Có thể thấy, sau hai năm bùng phát, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh việc thiết lập các “lá chắn” để chống chọi với đại dịch, quan trọng hơn, cần phải có những giải pháp phục hồi các ngành kinh tế.

Vậy cơ hội nào giúp các ngành kinh tế có thể quay trở lại hoạt động và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19? Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với những chuyên gia trong ngành để làm rõ vấn đề này.

Loại bỏ tâm lý e dè, tạo thuận lợi cho ngành hàng không

Nói về khả năng phục hồi của ngành hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi.

Bởi những địa phương có tỉ lệ người nhiễm Covid-19 cao cũng là những nơi được tiêm chủng vắc-xin nhiều nhất và ngay cả những người bị bệnh thì cũng như đã có vắc-xin trong người.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh

Do đó, cần loại bỏ tâm lý e dè, sợ hãi quá mức, sợ chịu trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương đặc biệt khi Bộ Y tế đã có những quy định rất cởi mở để mở cửa lại ngành hàng không. Điều này rất cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lên tiếng như vừa qua chứ không chỉ đơn thuần để cho địa phương tự quyết định.

Trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao đặc biệt là sự dịch chuyển lao động giữa các địa phương để phục hồi kinh tế và nhu cầu đi lại vào dịp Tết.

Bên cạnh đó, nhu cầu mở lại cấp thiết của ngành du dịch cũng đang là một yếu tố thúc đẩy rất lớn vì nếu muốn khôi phục lại ngành du lịch thì phải nhanh chóng mở lại đường hàng không.

“Chúng ta đang xúc tiến “hộ chiếu vắc-xin” trên các đường bay quốc tế và cũng nên nhanh chóng áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” trong đường bay nội địa để loại trừ những quy định không cần thiết gây khó cho sự phục hồi của ngành hàng không”, PGS.TS cho biết.

Về các gói hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, PGS.TS cũng nêu quan điểm nên ưu tiên hỗ trợ ngành hàng không, song cần đảm bảo tính công bằng giữa các hãng.

Về đề xuất áp giá sàn gây tranh cãi thời gian gần đây, ông Tống đánh giá đây một quyết định sai lầm, thiếu tính toán, vi phạm luật cạnh tranh và tạo cơ chế thiếu công bằng. Theo đó, việc áp dụng giá sàn sẽ làm giảm lượng khách hàng không trên tổng thể, gây thiệt hại cho sự phục hồi của ngành hàng không và các ngành khác.

“Thẻ xanh Covid-19” - chìa khoá phục hồi du lịch

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, để mở ra cơ hội phục hồi cho ngành du lịch sau dịch Covid-19, việc áp dụng “Thẻ thông hành xanh” vô cùng cần thiết.

“Thẻ thông hành xanh Việt Nam” sẽ bao gồm thông tin cá nhân, thông tin y tế (chứng nhận tiêm vắc-xin, chứng nhận xét nghiệm Covid-19, chứng nhận F0 đã khỏi bệnh) và tích hợp mã QR theo màu sắc để nhận diện tình hình dịch bệnh của du khách.

Theo ông Chính, thẻ này tích hợp các giải pháp công nghệ giúp trích xuất nhanh thông tin của người dùng, đảm bảo thông tin xác thực, khó có thể làm giả mạo. Bên cạnh đó, việc áp dụng “Thẻ thông hành xanh” còn góp phần phục hồi các hoạt động giao thông vận tải, thương mại, du lịch, sản xuất… trong bối cảnh có thể dịch vẫn diễn biến lâu dài.

Bàn thêm về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau dịch Covid-19, ông Hoàng Nhân Chính cho biết, đầu tiên các doanh nghiệp cần củng cổ niềm tin khách hàng bằng cách đảm bảo độ an toàn của cơ sở du lịch. Cụ thể là cần có chứng nhận cơ sở an toàn về dịch bệnh và phát triển các kênh tiếp nhận ý kiến để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)

Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng cần khảo sát nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng sau dịch Covid-19 để nâng cao các sản phẩm du lịch an toàn, sản phẩm du lịch ngách,...

