Ngành dệt may trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong bài chia sẻ với Người Đưa Tin nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh - ngành dệt may năm nay kiên định mới mục tiêu tổng trị giá xuất khẩu cả năm ở mức 42 - 43 tỷ USD, dù đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.

NĐT: Năm vừa qua, chúng ta đón nhận một tin vui là Việt Nam vượt Bangladesh vươn lên vị trí thứ hai về xuất khẩu dệt may với trị giá 40 tỷ USD, xếp sau Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về việc duy trì vị trí này trong năm nay, hẳn là sẽ gặp nhiều thách thức phải không, thưa ông?

Ông Vũ Đức Giang: Nhìn lại năm 2021, ngành dệt may Việt Nam cũng như nhiều ngành khác đều đứng trước thách thức lớn từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khó khăn đó, nội lực của cộng đồng doanh nghiệp dệt may được phát huy. Trong bối cảnh dịch, các doanh nghiệp dệt may nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, cụ thể là chuyển sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phục vụ chống dịch.

Điều này để thấy rằng, những người điều hành doanh nghiệp thích ứng rất nhanh, tìm ra được các nút thắt, cơ chế để đi trong hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt khi đó, chúng ta phải chịu giãn cách xã hội, hạn chế việc nhập khẩu từ bên ngoài, nhà máy đóng cửa, nguồn nguyên phụ liệu đều bị vướng nhưng doanh nghiệp đã tìm được cơ chế và giữ được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau tất cả, tôi nhìn nhận được sự cộng hưởng của tầm nhìn, chiến lược thay đổi và sự quyết đoán của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả xuất khẩu dệt may với trị giá 40 tỷ USD là con số ấn tượng, khẳng định được vị thế, tầm nhìn của ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, bước sang 2022, khó khăn của ngành dệt may mà điển hình là cuối tháng 6 và đầu tháng 7 đã bộc lộ rất rõ. Trước hết, đó là lạm phát toàn cầu. Đây là vấn đề mà cả châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước nhập khẩu lớn của chúng ta đều bị đang đối mặt.

Lạm phát làm chảo đảo sức mua toàn cầu, điều này khiến lượng hàng hóa tồn kho ở các nước nhập khẩu cực kỳ lớn. Bởi vậy, đến giờ này, hàng loạt hợp đồng chúng ta đã ký và có nguyên phụ liệu đưa về nhà máy nhưng lại phải dừng sản xuất bởi vì ở bên kia họ không tiêu thụ được.

Tiếp đến là vấn đề liên quan chính sách “zero Covid” của Trung Quốc. Hiện Việt Nam vẫn đang nhập khẩu hơn 40% nguồn nguyên phụ liệu từ thị trường này, việc siết chặt từ Trung Quốc khiến chúng ta bị ảnh hưởng, đây cũng là thách thức rất lớn.

Vấn đề thứ 4 là áp lực chi phí. Năm ngoái, chi phí do dịch Covid tăng sao, sang năm nay, chi phí có giảm nhưng không nhiều. Việt Nam nói riêng thì vẫn đang chịu các chi phí lớn là nguyên liệu đầu vào, vấn đề tiền lương tăng từ mùng 1/7, chi phí vận tải, vận chuyển tiếp tục tăng, cùng các chi phí về tổ chức sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ. Điều này càng khiến doanh nghiệp thêm áp lực.

Vấn đề thứ 5 chính là những giải pháp phát triển bền vững cho ngành dệt may, cùng với đó là vấn đề về lực lượng lao động. Tình hình dệt may sử dụng lực lượng lao động rất lớn, qua thời gian chống dịch, có nhiều người lao động về quê và không quay trở lại. Có tình trạng biến động lao động, nhảy việc… Cùng với đó, vấn đề về tài chính, tiềm lực về nguồn vốn cùng là nút thắt trong doanh nghiệp hiện nay. Tất cả những điều này để thấy rằng, dệt may Việt Nam đang đối diện với rất nhiều biến động khó lường.

