"Dùng bằng giả khó có "đất" để sống”.

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Nhà giáo Trịnh Lương (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, những kẻ làm bằng giả vẫn còn có đất "làm ăn" vì vẫn có kẻ muốn làm "giả" tri thức.

Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo, trường đại học Điện lực Hà Nội cho biết: "Bộ GD&ĐT đã có quy định về cấp bằng tốt nghiệp rất chặt chẽ. Mỗi trường đều có một hồ sơ gốc trong đó lưu các thông tin của sinh viên. Sinh viên khi đủ điều kiện tốt nghiệp phải trực tiếp đến nhận và ký tên. Ngay cả những người tốt nghiệp vài chục năm thì trường chúng tôi vẫn còn sổ gốc lưu. Một số đơn vị tuyển dụng từng gửi công văn yêu cầu nhà trường xác nhận sinh viên theo học tại trường. Chúng tôi đều kiểm tra và gửi xác nhận cho các đơn vị này để đảm bảo uy tín và quyền lợi của sinh viên từng theo học tại đây".

Xã hội - 'Dùng bằng giả khó có 'đất' để sống”.

Hình minh họa

ĐB Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm trường hợp cán bộ, công chức nhờ người thi hộ. Như thế, là bằng thật nhưng chất lượng giả được bổ sung vào hồ sơ cán bộ. Liệu có phải do việc tuyển dụng công chức chỉ thông qua hồ sơ, áp lực bằng cấp nên đã làm nảy sinh tình trạng mua bán bằng cấp?. Thi công chức cũng dựa trên bằng cấp. Một đề thi lại dùng chung cho hàng trăm người, vào những vị trí làm việc khác nhau; đặc biệt chưa có cơ chế đào thải cán bộ công chức... cũng là nguyên nhân góp làm giảm chất lượng, năng lực, trách nhiệm của cán bộ”.

Ông Nguyễn Thái Bình, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực tế tình hình tuyển dụng cán bộ, công chức những năm qua còn có sự bất cập. Trước đây, việc tuyển dụng thực hiện theo Pháp lệnh cán bộ, công chức (CBCC). Hiện nay thì theo Luật CBCC và Luật Viên chức, trong đó không chỉ có một đề thi mà bao gồm cả môn kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học. Riêng chuyên môn nghiệp vụ sẽ được tính hệ số 3 để đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong quá trình tuyển dụng có sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT nên sẽ hạn chế việc học giả bằng thật".

Anh Phạm Văn Duy, sinh viên ĐH GTVT Hà Nội nêu quan điểm: "Có cung ắt có cầu, có người cần mua bằng giả thì sẽ có người làm bằng giả bởi lợi nhuận làm lóa mắt. Những người mua bằng cấp chỉ có thể để làm đẹp hồ sơ và qua vòng sơ tuyển. Tôi tin, bất cứ đơn vị tuyển dụng nào cũng thừa khả năng để kiểm tra trình độ chuyên môn của người dự tuyển có đúng với tấm bằng mà họ nhận được hay không. Đặc biệt là các công ty tư nhân, liên doanh. Họ tổ chức phỏng vấn trực tiếp hoặc test ngay bằng công việc cụ thể. Các đơn vị này không để ý nhiều đến bằng cấp như các công ty Nhà nước mà coi chỉ coi trọng thực lực. Hồ sơ dù đẹp nhưng chuyên môn kém thì cũng bị loại ngay từ vòng sơ tuyển”.

TS. Hồ Trọng Ngũ, Ủy ban an ninh Quốc phòng của Quốc hội cho rằng: "Những người dùng bằng giả sớm muộn cũng sẽ bị lộ. Bởi một teem bằng có thể làm giả nhưng tri thức là thứ khó có thể giả dối. Đặc biệt, Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 27 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Trong đó, viên chức quản lý dùng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm sẽ bị cách chức. Ngành nội vụ với vai trò là cơ quan tổ chức, nghiên cứu tham mưu về cán bộ không sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong tuyển dụng cán bộ trong cơ quan Nhà nước. Vì thế, thời gian tới, dùng bằng giả khó có "đất" để sống”.

Nhà giáo Trịnh Lương (Tây Hồ, Hà Nội): Những kẻ làm bằng giả vẫn còn có đất "làm ăn" vì vẫn có kẻ muốn làm "giả" tri thức. Không muốn mất công sức, trí tuệ, thời gian, tâm lực mà vẫn mong có "thành tích" để khoe, để tìm kiếm cơ hội thông qua một tấm bằng. Trong xã hội hiện giờ xuất hiện nhiều thứ giả được làm tinh vi, mua bán dễ dàng. Tôi cho rằng, những kẻ muốn "mua" tri thức với giá rẻ mạt và không tốn công sức cần bị xã hội lên án và xử lý nghiêm. Đặc biệt, việc tuyển dụng cán bộ, công chức phải minh bạch hơn. Làm sao để thu hút được người giỏi chứ không phải người có hồ sơ đẹp”.

Tội phạm "tố" quản lý lỏng lẻo

Điều khiến PV bất ngờ chính là việc tên tội phạm Vũ Đình Quyền vừa bị Công an quận Đống Đa bắt giữ lại "tố" quản lý lỏng lẻo. Quyền còn đưa kiến nghị: "Sở dĩ việc mua bán và làm bằng giả vẫn phát là vì các cơ quan chức năng chưa xây dựng được hệ thống hoàn chỉnh. Là bằng giả thì tên người tốt nghiệp không bao giờ có trong hồ sơ lưu ở các trường ĐH, CĐ... Nếu hệ thống của mình hiện đại, các cơ quan tuyển dụng chỉ cần gõ thông tin nhân viên của mình trên máy tính là có thể biết về quá trình học tập của nhân viên đó như tốt nghiệp năm nào, loại gì... Như vậy, ai dùng bằng giả sẽ lập tức bị lộ tẩy".

NPV