Anh Adi Mohammad, một người đam mê du lịch bằng xe mô tô đến từ Singapore, đã rong ruổi khắp nơi trên thế giới bằng chiếc xe hai bánh suốt 20 năm qua, cho đến khi đại dịch Covid-19 khiến việc du lịch nước ngoài trở nên phức tạp.

Trong hơn 2 năm qua, do các hạn chế liên quan đến đại dịch, anh không thể ghé thăm điểm đến yêu thích của mình: Thái Lan. Nhưng thật may mắn cho anh Adi, khi anh có 1 tháng nghỉ phép cũng là khi Thái Lan dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng của thời kỳ đại dịch để phục hồi du lịch.

Anh Adi Mohammad, đến từ Singapore, đứng cạnh chiếc mô tô của mình, tại cửa khẩu Sadao ở tỉnh Songkhla, Thái Lan. Ảnh CNA

“Kế hoạch của tôi là những kỳ nghỉ ở bãi biển, có thể là ở Koh Samui, Phuket hoặc Koh Lanta, những điểm du lịch biển nổi tiếng của Thái Lan”, Adi chia sẻ với trang Channel News Asia sau khi vừa từ bang Kehda của Malaysia băng qua cửa khẩu Sadao thuộc tỉnh Songkhla của Thái Lan.

Quyển hộ chiếu của anh vừa mới được văn phòng xuất nhập cảnh Thái Lan đóng dấu nhập cảnh. Gần đó, chiếc mô tô của anh đang được dựng bên lề đường, sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu mới sau 2 năm được “nghỉ ngơi”.

Songkhla là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan và là cửa ngõ tới Malaysia và Singapore.

Cửa khẩu Sadao đã chứng kiến sự gia tăng khách du lịch từ Malaysia, Indonesia và Singapore kể từ ngày 1/7, sau khi chính phủ Thái Lan loại bỏ hệ thống đăng ký nhập cảnh thời kỳ đại dịch với các thủ tục rờm rà.

Và trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ ngành du lịch ở Thái Lan được thổi luồng gió mới tươi mát nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế liên quan đến Covid-19.

Ảnh minh họa du lịch Thái Lan (iStock)

Du lịch là ngành xương sống, tạo ra doanh thu chính cho các nước Đông Nam Á, khu vực có lượng khách quốc tế tăng hơn gấp đôi từ 63 triệu năm 2009 lên 139 triệu vào năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO).

Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Việt Nam, Singapore và Malaysia, và 20-25% GDP ở Thái Lan, Campuchia và Philippines, theo một báo cáo tháng 5/2022 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố.

Bên cạnh Thái Lan, hầu hết các quốc gia trong khu vực, như Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines, đều đã ngừng yêu cầu du khách đã tiêm phòng đầy đủ làm xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh.

Số lượng các chuyến bay đang dần trở lại mức năm 2019 ở các nền kinh tế lớn trong khu vực, với Singapore, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến nhất trong năm nay và dẫn đầu sự phục hồi du lịch ở Đông Nam Á, theo hãng phân tích dữ liệu bay Cirium.

Tọa lạc tại khu trung tâm của Vịnh Marina (Marina Bay), Singapore Flyer là vòng quay quan sát lớn nhất châu Á. Ảnh Marina Bay Sands

Theo Economist Intelligence Unit, một doanh nghiệp độc lập thuộc Tập đoàn Economist chuyên cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích, phải đến năm 2024, ngành du lịch châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Ông Stanley Foo, người sáng lập công ty lữ hành địa phương Oriental Travel & Tours, cho biết kể từ tháng 4 năm nay, khi Singapore bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh đối với du khách, hoạt động kinh doanh của công ty ông đã hồi sinh nhanh chóng. Du khách đang đặt các chuyến đi dài hơn và chi tiêu nhiều hơn trước, ông Foo nói.