NĐT: Khó khăn là vậy nhưng năm nay, ngành dệt may vẫn “kiên định” với mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, giai đoạn nước rút của những tháng cuối năm sẽ phải thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Đức Giang: Với con số 42 - 43 tỷ USD tổng giá trị xuất khẩu dệt may cho cả năm 2022, toàn ngành dệt may tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu này.

Việc đặt ra mục tiêu này là có cơ sở. Trước hết, ngành dệt may đầu năm 2022 đã kế thừa kết quả tốt từ năm 2021, để rồi khi kết thúc quý I chúng ta ghi nhận được tỉ suất lợi nhuận tốt, doanh thu cao.

Khi bước sang quý II, thách thức hiện hữu hơn, nhưng doanh nghiệp đã chủ động tìm lại bạn hàng, đối tác mới. Các doanh nghiệp chuyển từ đơn hàng truyền thống sang các đơn hàng có chuyên môn hóa cao.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng đã tiếp cận vào thị trường ngách mới. Những năm trước đây, các thị trường trọng điểm lớn của chúng ta là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Thế nhưng, ngoài những thị trường truyền thống, chúng ta đang tiếp cận đến các thị trường mới, mà điển hình là châu Phi, Nam Phi.

Cộng đồng doanh nghiệp họ biết điểm đi về đâu và cần thay đổi thế nào để giữ sự ổn định và phát triển bền vững, để không bị phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, bởi không một nhà đầu tư nào “bỏ trứng vào một giỏ”.

Chưa kể, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do, chúng ta đang tận dụng điều này. Và doanh nghiệp của chúng ta sẵn sàng chấp nhận một cái luật chơi toàn cầu, chúng ta không bao giờ đứng lại. Với giai đoạn nước rút, doanh nghiệp xác định sẽ phải đi nhanh hơn, tìm kiếm được các đơn hàng từ các đối tác mới sớm hơn.

NĐT: Thực tế, với doanh nghiệp dệt may, nút thắt hiện nay là tài chính bởi đây là mạch máu quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Tại phiên đối thoại với Thủ tướng Chính phủ hồi giữa tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị gỡ nút thắt này. Là người đứng đầu Hiệp hội, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về nguyện vọng của các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Vũ Đức Giang: Doanh nghiệp không bao giờ dừng lại, nếu doanh nghiệp dừng lại thì đó là doanh nghiệp phá sản. Mà đã là một doanh nghiệp phát triển có tầm cỡ, có quy mô, có tầm nhìn, có một nền tảng xây dựng quan hệ toàn cầu, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng FOB, ODA thì phải chịu một cái áp lực - đó là sự thay đổi về cơ cấu trong tầm chiến lược để thích ứng được với các cái yêu cầu đòi hỏi của các nhãn hàng.

Cụ thể, ở đây khách hàng đòi hỏi một số yêu cầu mà doanh nghiệp của chúng ta cần thích ứng. Một trong số đó là yêu cầu về việc sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường. Muốn đầu tư vào các sản phẩm này, chúng ta cần đầu tư vào hạ tầng. Tiếp đến là đầu tư thiết bị công nghệ mới để thích ứng với kết cấu sản phẩm. Mà muốn đầu tư thì phải có… tài chính.

Trên các cơ sở đó, Hiệp hội cũng đã kiến nghị về room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại. Vấn đề này không chỉ khối doanh nghiệp dệt may mà nhiều doanh nghiệp ngành hàng khác cũng đã có ý kiến.

Tiếp nữa, Hiệp hội cũng kiến nghị việc thay đổi cơ chế về thuế VAT và thuế nhập khẩu. Bản thân doanh nghiệp hiện đang phải vay ngân hàng, nhập nguyên phụ liệu để sản xuất hàng FOB, hàng ODA. Hiện doanh nghiệp sau khi nhập khẩu xong, vay ngân hàng xong thì phải đóng thuế VAT 10% rồi đóng tiếp thuế nhập khẩu.

Cuối cùng, quay đi quẩn lại, doanh nghiệp phải chịu khoản lãi chồng lãi - lãi vay để mua nguyên phụ liệu, lãi vay ngân hàng để đóng thuế trước. Trong khi thực tế, có những doanh nghiệp đang bị đọng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian dài lên tới 5 tỷ đồng, gây khó khăn trong việc cân đối tài chính.

