Ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người môi giới, tư vấn đầu tư cũng phải luôn tỉnh táo và nhìn thị trường với con mắt của người đứng ngoài cuộc chơi.

NĐT: Năm 2020-2021 là giai đoạn đỉnh cao của nghề môi giới chứng khoán, nhiều nhân viên dù mới hay cũ đều kiếm được thu nhập "khủng" nhờ làn sóng lớn nhà đầu tư F0 gia nhập. Ông nhận thấy công việc môi giới có sự khác biệt gì trong năm qua, so với giai đoạn trước?

Ông Phạm Tuyến: Theo tôi nhận thấy, các môi giới trẻ của giai đoạn vừa qua đã đón đầu được một xu hướng rất thuận lợi. Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát cùng chính sách của Chính phủ khiến cho dòng tiền đầu tư từ các quốc gia khác đổ về Việt Nam, cũng như dòng tiền trong nước (dòng tiền nhà đầu tư F0) không có lựa chọn đầu tư nào khác ngoài kênh chứng khoán.

Thị trường chứng khoán của năm 2020- 2021 là một sự tăng trưởng nằm ngoài dự đoán của tất cả các chuyên gia với thanh khoản có phiên lên tới 2 tỷ USD (tương đương 50.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ quý I/2022, thị trường ngay lập tức quay đầu sau các tin tức xấu nổ ra trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.

Năm 2020- 2021 khi bắt đầu xuất hiện dòng tiền giá rẻ, công việc của các môi giới nói chung và các nhà tư vấn nói riêng thực sự rất bận. Bởi ngoài việc lựa chọn danh mục, môi giới còn phải chăm sóc nhà đầu tư.

Đối với vị trí lãnh đạo, tôi quản lý các khách hàng rất lớn, do đó việc tư vấn và chăm sóc sát sao danh mục khách hàng lại càng cần thiết hơn.

Sau đó, khi thị trường bước vào thời kỳ sụt giảm, nhà đầu tư bám trụ lại vẫn còn tương đối nhiều, với kỳ vọng, mong muốn thị trường tăng trở lại. Nhưng bất ngờ là từ tháng 3/2022 cho đến hiện tại, thị trường vẫn nằm trong giai đoạn downtrend.

Tôi cho rằng, đối với các bạn môi giới mới, tuổi nghề từ 3 đến 5 năm, các bạn đã được chứng kiến một giai đoạn khốc liệt của thị trường, từ bùng nổ đến sụt giảm rất mạnh trong khoảng thời gian chưa đầy một năm. Đó là một trong những trải nghiệm mà theo tôi không phải môi giới nào cũng được nếm trải.

TTCK năm 2020- 2021 là một sự tăng trưởng nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia với thanh khoản có phiên lên tới 2 tỷ USD (tương đương 50.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ quý I/2022, thị trường ngay lập tức quay đầu sau các tin tức xấu nổ ra trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.

NĐT: Việc số lượng tài khoản giao dịch mở mới càng về cuối năm càng giảm, thu nhập nói chung của ngành chứng khoán có chịu ảnh hưởng không?

Ông Phạm Tuyến: Tín hiệu mở tài khoản của năm 2021 với mỗi tháng lên đến hàng trăm nghìn tài khoản, đó là một tín hiệu vui mừng, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường ngày càng tốt.

Trong những năm qua, các bạn môi giới, tư vấn đầu tư sống khá khỏe với nghề, đặc biệt năm 2020-2021. Tuy nhiên đến năm 2022, việc thu nhập giảm đi cũng là điều rất bình thường.

Tôi thấy rằng khó khăn về tài chính của nhân viên tư vấn chứng khoán trong năm vừa qua chưa xảy ra. Ngoại trừ một số bạn vừa làm tư vấn, vừa tham gia đầu tư, có thể các bạn bị mất mát lớn, bị kẹp hàng trong việc tự doanh cho bản thân. Người mất mát lớn nhất chính là những nhà đầu tư trên thị trường.

Đại diện CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam trao đổi với PV Người Đưa Tin

NĐT: Trong bối cảnh TTCK lao dốc, cách thức hoạt động của công ty đã phải thay đổi thế nào để có thể phát triển trong tình hình này?

