Thực hiện: Hoàng Bích - Thiết kế: Quốc Việt

Hiệp định EVFTA xuất hiện đúng lúc nền kinh tế Việt Nam và EU rơi vào khó khăn, đã mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất trong nước. Tuy vậy, để tận dụng được hết lợi thế, cần nỗ lực tổng thể, đồng bộ của cả nền kinh tế và sự yểm trợ của Nhà nước.

Với việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước, Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Đến nay, hai bên đã triển khai Hiệp định trong khoảng hơn 1 năm.

Để đánh giá lại những thành quả đạt được từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam – EU sau khoảng thời gian 1 năm vừa qua, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

sutit

Người Đưa Tin (NĐT): Hơn 1 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU EVFTA có hiệu lực, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực để đạt được kết quả này?

TS. Vũ Tiến Lộc: So với các hiệp định thương mại tự do khác thì EVFTA được triển khai với tốc độ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đơn cử như việc xây dựng và công bố hướng dẫn về biểu thuế quan của CPTPP chúng ta đã mất 9 tháng nhưng riêng với EVFTA chỉ mất 2 tháng.

Chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cũng được làm tốt hơn. Cộng đồng doanh nghiệp nhận thức về Hiệp định EVFTA cũng tốt hơn.

Thực tế, chưa có hiệp định nào mà chỉ trong vòng 1 năm chúng ta đã có thể tận dụng được 30% ưu đãi về thuế quan. Đây là một con số rất cao, có thể coi là kỷ lục so với các hiệp định thương mại khác. Tiềm năng thị trường lớn, đầu tư cũng đang tăng lên, các nhà đầu tư EU vẫn đang khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng chỉ số định lượng tốt nhất khi đánh giá về hiệu quả của việc triển khai một hiệp định thương mại tự do.

Có thể nói về cả phía nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã tiếp cận khá nhanh. Tôi tin rằng, giả sử nếu không có dịch bệnh thì tỉ lệ tiếp cận và lợi ích mà Hiệp định này mang lại đối với nền kinh tế còn lớn hơn nhiều. Bởi ngay trong điều kiện dịch bệnh, chúng ta vẫn đạt được những kết quả như trên thì điều đó chứng tỏ rằng EVFTA là một cứu cánh, một cửa ngõ mở cửa ra bên ngoài trong lúc chúng ta rất khó khăn.

EVFTA đã xuất hiện đúng lúc nền kinh tế của cả Việt Nam và EU rơi vào khó khăn, điều đó chứng tỏ sức sống của Hiệp định là rất lớn.

NĐT: Từ những thành công bước đầu hết sức khả quan và tích cực trong thực thi EVFTA, như ông nói chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ cụ thể những khó khăn đối các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh dịch bệnh?

TS. Vũ Tiến Lộc: Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp EU tại Việt Nam, đang phải trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn, với dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp, đặc biệt là ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Từ góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh.

Ở các khu vực tâm dịch, đa số các doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được các điều kiện để tiếp tục sản xuất. Ví dụ ở Tp. Hồ Chí Minh, 90% doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ mỹ nghệ thuộc HAWA phải ngừng sản xuất. Ở Cần Thơ, 9.800/10.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ chế biến thủy sản xuất khẩu, mặc dù chỉ có 35% cơ sở (123/449) phải tạm dừng sản xuất hoàn toàn, số vẫn tiếp tục hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 30-40% công suất so với thông thường do thiếu nhân công và yêu cầu chia ca kíp. Ở nhiều tỉnh phía Nam, nông dân không thể ra đồng trong khi nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nông sản cùng vì vậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc do không thể vận hành bình thường, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết được trong tương lai, khi dịch đã đi qua. Liệu những đơn hàng mà hiện vì dịch bệnh mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, khách hàng chuyển sang mua từ các nước khác, có quay trở lại với Việt Nam sau đó? Liệu nguồn nguyên liệu đầu vào có khôi phục lại khi mà nhiều nông dân, người nuôi trồng thủy sản có thể vì những thiệt hại hiện tại mà không thể tiếp tục tái đàn, xuống giống, thả nuôi cho mùa tới? Liệu một lượng đáng kể người lao động đã rời tâm dịch về quê có trở lại để tái khởi động sản xuất?…

NĐT: Theo ông, cơ hội nào để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể đón đầu được các cơ hội sau dịch?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang được khôi phục lại thì trong quý III vừa qua, kinh tế trong nước lại suy giảm mạnh do tác động của làn sóng dịch lần thứ tư. Điều này, đặt Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lỡ nhịp với trào lưu hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, một điều rất mừng là hiện nay chúng ta đã chuyển hướng kịp thời trong chiến lược phòng chống dịch, kết hợp với tốc độ bao phủ vắc-xin Covid-19 và đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế. Do vậy, tôi cho rằng sự suy giảm chỉ là tạm thời, chúng ta sẽ đảo đà tăng trưởng ngay trong quý IV/2021 và lấy lại được đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Bằng chứng là ngay trong tháng 9/2021, xuất siêu đã quay trở lại và dự báo đây sẽ trở thành xu hướng trong những tháng tới. Các nhà đầu tư đã chú ý đến Việt Nam sau khi chúng ta khống chế được dịch và quay trở lại.

