"Đừng mong doanh nghiệp giảm giá xăng dầu"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Mấy ngày qua, báo chí liên tục phản ánh bức xúc của dư luận trước thực trạng giá dầu thô tại thị trường Singapore liên tục giảm mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn dậm chân tại chỗ.

Mới đây, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có cuộc làm việc với Cục Quản lý giá để xem xét giá xăng dầu. Có thể nói, chưa khi nào cuộc họp của Bộ Tài chính lại được người dân quan tâm với sự khấp khởi hi vọng như lần này. Thế nhưng, buổi làm việc ấy vẫn chưa đưa ra được kết luận cụ thể về việc điều chỉnh giá xăng dầu.

Trao đổi với TS Vũ Đình Ánh, phó Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhằm giải mã những sự khó hiểu của giá xăng dầu hiện nay.

Chưa có thị trường xăng dầu đúng nghĩa

Ông nhận định như thế nào về thị trường xăng dầu cũng như cách điều hành thị trường này của liên Bộ Công thương và Tài chính hiện nay?

Hai văn bản quy định về xăng dầu là Nghị định 55 (năm 2007) và Nghị định 84 (năm 2009) có một chung là lớn những điểm quan trọng. Bởi vì cứ chuẩn bị áp dụng hai văn bản này thì giá xăng dầu trên thế giới lại biến động và liên Bộ lại tham gia vào điều hành. Trong khi những Nghị định này đều quy định quyền xác định giá là quyền của doanh nghiệp.

TS. Vũ Đình Ánh

Để xăng dầu theo đúng giá thị trường phải được hình thành nên từ thị trường nhưng thực sự ở Việt Nam chưa có thị trường xăng dầu. Hiện nay Petrolimex chiếm tới 60% thị phần, có giai đoạn chiếm tới 70% nên không thể gọi là thị trường đúng nghĩa. Thêm nữa, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được quyền quyết định giá và đây cũng là một biểu hiện để không thể nói chúng ta đang có thị trường xăng dầu.

Một trong những lý do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa ra để không phải giảm giá trong nước là tránh tình trạng xuất khẩu lậu xăng dầu. Điều này có hợp lý?

Không nên so sánh giá xăng dầu giữa nước này với nước khác. Bởi bản chất giá xăng dầu không phải ở chỗ giá xăng dầu khác nhau giữa các nước, cũng không phải ở sự biến động của giá cả. Giá xăng dầu ở các nước cao là do nhà nước thu ngân sách trên giá xăng dầu cao và ngược lại. Giá cả là phải có sự tương quan giữa hàng hóa này và hàng hóa khác, như giá điện cũng vậy. Không thể đòi hỏi giá điện của Việt Nam bằng ở Mỹ trong khi giá của mọi hàng hóa khác ở Việt Nam lại chỉ bằng một nửa ở Mỹ.

Vậy vấn đề mấu chốt nhất của thị trường xăng dầu Việt Nam là gì?

Nhìn vào cơ chế hiện nay thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp là như nhau và xung đột với lợi ích của người tiêu thụ xăng dầu. Mối quan hệ lợi ích về giá xăng dầu gồm 3 bên. Lợi ích của nhà nước từ các khoản thuế. Lợi ích của doanh nghiệp là lợi nhuận, lợi nhuận càng nhiều càng tốt và quy định càng dễ càng tốt. Điều này được thỏa mãn bằng việc tăng giá, việc tăng giá trong hoàn cảnh chưa có thị trường cạnh tranh thì cứ thích là tăng.

Người tiêu dùng và đặc biệt các doanh nghiệp tiêu thụ xăng dầu muốn càng giảm càng tốt bởi vì nó trực tiếp đánh vào chi phí của doanh nghiệp. Lợi ích của Nhà nước là thu ngân sách, mà hiện nay chúng ta đang thu theo phần trăm (%) trên giá xăng dầu nên giá càng cao thì nguồn thu về cho ngân sách càng lớn.

Người dân cần thông tin minh bạch

Làm sao để giải quyết bài toán lợi ích giữa các bên này?

"Với cách quản lý hiện nay, đừng mong doanh nghiệp giảm giá"

Nhà nước phải tạo ra một cơ chế để quyền lợi của Nhà nước không gắn với câu chuyện tăng giá xăng dầu. Phương pháp tốt nhất, nếu xét từ góc độ tài chính là nên quy định khoản thu trên xăng dầu một khoản tuyệt đối, ví dụ 2 nghìn đồng hay 3 nghìn đồng /lít xăng thay cho việc thu bằng phần trăm trên giá xăng dầu. Phần còn lại là của doanh nghiệp, họ phải hạch toán.

Thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục và thị trường xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải giảm được chi phí giống như tất cả các doanh nghiệp khác. Để làm được điều đó phải có thị trường thực sự, còn độc quyền sẽ không thể làm minh bạch hóa được thị trường.

Nhà nước nên có cơ chế gì để điều hành thị trường xăng dầu tốt hơn?

Người tiêu dùng không quan tâm đến việc doanh nghiệp lỗ hay lãi hay Nhà nước trích khoản gì và bỏ khoản gì. Cái người dân quan tâm là diễn biến thị trường được công khai minh bạch, tăng là tăng đúng, giảm là giảm đúng.

Hiện nay có 11 đầu mối cung cấp xăng dầu nhưng lại chỉ có Petrolimex cung cấp thông tin giá xăng dầu. Tất cả những đầu mối còn lại cũng phải công khai thông tin vì muốn nhập khẩu xăng dầu là phải có giấy phép, không phải muốn nhập là nhập. Gốc của câu chuyện là phải diễn giải một cách công khai, giá thị trường phải được tạo lập trên thị trường, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện (kho chứa, phòng cháy chữa cháy, quyền tiếp cận ngoại tệ), không phải ai thích kinh doanh xăng dầu là kinh doanh được. Nhà nước có thể phân chia lại thị trường chẳng hạn như Petrolimex 30%, Xăng dầu quân đội 30%, còn lại cho những doanh nghiệp nhỏ. Như vậy đã có sự cạnh tranh với mô hình gần giống như viễn thông. Hiện nay Petrolimex nói sao chúng ta biết vậy, thiếu cơ chế cạnh tranh để người dân có quyền mua hàng rẻ hơn.

Thưa ông, có phải trong cơ cấu giá xăng dầu còn đang tồn tại nhiều vấn đề?

Nghị định 84 quy định, trong cấu thành giá xăng đã có lợi nhuận định mức 300 đồng cho doanh nghiệp đầu mối, 600 đồng cho đại lý. Nghĩa là dù doanh nghiệp xăng dầu công bố kinh doanh lỗ nhưng lợi nhuận cố định đã được tính trong giá thành. Đây là cái bất cập của Nghị định chứ không phải do doanh nghiệp. Ngay cả phần 600 đồng cho đại lý, nhiều doanh nghiệp đầu mối kêu là giờ đại lý không chịu làm, phải tính thêm cho đại lý 700 đồng hay 800 đồng và phần ấy lại được tính vào phần lỗ. Câu chuyện là vậy.

Quy mô của ngành xăng dầu rất lớn, vai trò của xăng dầu trong đời sống rất quan trọng. Đơn cử, nếu chỉ chậm giảm giá xăng dầu vài ngày là doanh nghiệp đã có thể đút túi hàng nghìn tỷ nên chẳng dại gì giảm giá. Với cách quản lý như hiện nay thì người tiêu dùng đừng mong các doanh nghiệp vì thương dân mà giảm giá.

Xin cảm ơn ông!

Lại Quỳnh