“Đừng trá danh từ thiện để trục lợi”

“Đừng trá danh từ thiện để trục lợi”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Sự việc gần 20 Hoa hậu tham gia chương trình "Hoa hậu VN một năm nhìn lại" do một công ty tư nhân tổ chức cùng với những lùm xùm trong chuyến từ thiện tại Huế của họ đã làm "mất hết ý nghĩa nhân văn cao đẹp", theo ông Dương Xuân Nam.

Nói như rồng leo...

Sau khi kết thúc chương trình từ thiện, phía Công ty TNHH Sắc Màu và Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (TP.Huế) đều lên tiếng phản bác nhau trên báo chí. Sự thiếu đồng lòng giữa người cho và người nhận khiến cho công tác thiện nguyện vốn mang ý nghĩa đẹp đẽ lại trở nên phản cảm.

Sự kiện - “Đừng trá danh từ thiện để trục lợi”

Buổi họp báo rình rang của chương trình "Hoa hậu Việt Nam 2010-một năm nhìn lại" có in logo hoa hậu Việt Nam 2010 do báo Tiền Phong giữ độc quyền

Theo giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, nhiều em nhỏ đã phải nhường chỗ ngồi, suất cơm cho đoàn hoa hậu vì số người đến tăng gấp đôi so với số lượng được thông báo từ trước. Các người đẹp cũng không có đủ thời gian để sống cùng một ngày với các em nhỏ như kế hoạch ban đầu mà chỉ vẻn vẹn mấy tiếng đồng hồ. Việc tham gia nấu nướng, đón các em nhỏ đi học về cũng đành gác lại vì lúc họ đến thì mọi việc đã xong xuôi.

Trong khi đó, đại diện Công ty Sắc Màu, ông Đào Đức Hiếu (Giám đốc) lại chia sẻ trên trang mạng cá nhân của mình rằng: "Trung tâm Thủy Xuân lên báo chí "kể tội" các hoa hậu và ban tổ chức là do họ chê số tiền tài trợ quá ít. Tuy nhiên làm từ thiện là chủ yếu ở tấm lòng, biết bao nhiêu tiền cho đủ, vậy nên chúng tôi có bao nhiêu thì hỗ trợ bấy nhiêu thôi".

Cũng theo ông Hiếu, cuộc họp báo rình rang tại một khách sạn lớn ở TP.Huế trong dịp hội ngộ này chủ yếu là để ra mắt bộ sách ảnh nói về các hoa hậu. Theo tiết lộ của vị giám đốc này, dự án sách ảnh đã có hỗ trợ đầu tiên là 100 triệu đồng.

Ngay sau khi những thông tin này được đăng tải, không ít độc giả đã tỏ thái độ phản đối cách làm thiếu chuyên nghiệp của công ty này. Độc giả Lã Phương Thúy cho rằng: "Công ty TNHH Sắc Màu quả thật đã thành công khi tổ chức được một sự kiện chấn động lòng người. Bạn đọc cứ thử so sánh chi phí cho những người đẹp ăn ở tại Huế, chi phí tổ chức họp báo rình rang tại khách sạn Celadon Palace với số tiền 1,5 triệu đồng cho trên 100 người ăn (60 người lớn và hơn 70 trẻ nhỏ) thì thấy được cái "tâm" của ban tổ chức mà ông Hiếu là đại diện".

Khán giả Hoàng Trần bức xúc: "Thật buồn cho cách làm từ thiện hiện nay của một số cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các tổ chức chuyên về sự kiện. Họ chỉ biết dựa trên người khác để đánh bóng tên tuổi của mình. Cái đáng trách của công ty TNHH Sắc Màu là tổ chức một cách sơ sài, cẩu thả, thế mà ông Hiếu, giám đốc lại cho rằng đó là cái Tâm. Cái đáng trách của các người đẹp là các nàng chỉ đẹp về hình thức còn tình người thì các nàng chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Cả một đoàn người, 15.000đ/người/bữa ăn, nghe mà buồn cười quá. Với giá cả bây giờ thì từng đấy tiền mua được gì, ăn được gì? Các người đẹp đi làm từ thiện, quần áo, son phấn xúng xính mà đòi nhặt cỏ, cuốc đất. Đó chỉ là những hình ảnh được diễn xuất để lên báo thôi. Các ông bầu sự kiện, các hoa hậu, người đẹp hãy tự suy nghĩ đi, đừng bao biện nữa!".

