Du lịch đơn điệu, thiếu sức hút

Theo đánh giá của các chuyên gia về du lịch, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn liền với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, tìm về thiên nhiên và ẩm thực dân dã, là 1 trong 7 vùng du lịch đặc trưng được Chính phủ phê duyệt... Nhiều tiềm năng và có bản sắc riêng, nhưng câu chuyện về sản phẩm du lịch vùng vẫn luôn được bàn ở nhiều hội thảo bởi thiếu tính thu hút và đột phá.

Trong giai đoạn hồi phục du lịch sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây vẫn lúng túng trước những thay đổi của thị trường, hay cần các nguồn lực hỗ trợ khi vừa trải qua một quãng thời gian dài hoạt động cầm chừng, thiếu thốn nguồn lực về vốn, lao động...

Du lịch miền Tây

Theo kết quả thống kê, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đơn cử như cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong năm 2019, tổng lượt khách đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ĐBSCL; doanh thu đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Du lịch miền Tây

Nhưng đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 ngàn lượt, doanh thu giảm sốc chỉ còn dưới 10 nghìn tỷ đồng. Còn tại cụm phía Đông, 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động; 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Đơn cử như tỉnh Tiền Giang, tổng lượng khách du lịch giảm 87%, doanh thu chỉ đạt 250 tỷ đồng, giảm 78%.

Nhiều năm nay, du lịch miền Tây vẫn rất mờ nhạt, chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đồng bằng sông Cửu Long, du khách quốc tế đến miền Tây thường tỏ ra không mặn mà và tỉ lệ quay trở lại khá thấp.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty Hieutour chỉ ra, du khách quốc tế khi đi du lịch miền Tây thường chỉ đi trong ngày đến chợ nổi ở Cần Thơ, Bến Tre hay Mỹ Tho là coi như đã kết thúc hành trình, sau đó di chuyển sang Campuchia để tiếp tục chuyến du lịch. “Chất lượng dịch vụ chưa cao, điểm đến vẫn còn đơn điệu và các vấn đề về sinh thái, môi trường là những điều hạn chế của sản phẩm du lịch nơi đây. Du khách chèo thuyền tới đâu là rác tới đó, dù dòng sông của chúng ta rất đẹp”, ông Hiếu nhận xét.

Đồng quan điểm, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel tại Cần Thơ cho biết, du lịch miền Tây đang “hụt hơi” so với các địa phương khác trên cả nước. Dù có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa, nhưng sản phẩm du lịch không có sự đầu tư bài bản, dẫn đến trùng lặp, đơn điệu và không tạo được sự hấp dẫn.

Du lịch miền Tây

Tăng cường liên kết, tạo động lực phát triển

Hiện nay, ngành du lịch các địa phương ĐBSCL đang được mở cửa trở lại với kế được trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ không đem lại quá nhiều giá trị nếu bộ mặt ngành du lịch khu vực này không có sự thay đổi.

TS.Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Khu vực miền Tây sở hữu 3 loại hình du lịch đặc trưng bao gồm du lịch xanh gắn với hệ sinh thái miệt vườn và cảnh quan sông nước; du lịch nông nghiệp, nghỉ dưỡng, văn hóa truyền thống, lịch sử; du lịch biển đảo chất lượng cao. Đó là những loại hình du lịch có tiềm năng tạo ra sự khác biệt và rất hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước”.

Du lịch miền Tây

Các tỉnh, thành miền Tây, tùy thuộc theo điều kiện tự nhiên, xã hội cũng được định hướng phát triển theo loại hình riêng, ví dụ như chợ nổi Cần Thơ, nghỉ dưỡng biển đảo ở Kiên Giang, du lịch nông nghiệp ở Bạc Liêu… Đây chính là nền tảng để tạo ra đa dạng sản phẩm du lịch, tránh đơn điệu, nhàm chán.

Còn ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt cho rằng, hầu hết đồng bằng sông Cửu Long đều có thế mạnh về du lịch sinh thái và gần đây là du lịch nông nghiệp, tuy nhiên về dịch vụ lưu trú còn khá yếu. Nhưng ngoài yếu tố thị trường, du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL cần chú ý hơn nữa đến cơ sở hạ tầng và văn hóa ẩm thực.

Du lịch miền Tây

Nói về tiềm năng và cơ hội của khu vực này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Văn hóa bản địa là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch và đây cũng là lợi thế của Việt Nam với những giá trị truyền thống lâu đời. Hiện nay, du khách có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm chân thực và dân dã thông qua các hoạt động giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu và khám phá những nét đặc trưng của các điểm đến du lịch. Đây cũng là lợi thế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt”.

Để khai thác nhiều tiềm năng để phát triển thành một điểm đến giàu trải nghiệm cho du khách, ĐBSCL cần đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến khu vực được rút ngắn và qua đó mở ra cơ hội cho khu vực trở thành lựa chọn nghỉ dưỡng cuối tuần, các chuyến dã ngoại hay hoạt động team building.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cao việc phát triển liên kết vùng, phối hợp giữa các tỉnh thành với Tp.HCM và những tỉnh lân cận để có sự hỗ trợ trong việc mở rộng nguồn cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách. Điều này đòi hỏi một chiến lược dài hơi trong việc duy trì và phát huy thế mạnh văn hóa bản địa đồng thời sáng tạo hơn trong việc làm mới các sản phẩm du lịch.

Du lịch miền Tây

H.N

NGUOIDUATIN. | Thứ 4, 14/09/2022 | 16:00