“Dùng ống nứa chữa rắn cắn là hoang đường”

“Dùng ống nứa chữa rắn cắn là hoang đường”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Trong khi bài thuốc chữa bệnh rắn cắn của ông giáo làng và một số lang y tuy có chút kỳ lạ, khó hiểu mà người dân đánh giá rất hiệu quả thì ngành Đông y cho rằng rất phản khoa học.

Báo Người đưa tin số 73 (ra ngày 13/6/2012) đã đăng tải trường hợp ông giáo già Bùi Hồng Thái (Thạch Thành, Thanh Hóa) có cách chữa rắn độc cắn kỳ lạ là dùng ống nứa “thần” cùng 3 lá trầu, 3 quả cau. Bài báo cũng đã nêu một số trường hợp đã được ông Thái chữa khỏi rắn cắn, trong đó có ông Nguyễn Hữu Việt (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành). Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư về tòa soạn bày tỏ quan điểm khác nhau về cách chữa trị rắn độc của ông giáo già Bùi Hồng Thái.

Xã hội - “Dùng ống nứa chữa rắn cắn là hoang đường”

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng cho rằng không nên tin vào những bài thuốc mê tín

PV báo Người đưa tin đã trao đổi với bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, thầy thuốc Nhân dân, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam. Bác sỹ Hướng chia sẻ: “Việc chữa rắn bằng cách thổi ống nứa của ông Bùi Hồng Thái ở Thanh Hóa là hoang tưởng, không thực tế. Bởi lẽ, rắn cắn cần có thuốc đặc trị chứ không thể dùng các bài thuốc kiểu mê tin dị đoan hoặc bài thuốc tâm linh như đọc thần chú hay dùng ống nứa để thổi lên người bị rắn cắn”.

“Tôi từng nghe rất nhiều “thần y” chữa rắn cắn mà người dân đồn thổi rằng rất hiệu quả. Tuy nhiên, xét đến cơ sở khoa học của ngành y thì các cách chữa trị đó hoàn toàn sai. Tôi nghĩ tiếng tăm của họ do người dân đồn thổi, truyền tai nhau, chứ không phải là thực tế”, bác sỹ Hướng nói. Cũng theo bác sỹ Hướng, chữa bệnh cần có cơ sở khoa học. Ví dụ như bài thuốc chữa rắn cắn bằng cây đay là cách làm là dùng ngọn rau đay với nõn chuối tiêu, dây kim cang, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào vết rắn cắn thì sẽ khỏi thì thực tế hơn và có cơ sở”.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng cũng nói thêm: Trước đây đã xảy ra một số trường hợp người dân miền núi bị rắn độc cắn nhưng do mê tín dị đoan và chạy chữa ở một số lang y nên hậu quả rất đáng tiếc. Ví dụ như trường hợp một người đàn ông ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bị rắn cắn, do chủ quan không vào bệnh viện điều trị mà đi thầy lang ở làng chữa trị bằng phương pháp dân gian nên đã tử vong chỉ sau vài giờ.

Bên cạnh đó, cách sơ cứu cho người bị rắn cắn ở một số vùng miền núi, vùng cao không được coi trọng. Trên thực tế có nhiều người bị rắn cắn mà không biết, đến khi có hiện tượng suy hô hấp, thở ngáp, người tím tái, hôn mê... mới vào bệnh viện thì đã quá muộn. Vì vậy để hạn chế những nguy hiểm và biến chứng do nọc độc của rắn gây nên, chúng ta cần nhanh chóng nhận dạng rắn cắn và cách sơ cứu ban đầu.

“Tôi thấy người ta đồn thổi những nhân vật ấy có thể cứu được những người bị rắn hổ mang cắn, kể cả những rắn độc hơn. Theo khoa học, người bị rắn hổ mang cắn nếu nặng thì sẽ gây rung tim làm tim ngừng đập, khi đó tim không kịp co bóp để đưa máu đi cung cấp cho cơ thể. Nếu lượng độc ít sẽ làm nhiễm trùng phù đau, gây tắc nghẽn mạch dẫn đến hoại tử đến rất cần được cấp cứu nhanh. Một số bài thuốc lưu truyền trong dân gian chữa rắn cắn cũng cần có sự kiểm tra bằng y học hiện đại để xác định thành phần cũng như tác dụng trong những bài thuốc đó. Còn những cách chữa như đọc thần chú hay thổi ống nứa thì nên bác bỏ” - Bác sỹ Hướng khẳng định.

Cách sơ cứu khi rắn độc cắn

Do tác hại khác nhau của nọc độc từng loại rắn nên khi một người bị rắn cắn thì cố gắng xác định đó là loài rắn gì? Độc hay không độc? Đặc điểm của rắn độc thường có để lại hai vết răng nanh sâu, ít chảy máu nhưng rất đau nhức và sưng tấy, nọc càng ngấm thì càng đau và sưng nhiều, chỗ hai vết nanh bầm tím. Tốt nhất khi bị rắn cắn nên dùng dây hoặc vải buộc chặt phần trên của vết rắn cắn và đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời chứ không nên chủ quan, tin theo các bài thuốc mà người dân đồn thổi kiểu như vậy.

Cao Tuân