“Theo tôi, các cơ sở cần nghiên cứu một bộ quy tắc ứng chung dành cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng rời rạc, không thống nhất trong hoạt động du lịch. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Chính chia sẻ.

"3 tại chỗ" - Rằng hay thì thật là hay

Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may 29-3 (Đà Nẵng) chia sẻ:

Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần được chú trọng hơn cả. Từ hơn 2 tháng nay, Công ty đã triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu. Việc duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này không chỉ vì doanh thu, mà còn vì uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.

Chúng tôi nhận thức việc nếu vì dịch bệnh mà dừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất bạn hàng vào tay đối tác khác và sẽ bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tham gia.

Còn nhiều người hỏi tôi, doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như thế nào thì tôi xin mượn câu nói của Nguyễn Du để nói về vấn đề này: “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào? Tôi nói thế để mọi người hình dung rằng doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” rất khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may 29-3 (Đà Nẵng)

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế trong 3 tháng cuối năm nay và những năm sau, tôi cho rằng, để doanh nghiệp được tiếp tục an toàn sản xuất trong bối cảnh hiện tại, thì việc tiêm vắc-xin cho công nhân làm việc tại các nhà máy là rất quan trọng.

Bởi khi được tiêm vắc-xin, người lao động sẽ yên tâm ở lại doanh nghiệp làm việc. Từ đó, sẽ không có tình trạng người lao động bỏ về quê để lại quá nhiều hậu quả về kinh tế cũng như xã hội.

Doanh nghiệp ngành thuỷ sản gặp khó trong khâu vận chuyển

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết để chuẩn bị cho giai đoạn tới, VASEP đã kiến nghị NN&PTNT xin chủ trương từ Chính phủ, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo cơ chế ưu đãi cho lưu thông, vận chuyển. Thủy sản Việt Nam không thiếu khách hàng mà doanh nghiệp gặp khó trong khâu vận chuyển.

Ngoài ra, cần thống nhất các quy định sản xuất trong tình hình mới do chi phí xét nghiệm Covid-19 rất lớn với doanh nghiệp. Ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản cần một kế hoạch chung để đưa vào dự toán doanh thu, lợi nhuận.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp ngành thủy sản để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất sau giãn cách. Những đối tượng chưa tiêm, hoặc đã tiêm 1 mũi, 2 mũi hiện bị xếp chung vào một nhóm.

Dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cần xếp vào nhóm cần bình ổn giá, đảm bảo đúng chủ trương "sống chung với dịch" Thủ tướng đề ra.

Cần đẩy mạnh tiêm vắc-xin, đặc biệt ở các tỉnh ĐBSCL - nơi chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, bên cạnh Tp.HCM.

Lượng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9/2021 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản từ Nam Trung Bộ vào đến ĐBSCL duy trì được sản xuất cầm chừng, đảm bảo được "3 tại chỗ". Số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 10-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Ước tính 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Ngành thuỷ sản đang kỳ vọng từ tháng 10 sẽ khả quan hơn khi mở cửa Tp.HCM cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, chặng đường phục hồi sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn "chông chênh" do diễn biến khó lường có dịch Covid-19. Chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài.

Ngành F&B là một "cuộc chơi đường dài khó nhằn"

Chị Nguyễn Hà Linh - chủ chuỗi nhà hàng Bếp Thái Koh Yam cho biết trước thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, kinh doanh ngành F&B đã luôn là một "cuộc chơi đường dài khó nhằn". Trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đều đang trong đà trượt dốc kéo dài mà thiệt hại trực tiếp và sớm nhất là ngành dịch vụ. Các chuỗi nhà hàng ngành F&B đang phải chịu tổn thất nặng nề.

