Trong tâm thư của lực lượng đăng kiểm để chuộc lỗi với Đảng, với nhân dân có đoạn viết: “Việc hàng trăm đăng kiểm viên rơi vào vòng lao lý không còn là bài học đau xót đối với mỗi cán bộ, Đảng viên và người lao động tại Cục Đăng Kiểm mà còn là cái giá phải trả quá đắt đối với những ai không đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, không đủ nghị lực, ý chí để làm chủ bản thân, không đủ sự tỉnh táo để giữ danh dự của người làm đăng kiểm. Đây thực sự là nỗi đau cho toàn ngành”.

Và sau những “vấp ngã”, chính những người làm đăng kiểm cũng khẳng định càng thấm thía hơn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

Nhìn lại đại án của ngành đăng kiểm trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề gốc rễ rất cần được nhìn nhận đó là sự hư hỏng, thoái hóa, biến chất của bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, từ vụ án này chúng ta có thể rút ra một bài học kinh nghiệm quý báu về công tác bồi dưỡng, lựa chọn và đánh giá cán bộ. Theo đó, trong một thời gian dài trong một số lĩnh vực, đã có sự buông lỏng trong công tác quản lý cán bộ, chưa xem xét toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ bên cạnh năng lực xử lý công việc của cán bộ, Đảng viên.

“Hằng năm đều tiến hành phê bình, tự phê bình rồi xếp loại Đảng viên trong đó phần lớn cán bộ, Đảng viên được phân loại hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng đến khi xảy ra vụ việc thì nhiều người trong chính những cán bộ, Đảng viên đó lại vướng vào sai phạm thậm chí đến mức xử lý hình sự. Vậy thì công tác đánh giá cán bộ, Đảng viên thực sự đang diễn ra như thế nào?”, Đại biểu của đoàn Đồng Tháp đặt vấn đề.

Theo đó, ông Hòa cho rằng trong công tác cán bộ còn có sự bao che, cấu kết lẫn nhau, hình thành “nhóm lợi ích” theo kiểu “đoàn kết một chiều” để thực hiện các hành vi tiêu cực dẫn kết việc không ai dám tố cáo, không ai dám lên tiếng về những tiêu cực, sai phạm. Bên cạnh đó, nhiều nơi việc đánh giá cán bộ còn mang tính hình thức, theo đó cán bộ, Đảng viên nể nang, ngại va chạm, đánh giá nhau trên tinh thần “dĩ hòa vi quý”.

Còn theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, từ việc nhiều cán bộ bị kỷ luật thời gian qua cần rút ra nhiều bài học, trong đó có việc siết chặt công tác giáo dục nhận thức gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, những hạn chế, khiếm khuyết về kiểm soát quyền lực trong tổ chức bộ máy và trong từng con người là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến những vi phạm, hư hỏng như vừa qua. Theo đó, điểm chung về thủ đoạn phạm tội của quan chức trong các đại án là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo, chi phối các bên liên quan thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng mang lại lợi ích cho mình. Đó là những cán bộ có quyền cao, chức trọng nhưng đã thoái hóa, biến chất, bảo kê và tiếp tay cho tội phạm để rồi bản thân mình cũng không thể thoát tội.

Cùng với nguyên nhân đó còn có một loạt nguyên nhân khác cần phải nhận diện, trong đó có tình trạng suy thoái về đạo đức. Con người không có đạo đức, không gương mẫu, nhất là không nói đi đôi với làm sẽ khiến họ trượt dài trong suy thoái đạo đức. Đó cũng là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng hư hỏng của cán bộ như vừa qua.

“Tại sao trong những bài phát biểu gần đây của Tổng Bí thư đều nhắc tới việc giáo dục sự liêm sỉ, giáo dục danh dự, biết sợ hãi khi mình và những người liên quan làm điều bất minh, bất chính. Khi con người đã không có lòng tự trọng, không có sự liêm sỉ trong mỗi hành động thì dù có kiểm soát đến mấy thì họ cũng có thể mắc vi phạm, tự hư hỏng và rơi vào suy thoái, biến chất”, chuyên gia này nói.

Theo đó, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đặc biệt chú trọng vấn đề phẩm chất đạo đức thì mới có một đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, nhất là có được cái nhìn thiện cảm, ủng hộ, tin cậy từ quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp đã rõ thoái hóa, biến chất, có những sai phạm nghiêm trọng, trở thành tội phạm thì phải xử lý nghiêm minh trước Đảng, trước pháp luật để tạo tính răn đe.

Vụ đại án trong hoạt động đăng kiểm nhìn hẹp là sự vi phạm pháp luật của một số cá nhân nhưng nhìn rộng ra đó là câu chuyện vi phạm đạo đức công vụ nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý. Chưa khi nào vấn đề chất lượng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức lại được nhắc tới nhiều như trong giai đoạn này.

Và điều cũng cần nói, những vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ xuất hiện trong vụ án của ngành đăng kiểm mà xuất hiện suốt thời gian dài ở hầu hết các lĩnh vực như: Đất đai, xây dựng, hải quan, công an, kiểm lâm, thuế vụ, giáo dục, y tế, giao thông... Mà gần đây nhất gây rúng động dư luận là 2 vụ đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng - nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn lại công cuộc "đốt lò" những năm qua, chúng ta chứng kiến hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã không giữ được điều thiêng liêng, cao quý nhất - đó là “Danh dự” như lời người đứng đầu Đảng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên. Nhiều người hôm trước còn ở trên bục rao giảng thì hôm sau đã trở thành đối tượng bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố.

