huệ, hoa cúc, hoa đào. Lúc đó, giáo viên hướng dẫn chỉ biết cười trừ, còn sinh viên thì chưa hiểu "mô tê" gì.

Phạm Thúy Hằng, sinh viên Cao đẳng Sư phạm Sơn La kể lại câu chuyện vẫn được các bạn trong ký túc lưu truyền về loại "nước đền". Có lần, một cô sinh viên Lào hớt hải chạy đến gặp người quản lý ký túc xá và nói: "Bác ơi, nước chưa đền, nước chưa đền". Nghe xong, sinh viên các phòng bên cạnh và bác quản lý luống cuống không hiểu có việc gì liên quan đến nước. Khi tất cả chạy theo cô sinh viên người Lào này, tìm hiểu, mới biết, hóa ra, phòng cô bị... mất nước, nhưng do cô mới học tiếng Việt vài ngày nên chưa biết diễn đạt thế nào.

Dù có thời gian được giao tiếp khá nhiều với sinh viên Lào nhưng Hằng cũng không thể biết "Sai ngon" mà một cô bạn Lào nói ra là gì. Mãi sau này, Hằng mới biết người Lào phát âm chữ "g" của tiếng Việt hay bị lỗi thành chữ "ng", nơi cô bạn này muốn được một lần đến là Sài Gòn. Đặc biệt, khi cô dẫn người bạn Lào ăn món "Pịa" của người Sơn La, cô bạn này cứ liên tục hỏi là ăn món "đo ọc" không?. Hóa ra người Lào không phát âm được chữ p mà thành ra chữ "độc" được phát âm tách thành hai từ không có ý nghĩa gì trong tiếng Việt.

Xã hội - Du học sinh Lào “khóc, cười” khi học tiếng Việt (Hình 2).

Lả Lao Thạ Phông Sắc, Trường cao đẳng sư phạm Sơn La, trong giờ học tiếng Việt.

Ra chợ học tiếng Việt

Mỗi sinh viên Lào ở Việt Nam có bí quyết, kinh nghiệm học tiếng Việt của riêng mình. Chia sẻ về bí quyết học tiếng Việt, lưu học sinh Lả Lao Thạ Phông Sắc, sinh viên lớp K47, khoa Nông Lâm (cao đẳng Sư phạm Sơn La) tâm sự "Cách học tiếng Việt nhanh nhất của mình là chơi với các bạn Việt Nam; chịu khó ra chợ nói chuyện với những người bán hàng". Lả Lao nói rằng, lúc đầu sang Việt Nam, Lả Lao rất ngại ra chợ. Mỗi lần ra chợ, anh chẳng biết diễn đạt bằng từ thứ mình cần mua. "Ngôn ngữ" chính để Lả Lao giao tiếp với người bán hàng là tay.

Anh dùng tay để chỉ vào món hàng mình muốn mua và dùng các ngón tay để mặc cả giá. Hình ảnh những anh chàng, cô nàng sinh viên Lào "nói chuyện" bằng tay không ít lần khiến người bán hàng phải vừa nhìn khách vừa đoán ý, nhầm lẫn là chuyện thường!. Những người bán hàng sau vài lần gặp những sinh viên Lào cũng học được vài từ tiếng Lào để bán hàng. Lâu thành quen, cứ thế sau giờ học trên lớp, giờ chơi, có thời gian, họ lại chạy ra chợ để học tiếng Việt một cách vui vẻ nhất.

Với Toau Yang, "lớp học" và "giáo viên" là những người bạn, người thầy dạy tiếng Việt tốt nhất. "Mỗi cuộc đi chơi, hoạt động tập thể, tôi đều tham gia. Quan trọng là dám nói, dù có thể nói nhiều từ lúc đầu bị sai, bị cười nhưng những lần sau sẽ khác. Các thầy cô và bạn học luôn sẵn lòng giúp đỡ. Nhờ vậy, vốn tiếng Việt của tôi khá hơn rất nhiều, phát âm cũng tốt hơn, chuẩn hơn trước", Toua Yang cho biết.

Không chỉ bản thân sinh viên Lào phải cố gắng học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi theo cách của riêng mình mà các giáo viên dạy tiếng Việt cũng phải vận dụng mọi phương pháp để truyền đạt cho học trò dễ hiểu nhất. Thầy Lường Văn Hùng, giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Sơn La, cho biết: "Những giáo viên dạy tiếng Việt trong trường thường được gọi là giáo viên "mầm non". Mỗi tiết học tiếng Việt, giáo viên phải chuẩn bị giáo cụ dạy học như một lớp dạy trẻ mầm non. Các sinh viên Lào ngoan và rất chăm chỉ học tập, có tính cầu thị.

Chính vì vậy, các thầy cô dạy tiếng Việt dù có vất vả nhưng vẫn cố gắng làm tất cả mọi điều để các sinh viên này được học, hiểu tiếng Việt nhanh nhất trong khả năng". Nhìn những mô hình hoa, lá, con vật... được vẽ sẵn trên bảng giấy, thậm chí có thầy cô còn cắt mô hình bằng các vật liệu cứng, chất liệu bền để dạy được nhiều thế hệ sinh viên, sẽ hiểu rằng, thầy giáo dạy tiếng Việt cũng "khổ" như sinh viên học tiếng Việt. Những mô hình nào khó thực hiện, các giáo viên còn tận dụngå hình ảnh từ mạng internet để trình chiếu minh họa cho bài học. Rồi cách sắp xếp chỗ ngồi đan xen giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào cũng được tận dụng tối đa để không có "sinh viên Lào trầm lặng" trong lớp.

"Bó tay" với tin nhắn của sinh viên Việt

Anh Toau Yang Neng Vang, sinh viên khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH và NV Hà Nội chia sẻ, mỗi lần bạn bè là sinh viên người Việt nhắn tin, anh phải đọc đi đọc lại, thậm chí phải nhờ người khác "dịch" hộ tin nhắn. "Theo Neng Vang, bạn viết tiếng lóng, viết tắt khác với tiếng Việt mà chúng tôi được học". Những dòng tin nhắn được viết như mật mã "Zeu ngey mai a hog zi zau, a zhe wua trug dzon e, a zoi em wua Laz choi. Zeu a baz thi nhen tih e bit em koi pai zoi", đến tôi là người Việt cũng "hàng" chứ đừng nói đến người nước ngoài đang học tiếng Việt - Hằng thẳng thắn chia sẻ.

Đỗ Thơm - Diệp Hương