Dưới âm cũng học ngoại ngữ để phù hộ người trần

Dưới âm cũng học ngoại ngữ để phù hộ người trần

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Nói rồi người “ông nội” dưới âm tuôn ra một tràng ngoại ngữ. Thế mới biết người cõi âm cũng phải học ngoại ngữ để phù hộ cho người ở trần gian!

Đúng hẹn với bà “cô” tổ, sáng Chủ nhật tôi lại lọc cọc từ Hà Nội trở lại Vĩnh Yên để làm một lễ gọi hồn lần thứ hai. Vì đã có sự chuẩn bị trước nên lần này bán tín bán nghi, trước khi ra khỏi nhà tôi ngửa mặt lên trời để gọi tên những người mà mình muốn gặp. Vẫn giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, không tin hoàn toàn và cũng không phủ nhận, tôi gọi điện trước cho “cô” để đảm bảo ngày hôm đó “cô” có ở nhà. Đường xa, ngại phải đi một mình nên tôi gọi điện rủ theo một người bạn nữa đi cùng. Hơn 60 cây số cùng với những câu chuyện phiếm của các “cô” gái ế trở nên gần hơn.

Pháp luật - Dưới âm cũng học ngoại ngữ để phù hộ người trần

Lễ vật dùng trong lễ gọi hồn có khi chỉ là hoa quả, vàng hương. Ảnh minh họa

Trần sao thì âm vậy

Chúng tôi lên đến nơi mới 9h sáng. Trong nhà “cô” đã chật người. Ngoài hành lang, các bà, các chị đứng ngồi vạ vật chờ đợi. Thấy tôi, người nhà của “cô” hồ hởi đón vì cũng có chút nể ông bạn già ngày hôm trước đi cùng. Ông bạn vốn là khách quen, cũng khá “sộp” nên thái độ niềm nở này cũng là điều dễ hiểu. Nhờ người đặt lễ như hôm trước, tôi kiên nhẫn ngồi chờ. Người nhà “cô” có nhã ý muốn cho tôi lên xem trước nhưng nhìn các “cô”, các mẹ lặn lội hàng chục cây số xuống từ sớm, tôi cám ơn và từ chối lời đề nghị.

Đang ngồi tranh thủ bàn chuyện công việc với người bạn ở cửa thì có một đoàn mấy người từ trong gian lễ đi ra. Những người đến trước nhốn nháo chờ đến lượt gọi tên mình. Vừa lúc đó thì có tiếng “cô” gọi giật lại: “Thằng K đâu rồi. Mày mà không quay lại đây thì tao làm cho xe mày không nổ máy được. Mày kêu gọi tao về từ sáng sớm mà giờ chưa gặp mặt đã bỏ về rồi sao?”. Cả đoàn người quay lại rối rít dạ thưa khiến tôi cảm thấy tò mò. Giọng của “ông nội” nhà đó lớn đến nỗi ngồi ngoài cũng có thể nghe được người bên trong đang nói về vấn đề gì. Trước đó, ông hết dặn dò con cái chuyện làm ăn và phụng dưỡng mẹ già. Lúc sau, ông nội quay sang bảo thằng cháu lớn: “Cháu phải tiếp tục chăm chỉ học tiếng Anh, tiếng Pháp vào nhé. Bây giờ không có ngoại ngữ là không được đâu. Các ông ở dưới này đi thực hiện công vụ cũng phải học chứ huống gì là chúng mày. Nói rồi ông nội bắt đầu tuôn ra một tràng ngoại ngữ để khoe với con cháu. Đám cháu con ngồi xung quanh nức nở khen cụ rồi lại biếu xén, gửi thêm một ít lộ phí đi đường cho cụ trước khi thăng.

Một người đàn bà ngồi cạnh mới quay sang nói nhỏ: Trần sao âm vậy. Khi người ta chết đi cái căn cái cốt vẫn giữ nguyên. Người ham đánh cờ đánh bạc thì vẫn ham, người ham rượu cũng không khác được. Trên trần sống bằng nghề gì thì xuống dưới kia vẫn thế. Trên này mình có công có việc phải lo chạy cửa này cửa kia rắc rối bao nhiêu thì dưới kia cũng có nạn biếu xén, ăn của y như thế. Các cụ hay bảo âm phù dương trợ là vì thế. Việc trần mình muốn thuận lợi thì còn phải nương theo việc âm.