Đến khi phải tra tay vào còng và làm việc với cơ quan điều tra, những cán bộ nói trên đối diện với thực tế bẽ bàng. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động khiến họ không chỉ đã tự đánh mất hết lòng tự trọng, danh dự cá nhân mà còn gây hệ lụy tiêu cực cho hình ảnh, uy tín của cơ quan, đơn vị, và rộng ra là cả chính quyền và đội ngũ cán bộ khu vực công.

“Tiêu cực đăng kiểm nhắc chúng ta về sự gia tăng đột biến số lượng cán bộ vi phạm, bị xử lý trong khoảng 10 năm trở lại đây. Những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ gia tăng lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước mà cũng đồng thời làm nổi bật hơn nhu cầu về phẩm chất “liêm chính”, trước hết là đối với hệ thống công quyền, rộng ra là mọi thành viên trong xã hội”, TS. Đáng đánh giá.

Theo đó, chưa khi nào mà nhu cầu về cán bộ không chỉ “vừa hồng, vừa chuyên” mà còn phải “sạch” lại trở nên bức thiết như hiện nay. Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến và nhấn mạnh nhu cầu xây dựng “văn hóa liêm chính”.

Một trụ cột trong xây dựng văn hóa liêm chính khu vực công là hệ thống Quy định của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Về bản chất, các quy định của Đảng mang tính chính trị cho nên phạm vi điều chỉnh còn rộng hơn các quy định pháp lý. Tính từ năm 2012 đến nay, đã có khoảng 250 văn bản về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được ban hành, không chỉ tập trung vào các biểu hiện hành vi, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả nhận thức, thái độ, phát ngôn của cán bộ, đảng viên, và hoạt động của tổ chức Đảng.

Hệ thống Quy định của Đảng chính là những chuẩn mực chính trị mà mỗi cán bộ, Đảng viên cần nhất quán tuân thủ. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng chính là một biểu hiện rõ ràng nhất về sự chấp hành chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về xây dựng văn hóa liêm chính. Nhờ đó, có thể từng bước giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực, gia tăng hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Đáng cũng đề cập đến vai trò của đạo đức, danh dự công vụ. “Những cá nhân có ý thức cao về bảo vệ danh dự khi làm việc cho khu vực công thì họ tất yếu sẽ coi danh dự không đơn thuần chỉ là chuyện cá nhân, mà còn là vấn đề hình ảnh và uy tín của cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc. Tôn trọng danh dự khi thực thi công vụ trước hết sẽ khiến mỗi cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”, ông Đáng đánh giá.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo "Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ" với kỳ vọng thúc đẩy tiến trình thiết lập những cơ sở vững chắc cho sự hình thành một nền đạo đức công vụ văn minh và hiện đại. Tuy nhiên, đến nay dự thảo mới được công bố không đặt Danh dự là một yêu cầu phẩm chất đạo đức công vụ cụ thể.

Do đó, TS. Đáng cho rằng Bộ quy tắc đạo đức công vụ nên cân nhắc và bổ sung yêu cầu về "Danh dự công vụ" vào vị trí hàng đầu trong số các yêu cầu phẩm chất đạo đức để luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý thức trọng danh dự công vụ, để vun đắp vị thế xã hội cho các cơ quan Nhà nước.

Câu chuyện của ngành đăng kiểm thời gian qua, đã “phát lộ” những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật. Dù ở các nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã liên tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật tuy nhiên thực tế trong nhiều lĩnh vực việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế.

Khi những văn bản, chính sách không phù hợp và không kịp thời điều chỉnh sẽ rất dễ xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, thậm chí trở thành cơ sở để các đối tượng lợi dụng trục lợi, vi phạm pháp luật, tham nhũng chính sách.

Như Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, công tác xây dựng pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Vẫn còn tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống” còn nhiều. Trong khi đó, vẫn còn biểu hiện tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Theo PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, việc hoàn thiện các quy định về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của các chủ thể trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là những đòi hỏi khách quan, tất yếu của công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Theo đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng.

Bổ sung giải pháp chính sách hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong bộ máy nhà nước để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng chính sách trong điều kiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Đồng thời hoàn thiện hệ thống giám sát, cảnh báo, đánh giá chính sách.

Kết luận: Khủng hoảng nào cũng có trong đó những cơ hội của nó. Sau cú vấp ngã, càng là lúc ngành đăng kiểm nhận thấy rõ những khiếm khuyết của mình, kịp thời đổi mới, chấn chỉnh những yếu kém, bất cập để lấy lại niềm tin với Đảng, với nhân dân. Và nhìn rộng ra, câu chuyện của ngành đăng kiểm cũng cho thấy rõ những khuyết điểm trầm trọng tồn tại lâu nay trong nền hành chính của nước ta mà ở đó cũng cần những thay đổi mang tính căn cơ. Kết thúc đại án trong lĩnh vực đăng kiểm với nhiều vấn đề còn để ngỏ.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 31/05/2023 | 09:00