Lee Ha-kyung, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Seoul, Hàn Quốc, vừa đặt vé máy bay đi Tây Ban Nha và dự kiến sẽ khởi hành vào đầu tháng 7.

Do giá vé tăng gần đây, cô phải trả khoảng 2 triệu Won (36 triệu Đồng) cho một chuyến bay khứ hồi, gần gấp đôi so với mức giá trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Nhưng cô Lee cho biết, cô ấy không thấy hối tiếc.

Một xu hướng mới nổi lên tại Hàn Quốc thời kỳ hậu Covid, gọi là "chi tiêu trả thù"...

Do giá vé tăng gần đây, cô phải trả khoảng 2 triệu Won (36 triệu Đồng) cho một chuyến bay khứ hồi, gần gấp đôi so với mức giá trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Nhưng cô Lee cho biết, cô ấy không thấy hối tiếc.

“Xét rằng đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi trong hơn 2 năm qua và tôi đã không tiêu tốn nhiều tiền trong thời gian đại dịch xảy ra, khoản chi tiêu đó có vẻ hợp lý”, cô Lee chia sẻ.

Cô Lee là một trong số nhiều người Hàn Quốc đang hòa mình vào một xu hướng mới nổi lên tại đất nước này thời kỳ hậu Covid, gọi là "chi tiêu trả thù", nghĩa là bù đắp cho những chuyến du lịch và mua sắm đã bỏ lỡ trong thời gian đại dịch.

Nhà ga số 1 tại Sân bay Quốc tế Incheon ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đông nghẹt hành khách. Ảnh chụp hồi đầu tháng 6.2022, đăng trên Korea Times

Giờ đây, hầu hết các hạn chế liên quan đến đại dịch ở Hàn Quốc đã được dỡ bỏ, người dân xứ sở kimchi đang đổ xô đến các sân bay, các điểm du lịch trong nước, các trung tâm mua sắm và tụ điểm văn hóa để giải tỏa “cơn khát” đối với các hoạt động du lịch và giải trí.

Xu hướng này đánh dấu sự phục hồi của ngành du lịch sau khoảng thời gian dài bị kìm hãm bởi đại dịch. Và Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến sự phục hồi này. Du lịch toàn cầu đang thực sự thức giấc.

Đức có chính sách khuyến khích công dân thuộc GenZ du lịch trong nước. Du lịch mang lại khoản lợi nhuận khoảng 124 tỷ Euro (131 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế Đức. Ảnh Getty Images

Theo báo cáo do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) công bố hồi đầu tháng 6, thế giới ghi nhận 117 triệu lượt khách quốc tế trong quý I/2022, tăng 182% so với cùng kỳ năm 2021.

Dù con số 117 triệu trên vẫn còn thấp hơn 61% so với quý I/2019 (thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát), nhưng nó phần nào phản ánh sự khởi sắc của ngành công nghiệp du lịch trong bối cảnh các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ và niềm tin của du khách được khôi phục.

Báo cáo của UNWTO cũng tiết lộ, châu Âu chứng kiến sự phục hồi du lịch mạnh mẽ nhất trong quý I/2022 khi số lượng du khách quốc tế đến khu vực này tăng 280% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, châu Mỹ, Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến lượng du khách quốc tế cũng lần lượt tăng 117%, 132% và 64%.

Thị trấn Rothenburg ob der Tauber cổ kính, thơ mộng ở vùng Bavaria, Đức. Ảnh Getty Images

UNWTO dự báo ngành du lịch thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi từ giờ đến cuối năm 2022 khi ngày càng có nhiều nước nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch, thúc đẩy nhu cầu tăng mạnh.

Tuy nhiên, để du lịch toàn cầu phục hồi hoàn toàn là một chặng đường dài khi ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ những bất định do tác động từ xung đột Nga-Ukraine và chiến lược “zero-Covid” (không Covid) của Trung Quốc.

Theo GlobalData, một công ty phân tích và dữ liệu hàng đầu, du lịch toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025.

Lượng khởi hành quốc tế sẽ đạt 68% mức trước thời kỳ đại dịch (mức của năm 2019) trên toàn cầu vào năm 2022, và dự kiến sẽ cải thiện lên 82% vào năm 2023, và 97% vào năm 2024, trước khi phục hồi hoàn toàn vào năm 2025 ở mức 101% so với năm 2019, GlobalData cho biết.

Bản đồ của FightRadar24 cập nhật các tuyến hàng không quanh Ukraine, nơi đang xảy ra đụng độ quân sự với Nga, tính đến ngày 27.6.2022. Bản đồ cho thấy không phận Ukraine trống không

Đồng thời, công ty này khuyến cáo, quỹ đạo cho sự phục hồi du lịch quốc tế sẽ không đồng đều giữa các khu vực hoặc quốc gia.

