Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam

Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam

Thứ 4, 15/05/2013 | 11:36
0
Tuy đã cảnh giác cao độ với các “chiêu độc” nhằm “chặt chém” ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhiều du khách đến đây phải “ôm cục tức” ra về. Bãi biển này có thời gian trở thành nỗi khiếp đảm với không ít du khách.

Du lịch chặt chém: 'Mài dao cả năm, chờ 3 tháng hè'

Sầm Sơn là điểm du lịch vốn khá “nổi tiếng” với chuyện ép giá, bắt nạt khách. Nhiều du khách đến nơi này mặc dù đã được chuẩn bị trước tinh thần nhưng vẫn không tránh khỏi những thủ đoạn “móc tiền” tinh vi của nhiều dịch vụ tại đây.

Anh Nguyễn Văn Lâm – một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi đi nghỉ ở đây mà toàn gặp chuyện bực mình. Suốt 3 ngày nghỉ, sử dụng dịch vụ gì tôi cũng có cảm giác mình bị lừa đảo. Ngày đầu tiên xuống đến đây, tôi và bạn gái định đi xe điện một vòng thị xã để thăm thú. Người lái xe cho biết tiền xe là 15.000đ/người/chặng. Khi xuống xe họ bắt phải trả 300.000đ cho 2 người. Họ bảo vừa chở chúng tôi đi qua 10 chặng vì đối với họ cứ đi qua 1 ngã ba là đi qua 1 chặng”.

Rút kinh nghiệm chuyện đi xe điện, hôm sau anh Lâm muốn ra chợ mua hải sản nên đã tìm đến người phục vụ khách sạn để hỏi kinh nghiệm cho “chắc ăn”. Anh Lâm kể: “Người phục vụ khách sạn nói là không nên mua đồ biển ở gần biển và khu phố gần đó vì toàn hàng thải loại từ các đại lý và cân rất điêu. Cô ấy còn bảo tôi nên đi bằng xích lô ra chợ mua vừa tươi vừa cân đúng, mà đi xích lô cô ấy gọi hộ chỉ hết 10.000đ cả đi và về. Tôi rất tin tưởng vì nghĩ mình đã tìm được đúng người. Thế nhưng, người chở xích lô lại đưa tôi tới một đại lý bán hải sản. Khi tôi thắc mắc là tôi cần ra chợ thì anh ta nói với anh ta đó là chợ! Anh ta còn tỏ ra rất sốt sắng lo cho việc mua bán của chúng tôi. Tôi thấy đồ ở đó vừa không tươi vừa đắt nên không mua thì anh ta tỏ ra gắt gỏng không hài lòng. Tìm hiểu kỹ tôi mới biết, những người đạp xích lô đưa khách đến các đại lý sẽ được đại lý chia hoa hồng nếu khách mua hàng. Ngoài những chuyện này thì còn vô số bực mình khác như đã mặc cả nhưng khi thanh toán lại tính một giá khác…. Tôi đi du lịch mà thấy ức chế vô cùng! Tôi sẽ không bao giờ quay lại đây nữa!”.

Lạ & Cười - Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam

 Giá được niêm yết đi xe điện quanh thị xã Sầm Sơn là 15.000 đồng/chặng, nhưng các tài xế lại tính cứ qua 1 ngã ba là 1 chặng để tính tiền.

Chị Nguyễn Thu Hà – một du khách đến từ Bắc Ninh cũng tỏ ra vô cùng bức xúc: “Tôi thấy khu du lịch này khá đẹp nhưng sử dụng dịch vụ nào cũng thấy lo vì họ bất chấp mọi thủ đoạn để lấy bằng được tiền của khách. Ví dụ như tôi cho con gái cưỡi ngựa và chụp ảnh, họ bảo tiền chụp ảnh hết 20.000đ/kiểu. Tôi cứ nghĩ giá dịch vụ chụp ảnh là như vậy. Đến khi con tôi xuống họ đòi 100.000đ công cưỡi ngựa vì con tôi chụp 5 kiểu ảnh còn tiền ảnh thì phải trả riêng cho người chụp ảnh. Đến tối, khi đi uống café, tôi đã hỏi rất kỹ giá của từng loại đồ uống và thấy giá cũng hợp lý nên cả gia đình quyết định ngồi ở quán đó. Uống giữa chừng chúng tôi gọi thêm 2 đĩa hướng dương nhỏ và không hỏi giá vì nghĩ nó chỉ hết vài nghìn đồng. Tuy nhiên, khi tính tiền họ đã tính tới 100.000đ cho 2 đĩa hướng dương này. Chẳng lẽ đi du lịch lại cãi nhau với họ nên đành trả cho xong chuyện”.