Theo vị doanh nhân này, trước đại dịch, công ty nhận được khoảng 20 lượt đặt chuyến du lịch mỗi tuần, chủ yếu là các chuyến đi kéo dài 3-4 ngày. Giờ đây, công ty đang xử lý 25 lượt đặt chuyến du lịch mỗi tuần, với một số khách đặt các chuyến đi dài tới 10 ngày. Chi tiêu trung bình cho các chuyến du lịch đã tăng từ khoảng 2.000 USD/người trước đại dịch lên mức 4.000-6.000 USD hiện nay.

“Đó chính là xu hướng du lịch trả thù”, ông Foo cho biết. “Họ đã tiết kiệm đủ trong 2 năm đại dịch”.

Là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa biên giới quốc tế trong thời kỳ đại dịch, Singapore bắt đầu cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm chủng từ một số quốc gia được chọn bắt đầu từ tháng 9/2021 thông qua chương trình “Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vắc-xin” (VTL).

Kế hoạch này đã được mở rộng đến ngày càng nhiều quốc gia trước khi Singapore chuyển sang chương trình "Khung du lịch cho người đã tiêm chủng" (VTF) với các quy định quản lý an toàn và quy trình nhập cảnh được đơn giản hóa.

Trong khuôn khổ chương trình VTF, du khách có thể đáp chuyến bay bất kỳ đến Singapore và không cần thực hiện xét nghiệm khi nhập cảnh.

“Trọng tâm của chúng tôi là làm thế nào để thực hiện điều này theo cách an toàn, để vừa có thể kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch, vừa kết nối lại để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế diễn ra”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Singapore S. Iswaran cho biết.

Kết quả đạt được đã không phụ lòng mong mỏi: “Đảo quốc sư tử” đã đón hơn 540.000 lượt khách du lịch trong 4 tháng đầu năm nay, với số lượng tăng đều đặn mỗi tháng. Chỉ riêng trong tháng 4, 296.300 du khách đã tới Singapore và con số này đã tăng lên thành 418.310 vào tháng 5.

Các cơ quan quản lý du lịch Singapore dự kiến, lượng khách tới đảo quốc này sẽ tăng trong nửa cuối năm khi việc kết nối chuyến bay được cải thiện và Singapore tổ chức giải đua xe Công thức 1 (Grand Prix Singapore) vào cuối năm nay.

Sau 2 năm bị gián đoạn, Grand Prix Singapore sẽ chính thức trở lại với 3 ngày sự kiện, từ 30/9 đến 2/10. Đây được coi là sự kiện thể thao được mong đợi nhất trong năm ở Singapore, với hàng nghìn khán giả chiêm ngưỡng cuộc rượt đuổi của những tay đua F1 quanh đường đua đêm ở Marina Bay.

Vé khán đài, cùng với các gói dịch vụ ưu đãi và tiệc chiêu đãi kéo dài 3 ngày, đã bán hết veo trong vòng 6 giờ ngày 13/4 - ngày mở bán vé, theo Bloomberg.

Ngoài giải đua xe Công thức 1 và các sự kiện địa phương nhỏ hơn, ở Singapore có ít nhất 66 hội nghị và triển lãm quốc tế được lên kế hoạch cho phần còn lại của năm, giúp ngành du lịch MICE của “đảo quốc sư tử” phục hồi mạnh mẽ.

MICE chiếm khoảng 1% GDP của Singapore trước đại dịch, và 15% lượng khách quốc tế, theo Tổng cục Du lịch Singapore (STB). Trong quý I/2022, Singapore đã tổ chức hơn 150 sự kiện địa phương và quốc tế với hơn 37.000 người tham dự.

Singapore hy vọng các sự kiện như vậy sẽ giúp đất nước khôi phục vị thế một điểm đến kinh doanh và du lịch hàng đầu ở châu Á.

Mặc dù có sự gia tăng mạnh về lưu lượng hành khách tại Sân bay Changi kể từ tháng 4/2022 khi các hạn chế nhập cảnh thời kỳ đại dịch được dỡ bỏ đối với tất cả các du khách đã tiêm phòng, lưu lượng hành khách mới chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2019.