Theo UNWTO, tính đến ngày 2/6, 45 điểm đến, trong đó có 31 điểm đến ở châu Âu, đã dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19. Ngoài ra, ngày càng nhiều điểm đến ở châu Á cũng đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Covid vẫn chưa biến mất, nhưng nhiều quốc gia trên toàn cầu đã áp dụng các chính sách nhằm biến việc sống chung với Covid trở thành một khả năng thực sự.

Nhiều quốc gia đang nhận ra rằng cách duy nhất để chống lại Covid là học cách sống chung với nó - và điều đó có nghĩa là mở cửa lại biên giới cho các hoạt động du lịch, hội hè.

Có những tín hiệu rõ ràng cho thấy nhiều quốc gia trên khắp các lục địa đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên hậu Covid.

Nhật Bản đứng đầu danh sách các địa điểm nhiều du khách mong muốn được đi du lịch lần nữa. Ảnh DW

Nhật Bản, sau 2 năm hạn chế đi lại quốc tế để phòng dịch, đã bắt đầu mở cửa trở lại “có điều kiện” từ đầu tháng 6.

Theo kế hoạch mở cửa dần dần của Chính phủ Nhật Bản, khách du lịch nước ngoài đến thăm xứ sở hoa anh đào sẽ phải đeo khẩu trang, xuất trình bảo hiểm y tế tư nhân và được giám sát trong suốt thời gian lưu trú.

Cục Du lịch Nhật Bản (JTA) cho biết, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại từ ngày 10/6, chỉ khách du lịch đi theo tour mới được nhập cảnh Nhật Bản. Hướng dẫn viên của công ty lữ hành đi theo khách sẽ phải đảm bảo rằng họ đeo khẩu trang.

Nhật Bản, sau 2 năm hạn chế đi lại quốc tế để phòng dịch, đã bắt đầu mở cửa trở lại _có điều kiện_ từ đầu tháng 6.2022. Ảnh Getty Images

Bản hướng dẫn của JTA nêu rõ: “Các hướng dẫn viên phải thường xuyên nhắc nhở khách trong đoàn của mình về sự cần thiết áp dụng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang trong suốt hành trình. Ngay cả ở không gian ngoài trời, đeo khẩu trang cũng cần được duy trì khi mọi người giao tiếp trong khoảng cách gần”.

Khi hầu hết phần còn lại của thế giới đang dần dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19, Nhật Bản cũng đang nới lỏng các quy tắc phòng dịch của mình.

Thủ tướng Fumio Kishida cam kết áp dụng các biện pháp biên giới phù hợp với quy định ở các quốc gia phát triển khác.

Thái Lan, một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới, gần đây cũng tuyên bố đã sẵn sàng bãi bỏ các quy định nhập cảnh rườm rà thời kỳ đại dịch để thu hút thêm khách quốc tế.

Tính đến đầu năm 2022, số lượng khách du lịch đến Nepal nhiều hơn so với toàn bộ năm 2021. Ảnh Flicker

Theo Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Pipat Ratchakitprakan, kể từ 1/7, hệ thống đăng ký nhập cảnh Thailand Pass để kiểm tra chứng nhận tiêm chủng và bảo hiểm của du khách sẽ ngừng hoạt động. Như vậy, du khách đến Thái Lan chỉ phải mang theo giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin hoặc làm các xét nghiệm Covid khi đến.

Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm củng cố nền kinh tế đang “bấp bênh” của Thái Lan, vốn đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng bị kìm hãm bởi đại dịch và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Từ 12/6, hành khách quốc tế đến Mỹ bằng đường hàng không đã không còn phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành. Quyết định này đưa ra dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và dữ liệu thực tế cho thấy quy định về xét nghiệm Covid-19 không còn cần thiết.

Thái Lan đã sẵn sàng bãi bỏ những hạn chế đi lại cuối cùng thời kỳ Covid đối với du khách. Ảnh Bloomberg

Theo Phó Thư ký Báo chí của Nhà Trắng, ông Kevin Munoz, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đánh giá lại quyết định này sau 90 ngày.

Từ hồi tháng 12/2021, CDC Mỹ yêu cầu khách du lịch phải cung cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 1 ngày trước khi lên các chuyến bay đến Mỹ.

Các hãng hàng không Mỹ trong thời gian qua đã liên tục kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ quy định này do lo ngại nhiều người sẽ hoãn hoặc hủy các chuyến đi đến Mỹ vì các quy định kiểm dịch khắt khe.

Ông Roger Dow, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ, gọi việc dỡ bỏ yêu cầu về xét nghiệm Covid là “một bước tiến quan trọng nữa đối với sự phục hồi của du lịch hàng không trong nước và sự trở lại của du lịch quốc tế đến Mỹ”.