Một độc giả khác bình luận: "Những cuộc thi hoa hậu đã tốn không biết bao nhiêu tiền của của các nhà tài trợ nhằm tìm ra được người đẹp vừa có tài, có sắc vừa phải có công, dung, ngôn, hạnh. Nhưng đó chỉ là hình thức, các người đẹp sẵn sàng bỏ ra cả ngàn đô để mua một thỏi son môi hay một bộ đồ lót hàng hiệu nhưng lại ki bo từng đồng với các em nghèo, bất hạnh".

Mất hết tính nhân văn

Ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ Trung ương

Sự kiện - “Đừng trá danh từ thiện để trục lợi” (Hình 2).
Lợi dụng từ thiện để quảng bá thương hiệu, trục lợi đang là một vấn nạn đáng lên án và bàn đến để loại bỏ. Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trung ương cho biết: "Tôi không nắm được tình hình sự việc các hoa hậu 2010 đi làm từ thiện ở Huế. Phía cơ quan Hội chữ thập đỏ Trung ương cũng không nhận được một thông báo nào của ban tổ chức chương trình này. Hiện nay có quá nhiều các tổ chức từ thiện được lập ra. Trong đó có tổ chức thực sự và cũng có những tổ chức trá danh từ thiện để thực hiện mục đích khác. Rất nhiều các hoa hậu hay nghệ sĩ nổi tiếng tham gia các chương trình thiện nguyện nhưng họ lại không thông qua Hội nên Hội không thể nắm được công việc cũng như xử lí những sai phạm của họ. Thiện nguyện là việc của cả xã hội. Vì vậy, không chỉ cơ quan chức năng mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thanh lọc và trả lại ý nghĩa nhân văn cho công tác nhân đạo tốt đẹp này".

Đây không phải là lần đầu tiên các hoa hậu, người đẹp vướng vào những rắc rối khi đi làm từ thiện. Không ít người tự hỏi, các cơ quan chức năng đã ở đâu, phản ứng như thế nào trước những vụ việc này?

Mặt khác, phải chăng ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 2010 không thể lo liệu một cuộc hội ngộ để các hoa hậu phải tự thân vận động và cuối cùng lại gặp phải những rắc rối không đáng có?

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, nhà thơ Dương Xuân Nam (nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người được cho là cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) chia sẻ: "Việc các người đẹp tự ý tham gia một chương trình mang danh nghĩa hoa hậu mà không xin phép ban tổ chức là hoàn toàn sai và thiếu sự tôn trọng. Theo nguyên tắc của tất cả các cuộc thi hoa hậu Việt Nam là trong quá trình khi đương nhiệm, mọi hoạt động của các hoa hậu, Á hậu đều phải thông qua đơn vị tổ chức (cụ thể ở đây là báo Tiền Phong). Việc công ty tư nhân nọ tự ý tổ chức như thế là thiếu đàng hoàng".

"Cha đẻ" của các hoa hậu cũng tỏ ra quan ngại khi nhắc đến vụ lùm xùm trong một cuộc đấu giá từ thiện gần đây. Rất nhiều các người đẹp, hoa hậu, diễn viên đã vô tình tiếp tay cho những kẻ vô tâm kiếm tiền, trục lợi dưới danh nghĩa từ thiện.

Nhà thơ Dương Xuân Nam bày tỏ: "Hoa hậu là những người nổi tiếng, mang chức danh hoa hậu đi làm từ thiện thì sự thiện nguyện đó càng có ý nghĩa gấp bội lần. Tuy nhiên, theo lời khuyên của tôi, họ nên có một sự cẩn trọng. Bởi bây giờ, có rất nhiều các tổ chức lăm le lợi dụng danh nghĩa từ thiện để kiếm tiền và nhiều mục đích vụ lợi khác.

Năm 2007, sau khi cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt kết thúc, hoa hậu Ngô Phương Lan nhận được rất nhiều lời mời tham gia từ thiện từ các đại gia. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, chúng tôi đã khuyên cô ấy từ chối. Vì hầu hết các đại gia này, dù mang nghĩa đi làm từ thiện nhưng chủ yếu là để quảng bá tên tuổi, thương hiệu của mình. Từ thiện mà như thế thì mất hết ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Nếu tham gia những chương trình như thế, danh hiệu hoa hậu cũng sẽ phải chịu những ảnh hưởng và tổn thương không đáng có".

Đào Bích