E ngại “chân trong, chân ngoài” nếu giảng viên làm luật sư

E ngại “chân trong, chân ngoài” nếu giảng viên làm luật sư

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VIII, ĐBQH Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đã có cuộc trao đổi với PV Người Đưa Tin về dự án Luật Luật sư sửa đổi.

Ông nghĩ sao khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị giữ nguyên một số quy định trước đây của Luật Luật sư? Những chỉnh lý có đáp ứng được điều kiện thực tế hiện nay?

Việc UBTVQH đã báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (sau đây gọi là dự thảo Luật) thể hiện tinh thần tiếp thu tối đa, giải trình tương đối thuyết phục những vấn đề mà ĐBQH đã đặt ra ở kỳ họp trước. Tuy nhiên, theo tôi còn một số vấn đề như các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, sức thuyết phục chưa cao nên còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhịp sống - E ngại “chân trong, chân ngoài” nếu giảng viên làm luật sư

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ

Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, công cuộc cải cách tư pháp có quá nhiều những yếu tố cần phải được điều chỉnh cả về mặt cơ chế, pháp luật và con người. Thực tiễn cũng cho thấy tỷ lệ những luật sư vi phạm pháp luật, không bảo vệ công lý, không làm đúng chức trách, nghĩa vụ xã hội của mình cũng không phải là ít. Thậm chí, có những luật sư cứ nghĩ mình có tên tuổi nhưng lại phạm những tội rất nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, đâu phải cứ phải tập sự ít năm hay luật sư có kinh nghiệm lâu năm đều...tuân thủ pháp luật. Vấn đề là con người cụ thể, ở lĩnh vực nào cũng vậy, vấn đề giáo dục cũng như thiết chế làm sao mà xã hội kiểm soát được.

Giảng viên luật nếu tham gia hành nghề luật sư sẽ là nguồn lực bổ sung cho số lượng luật sư giỏi đang bị thiếu, nhưng nhiều người e ngại tình trạng "chân trong, chân ngoài", tâm lý nể nang khi tranh tụng, thưa ông?.

Việc cho hay không cho giáo viên được tham gia làm luật sư, ý kiến nào cũng có lý. Giải thích của Thường vụ Quốc hội là việc không cho phép giảng viên làm luật sư là để họ chuyên tâm làm việc, không ảnh hưởng đến quá trình tham gia bào chữa. Tuy nhiên, chúng ta nên lật ngược lại vấn đề, nếu không cho giáo viên tham gia làm luật sư thì mai mốt có cho các luật sư được làm giáo viên không? Các luật sư có được truyền bá kinh nghiệm của mình không, thậm chí có được hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp... Điều ấy là chưa thuyết phục và việc không cho luật sư làm giáo viên thì cũng tương tự.

Phải chăng "đầu vào dễ dãi" của nghề luật sư đang đặt ra không ít vấn đề về chất lượng chuyên môn, thưa ông?

Có vấn đề đó. Đây là vấn đề tôi muốn nhắc đến. Luật sư của chúng ta là ai? Thực ra, đội ngũ luật sư được hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau (được đào tạo tại các trường Luật, có người làm ở lĩnh vực khác nhảy sang luật sư...) thì làm sao có thể kỳ vọng có ngay một nền tư pháp mạnh, tiến bộ. Điều đó để kết luận một điều, nên cấp phép cho luật sư tham gia bào chữa ở giai đoạn nào?

Ông nghĩ sao về quy định cấm luật sư nhận, đòi hỏi thêm một khoản tiền khác từ khách hàng?

Trong số các hành vi luật sư bị nghiêm cấm (Điều 9 của dự thảo Luật) có quy định cấm luật sư nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Theo tôi, quy định cấm trong trường hợp này là không hợp lý. Bởi khi đạt kết quả tốt, khách hàng tự nguyện muốn tặng cho luật sư một khoản tiền hoặc lợi ích là không trái pháp luật về dân sự và đạo đức xã hội.

Xin cảm ơn ông!

N.Giang- Đ.Phương