Do đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết, có thể mất vài năm để lượng du khách tới nước này hồi phục về mức trước đại dịch.

Chính phủ Singapore đã dành gần 500 triệu Đô la Singapore (364 triệu USD) để hỗ trợ du lịch, và đang lên kế hoạch cho các điểm tham quan mới, bao gồm một công viên giải trí, nơi mọi người có thể trượt băng, lướt sóng, trượt tuyết...

Thái Lan hiện đã gỡ bỏ các hạn chế du lịch cuối cùng liên quan đến đại dịch. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng đến “xứ sở chùa vàng” mà không cần phải thông qua hệ thống đăng ký nhập cảnh “Thẻ thông hành Thái Lan” (Thailand Pass) với các thủ tục rườm rà.

Được giới thiệu từ tháng 5, Thailand Pass yêu cầu du khách phải nộp chứng nhận tiêm chủng, bảo hiểm y tế và các giấy tờ khác trước khi khởi hành.

Hệ thống này thay thế nhiều sáng kiến du lịch trước đó của Thái Lan nhằm kích thích du lịch trong thời kỳ đại dịch, gồm "Phuket Sandbox" (Hộp cát Phuket) và Test & Go (Xét nghiệm & Đi) vốn chỉ đạt kết quả khiêm tốn.

Từ 1/7, khi hệ thống Thailand Pass ngừng hoạt động, du khách nhập cảnh Thái Lan chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hoặc giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Du khách đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh Bloomberg

Quả thực, Thái Lan đã không mất nhiều thời gian để thấy phản hồi tích cực của du khách khi các quy tắc du lịch của nước này được nới lỏng.

Hôm 2/7, lượng khách đến sân bay quốc tế Phuket đã tăng 20%, với ước tính khoảng 9.000 người, theo một bản tin do Đài Phát thanh - Truyền hình Công cộng Thái Lan phát.

Cùng ngày hôm đó, lượng du khách vào Thái Lan qua các trạm kiểm soát khác nhau dọc theo biên giới với Malaysia và Lào cũng tăng lên.

Theo ông Michael Marshall, giám đốc thương mại khách sạn Minor Hotels có trụ sở tại Thái Lan, số lượng tìm kiếm trực tuyến để đặt phòng khách sạn cũng tăng lên, bắt đầu từ 1/7.

Thái Lan dự kiến sẽ đón 9,3 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay, so với chỉ khoảng 428.000 lượt vào năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thua xa so với con số 40 triệu lượt khách vào năm 2019.

Thậm chí đến năm 2024, dự kiến số lượt du khách đến quốc gia Đông Nam Á này cũng mới chỉ đạt 24 triệu lượt, tương đương 60% mức trước đại dịch, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một báo cáo hồi cuối tháng 6.

Khách du lịch được nhìn thấy ở Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok, Thái Lan, ngày 24.6.2022. Ảnh Bangkok Post

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đặt mục tiêu yêu cầu chính phủ cấp ngân sách trị giá 1,03 tỷ Baht (gần 30 triệu USD) như một “mũi tiêm tăng cường” để giúp ngành du lịch nước nhà phục hồi mạnh mẽ hơn, theo trang The Nation Thailand.

Ông Yuthasak Supasorn, người đứng đầu TAT, cho biết khoản ngân sách này sẽ giúp cơ quan đạt được mục tiêu tạo ra 1,5 nghìn tỷ Baht (gần 42 tỷ USD) doanh thu du lịch, chiếm 50% doanh thu du lịch vào năm 2019, trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu.

Ông Yuthasak lập luận rằng vấn đề này phù hợp với nhận xét của Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn, "Nếu chúng ta tham chiến, chúng ta phải có vũ khí của mình".

Để kích thích du lịch trong nước, ông Yuthasak cho biết TAT sẽ thực hiện các chiến dịch khuyến mại với các hãng hàng không và khách sạn để tăng hệ số tải chuyến bay và tỉ lệ lấp đầy khách sạn lần lượt lên 70% và 55%.

