Hệ thống kiểm định xe cơ giới trên cả nước có 281 trung tâm với hơn 2.000 đăng kiểm viên. Với việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam hàng trăm lãnh đạo, đăng kiểm viên và tạm thời đóng cửa nhiều trung tâm đăng kiểm trong cả nước nhất là ở Hà Nội và Tp.HCM đã khiến lực lượng đăng kiểm viên rơi vào tình trạng thiếu hụt rất nghiêm trọng, tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự cho xã hội.

Khởi đầu từ Tp.HCM và các tỉnh miền Tây, đến đầu tháng 1/2023, hàng loạt trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiếp tục bị đóng cửa. Giáp Tết, Hà Nội có 11/31 trung tâm bị đóng cửa, khiến hàng nghìn chủ phương tiện lo lắng tìm chỗ đăng kiểm.

Mặc dù Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp để tháo gỡ, từ việc điều động, chi viện đăng kiểm viên về những địa phương thiếu nhân lực, làm thêm giờ, ngày nghỉ, song, nhưng như chính lãnh đạo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lúc bấy giờ cũng thừa nhận, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt, không thể giải quyết được vấn đề.

Sau Tết, khủng hoạt đăng kiểm lại tái diễn, thậm chí gia tăng hơn và gần như đạt đỉnh vào đầu tháng 3/2023 khi công an cả nước mở rộng điều tra, khám xét hơn 70 trung tâm, khởi tố gần 500 bị can với hàng loạt tội danh.

Hình ảnh dễ thấy ở Hà Nội, Tp.HCM và nhiều địa phương là dãy dài ô tô nối đuôi nhau hàng cây số trước cửa các trung tâm đăng kiểm. Tài xế ăn ngủ trên xe từ đêm khuya, chờ đợi đến vài ngày mới có lượt, chạy lòng vòng các tỉnh thành lân cận, thậm chí phải bỏ tiền triệu thuê người đi đăng kiểm hộ…

Câu chuyện càng thêm trầm trọng khi nhiều trung tâm đăng kiểm lại lựa chọn cách xử lý cứng nhắc. Câu chuyện dở khóc, dở cười cho không ít chủ phương tiện, khi họ nâng cấp chiếc xe của mình để đảm bảo an toàn hơn khi lưu thông, như việc thay đèn cho xe cùng loại, nhưng đời mới cho xe đời cũ lại bị cho là thay đổi kết cấu. Hoặc khâu nhận dạng, kiểm tra tổng quát phương tiện cũng có nhiều vấn đề đáng phải bàn... Đó cũng là nguyên nhân khiến lượng phượng tiện đến hạn đăng kiểm bị dồn ứ càng lớn.

Tại thời điểm ngày 9/3, theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà Nội chỉ còn 6/31 trung tâm đăng kiểm hoạt động, trong khi ước tính số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 lên tới 68.690 xe. Nếu không có biện pháp can thiệp, trong tháng 3, khả năng đáp ứng của các đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 14% nhu cầu, và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 7% vào tháng 4, tháng 5, thậm chí giảm xuống 6% vào tháng 6.

Tại Tp. HCM tình hình cũng không khá hơn. Vào thời điểm 9/3 cũng chỉ còn 10/19 trung tâm hoạt động, khả năng đáp ứng khoảng 49% nhu cầu và sẽ giảm xuống 22% vào tháng 4, thậm chí xuống đến 18% vào tháng 5.

Từ cuộc khủng hoảng của ngành đăng kiểm đã lan ra trở thành cuộc khủng hoảng xã hội, gây ra thiệt hại không chỉ là thu nhập của hàng triệu chủ xe, tài xế, mà còn tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng, gây ra hàng loạt sự đổ vỡ dây chuyền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Đến mức lúc bấy giờ người dân đã phải thốt lên: “khổ như đi đăng kiểm!”

Trước khả năng đáp ứng ngày càng giảm của ngành đăng kiểm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, tháo gỡ. Đến ngày 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phải làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an trong đó yêu cầu hai bộ “phải làm ngay, phải thay đổi ngay”, có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân. Nghị quyết của Chính phũng cũng yêu cầu Bộ GTVT có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023.

Ngay sau đó, nhiều biện pháp được gấp rút thực hiện. Hà Nội mở lại nhiều trung tâm đăng kiểm sau hai tháng tạm dừng. Bộ Công an điều động 50 Cảnh sát giao thông tham gia kiểm định tại Hà Nội và Tp.HCM từ 11/3. Vài ngày sau, Bộ Quốc phòng cũng cắt cử nhân lực sang hỗ trợ tại các trung tâm đăng kiểm.

Mặc dù thực tế, số cán bộ từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được điều về hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, song như chính Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, đây chính là “nguồn lực quý báu trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Cùng lúc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam có tân Cục trưởng sau hai tháng khuyết lãnh đạo.

Với khối lượng công việc khổng lồ vẫn đang chờ trước mắt, hiện nay ngành đăng kiểm cũng đang khẩn trương triển khai các kỳ thi sát hạch đăng kiểm viên để sớm có nhân lực phân công về các đơn vị đăng kiểm nhận nhiệm vụ.

Bên cạnh việc bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hút trầm trọng, việc cấp thiết để “giải cứu” hoạt động đăng kiểm là phải sửa đổi hành lang pháp lý.

Ngày 21/3 Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về đăng kiểm (vốn có những điều kiện đăng kiểm cực kỳ ngặt nghèo) với những quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn mới gần với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Thông tư mới đã quy định việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng đồng thời nới thêm chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới. Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi có Thông tư mới là khoảng 3.073.629 xe.