Ông Phạm Tuyến: Đối với các CTCK nói chung, việc thị trường giảm là điều không thể kiểm soát được. Thị trường luôn đúng, do vậy các công ty phải tự vận động theo thị trường. Nguồn thu nhập chính của các CTCK đó phần tiền phí giao dịch, lãi vay margin, tự doanh và các mảng tư vấn.

Đến thời điểm hiện tại, kể cả báo cáo kinh doanh quý III, hay quý IV, tự doanh của các CTCK vẫn lỗ. Chính vì vậy, các CTCK buộc phải theo xu hướng chung, đó là tăng lãi suất margin. Theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho vay đang tăng, các CTCK buộc phải tăng lãi suất cho nhà đầu tư vay để bù đắp một phần chi phí.

Ngoài ra, các CTCK cũng phải tự tiết giảm các chi phí khác như chi phí hoạt động, các chi phí chi thường xuyên đều phải tự cân đối để tiếp tục bám sát thị trường, đồng thời cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

NĐT: Cơ duyên nào khiến ông lựa chọn đi theo con đường môi giới chứng khoán? Đã khi nào ông nghĩ đến việc chuyển nghề chưa?

Ông Phạm Tuyến: Trong 17 năm gắn bó với nghề, tôi đã trải qua tương đối nhiều các con sóng li ti đến những con sóng to, sóng bé thị trường.

Có thể nói, đối với tôi là nghề chọn người, chứ không phải cơ duyên. Bởi khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên ngành về thị trường chứng khoán, tôi cảm thấy đã đi đúng chuyên ngành của mình.

Trong quá trình công tác, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ yêu thích hay đổi sang một ngành khác. Chính vì gắn bó với nghề mà bản thân cũng cảm thấy yêu nghề, càng làm tôi càng cảm thấy rất tự hào với nghề, rất hài lòng và hạnh diện khi được tư vấn cho nhà đầu tư.

Chính vì có sự tâm huyết với nghề bây giờ muốn thay đổi cũng không biết đổi sang nghề gì.

Nhà đầu tư chỉ sinh ra lợi nhuận trên TTCK khi họ “buy anh hold” (đầu tư dài hạn)

NĐT: Lĩnh vực chứng khoán luôn chứa đựng rất nhiều rủi ro vì phải theo sự thăng trầm của thị trường, ông nhận thấy thách thức lớn nhất đối với một môi giới chứng khoán là gì?

Ông Phạm Tuyến: Môi giới chứng khoán có khá nhiều thách thức, nhưng để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bản thân người môi giới phải cùng đồng hành với khách hàng kể cả lúc thị trường xuống.

Tôi có những nhà đầu tư lâu năm, thân thiết với nhau như ruột thịt và hai bên có sự tin cậy nhau lớn. Vì vậy, khi tôi đánh giá, sau quá trình tăng trưởng mạnh sẽ có đợt bán tháo và đã đến lúc phải rời thị trường vào cuối quý I/2022. Mặc dù nhiều nhận định cho thấy thị trường vẫn còn cơ hội tăng trưởng tiếp, thì nhiều khách hàng của tôi đã âm thầm chốt lời giai đoạn này và rút khỏi thị trường. Với tôi đã bán để đứng ngoài là phải quyết liệt, dứt khoát!

Để làm được như vậy, buộc bản thân phải tiết chế được lòng tham. Trên thị trường chứng khoán, nếu trading liên tục, chắc chắn sẽ không hiệu quả thậm chí còn bị lỗ.

NĐT: Môi giới được ví như "sợi dây" kết nối nhà đầu tư với thị trường và CTCK. Để làm tốt việc này, ông đào tạo đội ngũ của mình thế nào?

Ông Phạm Tuyến: Đối với việc tư vấn nói chung, khi đào tạo cũng như trao đổi với các bạn môi giới trẻ, tôi cho rằng, các bạn nên đồng hành với khách hàng, và sát sao các tài khoản của khách, để bản thân vừa một người quản lý, vừa là người bạn với các khách hàng.