TAT cũng sẽ khởi động một dự án với các nhà điều hành xe buýt du lịch bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng lượng hành khách, ông Yuthasak nói, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan này cũng sẽ trợ giá nhiên liệu cho các nhà điều hành xe buýt du lịch.

Số lượng khách du lịch tới Thái Lan sẽ tăng vào cuối năm khi mùa cao điểm đến, với việc người châu Âu tìm đến những bãi biển nhiệt đới đầy nắng để trốn tránh cái lạnh giá của mùa đông ở quê nhà, theo Bloomberg. Bây giờ khi các hạn chế đi lại hầu như đã không còn, họ có thể đi lại tự do hơn, niềm hy vọng phục hồi cho ngành du lịch đã trong tầm mắt.

Một chiếc xe tuk-tuk được nhìn thấy tại tụ điểm du lịch trên đường Khaosan ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh EPA

“Đây là một ngành công nghiệp có khả năng phục hồi”, ông Garth Simmons, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á tại Accor SA, nhận định. Hiện Accor SA đang điều hành 82 khách sạn trên khắp Thái Lan và dự kiến mở thêm 5 khách sạn trong năm nay.

“Chúng tôi tin tưởng rằng nhu cầu sẽ không chỉ trở lại mức trước đại dịch, mà còn có thể vượt quá những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây”.

Indonesia đang đặt mục tiêu thu hút 1,8-3,6 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay, với hầu hết du khách dự đến từ Australia, Singapore và Malaysia.

Hồi đầu tháng 6, Indonesia cho biết sẽ không còn yêu cầu khách du lịch phải mua bảo hiểm y tế trước khi nhập cảnh, và từ tháng 5 đã ngừng yêu cầu du khách xuất trình xét nghiệm PCR âm tính khi đến. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài vẫn cần tải xuống ứng dụng theo dõi PeduliLindungi để vào các cơ sở như trung tâm mua sắm trên toàn đảo quốc.

“Cao điểm của lượng khách du lịch sẽ đến vào tháng 7 và tháng 8/2022”, trang Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết hồi giữa tháng 6.

“Hy vọng rằng một khi đại dịch được kiểm soát, số lượng các chuyến bay đến Indonesia, đặc biệt là đảo Bali, có thể tiếp tục tăng”, ông Uno cho biết. “Chúng tôi lạc quan rằng mục tiêu của các hoạt động du lịch sẽ đạt được trong năm nay”.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã thu hút 1,56 triệu du khách nước ngoài năm 2021, giảm mạnh so với 4,02 triệu vào năm 2020. Nhưng có dấu hiệu phục hồi. Trong tháng 4/2022, Indonesia đã đón hơn 11.000 du khách nước ngoài, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Là một trong những điểm đến hấp dẫn tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận những tín hiệu rất tích cực trong quá trình phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19.

Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Malaysia dự kiến sẽ đạt 5 triệu lượt vào cuối năm nay, theo Hiệp hội các công ty du lịch và lữ hành Malaysia (MATTA).

Việc Malaysia nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch kể từ đầu tháng 4 và nhu cầu du lịch quốc tế tăng vọt đã giúp ngành công nghiệp “không khói” của đất nước có vị thế tốt để phục hồi, Chủ tịch MATTA Tan Kok Liang nói với Tân Hoa xã (Xinhua) trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Chúng tôi đã đón khoảng 1 triệu lượt khách kể từ khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh thời kỳ đại dịch. Trong đó, có khoảng 600.000 lượt khách đến từ nước láng giềng Singapore”, ông Tan cho biết.

“Chúng tôi rất lạc quan khi các quốc gia từ EU, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN khác đã đưa ra những phản hồi rất tích cực và chúng tôi cho rằng Malaysia sẽ dễ dàng đạt được mốc 5 triệu khách trong năm nay”, ông bổ sung.