Đặc biệt, sau thời gian xây dựng theo trình tự rút ngắn, hiện nay Bộ GTVT đang trong thời gian lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Dự thảo Nghị định có nhiều điểm tiến độ, theo hướng nâng cao năng lực phục vụ của hoạt động đăng kiểm như mở rộng đối tượng cung cấp dịch vụ đăng kiểm, giảm số lượng kiểm định viên tối thiểu trên một dây chuyền kiểm định; nới rộng điều kiện của đăng kiểm viên; tách bạch trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm; bãi bỏ quy định giới hạn năng suất kiểm định.

Đặc biệt dự thảo Nghị định cũng thể hiện sự phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các địa phương, gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành phố đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, bổ sung thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm cho Sở GTVT. Đồng thời Sở GTVT cũng cơ quan quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm; thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp quản lý. Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo Bộ GTVT, các nội dung sửa đổi Nghị định 139 nhằm siết chặt hơn nữa quản lý nhà nước, minh bạch các thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới, công nhận đăng kiểm viên. Một số quy định được nới lỏng nhằm thu hút nguồn lực, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học trong hoạt động kiểm định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lĩnh vực này.

Đánh giá những nội dung sửa đổi này, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Du lịch Tp.HCM, chia sẻ: "Những sửa đổi trong dự thảo trên hầu hết đều đã có sự tiếp thu các ý kiến đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan. Đối với tôi thì tôi tâm đắc nhất là sự phân quyền quản lý cho địa phương. Đó là sự thay đổi lớn từ cấp vĩ mô, hạn chế sự tập quyền về một cơ quan từ đó làm nảy sinh tiêu cực, hối lộ. Việc mở rộng đối tượng được kiểm định cho các Trung tâm 3S, 4S cũng rất cởi mở, vì các trung tâm này thuộc các hãng xe có thương hiệu, trước nay họ làm khâu kiểm định trước khi xuất xưởng và bảo dưỡng xe nên hoàn toàn có thể chia sẻ gánh nặng và đảm nhiệm tốt việc đăng kiểm".

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, giải pháp cấp thiết để giải tỏa nhanh tình hình ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm vẫn chưa được ghi nhận.

"Tôi từng nhiều lần kiến nghị xe ô tô khi hết hạn kiểm định thì trung tâm đăng kiểm có quyền được gia hạn thêm một thời gian phù hợp mà không cần tiến hành kiểm tra, việc này dựa trên niên hạn để làm cơ sở. Thông thường các loại xe cơ giới, xe ô tô, xe gia đình từ 3 - 5 năm thì tình trạng xe vẫn còn rất tốt, và các hãng sản xuất hiện nay đều tính toán để có hệ số an toàn khá cao, hoàn toàn có thể tin tưởng để giãn chu kỳ kiểm định", ông Tính phân tích.

Ngành đăng kiểm đang trải qua giai đoạn khó khăn lịch sử. Tuy nhiên thực tế, không phải bây giờ mà nhiều năm trở lại đây, dư luận, các chuyện gia và một số cơ quan chức năng đã có nhiều ý kiến, đóng góp xây dựng gửi tới ngành đăng kiểm là “phải thay đổi” cho phù hợp với thời đại mới nhưng “đâu vẫn hoàn đấy”. Sau biến cố này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là điều kiện tốt để ngành đăng kiểm làm một cuộc cách mạng, “đập đi xây lại” và thay đổi toàn diện ngành mình.

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo lại tiến độ thực hiện Đề an “Tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm” mà Bộ từng ban hành năm 2015.

Bộ đã yêu cầu Cục Đăng kiểm đánh giá kết quả thực hiện đề án trong thời gian qua, chỉ ra việc đã làm và chưa làm được, đồng thời đề xuất giải pháp sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực tại khối cơ quan cục, đơn vị trực thuộc. Trong chỉ đạo lần này, Bộ GTVT nêu rõ quyết tâm tách chức năng quản lý Nhà nước với việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm, không để phòng ban của Cục Đăng kiểm vừa tham mưu về cơ chế chính sách, vừa trực tiếp thực hiện kiểm định, cung cấp dịch vụ công.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) bày tỏ sự tán thành với tinh thần sửa đổi này của Bộ GTVT. Theo ông Đồng, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không trực tiếp cung ứng dịch vụ đăng kiểm, “miếng bánh” sẽ được trao lại cho thị trường tư nhân, tạo ra sự minh bạch trong hoạt động đăng kiểm, tránh tình trạng Nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Chuyên gia này cho rằng dịch vụ đăng kiểm ô tô nên được “thị trường hóa” tương tự như cách làm với nhiều dịch vụ công chứng giấy tờ. Khi thị trường được hình thành, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sẽ tự phát triển tới ngưỡng cân bằng với nhu cầu của xã hội. Các cơ sở đăng kiểm trực thuộc Nhà nước vẫn có thể tồn tại nhưng chỉ ở những vùng khó khăn, nơi không đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư.

“Vai trò của Cục Đăng kiểm khi đó sẽ giống như một người quản lý thị trường. Cục thực hiện 3 nhiệm vụ chính là: Đặt ra tiêu chuẩn đăng kiểm, cấp phép cho các đơn vị đáp ứng tiêu chuẩn và giám sát việc thực thi tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.

Một khía cạnh khác là vấn đề xã hội hóa. Mặc dù bê bối hiện nay của ngành đăng kiểm phát sinh sau một thời gian thực hiện xã hội hóa với lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, xã hội hóa không phải là “thủ phạm” chính đang “phá” hoạt động đăng kiểm mà chính là việc xã hội hóa tràn lan, thiếu kiểm soát. Do đó không vì bê bối lần này mà “nói không” với xã hội hóa đăng kiểm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, sau biến cố lần này, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần tách bạch riêng hai nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới.

Song song với xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm, cần đẩy mạnh số hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đăng kiểm. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 30/05/2023 | 09:00