Giống như một người bác sĩ, không đơn thuần chữa bệnh thông thường mà chữa còn cả bệnh tâm lý.

Khi thị trường giảm, nhà đầu tư rơi vào trạng thái mất mát, điều cần nhất lúc này là người đồng hành và một điểm tựa tinh thần cũng như các tư vấn sát sao nhất, khiến nhà đầu tư cảm thấy yên tâm nhất. Đó là một môi giới cho họ điểm tựa vững chắc, tin cậy. Bởi trên thị trường, mất tiền có thể kiếm lại nhưng mất niềm tin là mất hết!

Nếu người tư vấn không phải là chỗ dựa, ít nhất về mặt tinh thần cho khách hàng khi thị trường xuống, rõ ràng đấy là một tư vấn tồi, hay đúng hơn không đạt tiêu chí làm nghề.

Mỗi người sẽ có một cách đồng hành cùng với khách, nhưng đối với môi giới trẻ, điều đầu tiên là phải trau dồi kỹ năng mềm tốt, ngoài quản trị được danh mục, còn phải là người đồng hành cùng khách hàng trên cương vị một người bạn.

Trading trên thị trường cũng giống như việc in hand trong một ván poker, nếu liên tục in hand (tham gia vào) cuộc chơi thì rõ ràng không phải việc in hand nào cũng đúng (vào trading bất chấp mọi biến động thị trường). Mà trong đó, mình phải lựa chọn thời điểm nào nên vào và thời điểm nào phải đứng ngoài cuộc chơi.

NĐT: Trải qua giai đoạn khủng hoảng, ông đã có những bài học gì cho bản thân cũng như lời khuyên muốn nhắn nhủ các bạn trẻ.

Ông Phạm Tuyến: Các bạn môi giới trẻ hay vướng vào vòng xoáy của thị trường, để nhà đầu tư trading quá nhiều trong khoảng thời gian ngắn.

Cả môi giới và nhà đầu tư đều cần phải tiết chế được lòng tham, biết điểm dừng, như vậy đã chiến thắng được hơn một nửa chặng đường đầu tư. Đó cũng là điểm mấu chốt để sự nghiệp phát triển một cách bền vững.

Đối với kinh nghiệm của tôi, để nói với các bạn trẻ một lời khuyên, trước hết, bản thân phải luôn giữ tâm trong sáng trong việc tư vấn cho nhà đầu tư. Thứ hai, mình phải trau dồi các kiến thức, kỹ năng mềm. Phải biết đứng ngoài cuộc chơi, nhìn nhận chỗ nào đúng, chỗ nào chưa đúng, và đồng hành, tạo ra giá trị tốt nhất cho khách hàng. Mà giá trị tốt nhất ở đây chính là bảo vệ thành quả đầu tư.

Trách nhiệm của một môi giới không chỉ là tìm kiếm cơ hội đầu tư mà phải cùng khách hàng phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ, lắng nghe và đồng hành cùng khách hàng.

Thị trường lúc nào cũng mở ra cơ hội cho tất cả mọi người. Lúc thị trường hưng phấn chính là lúc cần những cái đầu lạnh. “ Khi bạn biết điểm dừng, bạn sẽ mất ít nhất, nhưng bạn sẽ kiếm được nhiều hơn những người khác”.

Xin cảm ơn ông!

Thị trường những ngày đầu tháng 12/2022 sau những lần tạo đáy đã dần hồi phục trở lại, thanh khoản được cải thiện nhưng vẫn giảm hơn 20% cả về khối lượng và giá trị giao dịch so với năm 2021. Trước đó, theo thống kê của HoSE, giá trị giao dịch cổ phiếu của cả 3 sàn đạt 251.765 tỷ đồng trong tháng 11/2022, tăng hơn 4% so với tháng 10/2022. Trong tháng 11, HoSE ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt hơn 11.443 tỷ đồng và 693,45 triệu cổ phiếu, giảm 0,05% về giá trị và tăng 26,51% về khối lượng so với tháng 10.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 25/01/2023 | 07:00