Đua nhau thảm sát rừng già tìm gỗ sưa

Đua nhau thảm sát rừng già tìm gỗ sưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Trong một thời gian ngắn, giá sưa giống tại TP.HCM được đẩy lên cao ngất ngưởng. Ban đầu mỗi cây giá chỉ vài ngàn đồng nhưng hiện nay giá sưa giống đã lên tới hàng chục ngàn/cây.

Đắt đỏ gỗ sưa

Cây sưa giống được rao bán ở nhiều nơi trên một số con đường ở TP.HCM như Quốc lộ 1K (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức); đường Quang Trung (quận Gò Vấp) hay đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh)… Trong vai người đi mua sưa giống, anh Hòa một chủ vườn sưa đon đả tiếp. Anh Hòa cho biết muốn mua loại cây nào thì cơ sở của anh đều có thể cung cấp, kể cả với số lượng lớn.

"Loại cây này người ta mua nhiều lắm, tuần trước vừa nhập về cả mấy trăm cây, giờ chỉ còn từng này. Nếu anh chị muốn mua với số lượng lớn thì ngày mai ghé lại tôi đảm bảo có ngay. Tuy nhiên, giá sưa giờ hơi cao, vì giống cây quý mà".

Anh Hòa nói về cây sưa như người biết tường tận ngọn ngành công dụng của nó: "Cây sưa này rất đặc biệt, nó có giá trị kinh tế rất cao, mỗi một cây gỗ sưa có giá hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, cây sưa còn là một dược liệu quý được sử dụng trong ngành đông y. Hoa của loại cây này cũng rất đẹp, ở Hà Nội người ta trồng làm cảnh nhiều lắm".

Về mặt sinh thái, Việt Nam rất phù hợp với sự phát triển của cây sưa. Hiện tại, loại cây này tập trung ở một số rừng đặc dụng thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Xã hội - Đua nhau thảm sát rừng già tìm gỗ sưa

Chủ vườn sưa giống kiếm bộn tiền

Lý giải về việc giá cây sưa được đẩy lên cao trong thời gian gần đây, một số chuyên gia ngành thực vật học cho biết: "Gỗ sưa có màu vàng nhạt, lõi màu thẫm, có mùi thơm như trầm hương, cây sưa có vân gỗ bốn mặt chứ không phải hai mặt như một số loài cây khác và khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu. Từ thời phong kiến, gỗ sưa được dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Tuy nhiên, xung quanh loại cây này cũng có nhiều vấn đề tâm linh mà cho đến nay người ta cũng không thể giải thích được".

Chuyện thực hư về giá trị loài gỗ sưa không ai biết đến đâu nhưng có một thực tế đáng buồn là người dân ở nhiều nơi đã đổ xô đi săn lùng loại cây này. Rõ nhất của thực tế này là vào cuối tháng 4/2012, vụ trộm chặt 3 cây sưa tiền tỉ tại Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình) làm tốn không ít giấy mực của báo giới và dư luận không tránh khỏi sự bất bình.

Cũng từ thực trạng trên mà hàng trăm người dân thi nhau kéo nhau vào rừng tìm kiếm hoặc gùi thuê, cõng mướn để đưa gỗ quý ra khỏi rừng.

Có thể chữa bệnh đau dạ dày?

Cây sưa có nhiều tên gọi khác nhau như huê mộc vàng, hoàng hoa lê, trắc thối…. Tên khoa học của nó là Dalbergia tonkinensis (Prain) thuộc họ đậu. Sưa có hai loại, gồm sưa đỏ và sưa trắng. Sưa là cây ưa sáng, ưa đất sâu, có độ ẩm cao. Có khả năng tái sinh hạt tốt, lá có dạng hình lông chim. Gỗ xưa thơm thường có tỉ trọng nặng hơn gỗ thường. Vân gỗ đẹp, rất được ưa chuộng để làm đồ dùng phong thủy. Xét về mặt kinh tế chỉ có sưa đỏ có giá trị, còn xưa trắng thì ít có giá trị. Cây sưa chủ yếu được phân bố ở Việt Nam và tìm thấy rải rác ở đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, gỗ sưa có nhiều ở một số tỉnh ở Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… Trước kia, do người dân không biết giá trị của gỗ sưa nên dùng gỗ sưa làm chuồng trâu, chuồng bò, hàng rào thậm chí còn đem đốt để lấy than bán.

