Dư luận quan tâm bổ nhiệm “đồng chí này là con đồng chí nào” nhưng quan trọng là có tài không?

Hương Lan

Xung quanh vấn đề lựa chọn nhân sự, sắp xếp cán bộ “đúng chỗ, đúng việc”, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Bố đang làm Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm, con có được làm Bí thư Thành ủy không?

PV: Ông có nhận định gì về vấn đề phân công, chỉ định đối với ông Nguyễn Nhân Chinh?

Ông Vũ Quốc Hùng: Sắp xếp cán bộ là công tác được thực hiện rất chặt chẽ, bài bản, cân nhắc kỹ. Theo tôi, việc phân công đối với ông Nguyễn Nhân Chinh thực hiện sau đại hội Đảng bộ thành phố chưa lâu, dù được quyền, không vi phạm nguyên tắc nhưng về mặt tâm lý xã hội, là người lãnh đạo của tỉnh cũng phải có tính toán, việc chuẩn bị cán bộ như vậy là không hay, dư luận lấn cấn.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (ảnh: KT)

PV: Dư luận đặt câu hỏi, trong khi bố đang làm Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm thì con có được làm Bí thư Thành ủy không? Theo ông, việc phân công trên có đảm bảo khách quan?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi chưa tiếp cận với văn bản nào cấm bố làm Bí thư Tỉnh ủy thì con không được làm Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, theo tôi nắm được có một loạt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp… Theo đó, việc bổ nhiệm cán bộ cứ chiểu theo đúng quy định, đủ tiêu chuẩn và có tín nhiệm cao.

Quy định của Bộ Chính trị có “nhã ý”, “gợi ý” không nên tồn tại tình huống trong một tổ chức Bí thư chi bộ, Phó bí thư hay Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cũng là anh em họ hàng nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Theo tôi, cần xem xét khi đảm nhiệm vị trí Bí thư tỉnh đoàn, quá trình công tác đồng chí này có xuất sắc không? Quy trình đề bạt có đúng không? Thực tế, có không ít “hạt giống đỏ” bị “chín ép”, được "nâng đỡ không trong sáng” và dư luận có quyền đặt câu hỏi bố trí con em mình vào những vị trí chủ chốt có đảm bảo công minh không?

PV: Ở nhiều nước, tuổi dưới 40 làm Bộ trưởng là bình thường, Việt Nam cũng đang có chủ trương trẻ hóa dần đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Vì sao bổ nhiệm cán bộ dư luận lại quan tâm “đồng chí này là con đồng chí nào”, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Thời gian qua, tôi nhận thấy, Ban Chấp hành Trung ương đã có bước chuẩn bị rất kỹ càng, trong đó sửa lại các quy định hoặc ban hành các nghị quyết mới về các quy định lựa chọn cán bộ cho đúng quy trình, rõ tiêu chuẩn. Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng quy định rõ quy trình 5 bước với nhân sự cấp ủy rất cụ thể.

Theo tôi, cơ cấu là quan trọng nhưng tiêu chuẩn phải là hàng đầu. Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, dù là con ai cháu ai, cũng phải qua các bước thủ tục. Theo tôi, con đồng chí nào không quan trọng, quan trọng là có tài hay không mà thôi. Tuy nhiên, khi bố trí cán bộ vào các vị trí công tác, người đứng đầu phải cân nhắc, luôn có ý tứ, chú ý đến tâm lý xã hội, không thể bỏ qua dư luận xã hội, tránh gây mặc cảm, đặt dấu hỏi về một nhân tố nào đó trong cấp ủy. Nếu giả sử có 2 người đủ tiêu chuẩn, có đủ đức đủ tài như nhau thì người đứng đầu nên lựa chọn người không phải con cháu mình để tránh định kiến “con ông, cháu cha”.

Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận!

PV: Đã từng tham gia vào nhiều kỳ đại hội, ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ thời gian vừa qua?

Ông Vũ Quốc Hùng: Công tác cán bộ thời gian qua cho thấy quyết tâm của Bộ Chính trị và người cầm lái là đồng chí Tổng Bí thư rất quyết liệt, đã chỉ rõ công tác cán bộ là then chốt. Các văn bản, chỉ thị, quy định được ban hành cụ thể. Với tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, trong những năm qua, Đảng đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, kể cả cấp cao…. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống chính trị.

Tranh minh họa

PV: Theo ông, làm thế nào để công tác nhân sự đảm bảo đúng tiêu chí, không để lọt cán bộ không xứng đáng lọt vào cấp ủy?

Ông Vũ Quốc Hùng: Phải nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện công tác cán bộ. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể để lựa chọn nhân sự. Sau bước giới thiệu nhân sự, những người làm tổ chức phải đi thẩm tra xác minh về người được giới thiệu. Cũng từ đây, yêu cầu những người được tuyển chọn phải khai báo đầy đủ, kê khai tài sản… để xem tính trung thực, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu.

Để chấn chỉnh và xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì những người làm công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm mọi việc đều xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân. Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để tình trạng nể nang, lợi ích nhóm tồn tại.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng (khả năng nhìn xa trông rộng, khả năng quán xuyến đúng quy luật, nói thẳng, nói thật-PV) để cùng giám sát, không để những người còn thiếu phẩm chất, tư cách “lọt” vào cấp ủy các cấp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 22/7, Thành ủy Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ. Theo đó, ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi), Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, được ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh quyết định điều động, chỉ định tham gia ban Chấp hành, ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025. Việc ông Nguyễn Nhân Chinh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi trước đó đã có những ý kiến trái chiều về câu chuyện "cả họ làm quan" ở Bắc Ninh.

H.L