Phục hồi nền kinh tế không phải là quá trình quay trở lại ngày hôm qua, mà đó phải là quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững áp dụng khoa học công nghệ mà ngay cả các doanh nghiệp phải hướng theo. Với những nỗ lực tái cấu trúc như vậy thì tôi tin cơ hội cho doanh nghiệp Việt không chỉ ở EU mà cả ở các thị trường khác sẽ rất lớn.

sutit

NĐT: Cũng có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều điểm yếu kém, chưa tận dụng được những ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, trong đó có EVFTA?

TS. Vũ Tiến Lộc: Đúng là như vậy. Đợt dịch vừa rồi giúp chúng ta ngộ ra nhiều điều về doanh nghiệp trong nước.

Thứ nhất, sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu là khâu gia công, lắp ráp sử dụng lao động giản đơn, nhiều tài nguyên. Tôi đánh giá mô hình đó khó bền vững và bây giờ chúng ta đang phải trả giá về mô hình đó. Do đó, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế sau đại địch cần hướng tới từng bước khắc phục cơ cấu như vậy.

Thứ hai, muốn thích ứng thì các doanh nghiệp phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế về trình độ quản lý doanh nghiệp, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực… Hiện nay thực trạng doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc vươn đến chuẩn mực quốc tế đang là thách thức rất lớn.

Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp còn phải chú trọng trang bị khả năng chống chịu và quản trị rủi ro. Những điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những nỗ lực vượt bậc, thậm chí có thể mang tính cách mạng, tính đột phá. Hơn hết, bản thân doanh nghiệp phải xác định việc nâng cấp mình phải là định hướng cho một giai đoạn phát triển có giá trị gia tăng cao hơn, bền vững hơn.

Thứ ba, do chủ yếu là chúng ta chủ yếu là gia công, lắp ráp với việc sử dụng lao động giản đơn nên người lao động chủ yếu thu nhập thấp. Do đó, họ không có khả năng tích lũy, nên khi dịch bệnh hoặc các sự cố xảy ra thì họ không chống chịu được, từ đó dẫn đến tình trạng người lao động bỏ về quê gần đây dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động trong thời gian tới.

Chính vì vậy, điều then chốt là khi doanh nghiệp phải tái cấu trúc thì Nhà nước cẩn yểm trợ để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Điều này rất cần nỗ lực tổng thể, đồng bộ của cả nền kinh tế.

NĐT: Cuối tháng 6 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu bền vững trong bình thường mới?

TS. Vũ Tiến Lộc: Nghị quyết 63 đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc dần khôi phục kinh tế. Tuy nhiên tình hình đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp phải có thêm những động lực mới, năng lượng mới.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xây dựng chương trình tái cấu trúc và chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế với nhiều biện pháp mạnh hơn, đột phá hơn. Bên cạnh những biện pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, tôi cho rằng cần tập trung vào gói biện pháp về thể chế.

Trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế đặc biệt trong hai năm tới cần phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Như hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về cơ chế đặc thù để áp dụng thí điểm cho một số địa phương trong thời gian 2 năm tới. Làm sao có một cơ chế đơn giản, thông thoáng vẫn đang là điều mà doanh nghiệp mong muốn nhất.

NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

5 tác động tích cực từ EVFTA

Cùng đánh giá về Hiệp định EVFTA sau 1 năm đi vào thực tế, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV đã chỉ ra 5 điểm tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, gồm:

Thứ nhất, EVFTA giúp giảm thuế suất, tăng hạn ngạch, góp phần giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Thứ hai, các mặt hàng máy móc, nguyên vật liệu chất lượng cao trong một số ngành hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã góp phần đa dạng hóa trong hoạt động nhập khẩu cho hoạt động sản xuất.

Thứ ba, đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam tăng. Thứ tư, tạo ra sức ép cải cách thể chế, nâng cao sự thuận lợi cho môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ riêng các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trực tiếp với EU mới được hưởng lợi mà còn tạo ra lợi ích đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Thứ tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm có lợi cho cả thị trường và người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, về mặt thách thức, ông Hiếu cho rằng đối tượng hưởng lợi hiện nay vẫn chủ yếu các doanh nghiệp đã có quan hệ thương mại với các đối tác châu Âu.

“Còn các doanh nghiệp mới, chưa có quan hệ thương mại do phải đáp ứng rất nhiều các yêu cầu, điều kiện. Doanh nghiệp phải đặt trong bài toán “đầu tư và xuất khẩu”- đầu tư rồi liệu có xuất khẩu được hay không?”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, thông tin về thị trường và vai trò của các hiệp hội vẫn là những yếu tố quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp tiến tới với EVFTA sâu hơn.

Đưa ra các giải pháp, ông Hiếu nhấn mạnh việc cần tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào những doanh nghiệp có nhu cầu, mong muốn nhưng chưa tiếp cận được thị trường với những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, có thị trường để tạo nên một mạng lưới thúc đẩy xuất nhập khẩu.

“Bên cạnh hỗ trợ về thông tin, đào tạo, tuyên truyền, đào tạo, Nhà nước cần hỗ trợ thêm về đầu tư phát triển hạ tầng ví dụ như hạ tầng logistic, kho bãi, hạ tầng kiểm định chất lượng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động xuất nhập khẩu”, ông nhấn mạnh.

H.B

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 27/10/2021 | 06:30