Du khách đi bộ qua khu vực giao nhau của nhà ga sân bay phía đông và phía tây, ngày 23.5.2022, ở Austin, Texas, Mỹ. Ảnh ABC News

“Toàn bộ ngành du lịch đều chờ đợi thông báo này”, ông Martin Ferguson, phát ngôn viên của American Express Global Business Travel, đơn vị chuyên tư vấn cho các công ty về chính sách du lịch, cho biết. Theo ông Ferguson, còn rất ít hạn chế liên quan đến đại dịch làm khó lĩnh vực du lịch.

Chính phủ Tây Ban Nha hôm 7/6 xác nhận rằng số chỗ đặt trước trên các chuyến bay đến Tây Ban Nha trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2022 dự kiến vượt mức 32,4 triệu, thể hiện mức phục hồi 94% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch), theo dữ liệu mới nhất do Viện Du lịch Tây Ban Nha (Turespaña) công bố.

Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha, Reyes Maroto, giải thích: “Sau một Tuần lễ Phục sinh đặc biệt, chúng ta đang chào đón một mùa hè với những triển vọng tốt đẹp, ngày càng tiến gần hơn đến mức tăng trưởng trước đại dịch”.

“Tây Ban Nha đang khẳng định vị thế là một trong những điểm đến được lựa chọn nhiều nhất trên thế giới trong mùa hè này. Điều này chứng tỏ phân khúc du lịch đang phát triển ngày càng lành mạnh”, ông Maroto hào hứng cho biết.

Bài biển La Concha ở San Sebastian, Tây Ban Nha được nhiều người cho là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Âu. Ảnh Touropia

Trở ngại đầu tiên đối với ngành du lịch là kịch bản kinh tế đầy thách thức do tác động của xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát từ ngày 24/2, UNWTO nhận định.

Cuộc xung đột đã làm gián đoạn việc đi lại khắp Đông Âu, thậm chí là vẽ lại bản đồ hàng không thế giới khi Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa tất cả không phận trên 27 quốc gia đối với máy bay Nga. Mỹ, Anh và Canada cũng có động thái tương tự để phản ứng với cuộc tấn công quân sự của Moscow vào Ukraine.

Để đáp trả các lệnh cấm của phương Tây, Nga cũng đã đóng cửa không phận của mình với máy bay của 36 quốc gia.

Cuộc xung đột còn kéo theo các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà phương Tây nhắm vào Nga. Đặc biệt, vòng trừng phạt thứ 6 của EU nhắm vào dầu Nga đã gây biến động trên thị trường năng lượng bởi Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

Thái Lan sẽ bỏ các quy định nhập cảnh rườm rà đối với khách quốc tế từ 1.7.2022. Ảnh Business Times

Giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu và dầu WTI tiêu chuẩn Mỹ đều đã tăng khoảng 70% kể từ năm ngoái khi các nền kinh tế phát triển phục hồi sau đại dịch Covid.

Tất cả những điều này gây ra hậu quả đáng kể cho hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro…

Bên cạnh những vấn đề về mặt hậu cần, ngành du lịch toàn cầu còn đối mặt với một sự kéo lùi nữa đến từ hệ lụy của những lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.

Do các lệnh trừng phạt liên quan đến đi lại quốc tế, người Nga có ít lựa chọn hơn cho kỳ nghỉ hè này. Thay vì vi vu tới các địa điểm ở nước ngoài, giờ nhiều người Nga đi du lịch trong nước.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc mất đi lượng khách Nga sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch của một vài quốc gia ở châu Âu, vùng Caribbean, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Việt Nam... Và nếu có khách, chi tiêu của họ có thể giảm 50% so với năm 2021.

Ở thành phố Farmagusa, bờ đông đảo Síp (Cyprus), một số khách sạn phụ thuộc 100_ vào khách Nga. Ảnh DW

Bên cạnh khách Nga, khách du lịch Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền công nghiệp du lịch toàn cầu.

Trước khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu nhiều nhất trên thế giới cho du lịch toàn cầu. Theo UNWTO, khách du lịch Trung Quốc đã chi 254,6 tỷ USD ở nước ngoài vào năm 2019, chiếm gần 1/5 chi tiêu du lịch toàn cầu năm đó.

Số lượng khách du lịch nước ngoài của Trung Quốc tăng trung bình 12,8%/năm trong giai đoạn 2009-2019, so với mức trung bình toàn cầu là 5,1%. Tuy nhiên, đà tăng đó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch từ năm 2020.

Chiến lược "zero-Covid" của Trung Quốc và các đợt đóng cửa dai dẳng đã làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu và việc đi lại trong nước và quốc tế đối với chính du khách Trung Quốc.

“Du khách từ Trung Quốc đại lục có thể sẽ vắng mặt chừng nào các yêu cầu kiểm dịch trong nước vẫn nghiêm ngặt như vậy”, ông Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC cho biết trên Bloomberg.

Mặc dù du lịch khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu khởi sắc, nhưng chặng đường phục hồi của "ngành công nghiệp không khói" chắc chắn còn dài và gian nan.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 02/07/2022 | 06:00