Đừng để 'ông nghị, bà nghị' bỏ phiếu cho nhau

Đừng để 'ông nghị, bà nghị' bỏ phiếu cho nhau

Thứ 2, 08/07/2013 | 08:33
0
Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên áp dụng với các chức danh thuộc cơ quan hành pháp. Vì Quốc hội và HĐND các cấp là cơ quan quyền lực do dân bầu ra, nếu những chức danh do dân bầu mà đạt phiếu tín nhiệm thấp thì phải do nhân dân quyết định chứ không nên để các "ông nghị, bà nghị" tự bỏ phiếu cho nhau.

Luật sư Lê Đức Tiết - phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đưa ra quan điểm như trên, khi trao đổi về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đối với chức danh chủ chốt, vừa được công bố cuối tuần qua. Theo luật sư Lê Đức Tiết, các chức danh được lấy phiếu đều đạt tín nhiệm, trong đó có nhiều người đạt tỷ lệ tín nhiệm rất cao, trong khi Thành phố (TP) còn tồn tại nhiều vấn đề mà cử tri bức xúc khiến dư luận không khỏi nghi ngại.

Xã hội - Đừng để 'ông nghị, bà nghị' bỏ phiếu cho nhau

Các Đại biểu HĐND TP Hà Nội vui vẻ bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7

Kết quả không phản ánh đúng thực tế

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND TP Hà Nội vừa qua cho thấy hầu hết các chức danh của TP đều đạt tín nhiệm, trong đó nhiều người đạt tỷ lệ rất cao. Ông có cho rằng kết quả đó phản ánh đúng thực chất?

Xã hội - Đừng để 'ông nghị, bà nghị' bỏ phiếu cho nhau (Hình 2).
Luật sư Lê Đức Tiết

Trước hết, tôi xin hoan nghênh việc lấy phiếu tín nhiệm của Hà Nội. Tuy nhiên về cách làm, tôi cho rằng Hà Nội đã làm chưa thực sự khách quan. Trong việc lấy phiếu, việc cấp dưới bỏ phiếu cho cấp trên thì việc đảm bảo tính khách quan là rất khó. Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội thì tính khách quan được thể hiện rõ hơn, còn ở Hà Nội thì tôi chỉ thấy được một phần nào đó.

Đặc biệt, ở Hà Nội còn rất nhiều việc mà HĐND và UBND TP chưa làm được cho dân, chưa làm người dân thật sự thỏa mãn. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính và năng lực cạnh tranh của Hà Nội bị đánh giá rất thấp, nên tôi cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua của Hà Nội chưa đánh giá hết thực chất các vấn đề còn tồn tại của Thủ đô.

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội chỉ lấy phiếu với 18 chức danh là thành ủy viên và các chức danh chủ chốt do HĐND TP bầu, trong đó chỉ có 4 giám đốc sở, ngành, ông có cho rằng những người nằm trong diện lấy phiếu như vậy là quá ít?

Việc Hà Nội chỉ tiến hành lấy phiếu với 18 chức danh là thành ủy viên và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu, theo tôi đó là cách làm “chưa đúng sách”. HĐND TP đã quá thu hẹp đối với các đối tượng trong diện được lấy phiếu. Hà Nội hiện là một trong những địa phương đang tồn tại quá nhiều các vấn đề dân sinh bức xúc: Giáo dục, nhà đất,... bởi vậy, TP cần phải mở rộng đối tượng lấy phiếu, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ngành của TP.

Theo dõi kỳ họp, tôi cũng thấy chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh kiến nghị với Quốc hội cần sớm hoàn thiện thể chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức vụ do HĐND TP bầu. Về đối tượng được lấy phiếu, bà Thanh cho rằng cần phải mở rộng đối với tất cả các sở, ngành của UBND TP. Đồng thời, không nên lấy phiếu đối với các chức danh trưởng ban của HĐND. Tôi cho rằng đó là điều cần thiết.

