Đừng tin vào bồi bàn Paris!

Đừng tin vào bồi bàn Paris!

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Người Pháp tránh né ngoại ngữ. Nhất là người Paris. Người ta vẫn còn mang thành kiến này và người Pháp không phải là hoàn toàn vô tội trong chuyện đó.

Bởi vì cuối cùng vẫn còn có bồi bàn các quán cà phê, chối từ những thứ do tôi gọi bằng thứ tiếng Pháp học ở trong trường, tuy lõm ba lõm bõm nhưng vẫn có thể hiểu được.

Tiếng Anh? Tiếng Đức? Tây Ban Nha? Không có đâu. Toàn bộ những cố gắng trao đổi đều bị chặn lại với mắt trợn tròn lên hay bằng một cái nhún vai trong chuyến thăm Paris cuối cùng của tôi. Người ta nói rằng người Pháp thích tiếng Ý, nhưng đáng tiếc rằng tôi không biết thứ tiếng ấy. Thế nào rồi người phục vụ cũng tỏ vẻ bị xúc phạm và khoa tay múa chân ầm ỹ đi nhanh về hướng chiếc máy pha cà phê espresso.

Ảnh: Getty Images

Sau đó 5 phút, một cái tách cà phê với bánh quy được đặt xạch xuống bàn và tôi được phép cho mình là hạnh phúc khi phải trả một cái giá cắt cổ cho thức uống đấy. Tôi đã gọi một ly coca cola. "Un coca-cola, s'il vous plaît". Ngay cả khi người ta nói cái câu ấy với một chiếc tất ở trong miệng thì một người bồi bàn chỉ cần chú ý chỉ ở mức trung bình thôi vẫn có thể hiểu được.

Trước đây một vài năm, những chuyến tôi đến thăm thành phố sông Seine đều mang dấu ấn của sự thất bại trong cố gắng chuyện trò với người dân. Ngay việc mua vé đi tàu điện ngầm cũng là một chuyến phiêu lưu nhỏ vì rào cản ngôn ngữ. Đối với những người đứng ngoài, việc đó chắc lúc nào cũng trông giống như 2 con khỉ đột đang bán cho nhau một cái bàn chải đánh giày qua một tấm kính. Cũng không thể quên được là lần tôi nhận mình là người Đức trên một chợ phiên trong quận 7 và bị một ông già đã về hưu nhưng còn cường tráng đuổi khỏi đường phố với câu thân thiện-khiêu khích "Heil Hitler". Không phải là một cách tốt đẹp để nghe ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng ai mà lại muốn trách móc những người già cơ chứ.

Vì thế nên khi là du khách, tôi luôn luôn cố gắng tránh đụng chạm. Kẹp bánh mì trong tay, rượu vang đỏ vào giờ trưa và làu nhàu một vài "Oui" và "Non", tôi vượt qua được cuộc sống hằng ngày ở Paris một cách thành công. Đỉnh cao của những điệp vụ bí mật của tôi là một buổi tối trong một quán rượu dưới hầm, nơi mà những người khách quen của quán câm lặng ngay lập tức và giận dữ nhìn vào con người xa lạ mới bước vào. Có xúc xíc, pho mát và nhiều rượu vang đỏ, Tôi nói "Oui" và "Non", và cuối cùng, gần 80 người Pháp gân cổ ca bài "Douce France" của Charles Trenet. Tôi chỉ mấp máy môi, và mặc dù vậy trong khoảng khắc ấy tôi là người của họ. Paris có thể đẹp như thế đấy.

Nhưng thật ra tại sao người Pháp lại không thích nói tiếng nước ngoài tới như vậy? Có lẽ là tại vì lúc nào họ có một giọng đáng sợ và vì thế mà đâm ra xấu hổ. Cũng đúng thôi. Ngay đến những người từng trải trong giao thiệp như nhà thiết kế thời trang Jean-Paul Gaultier hay tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn còn nghe có vẻ buồn cười và thường là không hiểu được khi họ cố nói tiếng Anh. Đó là còn diễn đạt một cách lịch sự đấy. Tức là tại sao một người Pháp nào đó lại phải làm điều đáng hổ thẹn đấy khi có thể đảo lộn lại tình thế? Thà cứ để cho du khách rơi vào tình huống lúng túng và khéo léo đánh lạc hướng khỏi sự yếu kém của chính mình.

Hãy tha lỗi cho Grande Nation. Người Pháp nói chung là đã không cần phải nói tiếng Anh cả một thời gian dài dường như là vô tận. Tại sao lại phải thế? Họ chẳng cần gì từ USA hay từ Anh cả, đã chưa từng bao giờ cần phải nhập khẩu văn hóa. Người Pháp quay những phim tuyệt vời, viết những quyển sách cực hay, vẽ những tranh comics tốt hơn và hạnh phúc với những bài ca của họ. Và khi nhạc rap xuất hiện, những khu ghetto ở ngoại ô của họ vẫn cung cấp đủ hiện thực cuộc sống và nhịp điệu cho giới trẻ. Cho tới nay điều đấy vẫn không hề thay đổi. Và xin miễn bàn về vị thế độc nhất vô nhị như là thủ đô thời trang của toàn thể vũ trụ. Do vậy mà người ta có thể tự hào về ngôn ngữ riêng của mình và quên mất rằng phần còn lại của thế giới không nói thứ tiếng đó.

Nhưng mặc cho tất cả những kiêu ngạo ấy: Trong những năm vừa qua, người Paris đã nhảy qua khỏi cái bóng của họ và tập cởi mở với thế giới. Và họ thành công khá tốt. Ví dụ như bà tiếp tân trong Viện bảo tàng Jacquemart-André nói chuyện thân mật với tôi bằng tiếng Anh, nhưng bà ấy không thể nhịn được mà phải bình rằng tôi "stupid" đến độ không chịu học tiếng Pháp cho rành rẽ. Touché! Bà ấy nói đúng đấy!

Ngay trong phần lớn những bar của Paris hiện giờ cũng rất thoải mái. Ngày xưa, người ta chỉ được khoan dung cho như là người du khác ngốc nghếch, bây giờ thì người ta thật sự được chào mừng. Người ta nói chuyện với nhau. Bằng tiếng Anh và thỉnh thoảng còn bằng tiếng Đức nữa. Tuyệt vời. Và cái anh chàng đứng sau quầy rượu cũng còn mỉm cười khi tôi gọi một ly bia Bỉ.

Câu chuyện khó tin về người Paris vô ngoại ngữ may mắn là đã thuộc về quá khứ. Người ta không chỉ hiểu khách du lịch ở McDonaild's trên Champs-Élyseés, phần còn lại của thành phố cũng lắng nghe ít nhất là những từ ngữ tiếng Anh của họ. Mercí cho việc này. Chỉ vẫn còn phải cẩn thận với bồi bàn trong những quá cà phê thôi.

Phan Ba (theo Merian)