Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Không “né” những vấn đề nóng

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Không “né” những vấn đề nóng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, tiếp tục được thảo luận sôi nổi tại kỳ họp đang diễn ra.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết vào phiên họp ngày 18/6 tới đây. Nhân dịp này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Luật gia Chu Hồng Thanh, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo, phó trưởng Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học về một số nội dung mà đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri đang quan tâm.

Xã hội - Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Không “né” những vấn đề nóng

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật đã hết “né”?

Có ý kiến đề nghị đổi tên dự luật thành Luật Giáo dục đại học và sau đại học. Quan điểm của ông thế nào?

Ý kiến trên của đại biểu Quốc hội là có căn cứ vì Hiến pháp cũng nói đến cụm từ sau đại học. Về tên gọi của dự Luật, điểm d khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục 2005 quy định giáo dục đại học và sau đại học (sau đây gọi chung là giáo dục đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, theo quy định của Luật Giáo dục 2005 thì giáo dục đại học và sau đại học được gọi chung là giáo dục đại học. Cách gọi này vừa đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 36 Hiến pháp và phù hợp với sử dụng thuật ngữ theo thông lệ quốc tế và ở nhiều nước trên thế giới.

Khi dự thảo Luật Giáo dục đại học lần đầu tiên đưa ra lấy ý kiến Quốc hội, một số đại biểu đánh giá Luật đã né tránh không ít vấn đề, có người còn ví von đây là “luật né” vì những vấn đề nóng của giáo dục đại học chưa được đề cập đến. Ông có thể nói rõ hơn về sự chuyển biến của dự thảo cho đến nay, có còn né tránh vấn đề gì không?

Đúng là trước đây dự thảo Luật còn trống vắng nhiều vấn đề. Có những vấn đề rất cơ bản và bức xúc của giáo dục đại học chưa được dội vào trong những quy định của dự thảo. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước đây và nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học tại nhiều hội nghị hội thảo, tọa đàm được tổ chức sau đó, kể cả nhiều ý kiến góp ý qua mạng điện tử hoặc gửi trực tiếp bằng văn bản. Do vậy, dự Luật lần này đã được bổ sung nhiều nội dung rất mới, rất cơ bản của giáo dục đại học như: Thành lập trường, chất lượng giáo dục, phân tầng giáo dục đại học, tự chủ đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý giáo dục đại học, vấn đề lợi nhuận, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, quản lý Nhà nước.

Trên công luận có những ý kiến phản đối, thậm chí khá gay gắt về việc đưa Đại học Quốc gia vào dự thảo Luật Giáo dục đại học như một sự ưu tiên, ưu đãi đặc biệt theo tư duy hành chính bao cấp, trong khi yêu cầu soạn thảo luật phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý để có sân chơi bình đẳng, không thiên vị, ý kiến của ông thế nào?

Về mô hình tổ chức thì Đại học Quốc gia có sự khác biệt nhất định. Không ít nước trên thế giới đã tổ chức Đại học quốc gia là mô hình có nhiều trường thành viên, đào tạo nhân lực cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ở nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm về mô hình này và đến nay chưa có tổng kết về Đại học Quốc gia, chính vì vậy dự luật trước đây thiết kế một mục riêng với nhiều điều thì đến nay chỉ còn duy nhất một điều, chủ yếu là ghi nhận mô hình của hai Đại học Quốc gia đang có trong thực tế.

Xã hội - Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Không “né” những vấn đề nóng (Hình 2).

PGS.TS. Chu Hồng Thanh. (Ảnh Bảo Lâm)

Không thể có quan hệ xin - cho trong thực hiện quyền tự chủ

Trước đây ông đã từng nói quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học là một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong nội dung của dự thảo Luật Giáo dục đại học. Nếu Luật này được Quốc hội thông qua, không ít người lo lắng về việc giao quyền tự chủ một cách tùy tiện sẽ dẫn tới hỗn loạn trong quản lý giáo dục đại học?

Không phải là giao quyền tự chủ. Trong dự thảo luật mới nhất trình Quốc hội không hề có giao quyền tự chủ mà chỉ có thực hiện quyền tự chủ bởi vì không thể có quan hệ xin -cho, ban phát trong thực hiện quyền tự chủ. Quyền tự chủ là quyền tự có của cơ sở giáo dục đại học, mang tính khách quan, chỉ phụ thuộc vào năng lực tự chủ cao thấp ở mức độ nào và các điều kiện thực hiện quyền tự chủ. Khi thành lập nên một pháp nhân và pháp nhân ấy được hoạt động thì đã có quyền tham gia các quan hệ xã hội, quyền ấy là đương nhiên, khách quan.

Trường đại học càng cần có quyền tự chủ cao đồng thời với yêu cầu cao về năng lực tự chủ, phải chịu trách nhiệm xã hội về các hoạt động thực hiện quyền tự chủ ấy. Dự thảo Luật quy định cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động giáo dục, về tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Có thể nói cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong toàn bộ hoạt động, từ xác định chỉ tiêu tuyển sinh đến tổ chức tuyển sinh, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, tổ chức giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học, đánh giá quá trình đào tạo và bảo đảm chất lượng, tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp, cấp phát văn bằng chứng chỉ.

Tuy nhiên cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm trực tiếp giải trình về những vấn đề phát sinh và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về toàn bộ hoạt động của mình. Nếu cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị đình chỉ hoạt động hoặc giải thể nhà trường.

Xin cảm ơn đồng chí Vụ trưởng!

Minh Hương (thực hiện)