Người Đưa Tin: Là người từng gắn bó nhiều năm với lĩnh vực bất động sản, lý do gì khiến bà quyết định rẽ ngang đầu tư công sức, tâm huyết vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sắc đẹp và spa thẩm mỹ?

Bà Đào Thị Lan Phương: Tôi được học tập, rèn luyện hơn 13 năm tại CLB Bất động sản Hà Nội nơi có hơn 10 ngàn thành viên và nhiều liên minh trên khắp các tỉnh, thành. Từ những ngày đầu hoạt động, tôi thấu hiểu một môi trường chuyên nghiệp, có hành lang pháp lý, quản lý chuyên nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, tôi lấy chồng là một người có thương hiệu mạnh trong ngành làm đẹp. Tôi bắt đầu hỗ trợ ngoại giao, chiến lược cho công ty gia đình. Khi tham gia các tổ chức, hiệp hội của ngành làm đẹp, tôi thấy có nhiều bất cập về pháp lý. Sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước cho sự phát triển của ngành nghề, các hành lang pháp lý để quản lý, phát triển chưa nhiều… Vì vậy tôi bắt đầu đề xuất ý tưởng mong muốn xây dựng một tổ chức để cùng đồng hành, phát triển ngành chăm sóc sắc đẹp với ông Nguyễn Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam ở thời điểm đó và nhận được sự đồng tình, ủng hộ.

Người Đưa Tin: Hành trình vận động, hoạt động để thành lập Khối chăm sóc sắc đẹp và spa thẩm mỹ trực thuộc Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, bà đã trải qua những khó khăn, thách thức gì?

Bà Đào Thị Lan Phương: Khi tôi bắt đầu đề xuất ý kiến thì bác Nguyễn Hồng Quân cũng rất trăn trở về năng lực triển khai của tôi. Năm 2019 tôi mới 29 tuổi. Tôi bắt đầu bằng những hội thảo khoa học cùng các chuyên gia về xu hướng sức khỏe sắc đẹp thẩm mỹ, các chương trình chuyên đề. Tháng 4/2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát chúng tôi triển khai “Tiếp sức các chiến sĩ tuyến đầu”, đến cuối năm dịch vẫn bùng mạnh trên mọi ngả đường. Ngành làm đẹp cũng như nền kinh tế bị ảnh hưởng toàn diện. Đứng trước thách thức, Ban vận động thành lập Khối quyết không lùi bước, các thành viên cùng chung ý chí vươn lên vượt khó, sử dụng công cụ online để cùng nhau gây dựng tổ chức.

Tháng 7/2021 đến tháng 9/2022 có 40 chi hội đã được thành lập trên toàn quốc với thành viên là hàng trăm lãnh đạo các tổ chức trong ngành làm đẹp. Khối cũng được sự hỗ trợ ủng hộ của TS. BS. TTND Lê Thị Hằng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Cùng với sự ghi nhận của các chuyên gia lâu năm, đầu ngành cùng tiếp lửa, tiếp sức về chuyên môn kinh nghiệm như PGS-TS Trần Thị Oanh, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Hải – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng thẩm mỹ Việt Nam đã tạo thêm sức mạnh cho tôi.… Đồng thời các "thủ lĩnh" ngành tóc, trang điểm, massage… đã chung ý chí, chung con đường để gây dựng. Ngày 19/09/2021 sau 04 năm nỗ lực cố gắng, Quyết định thành lập Khối chăm sóc sức khỏe sắc đẹp và spa thẩm mỹ Việt Nam đã chính thức được ban hành. Khối có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, tài khoản ngân hàng và trụ sở hoạt động tại Hà Nội.

Ngày 25/9/2022 trước sự chứng kiến của hơn 1.000 người, Ban lãnh đạo Khối chính thức nhận quyết định cùng 40 chi hội thành viên, chính thức bước sang thời kỳ mới của ngành làm đẹp. Để đạt được những thành công như vậy là nỗ lực của cả tập thể và sự ủng hộ, hướng dẫn của rất nhiều cơ quan, ban ngành cùng các cô, bác, anh chị trong nghề.

Người Đưa Tin: Bà đánh giá như thế nào về hoạt động của dịch vụ làm đẹp thời gian qua, theo bà những bất cập còn tồn tại của lĩnh vực này là gì?