Một độc giả khác phàn nàn, “khi cùng mấy anh em đi lên hòn Trống Mái chơi, rồi chụp ảnh (tất nhiên là bằng máy của chúng tôi), chụp xong có người ra đòi 200.000 đồng, bảo trong ảnh của chúng tôi có con gấu, con khỉ đứng tạo cảnh lên phải trả phí. 5 kiều mỗi kiểu có một gấu một khỉ = 10 con x 20.000 = 200.000 đồng. Chúng tôi làm căng, rồi cử một anh em ra mời chú công an ở gần đó đến để giải quyết. Các bạn có biết công an nói gì không? ‘Thôi các anh cứ trả đi, luật ở đây là thế mà', chúng tôi rất ức chế"..

Theo lời độc giả Nguyen Thi An, khi đến Sấm Sơn, vì tới nơi muộn và mệt nên đoàn 10 người của bà có nhờ chủ nhà nấu cho một nồi cháo gà ăn sáng. Hỏi giá tiền, chủ nhà trọ nói hết 500.000 đồng. Sáng hôm sau, khi múc cháo ăn thì mặn không nuốt nổi, còn hóa đơn thanh toán lên tới 1,2 triệu đồng. Khi hỏi lại thì họ nói 500.000 đồng là nồi cháo, còn 500.000 đồng là tiền củi lửa, 200.000 đồng là công phục vụ và rửa bát. “Ôi trời” - độc giả này phải thốt lên.

Độc giả Lê Thành Long (long...@gmail.com) cũng bực tức không kém khi phải trả 500.000 đồng cho 3 li cà phê. Anh kể: "Năm 2008, công ty tổ chức cho nhân viên đi du lịch Sầm Sơn. Đi uống cà phê chủ quán nói giá 15.000 đồng/li, nhưng đến khi tính tiền hóa đơn báo cafe 15.000 đồng cộng tiền ghế, tiền thuế, tiền mặt bằng, tiền đá... tóm lại uống li 3 cà phê hết 500.000 đồng. Cho nên giờ tụi tôi cạch Sầm Sơn luôn”.

Thậm chí, các dịch vụ ở Sầm Sơn còn “chặt chém” cả chính người dân quê mình. Nhiều độc giả người Thanh Hóa cũng thừa nhận rằng, bài báo mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ các tệ nạn ở Sầm Sơn. Theo lời độc giả có địa chỉ email tuyen...@yahoo.com “nhà tôi chỉ cách Sầm Sơn khoảng 7km, cách biển chỉ 4km nhưng tôi không bất ngờ với những thông tin trên. "Tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó, tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng giờ mà không hết những tệ nạn này”, độc giả này nói.

Bên cạnh chuyện của anh Lâm, chị Hà thì rất nhiều du khách cũng rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì việc chặt chém của các dịch vụ khác như ghế ngồi, ăn uống, hát karaoke…

Cái lợi trước mắt sẽ đánh mất tương lai

Có thể coi là cưỡng đoạt tài sản

Luật sư Phạm Thanh Sơn – trưởng văn phòng Luật sư Nam Hà Nội cho biết, những vấn đề nêu trên liên quan đến Luật bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã phải trả giá quá cao so với dịch vụ mà họ được sử dụng. Trong các trường hợp đe dọa khách để lấy tiền quá với giá thực tế đều có thể coi là cưỡng đoạt tài sản. Nếu người bán hàng dùng vũ lực hoặc có hành vi đánh, đe dọa…thì cũng có thể coi là hành vi cướp. Những trường hợp thông thường có thể xử lý hành chính còn những hành vi nghiêm trọng có thể chuyển sang xử lý hình sự.