Giới chuyên gia nông nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam cho biết, gỗ sưa chỉ thuộc loại nhóm 2, thường dùng để phục vụ cho việc làm đồ nội thất trang trí trong nhà. Tuy nhiên, giá trị của cây sưa chỉ được đẩy lên khi có thông tin lái buôn Trung Quốc đến thu mua sưa với giá cao. Vì lí do đó, nhiều người đã chạy theo phong trào và thi nhau trồng loại cây này.

Được biết, bình thường cây sưa chỉ được trồng như một số loại cây khác. Hầu hết giống sưa chỉ được trồng trong rừng. Cây mọc và phát triển rất nhanh. Còn về công dụng của gỗ sưa thì chưa ai biết điều này mà chỉ thông qua lời đồn đại. Hiện, thị trường mua gỗ sưa chỉ là một số nước láng giềng và người dân Việt cũng không rõ họ mua về làm gì mà giá càng ngày càng cao.

Theo TS.Nguyễn Phú Hùng - Phó Viện trưởng Viện điều tra quy hoạch rừng, người dân chỉ nghe liến thoáng một số thông tin rồi đổ xô đi trồng, nên người bán cây con sẽ thu lời rất nhiều. Tương tự như các cây giống lâm nghiệp khác giá chỉ từ 1.000-2.000 đồng/cây nhưng giống cây sưa lại được đẩy lên với giá gấp chục lần như thế mà người dân vẫn không ngừng mua.

Chỉ cần một số thương lái ngừng mua gỗ sưa thì người dân sẽ lâm vào cảnh lao đao. Bài học này là từ cây trầm (dó bầu) của nhiều năm về trước. Có một dạo người dân cũng lao vào trồng khiến cho những người bán trầm giống thu lời bội. Trong khi đó, việc nhân giống cây này không khó khăn. Hiện nay, cây sưa là cây được xếp vào diện bảo tồn, cấm chặt hạ, kể cả đối với rừng trồng.

Có một điều đặc biệt là từ trước đến giờ chưa có một loại cây lấy gỗ nào được bán tính theo ký như gỗ sưa. Giá thu mua gỗ sưa rất cao ở mức 5 triệu đồng/kg thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng/kg. Một phần vì giá cao một phần dựa vào lời đồn thổi của nhiều người nên cây sưa giống trở thành loại cây "hút hàng".

Anh Nguyễn Văn Phú ở Quận Thủ Đức cho biết: "Nghe mọi người kháo nhau về công dụng cũng như giá trị của cây sưa mà trồng cây sưa chẳng mất công chăm sóc là bao; lại nghe đồn còn chữa được cả bệnh đau dạ dày nên mua về trồng thử. Nếu phát triển tốt tôi sẽ mua với số lượng lớn hơn đem về cho người nhà ở Bình Phước trồng tiếp".

Còn chị Nhâm Thị Thu ở quận 2 chia sẻ: "Tôi bị bệnh đau dạ dày cũng lâu rồi, nghe mọi trong công ty bảo cây sưa chữa được bệnh đau dạ dày nên tôi liền ra mấy cửa hàng quảng cáo bán cây sưa mua 2 cây với giá gần trăm ngàn đem về trồng đằng sau nhà phòng khi đau thì hái lá về sắc nước uống. Nhưng chưa đầy nửa tháng hai cây sưa đã bị héo lá, dẫu rằng tôi đã làm theo sự chỉ dẫn của người bán…".

Trước những thông tin đa chiều về cây sưa, không ít người vì nghĩ tới lợi ích trước mắt đã bạo dạn hạ bỏ những cây trồng khác để đầu tư tiền của, công sức cho việc trồng sưa mà không biết giá trị thực sự của chúng ra sao. Do đó, người dân phải cân nhắc kĩ khi mua sưa về trồng. Nếu không có những định hướng rõ ràng, và biện pháp cụ thể, cũng có thể đưa người dân rơi vào hậu quả khôn lường như việc trồng khoai lang, trồng khóm… ở miền Tây.

Quyên Triệu