Tôi muốn nói rằng, cơ chế tài chính không chỉ là vấn đề cho vay mà cơ chế này phải được thực hiện theo hướng không gây thêm áp lực cho doanh nghiệp. Đó là vấn đề mà chúng ta cần phải phải hiểu đúng bản chất - tức đừng “đẻ” thêm những nghị định, những nguồn thu mà thu trên chính hoạt động của doanh nghiệp như vậy.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị với Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải sớm trình phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may. Bởi dệt may là một ngành công nghiệp giải quyết vấn đề cho hơn 3 triệu lao động, xuất khẩu một năm dao động ở mức 40 tỷ USD. Chính vì vậy, ngành dệt may rất cần một đường hướng chiến lược rõ ràng và cụ thể ở tầm quy mô.

NĐT: Ông có nói đến Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may. Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, trong đó việc thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất là vấn đề lớn được quan tâm. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là với các FTA thế hệ mới thì “xanh hóa” là xu hướng nhưng đây cũng là yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên, ông có nghĩ rằng yêu cầu khắt khe này lại là gợi mở cho doanh nghiệp về hướng đi mới của xu hướng “xanh hoá” ngành may mặc không?

Ông Vũ Đức Giang: Như tôi đã nói, việc trình để Thủ tướng phê duyệt Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may là để chúng ta xác định rõ hơn về đường hướng cho ngành dệt may.

Nói vậy để xác định rằng, việc ban hành một chiến lược cụ thể sẽ góp phần quy hoạch lại ngành dệt may theo địa phương và vùng miền, xác định được những địa phương nào nằm trong khu vực cần phải đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, để từ đó kêu gọi đầu tư vào sản xuất nguồn cung thiếu hụt cho ngành dệt may và thậm chí là cả ngành da giày - một trong những điểm nghẽn của Việt Nam thời gian qua. Đã đến lúc ngành dệt may phải đi bằng đôi chân và phát triển bằng nội lực của chính mình.

Câu chuyện “xanh hoá” trong lĩnh vực dệt may đã được doanh nghiệp hướng đến. Việt Nam là một nước mở cửa, chúng ta đã ký COP 26 và chúng ta là nước cam kết tất cả vấn đề tác động môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam thời gian qua đã ký kết và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này giúp doanh nghiệp của ta được hưởng ưu đãi thuế quan, mà dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều, nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ.

Đơn cử, đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là quy tắc “từ sợi trở đi”; với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là “từ vải trở đi”. Rõ ràng, để mở được cánh cửa vào thị trường EU với dòng thuế giảm sâu thì Việt Nam cũng cần mở cửa và giảm thuế cho một số mặt hàng của EU. Mối quan hệ này là mối quan hệ win-win.

Vậy nên, ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó, để những “đánh đổi” mở cửa không là vô ích. Và chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ cần chú trọng giải quyết vấn đề này.

NĐT: Vậy bản thân ông kỳ vọng gì về việc Dự thảo được phê duyệt trong gợi mở hướng đi mới cho ngành dệt may Việt Nam?

Cho đến thời điểm này, ngành dệt may là ngành mà chúng ta có thể tự hào rằng đây là ngành công nghiệp có uy tín, có vị thế trên thế giới khi xuất khẩu thứ đứng ở vị trí thứ 2. Phải nói rằng, đại sứ các nước đến Việt Nam thường xuyên trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm của ngành dệt may Việt Nam.

Theo mục tiêu hướng đi của ngành dệt may, từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững. Đến giai đoạn 2030-2045, là phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Với những doanh nghiệp nhìn ra hướng đi mới, như những doanh nghiệp đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn về sản xuất xanh của Mỹ sẽ là “giấy thông hành” vào các thị trường và giúp nhận được nhiều đơn hàng hơn. Tôi tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp dệt may của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển trong cái tầm nhìn 2025 – 2030, thậm chí năm 2040 năm. Đó sẽ là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta đặt mục tiêu và hướng đến.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 12/10/2022 | 11:00