Nhiều du khách cho biết, số tiền mà họ phải trả không quá nhiều để phải kiện cáo nhưng họ cảm thấy vô cùng bực mình. Chị Kim Dung – một du khách từ Hải Dương đưa ra nhận xét: “Nhiều người ở Sầm Sơn đã không từ các thủ đoạn để lấy được tiền của khách. Tôi cho rằng đây là vấn đề đạo đức. Họ không nghĩ đến chuyện kinh doanh lâu dài mà chỉ tính chuyện “ăn xổi”. Họ làm ăn như vậy thì khách cũng chỉ dám đến 1 lần. Cái mất lớn hơn là họ sẽ khiến thế hệ con cháu cũng sẽ “noi gương” cha mẹ mà kiếm tiền không cần nghĩ đến lương tâm”.

Ông Lê Trọng Dòng – trưởng phòng Văn hóa Thể thao & Du lịch thị xã Sầm Sơn cho biết, đây cũng là vấn đề các cơ quan chức năng của thị xã rất quan tâm và có nhiều cuộc họp bàn nhằm tìm ra giải pháp xử lý. Mùa du lịch năm nay, chính quyền địa phương cũng đã có quy định niêm yết giá đối với các cơ sở kinh doanh cố định và lập rất nhiều bảng giá ở trong địa bàn quy định rõ giá của các dịch vụ như ghế ngồi, chụp ảnh, thuê phao….kèm theo số điện thoại của đường dây nóng. Đi kèm với việc niêm yết, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt các cơ sở sai phạm. Hàng trăm trường hợp đã bị xử phạt, thậm chí đình chỉ kinh doanh. Tuy nhiên, việc xử lý này cũng không kiểm soát được toàn bộ. Ông Dòng cho rằng, các du khách nên để ý đến số điện thoại đường dây nóng được công bố ở nhiều bảng biển trên các tuyến đường dọc bờ biển. Khi gặp “sự cố” chèn ép về giá, khách nên gọi đến đường dây nóng và nêu rõ vị trí và tình trạng đang gặp phải thì các lực lượng chức năng sẽ đến để giải quyết.

Lạ & Cười - Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam (Hình 2).

Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch Việt nam

Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch

Hầu hết độc giả đều cho rằng, nếu không muốn bị du khách tẩy chay và Sầm Sơn chỉ là một bãi biển trong ký ức buồn của khách thập phương và biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam, chính quyền và người dân địa phương cần có biện pháp mạnh và xử lý nghiêm khắc tình trạng này.

“Người dân Sầm Sơn cần kịch liêt lên án những hành vi chặt chém để bảo vệ chính cuộc sống của mình. Nếu cứ đà này thiết nghĩ chi vài năm tới Sầm Sơn sẽ trở thành bài biển hoang vắng, hãi hùng, là địa chỉ đáng xấu hổ của du lịch Việt Nam” - độc giả Quang Hung (quanghung...@gmail.com) cảnh báo.

Theo độc giả Nguyen Thao, một người đang sống và làm việc tại Indonesia, kể rằng Bali là địa danh du lịch nổi tiếng nhất ở Indonesia, không quá đẹp, thậm chí còn thua các bãi biển ở miền Trung Việt Nam, trong khi dịch vụ ở đây cũng khá đắt đỏ. Song, lý do chính thu hút hàng triệu du khách quốc tế chính là dịch vụ ở đây quá tốt và chuyên nghiệp. Khách hàng mất tiền nhưng cảm thấy xứng đáng và vui vẻ. “Một lần ở Bali, sau khi đi WC (nhà vệ sinh) gặp người lao công hỏi có phải trả phí không (họ túc trực, lau dọn thường xuyên), tôi bất ngờ và ấn tượng với câu trả lời bằng tiếng Anh không thể chuẩn hơn: It is up to you! (Tùy bạn). Du lịch Việt Nam ơi, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất đi”, độc giả này kêu gọi.

Độc giả Phạm Văn Tuân thì cho rằng, các nhà quản lý du lịch ở Sầm Sơn sao không đến Nha Trang thử học “một sàng khôn”, hay một thành phố làm du lịch rất tốt khác như Đà Nẵng.