Bà Đào Thị Lan Phương: Ngành làm đẹp hơn 20 năm qua đã có rất nhiều những nỗ lực để nhận được sự công nhận của xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước. Với đặc trưng là một nghề với nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn, đóng góp vào GDP quốc gia chưa lớn nên vẫn còn hạn chế. Nhiều thế hệ anh chị làm nghề cũng xây dựng, thành lập các tổ chức để kết nối nhằm mục đích giao lưu lẫn nhau, hỗ trợ chuyên môn tay nghề phát triển… tuy nhiên vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Việc quy hoạch ngành nghề, sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ban ngành chưa được như mong đợi, các hành lang pháp lý để hoạt động chưa nhiều và đầy đủ, dẫn tới việc có hiện tượng “mua bán vinh danh" trong ngành, các cơ sở hoạt động thiếu giấy phép, gây ra các trường hợp biến chứng tổn hại đến người sử dụng dịch vụ. Các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc vẫn được luồn lách bán cho người tiêu dùng… gây nên những dư luận xấu trong xã hội.

Người Đưa Tin: Vậy theo bà từ “lỗ hổng” hành lang pháp lý, câu chuyện quản lý Nhà nước… thì những việc cần làm là gì?

Bà Đào Thị Lan Phương: Ngành làm đẹp hiện tại không thuộc quản lý của riêng Bộ nào cả. Hoạt động cấp bằng, chứng chỉ ngành nghề thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, các y tá, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là Bộ Y tế quản lý. Các chương trình Vinh danh ngành nghề không có hành lang hướng dẫn, các cơ sở tổ chức tiêm filler không có giấy phép hoạt động nở rộ, cạnh tranh về giá trong thị trường khiến khách hàng không biết đâu là thực hư… Các "công cụ pháp lý" liên quan còn sơ khai. Trong hoạt động của ngành giáo dục từ trước đến nay cũng chưa có danh từ “công nghệ chăm sóc sắc đẹp” trong hoạt động định hướng hướng nghiệp việc làm cho học sinh, sinh viên, huống hồ các hành lang pháp lý khác.

Người Đưa Tin: Có ý kiến cho rằng, dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp thời gian qua như “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm, không có thước đo chuẩn mực và có phần bát nháo, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bà Đào Thị Lan Phương: Theo ý kiến chủ quan của tôi thì thấy điều anh nêu trên khá đúng. Giữa một chuyên gia lâu năm và mới vào ngành nghề thì chỉ người trong ngành biết, còn khách hàng rất khó phân biệt được tay nghề chuyên môn. Do đó khách hàng mất tiền mà còn phải xử lý hậu quả. Không có hệ thống thước đo chuẩn mực để người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn.

Các quảng cáo nở rộ kiểu "phương pháp Nhật, Hàn, Đông y"…mà không thể biết được thực sự chất lượng như thế nào. Các cơ sở kem trộn vẫn hoạt động ngang nhiên, bất chấp sức khỏe của khách hàng. Các cơ quan quản lý thị trường đã xử lý nhưng chưa đi sâu được hết các ngóc ngách, góc khuất của ngành nghề.

Người Đưa Tin: Bất kỳ ngành nghề nào để phát triển lâu dài, bền vững đều phải bắt nguồn đầu tiên từ bài toán nhân lực, bà đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp ở Việt Nam?

Bà Đào Thị Lan Phương: Bài toán nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam còn nhiều việc phải bàn. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến ngành nghề chưa được ghi nhận sâu rộng. Việc phát triển lên quy mô lớn như chuỗi, hay quản lý vốn, quy mô tăng trưởng chưa chuyên nghiệp vì không có các chỉ số ISO, quản lý, vận hành bằng cảm xúc, thiếu hoạch định… Vậy nên hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng chiều sâu cho nhân sự ngành nghề là một trong những hoạt động trọng điểm mà Khối sẽ triển khai trọng tâm trong thời gian tới.

Người Đưa Tin: Vậy cơ hội cho những người trẻ trong lĩnh vực này là gì, bà đánh giá tiềm năng, dư địa phát triển trong lĩnh vực này như thế nào?

Bà Đào Thị Lan Phương: Ngành làm đẹp đang đứng trước những cơ hội mới, khi các hoạt động ngành nghề bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các hoạt động chính thống. Những tọa đàm, sự kiện đón nhận được góp ý, chỉ đạo của các cơ quan quản lý. Các lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm cùng góp công sức, trí tuệ triển khai các đề án cùng các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, các hoạt động sau nhiều năm tạo nền tảng đã phát triển hơn. Nguồn nhân lực tham gia vào ngành ngày càng có trình độ cao, tốc độ phát triển mạnh, nhanh nhạy với thị trường. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt kịp các xu hướng thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Người Đưa Tin: Với vai trò cá nhân cùng với vị trí mà bà đang đảm nhiệm, bà sẽ có những kế hoạch hành động gì để góp phần cho sự lành mạnh, phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và spa thẩm mỹ tại Việt Nam?

