Đường Alexandre de Rhodes xưa và nay

Đường Alexandre de Rhodes xưa và nay

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0

Thời pháp thuộc, đường Alexandre de Rhodes có tên là Rue de Paracels (tức Hoàng Sa). Từ năm 1945, con đường này mang tên Alexandre de Rhodes. Sau năm 1975, có thời gian đường được đổi tên thành đường Thái Văn Lung. Nhưng hiện nay trở lại với tên cũ: Đường Alexandre de Rhodes.

Xã hội - Đường Alexandre de Rhodes xưa và nay

Một góc đường Alexandre de Rhode

Alexandre de Rhodes được biết đến tại Việt Nam là một nhà truyền giáo và nhà ngôn ngữ học người Pháp. Trong quãng thời gian dài sống ở Việt Nam (khoảng 20 năm), ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam bằng công trình từ điển Việt - Bồ - La hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Đây cũng chính là lý do sau khi tất cả các tên đường của chế độ cũ tại Sài Gòn đã được đổi tên mới, thì con đường này sau cùng vẫn mang tên Alexandre de Rhodes. Như một cách để người Việt Nam tri ân với công lao của ông trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định một cách khách quan và nghiêm túc rằng Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Bằng chứng được họ đưa ra là bút tích của chính Alexandre de Rhodes trong cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latinh, tức từ điển Việt-Bồ-La của mình: "Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa. Cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: Ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt - Bồ - AC), ông sau bằng tiếng Bồ-Đào (tức là từ điển Bồ-Việt - AC), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm”.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn đưa ra lời nhận xét từ một số người khác về công lao sáng tạo chữ Quốc ngữ của Alexandre de Rhodes, như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, linh mục Đỗ Quang Chính, v.v... Họ cho rằng Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên và duy nhất có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Mà ông chỉ thừa hưởng công trình của hai cố đạo đi trước rồi thêm tiếng La Tinh vào theo lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi. Công của Alexandre de Rhodes đến đâu trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ hãy để cho lịch sử và những nhà nghiên cứu phán xét. Chỉ biết rằng đường Alexandre de Rhodes đến giờ vẫn là một con đường đẹp nghiêng mình nằm bên lề của Công viên 30/4, như một cô tiểu thư con nhà giàu kiêu kỳ và tràn đầy sức sống.

Nằm ngay trung tâm thành phố, đường Alexandre de Rhode cũng tấp nập như những con đường xung quanh nó, nhưng ẩn chứa bên trong những nét thầm kín thú vị. Đó là một con đường nhỏ dài chừng 300m, cái áo ngoài chỉn chu đến sang trọng, với những biệt thự xinh đẹp, những chiếc ô tô nối nhau đậu san sát, hàng cây cao vút tỏa bóng... Nơi đây còn là thế giới riêng của những người yêu thích sự khác biệt do chính mình tạo ra.

Xung quanh khu vực này, và ngay trên đường Alexandre de Rhode có khá nhiều quán cà phê hạng sang nhưng cà phê bệt vẫn là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Đường không đông người qua lại nhưng trên vỉa hè thì lúc nào cũng đông đúc. Nhất là sáng sớm và chiều tối, hàng trăm thanh niên ngồi bệt dựa lưng vào tường, nhâm nhi ngụm cà phê, tán dóc với bạn bè, hoặc lơ đãng ngắm dòng người lướt nhanh trên đường tấp nập. Từ con đường này trông ra, có những góc nhìn tuyệt đẹp mà hiếm nơi nào khác của TP.HCM có được. Trước mặt là khoảng xanh mênh mông của công viên, cùng con đường Lê Duẩn, Pasteur chạy ngang, cắt công viên thành những mảng ô vuông. Chếch qua phía bên phải là dinh Thống Nhất. Nhìn nghiêng qua trái là khu mua sắm Diamond plaza, Nhà Thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Thành phố, cùng những tòa nhà cao tầng hiện đại.

Từ trước đến nay, đường Alexandre de Rhode vẫn được biết đến như một con đường của sự sang trọng, từ vị trí trung tâm, kết cấu hạ tầng hiện đại, những ngôi biệt thự, những nhà hàng, quán cà phê đẹp. Nhưng nơi đây, cũng là chốn buôn bán của những người nghèo với đôi quang gánh, chiếc xe đạp cà tàng ngồi tạm bên vỉa hè. Nơi đây là địa điểm tụ tập, là chốn kỷ niệm của những người trẻ ưa thích sự lang thang cùng cà phê bệt. Nơi đây có sự giao thoa của lịch sử và hiện đại, của sự giàu có cùng sự vất vả mưu sinh.

Hương Lam