Thấy chúng tôi bán tín bán nghi, bà nói thêm, có những việc người trần lo mãi không xong, kêu người âm lên để nhờ cậy thì mới xuôi được. Ông bà tổ tiên không mang tiền “tươi” (tiền thật – PV) đến cho mình được nhưng họ sẽ lo việc chạy chọt ở dưới kia, thúc đẩy người nhà của kẻ khác để cho công việc của mình được thuận lợi. Các cụ vẫn dạy một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần. Tuy nhiên, một đồng tiền trần gian lại có giá trị “tươi” hơn rất nhiều xấp tiền đô la âm phủ mà mình vẫn đốt cho các cụ. Nhiều khi ở dưới đó các cụ cũng thiếu, thậm chí thiếu nhiều là đằng khác. Chính vì thế, nếu chu đáo thì mỗi lần lên gặp nên biếu các cụ một ít làm quà. Nếu muốn việc mình càng suôn sẻ thì càng phải thành tâm và không được tính toán. Càng tính toán thiệt hơn có khi còn bị các cụ phạt cho.

Pháp luật - Dưới âm cũng học ngoại ngữ để phù hộ người trần (Hình 2).

Tiền đô la âm phủ không có giá trị với người âm bằng tiền tươi của người trần(!?). Ảnh minh họa

Cẩn thận “cô” dỏm

Ngồi không một chỗ lâu cũng chán, hơn hai tiếng đồng hồ sau vẫn chưa thấy đến lượt mình, chúng tôi cảm thấy rất sốt ruột.Tôi bèn lân la bắt chuyện cùng những người xung quanh để giết thời gian. Hóa ra các bà, các mẹ ở đây đều là những người đã từng đi qua rất nhiều cửa, nhiều nhà, gặp nhiều “cô”, nhiều “cậu”. Vì đi nhiều nên việc chờ đợi một ngày, hai ngày hay một tuần nó dễ và trở thành thói quen. Bà H ở Nam Định rỉ tai tôi nói: Ở đây là còn ít đấy cháu ạ. Vì “cô” X khá kín tiếng nên không nhiều người biết tới. Ở những nơi khác có khi phải ăn chực nằm chờ cả tháng liền vẫn chưa được gặp. Chờ hết ngày này tới ngày khác, đến lượt mình lên thì lại có vong nhà người khác hỗn hơn, thiêng hơn nên vong nhà mình thì lại mất lượt. Đi xem cái này còn là cái duyên nữa chứ không phải muốn là được, có tiền cũng không gọi được theo ý mình. Người âm cũng “kiêu” lắm.

Nói rồi, vui miệng, bà H lại kể cho tôi chuyện gia đình bà cách đây mấy năm. Số là bà có ông bố chồng là liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp ở mãi Cao Bằng. Hòa bình lập lại cũng đã mấy chục năm rồi nhưng gia đình vẫn chưa tìm được mộ cụ. Vốn là người tin có thần, có thánh, bà H cũng đi xem khắp nơi. Đầu tiên, bà tìm đến một thầy cúng để xem bói. Thầy xem xong bảo sẽ giúp gia đình bà tìm được mồ mả ông cụ. Tuy nhiên, có việc còn nghiêm trọng hơn đó là trong nhà bà năm nay đang có hạn lớn. Từ giờ đến cuối năm hạn sẽ đổ vào người chủ gia đình tức là chồng bà. Cái hạn này nặng đến nỗi có thể mất mạng. Nếu không giải hạn sớm thì không thể nào cứu được.

Theo lời thầy, muốn giải hạn, bà H phải làm một cái lễ thực lớn khoảng độ 30-40 triệu đồng. Đương nhiên, thầy nhìn thấy hạn thì chỉ có thầy mới giải được. Lời thầy nói thời điểm đó tính tới cuối năm chỉ còn chừng hai tháng nên càng khiến bà lo sợ. Gom góp tiền trong nhà cũng chỉ được 20 triệu đồng, bà phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Phần nữa bà cũng bán tín bán nghi nên nghe theo lời người nhà đi xem ở một nơi khác cho chắc ăn. Đây là một thầy ở dưới xã Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Thầy này nổi tiếng linh nghiệm.