Một khách du lịch tâm huyết nhìn nhân, việc dẹp vấn nạn chặt chém không quá phức tạp, quan trọng nhất là chính quyền có quyết tâm và tích cực vào cuộc không thôi.

Trên thực tế, từ năm 2012 trở lại đây, chính quyền Sầm Sơn đã có nhiều biện pháp mạnh nên tình trạng “chặt chém” đã giảm nhiều. Độc giả Minh Thành kể rằng, bản thân cũng từng có ấn tượng không tốt về Sầm Sơn nhưng hè 2012 khi cùng gia đình về đây nghỉ anh thật sự hài lòng khi thấy bãi biển rất sạch, không còn hàng rong chèo kéo, không còn trẻ con mời tẩm quất làm phiền, hàng quán bán đúng giá và cư xử đúng mực, lực lượng an ninh trật tự đi tuần liên tục, số điện thoại nóng treo khắp nơi. Chính quyền thị xã Sầm Sơn đã làm rất tốt việc quản lý và thay đổi đáng kể bộ mặt cho khu vực bãi biển nơi này.

Tương tự, độc giả Hoàng Phố (letrangthuy...@gmail.com), cho biết, những điều báo nêu ở trên đã tồn tại nhiều năm nay nhưng gần đây, Sầm Sơn đã có thay đổi đáng kể. Gia đình độc giả này vừa đi Sầm Sơn đợt 30/4 vừa rồi. “Chúng tôi rất hài lòng về bờ biển đẹp, sóng to, bãi biển sạch sẽ. Ăn uống dịch vụ cũng vừa phải. Nếu có điều kiện tôi vẫn sẽ quay lại Sầm Sơn”, độc này viết.

Không chỉ Sầm Sơn, một số điểm du lịch khác ở Việt Nam cũng nổi tiếng về bệnh “chặt chém”. "Chặt chém" đã thành một đặc trưng đáng xấu hổ, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ có ý định quay lại.

Bạn đã bao giờ lâm vào tình cảnh đó chưa? Cần làm gì để chấm dứt tình trạng “chặt chém”, móc túi khách một cách vô lý như vậy?.

Phú Sang (t/h)

Những chiêu chặt chém khét tiếng ở Sầm Sơn

Thứ 3, 14/05/2013 | 11:07
Tuy đã cảnh giác cao độ với các “chiêu độc” nhằm “chặt chém” ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhiều du khách đến đây phải “ôm cục tức” ra về. Bãi biển này có thời gian trở thành nỗi khiếp đảm với không ít du khách.

Về Sầm Sơn, xem đánh bạc công khai

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), tổ chức khai mạc “Tuần Văn hóa Du lịch Sầm Sơn” từ tối 28.4. Vì thế, tranh thủ trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, hàng vạn du khách nhiều nơi đã tập trung về thị xã du lịch này để tắm biển và nghỉ mát.

Sầm Sơn: Rớt động thủy cung, ngộ độc tập thể

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Hai vụ việc đáng tiếc xảy ra liên tiếp trong 1 ngày ở thị xã du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đúng dịp nghỉ cuối tuần đã làm xôn xao dư luận và gây tâm lý lo ngại cho du khách đang nghỉ ngơi, tắm biển tại đây.

Luộc tiền khách Tây khi khắp nơi chống ’chặt chém’

Thứ 2, 13/05/2013 | 10:55
Dù các tỉnh đang nỗ lực giải quyết nạn "chặt chém" để giữ hình ảnh du lịch nhưng hiện tượng này vẫn phổ biến khắp nơi, đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Khách du lịch hoảng sợ trước 1001 chiêu 'chặt chém'

Thứ 6, 03/05/2013 | 14:51
Dư luận trong những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 lại nóng với chuyện "chặt chém" du khách tại những điểm du lịch. Chuyện ba du khách Pháp bị tài xế taxi, nhân viên khách sạn trên phố cổ Hà Nội lừa đảo, dọa giết, hay một du khách đi xích lô 1,5km phải trả 1,3 triệu đồng... chỉ là giọt nước tràn ly khi nạn "chặt chém" đã được gọi thành quốc nạn.