Đường đi của những đồng tiền mờ ám tại Oceanbank

Trong quá trình hoạt động, tại ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng. Những hành vi này đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với ngân hàng Đại Dương và các cổ đông cũng như tác động nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Trải qua hai cấp xét xử, vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Đại Dương dần đến hồi kết thúc. Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cho rằng mình không đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank và đề nghị tòa cấp phúc thẩm không kết án tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Về phần Nguyễn Xuân Sơn, bị tuyên án tử, bị cáo cũng kháng cáo kêu oan về hai tội danh trên.

Vậy số tiền được coi là thiệt hại cho Oceanbank hơn nghìn tỷ đồng “chảy” đi đâu? Cơ quan tố tụng xác định: Tháng 11/2012, với trách nhiệm là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Oceanbank, quá trình tham gia quản trị, điều hành Oceanbank, Thắm đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc Oceanbank giải quyết cho Phạm Công Danh vay thông qua công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Dương hơn 343 tỷ đồng tiền gốc; chưa tính hơn 201 tỷ đồng tiền lãi đến thời điểm 21/10/2014. Do đó, hành vi của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm đã tiếp tay cho Phạm Công Danh “rút ruột” 500 tỷ đồng của Oceanbank. Hành vi trên phạm vào tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS).

Từ 69 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng”

Cuối năm 2008, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với ngân hàng Đại Dương để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của Oceanbank. Nguyễn Xuân Sơn khi đó là Tổng giám đốc công ty Tài chính Dầu khí VN (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT kiêm chức vụ Tổng giám đốc của Oceanbank.

Theo lời khai của Hà Văn Thắm, đầu năm 2009, Sơn chủ động đề nghị với Thắm: Để huy động được vốn từ PVN, ngân hàng Đại Dương cần phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng/ tổng số tiền gửi và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần trao đổi chi tiết. Sau khi tính toán, Thắm chấp nhận đề nghị của Sơn.

Cụ thể là Thắm và Sơn đã thống nhất đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua công ty BSC trái quy định của Ngân hàng Nhà nước để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Chủ trương này đã được Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank, Nguyễn Minh Thu - nguyên Tổng giám đốc Oceanbank và Phạm Hoàng Giang - nguyên Tổng giám đốc công ty BSC triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng gần 69 tỷ đồng.

Tự bào chữa, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, trong số 69 tỷ đồng mà Sơn bị cáo buộc đã chiếm đoạt, thực tế bị cáo đã chi hết, không giữ lại đồng nào. Cụ thể là bị cáo chi lãi ngoài cho công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, công ty Liên doanh Vietsopetrol, PVN và chuyển khoản cho các Giám đốc chi nhánh để thực hiện chủ trương này.

Đến con số thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho Oceanbank

Về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo cơ quan tố tụng, vào tháng 9/2010, Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển, bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trước khi đi, Nguyễn Xuân Sơn đã kịp thời giới thiệu Nguyễn Minh Thu vào vai trò Tổng Giám đốc Oceanbank đồng thời đề nghị Hà Văn Thắm giao cho Thu tiếp tục phụ trách công tác huy động vốn như Sơn làm trước đó.

Do nguồn vốn huy động của ngân hàng phụ thuộc phần lớn vào số dư tiền gửi của PVN, các tổng công ty và công ty con thuộc tập đoàn PVN nên Hà Văn Thắm đồng ý với đề nghị này và phân công Nguyễn Minh Thu phụ trách công tác huy động vốn, đồng thời thúc đẩy và phát triển khách hàng trong công tác huy động vốn.

Nguyễn Xuân Sơn đề nghị Thu tiếp tục trực tiếp làm việc với 3 khách hàng lớn là tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVOIL), công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP)… đối với PVN, Thu được Sơn trao đổi là Sơn và Thắm đã làm việc trực tiếp với nhau.

Nguyễn Minh Thu còn trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài hơn 125,6 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng. Bị cáo trực tiếp chi lãi nhận và chi lãi ngoài hơn 57,8 tỷ đồng cho tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVOIL), công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP)…

Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng trên toàn hệ thống Oceanbank như chi cho tập đoàn PVN cũng như các tổng công ty và công ty con thuộc PVN trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc ngân hàng Đại Dương. Theo chủ trương và sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống ngân hàng, Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy – Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Minh Phương – Phó Tổng giám đốc đã chỉ đạo các lãnh đạo khối, ban nghiệp vụ thuộc hội sở Oceanbank thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, gây thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Hành vi của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã phạm tội Cố ý làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự. Tuy vậy, bào chữa cho mình trong phiên tòa phúc thẩm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho rằng, “nếu không chi (lãi ngoài – PV ) thì sẽ bị mất thanh khoản, ngân hàng sẽ bị phá sản. Chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN cũng khẳng định, thời gian qua rất nhiều ngân hàng chi lãi suất vượt trần”. Bị cáo Thắm cũng mong VKS và HĐXX phúc thẩm xem xét đó là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Lý do chỉ kháng cáo về phần dân sự của tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank đưa ra là “bị cáo đã xin giảm nhẹ tội cho anh em rồi nên không xin giảm nhẹ tội cho mình”.