Khi vợ chồng bà đến nơi, thầy mới mời bố chồng lên gặp. Bố con suốt mấy chục năm cách biệt gặp nhau thì mừng mừng tủi tủi. Đến khi hỏi về hạn ông cụ mới mắng xối xả cả hai vợ chồng là nghe theo lời bịp bợm. Để củng cố niềm tin của con trai và con dâu, trước khi thăng, cụ còn dặn dò: “Chúng mày cứ thắp hương ở nhà rồi lên tìm bố trên Cao Bằng, thành tâm tất sẽ có người giúp đỡ”. Y lời, chỉ một tháng sau, với sự giúp đỡ của một nhà ngoại cảm ở dưới Hà Nội và một đồng đội cũ của ông cụ, gia đình đã tìm được hài cốt trở về. Không bị mất oan 40 triệu đồng, từ đó trở đi, hai vợ chồng bà không đi xem bói thêm lần nào mà chỉ đi gọi hồn, nhập vong. Năm nào trong nhà cũng phải tổ chức một hai đợt đi gọi các cụ về để hỏi ý kiến. Từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Dương, Phú Thọ…cứ nghe nơi nào có “cô”, “cậu”, thầy thiêng là vợ chồng lại kéo nhau đi xem.

Bà H cho biết, hiện nay việc con cái thi cử, làm ăn, trong nhà có chuyện đại sự, cả hai vợ chồng bà cũng không dám quyết một mình như trước nữa. Càng đi nhiều, càng thấy không ít những gia đình giống như vợ chồng bà. Có điều, người ta đi kêu hồn, đi gọi hồn thì thường đi theo đoàn, theo hội chứ ít khi đi một hai người. Những hồn được gọi lâu lâu mới được gặp gỡ con cháu nên càng đông thì càng vui, càng có nhiều chuyện để tâm sự. Cả trăm người đi gọi hồn là cả trăm câu chuyện, mỗi chuyện lại có một cái riêng, bi có, hài cũng có. “Các “cô” bây giờ cũng có “dỏm” và “xịn”. Thật giả lẫn lộn nên những người đi xem lại càng phải tỉnh táo chứ không phải nhất nhất nghe theo”, bà H cười cho biết.

Mang rượu thịt đi gọi hồn “bợm nhậu”

Đến đám tiếp theo, lại là một ông anh trai mất ở nước ngoài được gọi hồn về. Được biết trước kia khi còn sống anh là một bợm nhậu nên người nhà đã chuẩn bị đầy đủ rượu thịt để làm quà từ trước. Ngồi chưa kịp ấm chỗ, người phụ nữ ngoài 50 tuổi lật đật chạy ra mượn chủ nhà dao, đũa để xé thịt gà. Tiếng “anh trai” oang oang kể tội lần lượt người này đến người khác bằng giọng Hà Tĩnh khiến đám em út vái như tế sao. Được chừng 30 phút thì ông này mới thăng. Đám người nhà vội vã chào từ biệt “cô”. Lúc họ đi rồi, người nhà của “cô” mới vào dọn gian lễ, đi ra người ấy chép miệng kêu: “Có bốn người mà nhoằng cái đã hết con gà với chai rượu chuối”. Ngồi bên ngoài tôi và cô bạn không khỏi bụm miệng cười.

Trầm Ngải


Cùng chuyên mục

Bắt 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt sính lễ

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:30
Ngày 19/4, Công an thành phố Hà Nội thông tin, Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ.

Bình Phước: Bắt giữ đối tượng chém 2 người trọng thương

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:43
Mâu thuẫn trong quán nhậu, Nguyễn Hồng Tâm đã rủ bạn đem bình xịt hơi cay và rựa đi chém người, khiến 2 người trọng thương.

Vũng Tàu: Bắt nghi can sát hại chủ quán cà phê sau vài giờ truy xét

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:07
Chiều tối 19/4, Công an TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã bắt giữ nghi can sát hại nữ chủ quán cà phê “Nhàn” trên địa bàn, sau vài giờ truy xét.

Vĩnh Long: Phát hiện 16 nam, nữ thanh niên tụ tập sử dụng ma túy

Thứ 6, 19/04/2024 | 20:59
Khoảng 3h30 ngày 17/4, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Công an huyện Long Hồ bắt quả tang nhóm 16 thanh niên sử dụng ma túy.

Hành trình bỏ trốn của tên cướp tiệm vàng ở Bình Thuận đến khi bị bắt

Thứ 6, 19/04/2024 | 19:45
Chiều 19/4, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ đối tượng cướp tiệm vàng ở Tp.Phan Thiết.
     
Nổi bật trong ngày

Bắt 2 người liên quan vụ án đấu thầu thiết bị y tế ở Bệnh viện Vũng Tàu

Thứ 6, 19/04/2024 | 16:16
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam một người là Phó phòng Sở Y tế và một giám đốc công ty liên quan vụ án vi phạm đấu thầu.