Các nhà phân tích dự đoán, trong nửa cuối năm 2022, khu du lịch giải trí Cao nguyên Genting gần thủ đô Kuala Lumpur sẽ bùng nổ lượng khách tới tham quan khi nơi đây được hưởng lợi từ việc triển khai các điểm tham quan mới tại công viên giải trí Resorts World Genting.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố Malaysia chuyển sang giai đoạn mới của đại dịch và mở cửa lại biên giới cho du khách quốc tế từ ngày 1/4, một phần nhằm giảm bớt áp lực lên nền kinh tế của đất nước và giúp người dân khôi phục cuộc sống gần như bình thường sau trận chiến kéo dài 2 năm với Covid-19.

Tuy nhiên, ông Tan cho biết, ngành du lịch vẫn phải đối mặt với những thách thức, đáng chú ý nhất là sự thiếu hụt nhân lực sau 2 năm gián đoạn và các vấn đề khác trong việc đảm bảo lao động nước ngoài.

“Điều này cũng đã được Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Datuk Seri Nancy Shukri lưu ý”, ông Tan nói, cho biết thêm rằng ông đã làm việc với bà Nancy để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề.

“Tình trạng thiếu lao động đặc biệt đáng lo ngại vì nó ảnh hưởng đến khả năng của các khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác sử dụng nhiều nhân lực”, ông nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng ngành du lịch Malaysia cuối cùng sẽ có thể khôi phục về mức trước đại dịch, dù có thể phải mất một thời gian nữa.

Theo dữ liệu từ Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, quốc gia Đông Nam Á đã đón 26,1 triệu lượt khách vào năm 2019, đóng góp 86,1 tỷ RM (19,59 tỷ USD). Sau khi đại dịch bùng phát, số lượng du khách đến Malaysia giảm mạnh xuống còn 4,33 triệu lượt vào năm 2020, và chỉ còn 130.000 lượt vào năm 2021.

Còn ở Philippines, ngành du lịch đang hoạt động khá ổn, với lượng đặt phòng vào giữa tháng 6/2022 đạt 40% so với mức năm 2019, trong khi tỉ lệ này là 20% vào tháng 1/2022, theo hãng phân tích dữ liệu bay Cirium.

Dữ liệu thống kê cho thấy, từ ngày 10/2/2022, khi Philippines bắt đầu mở cửa đón khách du lịch nước ngoài trở lại, đến ngày 25/4/2022, “xứ sở nghìn đảo” đón tổng cộng 319.047 lượt khách. Ngành du lịch Philippines trị giá 92,6 tỷ USD vào thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Ở những nơi khác trong khu vực, sự phục hồi diễn ra chậm hơn, đặc biệt là ở các thị trường phụ thuộc nhiều vào khách Trung Quốc hoặc khách Nga, hoặc cả hai. Người Trung Quốc vẫn nằm ngoài bản đồ du lịch quốc tế do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam đón 602.000 lượt khách du lịch quốc tế, chưa bằng 10% con số trước đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng đã được cải thiện. Việt Nam hoàn toàn mở cửa cho du lịch quốc tế từ 15/3 năm nay.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, Việt Nam đón gần 237.000 lượt khách nước ngoài, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia đã tăng 394% lên 506.762 lượt khách trong 6 tháng đầu năm nay. Quốc gia Đông Nam Á này đã nới lỏng các quy tắc nhập cảnh để tạo thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy du lịch, đầu tư và thương mại kể từ 17/3.

Bộ Du lịch Campuchia dự kiến sẽ có 800.000 du khách tới đây vào cuối năm 2022. Năm 2019, “xứ sở chùa tháp” đón 6,6 triệu lượt khách quốc tế.

Sự phục hồi của du lịch Đông Nam Á có thể đang đi đúng hướng, nhưng con đường phục hồi dự kiến sẽ còn dài khi khu vực này cũng phải đối mặt với những thách thức toàn cầu khác, như lạm phát, chi phí và lãi suất tăng, nguy cơ suy thoái tiềm ẩn, và diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 18/07/2022 | 07:00

<% include googleAnalystic %>