Đua theo “mốt” ra nước ngoài chữa bệnh

Đua theo “mốt” ra nước ngoài chữa bệnh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Không cứ ở nước ngoài, ngay tại Việt Nam các bác sỹ cũng có thể xử lý thành công nhiều ca bệnh phức tạp.

"Bụt chùa nhà không thiêng" là đối với người lắm tiền, nhiều của họ "đua" nhau ra nước ngoài chữa bệnh... Nhiều loại bệnh mà các bệnh viện trong nước điều trị rất tốt, khỏi bệnh, không để lại di chứng, ít tốn kém nhưng các "đại gia" vẫn muốn sang Singapore chỉ để nhổ răng, cắt bao quy đầu, nạo họng hạt... Thực chất, họ đi du lịch và khám chữa bệnh chỉ là cái cớ để tiêu tiền và khoe với bạn bè rằng: Vừa đi chữa bệnh ở nước ngoài về?!

Điểm đến “lý tưởng”

Trước đây, điểm đến để khám chữa bệnh ở nước ngoài của các "đại gia" chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan thì hiện nay là các nước châu âu như: Pháp, Đức, Anh, Italia... Tại châu á, là Nhật, Hàn Quốc, Singapore... Singapore được đánh giá là đất nước có dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất Đông Nam á với mô hình bệnh viện chữa bệnh như khách sạn, nhà nghỉ ngơi.

Cũng theo quảng cáo thì thế mạnh của Singapore là chữa bệnh ung thư. Thời gian qua, theo thống kê thì cũng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư ở Việt Nam sang Singapore điều trị. Thái Lan trước đây cũng là sự lựa chọn của người mắc bệnh này. Còn Trung Quốc là địa điểm lý tưởng dành cho những người muốn ghép tạng do nguồn tạng dồi dào và kỹ thuật tiên tiến.

Chị Thanh Hằng (khu tập thể Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) chuẩn bị sang Singapore tái khám theo lịch hẹn. Người phụ nữ 42 tuổi này, bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4 và đã sang Singapore để xạ - hóa trị.

Anh Nguyễn Tiến Thắng (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) cho biết: "Tôi vừa đi Trung Quốc chữa bệnh. Tại đây, ghép thận đơn giản và nhanh hơn ở Việt Nam, dù rằng, kỹ thuật thì không mới. Họ gần với nền y học nước ta nhưng cách phục vụ của họ thì cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu. Điều đó, ở các bệnh viện Việt Nam không làm được".

Đại diện một tập đoàn y tế nước ngoài tại Việt Nam cho biết, số bệnh nhân sang Singapore điều trị tăng 12 lần so với trước đây. Còn lượng khách đi tự do trên thị trường thì con số có thể tăng đến gần 20 lần.

Ngay tại Việt Nam các bác sĩ cũng có thể xử lý thành công những ca bệnh phức tạp

“Tiền mất, tật mang”

Đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, các bệnh nan y về gan, phổi, tim thì cái chết và sự sống luôn như trò đùa của số phận. Đang cười, đùa với con, cháu nhưng 30 phút sau đã qua đời về với tổ tiên là hết sức bình thường. Chính vì thế, đi nước ngoài điều trị chỉ là cái cớ.

Bà Huỳnh Hồng Liên ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Trong giới buôn bán bất động sản, chồng tôi cũng có chút tiếng tăm. ông ấy bị bệnh liên quan đến hô hấp - phổi, tắc nghẽn mãn tính. Các bác sỹ giỏi trong nước, bệnh viện nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh khuyên không nên đi máy bay vì lúc máy bay lên, xuống độ cao, áp suất thay đổi, ảnh hưởng đến hô hấp.

Bạn buôn bán nói rằng, ông cứ sang Singapore chữa bệnh gì cũng khỏi. Tiền nhiều để làm gì. ông ấy cạy cục, đòi vợ, con đưa đi bằng được, bất chấp lời khuyên của bác sỹ. Thế là phải chiều ông ấy, tôi mua vé máy bay hạng nhất. Sang đến nơi, các bác sỹ ở Singapore trách: "Bệnh này mà cũng dám đi máy bay?! ".

Chồng bà Liên được đưa vào cấp cứu, tiêm một mũi làm giãn phế quản để thở hết 1.000 USD. Điều trị ở Singapore ổn bệnh rồi, bà Liên lo chặng đường về cho chồng. Bác sỹ lo ngại: “Chẳng biết điều gì sẽ xảy ra”. Chồng bà về đến Việt Nam được 3 ngày thì chết, trong khi đó, ở Singapore bệnh đã rất ổn rồi.

Nghệ sỹ tài ba H.P.Đ cũng vậy. Anh bị ung thư giai đoạn cuối. Nghệ sỹ này sang Singapore điều trị và được áp dụng phương pháp điều trị mới, như thể đưa mình ra làm thí nghiệm đầu tiên, khỏi bệnh thì tốt, chẳng khỏi thì đó là “số phận”.

Cuối cùng phương pháp điều trị mới đó cũng không giúp người nghệ sỹ tài ba này thoát được lưỡi hái tử thần. Sau nhiều ngày chữa bệnh ở Singapore, anh lại nhập Viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh và qua đời trong sự tiếc nuối của giới nghệ sỹ và những người yêu nghệ thuật.

Không nên “sính ngoại” thái quá

Bác sỹ Nguyễn Gia Long, Bệnh viện Bưu Điện thừa nhận: "Tôi đã từng được một bệnh viện nước ngoài tại Hà Nội mời sang làm việc và cũng vài lần đưa người nhà ra nước ngoài chữa bệnh. ở những nơi đó họ có cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại cũng như cách phục vụ tận tình làm cho bệnh nhân cảm giác mình đúng là thượng đế.

Điều này, ở các bệnh viện của chúng ta - kể cả công và tư - chưa thể làm được. Cũng có thể, vì cơ sở vật chất của nước ngoài "đồ sộ" hơn chúng ta - vì họ là dân kinh doanh - nên họ có thể đáp ứng được nhiều bệnh nhân. ở đó, không có sự quá tải nên giữa người bệnh và y bác sỹ điều trị cũng thân thiện với nhau hơn. Đặc biệt, nguy cơ nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị ít xảy ra hơn rất nhiều".

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội khuyến cáo: "Nhiều bệnh ở trong nước chữa tốt, rất tốt là đằng khác nhưng không hiểu sao, một bộ phận người có tiền cứ "sính" ngoại.

Ngay cả những loại bệnh ung thư dạ dày, vú, đại tràng ... chất lượng điều trị ở Việt Nam cũng không thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực, sao cứ phải đem ngoại tệ ra nước ngoài tiêu như thế?".

Quế Ngân - Hương Lan