Bà Đào Thị Lan Phương: Bên cạnh việc được tín nhiệm là Chủ tịch Khối chăm sóc sức khỏe sắc đẹp và spa thẩm mỹ Việt Nam, hiện tôi cũng là Trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, phối hợp cùng Bộ KH và CN trong việc triển khai hỗ trợ các hoạt động trên quy mô toàn quốc. Với những vai trò trên, tôi tham gia công tác tổ chức đưa các doanh nghiệp ngành làm đẹp tham gia các diễn đàn chính thống, cũng như triển khai các hoạt động đào tạo bài bản chính thống, phối hợp với các Bộ ngành trong hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, người làm nghề thực hiện đúng luật.

Bên cạnh đó, tôi cũng chuẩn bị những kế hoạch, chương trình hành động dưới sự tham mưu định hướng hướng dẫn của lãnh đạo Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh để chuẩn hóa ngành nghề. Nội dung này sẽ công bố liên tục trong thời gian tới trên nền tảng các vấn đề của ngành như đã nêu phía trên.

Người Đưa Tin: Quay trở về với câu chuyện gia đình, với bề bộn công việc và những chuyến đi, làm sao để bà cân bằng giữa công việc, gia đình và “giữ lửa hôn nhân”?

Bà Đào Thị Lan Phương: Theo tôi thấy, có không ít chị em khi đạt những thành tựu xã hội, thì mất cân bằng gia đình. Bản thân tôi may mắn là dù lập gia đình khá muộn nhưng nhận được sự ủng hộ của chồng và gia đình chồng. Bí quyết của tôi là sự tôn trọng, khiêm tốn trong mối quan hệ xã hội, trong gia đình. Mỗi người sẽ có một vai trò vị trí khác nhau. Tôi không nghĩ ai hơn ai cả, kể cả công việc, hôn nhân. Ngoài ra, không có ai là hoàn hảo cả. Tôi trung thực, tôn trọng những người xung quanh, tự mình nỗ lực, chân thành. Vậy nên, các anh chị em cũng như gia đình thông cảm hỗ trợ để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong gia đình và cuộc sống.

Người Đưa Tin: Vẻ đẹp của người phụ nữ không quyết định bởi dao kéo. Bà quan niệm như thế nào về vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại?

Bà Đào Thị Lan Phương: Người phụ nữ hiện đại có nhiều cơ hội để được tân trang vẻ đẹp của mình hơn trước. Đó cũng là cách để chị em tự tin hơn trong giao thiệp cuộc sống, giữ lửa hôn nhân. Chúng ta nên hài hòa giữa vẻ đẹp của người phụ nữ có tri thức, kiến thức với vẻ bề ngoài để tạo nên cuộc sống và hành xử văn minh. Trên nền tảng đó hài hòa vẻ đẹp bên trong và bên ngoài tùy theo sở thích, phù hợp hoàn cảnh của mình.

Người Đưa Tin: Nếu có một bài học kinh nghiệm về thành công cũng như thất bại mà bà muốn chia sẻ với chị em phụ nữ nhân ngày 20/10, bà sẽ nói gì?

Bà Đào Thị Lan Phương: Thành công hay thất bại chỉ là yếu tố bên ngoài. Vấn đề là nội lực và bản lĩnh vững vàng bên trong. Giữa rất nhiều những khó khăn tôi ít bị cảm xúc chi phối, vì sự tĩnh tại đó mà các công việc, tình huống phát sinh được suy xét thấu đáo, khách quan và sáng suốt hơn. Vậy nên chị em phụ nữ nên tập trung về tri thức, trí tuệ, hiểu biết, từ tốn, thận trọng. Sự thành công được đo đếm không chỉ là danh vọng bên ngoài mà là sự hạnh phúc tự chúng ta cảm nhận được.

Người Đưa Tin: Khát vọng bà hướng tới là gì, bà chọn những cộng sự theo tiêu chí nào để cùng chắp cánh ước mơ và biến khát vọng thành hiện thực?

Bà Đào Thị Lan Phương: Khát vọng tôi hướng tới là giúp nhiều ngành nghề làm đẹp được xã hội công nhận, người làm nghề được tôn trọng đúng với giá trị của họ. Ngành ngày càng phát triển và đóng góp cho xã hội. Trong quá trình đó, các công tác, hoạt động đào tạo được triển khai để kiến thức trí tuệ tăng lên, nhiều người hạnh phúc, vững vàng hơn trong cuộc sống.

Những cộng sự tôi lựa chọn là người không cá nhân, không hình thức bên ngoài mà tập trung vào hệ thống giá trị lõi cho ngành nghề. Đó là các anh chị có bề dày kinh nghiệm chuyên môn cũng như uy tín xã hội để giúp hệ thống công việc triển khai được nhanh hơn. Là người cầu thị, tôi luôn không ngừng học hỏi để ngày càng hoàn thiện bản thân, biến khát vọng thành hiện thực.

Người Đưa Tin: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 20/10/2022 | 15:15