Các đợt giãn cách của Chính phủ, toàn bộ 7 cơ sở của chuỗi nhà hàng Bếp Thái Koh Yam đã phải đóng cửa theo đúng quy định và cho nhân viên khối văn phòng làm việc tại nhà để đảm bảo sức khoẻ. Việc đóng cửa nảy sinh nhiều bài toán liên khó giải quyết như: số lượng nhà hàng khá lớn, thiếu vắng nhân sự trực, không chủ động thời gian, không gian giám sát…

Đây là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.

Chị Nguyễn Hà Linh - chủ chuỗi nhà hàng Bếp Thái Koh Yam

Đối với chuỗi nhà hàng, do là tập trung vào mảng bán hàng tại chỗ nên Bếp Thái Koh Yam tận dụng thời gian giãn cách để cải thiện, nâng cấp thương hiệu, diện mạo nhà hàng… sẵn sàng mở cửa đón khách khi được mở lại.

Tôi tin thị trường F&B Việt Nam vẫn đang có tương lai nhiều triển vọng. Trước Covid-19, ngành F&B đã hình thành gắn với thói quen và thị hiếu người tiêu dùng. Điển hình có thể kể đến như nhu cầu về ăn uống lành mạnh, các loại thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, hữu cơ... Những xu hướng này không bị mất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Hơn nữa, thói quen đặt hàng qua các ứng dụng cũng là tiền đề tốt để các chuỗi nhà hàng đầu tư nghiên cứu nhiều hơn cho ngành F&B giảm thiểu gánh nặng thay vì việc mở thêm các điểm mới.

Bất động sản có thể hồi phục trong quý IV

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, bắt đầu từ tháng 10/2021, khi nhiều địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội và tạo ra nhiều vùng xanh an toàn, hoạt động phát triển dự án BĐS và thị trường giao dịch BĐS sẽ được kích hoạt trở lại.

Tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường không có nhiều cải thiện, các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng là rất lớn) chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể tham gia thị trường.

Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ông Đính dự báo, giá BĐS quý IV sẽ được điều chỉnh tương đương cùng kỳ năm 2020. Những dự án không điều chỉnh, vẫn giữ giá như đầu quý II/2021 chắc chắn sẽ có tỉ lệ hấp thụ thấp.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)

Thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá BĐS vì nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng) thuế đất tăng, nguyên vật liệu và thiết bị tăng, nhân công tăng…

Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, tỉ lệ hấp thụ trên toàn thị trường đạt trên 40%. Thị trường BĐS ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Thuận, Long An, Phú Quốc có khả năng sôi động sớm.

Đối với thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng vẫn tiếp tục thu hút và được quan tâm từ các nhà đầu tư; những dự án quy mô được đầu tư với đa dạng loại hình dịch vụ, nghỉ dưỡng hút đầu tư nhiều; dự báo vùng Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc sôi động về phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Với thị trường BĐS bán lẻ, các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, cửa hàng hồi phục trở lại và đạt trên 50% vào ngay trong tháng 10. Tuy nhiên, giá cho thuê các cơ sở bán lẻ giảm nhẹ khoảng 10%.

Văn phòng cho thuê phân khúc hạng A khan hiếm. Phân khúc văn phòng cho thuê chuyên nghiệp hạng B,C có tỉ lệ lấp đầy đạt trên 50%. Giá cho thuê các phân khúc không giảm so với các kỳ trước, có thể tăng nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng thuê.

Với thị trường BĐS công nghiệp, ông Đính nhận định sẽ phục hồi sớm nhất với tỉ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì như quý III/2021, giá thuê không biến động. Cùng với đó, thị trường nhà ở cho thuê và dịch vụ quanh các khu công nghiệp đã hoạt động sẽ ổn định trở lại trong quý IV/2021.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh), qua nghiên cứu và trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần phải bổ sung sung sửa đổi một số Luật sau: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (đưa 02 luật ra khỏi phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật này là Luật Hải quan, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

“Chính phủ, Quốc hội cần sớm thảo luận, nghiên cứu để sửa đổi. Đây sẽ là cú hích để khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 15/10/2021 | 07:00