Tại kỳ họp HĐND Hà Nội vừa kết thúc, nhiều đại biểu kiến nghị từ lần lấy phiếu tiếp theo, chỉ nên quy định hai loại phiếu là tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì 3 mức như hiện nay. Ông có đồng tình với quan điểm đó, kể cả việc lấy phiếu tại Quốc hội?

Tôi đồng tình với quan điểm này. Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay chỉ mang tính hình thức chứ không phải là cách làm để đánh giá mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu. Việc lấy phiếu nên chỉ để ở hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Ai được nhiều phiếu tín nhiệm thì tính điểm cao, còn anh nào được ít phiếu thì tính điểm thấp.

Đừng để đại biểu dân cử bỏ phiếu cho nhau

Ông có cho rằng khi tiến hành lấy phiếu, rất khó tránh khỏi việc người này bỏ phiếu cho người kia vì tình cảm, quan hệ, vì nể nang?

Tôi cảm thấy việc lấy phiếu vẫn còn có sự nể nang. Trong tiêu chí bỏ phiếu tín nhiệm vẫn còn chung chung, không rõ ràng. Các đại biểu chủ yếu dựa vào các báo cáo của các chức danh gửi đến để đánh giá. Do đó, việc bỏ phiếu nhiều khi còn mang nặng cảm tính hơn là sự đánh giá khách quan.

Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên lấy phiếu đối với những chức danh thuộc cơ quan hành pháp, quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên áp dụng với các chức danh thuộc cơ quan hành pháp, vì Quốc hội và HĐND các cấp là cơ quan quyền lực do dân bầu ra, nếu những chức danh do dân bầu mà đạt phiếu tín nhiệm thấp thì phải do nhân dân đánh giá, xem xét và quyết định chứ không nên để các đại biểu bỏ phiếu cho nhau. Trong khi đó, cơ quan hành pháp là cơ quan hành chính của cơ quan quyền lực. Bởi vậy, cơ quan quyền lực bỏ phiếu cơ quan hành chính là hoàn toàn hợp lý.

Cơ quan dân cử tín nhiệm "áp đảo" cơ quan hành pháp

  • Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trong danh sách 10 người có phiếu "tín nhiệm cao" nhiều nhất, dẫn đầu là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (372 phiếu). Trong danh sách này còn có chủ tịch Quốc hội, 2 phó chủ tịch Quốc hội cùng 3 Chủ nhiệm Ủy ban và 1 trưởng ban Công tác đại biểu.
  • Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội, dẫn đầu số phiếu "tín nhiệm cao" là bà Ngô Thị Doãn Thanh, chủ tịch HĐND TP, với 87/93 phiếu (91,58%). Đặc biệt, trong kết quả kiểm phiếu, ông Nguyễn Hoài Nam - trưởng ban Pháp chế HĐND TP, là người duy nhất không có đại biểu nào bỏ phiếu tín nhiệm thấp; Tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh Quảng Nam, người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Sỹ, chủ tịch HĐND tỉnh, với 46 phiếu (82,14%). Kế đó là ông Võ Hồng - trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND với 45 phiếu (80,36%); Tại Cần Thơ, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi cũng được tín nhiệm cao nhất với 48/48 đại biểu có mặt (vắng 6 đại biểu) bỏ phiếu "tín nhiệm cao" và không có phiếu nào "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Theo Báo Giao thông vận tải

Hôm nay, Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 lãnh đạo

Thứ 5, 04/07/2013 | 08:34
Hôm nay (4/7), HĐND Thành phố Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh lãnh đạo chủ chốt do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Hà Nội công bố kết quả phiếu tín nhiệm 18 chức danh

Thứ 5, 04/07/2013 | 15:33
Chiều 4-7, HĐND Thành phố Hà Nội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh do HĐND thành phố bầu và phê chuẩn. Phiên lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh diễn ra trong buổi sáng cùng ngày có 93/95 đại biểu tham dự bỏ phiếu.

Tháng 7 Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm: Kết quả sẽ được công khai

Thứ 4, 26/06/2013 | 09:40
“Kỳ họp HĐND diễn ra vào đầu tháng 7 tới, Hà Nội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh chủ chốt. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được công bố công khai để cử tri và nhân dân biết”, phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết.