Chỉ một chuyến gỗ trắc “trúng quả” là có thể phất lên đổi đời thành đại gia khiến những người dân phố núi Hương Sơn dồn hết tất cả tài sản cho những chuyến đi gỗ từ biên giới. Vòng quay ma mị “một vốn bốn lời” của gỗ trắc khiến người dân lao vào không điểm dừng. Từ những biệt phủ đến nhà cấp 4 đều được mang đi cầm cố ngân hàng, thậm chí vay lãi nóng để dồn vốn. Hàng Thái Lan nhộn nhịp, trắc “chạy” như tôm tươi, đời sống ở vùng đất chỉ hơn chục cây số bám trục QL8A xa hoa, hào nhoáng. Không ai nghĩ, mảnh đất siêu xe và đám cưới vàng lại nhanh chóng lụi tàn đến vậy…

Trong nhà kho tuềnh toàng, nhếch nhác mượn của họ hàng để tá túc qua ngày, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Vân (SN 1970, trú thôn Công Thương, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) rớt nước mắt khi kể cho chúng tôi câu chuyện từ một đại gia nay “khuynh gia bại sản”, không chốn nương thân. Vốn sinh ra tại nông trường Tây Sơn, bố mẹ đều là công nhân, từ nhỏ anh Vân đã biết tự lập. Sau khi kết hôn, anh theo bố vợ làm nghề buôn thịt lợn rồi tham gia thành lập HTX Lâm nghiệp Trường Sơn.

Khung cảnh tuềnh toàng, nhếch nhác trong kho hàng vợ chồng anh mượn tạm ở của người bà con.

Là người hoạt bát, nhanh nhạy nên năm 2000, qua một số người bạn, anh Vân đổi hướng kinh doanh sang gỗ và buôn bán hàng nông sản. Năm 2005, cơn sốt gỗ trắc khiến cả phố núi nhà nhà đi buôn, người người đi buôn. Dọc QL8A đoạn từ xã Sơn Tây lên đến thị trấn Tây Sơn rồi qua Sơn Kim 1, những kho hàng, những bãi tập kết gỗ trắc chi chít. Cả phố núi nhộn nhịp, đặc biệt là vào ban đêm, người mua, kẻ bán tay cầm đèn pin “cáp” hàng, ngã giá...

Năm 2010, được coi là thời kỳ hoàng kim nhất của gỗ trắc khi gỗ trắc đưa về Việt Nam có giá bán ra lên đến khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Lợi nhuận cao, “một vốn bốn lời” mỗi chuyến gỗ trắc từ Lào về trừ vốn và chi phí ra lãi được hàng trăm triệu đến tiền tỷ tùy khối lượng. Chính bởi vậy, hàng trăm gia đình dồn hết tài sản, cầm cố nhà đất để vay vốn ngân hàng, sang Lào mua gỗ về Việt Nam bán.

Có tiền, đời sống nâng cao, mảnh đất phố núi lung linh màu sắc với siêu xe và đám cưới vàng “hot” khắp cả nước. Những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ sau vài năm đi buôn gỗ “trúng mánh” cũng nhanh chóng đổi đời trở thành đại gia. Miếng mồi “ngon” khiến nhiều người đang có công việc, cuộc sống ổn định cũng bỏ nghề để chạy theo cơn sốt gỗ. Các dịch vụ “ăn theo” tại đây cũng phát triển nhanh chóng, quán ăn, dịch vụ nhà nghỉ, vui chơi giải trí… phục vụ dân nội địa và cả số lượng lớn khách là chủ thu mua từ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Trung Quốc sang làm ăn.

Thời đó, ở cái đất này, nhắc đến cái tên “Vân Truyền” không ai là không biết. Cái tên ấy gắn với thương hiệu đại gia gỗ trắc Sơn Kim với khối tài sản hàng chục tỷ đồng, nhà đất, xe sang…

Ngôi nhà khang trang của anh Vân đã bị ngân hàng xiết nợ.

Cơn sốt gỗ trắc như vòng quay ma mị, ai cũng tham vọng “ôm” càng nhiều gỗ về Việt Nam càng bán lời càng cao. Mà muốn “ôm” lớn phải có nguồn vốn to nên vợ chồng anh Vân đã mang ngôi nhà cao tầng đang ở, cùng nhiều bất động sản cầm cố, thế chấp vay ngân hàng.

Giai đoạn từ năm 2012 – 2014, bất ngờ giá thu mua trắc của Trung Quốc rớt không phanh rồi chững lại. Mỗi chuyến hàng ngày xưa lời hàng trăm triệu, hàng tỷ nay chỉ “lác đác” vài ba triệu chẳng bù được chi phí. Từ 1,5 triệu đồng/kg nay giá trắc rớt xuống dao động trong khoảng 400 nghìn đồng/kg. Hàng trăm gia đình mắc vào cảnh “tiến không được lùi không xong” khi tất cả vốn liếng đã dồn vào những đống gỗ trắc.

Những tưởng, tình trạng sụt giá chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng không, càng ngày giá gỗ trắc càng sụt thê thảm. Những chuyến hàng thay vì lãi như trước đây thì nay lại lỗ nặng, mỗi chuyến mất hàng trăm, hàng tỷ đồng. Người Trung Quốc, Đồng Kỵ cũng thưa bóng dần nơi phố núi. Người bạn hàng của anh Vân ở bên Lào cũng ôm theo hàng chục tỷ đồng tiền cọc của anh “một đi không trở lại”.

Chỉ còn lại vợ chồng anh với số tiền nợ không biết đến bao giờ mới trả được. Ngôi nhà đang ở, bất động sản… lần lượt bị ngân hàng niêm phong, phát mại. Chiếc xe hạng sang, hay tất cả thứ của cải gì có giá trị trong nhà cũng phải bán để lấy tiền trả nợ.

Phút chốc, từ đại gia, vợ chồng anh trở thành kẻ tay trắng, không chỗ ở, phải mượn nhà kho của người họ hàng để có chỗ chui ra chui vào. Đại gia ngày nào nhờ vài đồng vốn mà mấy người anh em hùn hạp, góp lại cho vay mua gà giống về nuôi kiếm chút thu nhập sống qua ngày.

"Chúng tôi lấy nhau từ hai bàn tay trắng tự lập nên giờ mất mát thì đành phải chịu. Không cờ bạc, ăn chơi mà chỉ lo chăm chỉ làm ăn nên khi mất mình cũng phải cố gắng và chấp nhận. Nhiều lúc, vợ chồng tôi cũng muốn đi nơi khác sống để làm lại từ đầu nhưng cũng không biết làm gì. Tiền không có mà lý lịch ngân hàng đã là nợ xấu, vốn không vay được mà cũng không có tài sản gì cầm cố để vay nên đành bám trụ nơi đây, sống vậy qua ngày. Nhà có 4 đứa con, cho chúng nó mỗi đứa 1 miếng đất rồi bố mẹ cũng đưa đi cầm cố vay ngân hàng. Giờ mất hết, con lấy vợ, đẻ đến đứa thứ 3 rồi vẫn không có nhà để ở…”, anh Vân bật khóc.

Chị Nga, vợ anh Vân đang chăm đàn gà – thứ duy nhất cứu cánh cho cuộc sống gia đình lúc này.

Ở phố núi này, không thiếu những hoàn cảnh như vợ chồng anh Vân. Nhưng may mắn thay, anh vẫn còn đủ nghị lực để làm lại từ đầu, vẫn chấp nhận “đi lên từ hai bàn tay trắng thì giờ hoàn trắng tay”.

Còn có những trường hợp, không chấp nhận được thực tại trong phút chốc khuynh gia bại sản, không chịu nổi áp lực nợ nần đã tự tìm đến cái chết. Tiếng kèn, tiếng trống đám tang, tiếng người ra, người vào xì xào bàn tán, tiếng khóc xé lòng của những người thân đã không còn quá xa lạ với người dân phố núi...

Không riêng gì với những thương nhân gỗ trắc, mà những tiểu thương kinh doanh hàng Thái Lan – mặt hàng rất được ưa chuộng và cũng là hút khách nhất tại phố núi Hương Sơn hàng chục năm qua cũng đang “hấp hối” và “chết” dần.

Khu hàng Thái Lan đìu hiu không ai qua lại.

10 giờ sáng mà cả khu Trung tâm Thương mại thị trấn Tây Sơn không một bóng người, những chủ ki - ốt rảnh việc tụ tập đánh bài giải trí, giết thời gian. Chị Nhàn, một tiểu thương thở dài cho biết, cảnh tấp nập người mua kẻ bán, bốc hàng lên những xe tải hay xe ô tô du lịch giờ chỉ còn trong kí ức…

Nhớ lại hơn 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 162/2007/QĐ-TTg công nhận KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong khu kinh tế. Nhờ vậy, hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh vào đây. Thời điểm này, mặt hàng Thái Lan rất được ưa chuộng.

Với lợi thế được ưu đãi về thuế, kéo giá thành tất cả các mặt hàng tại đây đều rẻ hơn so với lấy ở các vùng cửa khẩu khác, các bạn hàng khắp nơi trên cả nước như TP.Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội đổ xô lên Cửa khẩu Cầu Treo lấy hàng. Mỗi ngày, nườm nượp xe vào ra khu vực trung tâm thương mại để bốc hàng điện tử điện lạnh, mỹ phẩm, bánh kẹo, tiêu dùng… chở ra phía Bắc. Nhiều tiểu thương có vốn lớn, móc nối được nhiều bạn hàng đã nhanh chóng trở thành “trùm” phân phối hàng Thái.

Công việc thuận lợi, tiểu thương, doanh nghiệp nơi đây cũng liên tục phất lên nhanh chóng. Không những nhập sỉ cho các mối hàng lớn mà ngay cả bán lẻ, mỗi ngày doanh thu hàng chục triệu đối với một hộ cá thể là chuyện đơn giản.

Ngày đó, những đoàn du lịch cũng “đáp” về đây để được tắm suối nước nóng, tận tay mua những mặt hàng “Made in Thailand” và thăm quan khu kinh tế Cầu Treo. Chưa bao giờ, nhịp sống tại phố núi lại rộn ràng đến vậy.

Khung cảnh đìu hiu của tầng chính trung tâm thương mại Tây Sơn, các ki - ốt đóng cửa vì không bán được.

Rồi đến tháng 8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Tiếp đó, ngày 1/9/2016, luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước.

Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể cho khu kinh tế Cầu Treo thì hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh không muốn đầu tư dài hạn vào đây nữa. Hàng loạt công trình dự án được triển khai dang dở thì "đắp chiếu". Mặt hàng Thái cũng bắt đầu “bão hòa”. So với các vùng khác, một số mặt hàng mua tại khu kinh tế Cầu Treo thậm chí còn đắt hơn so với mua ở thị trường TP.Vinh được về qua cửa khẩu Chalo (tỉnh Quảng Bình). Các bạn hàng trước đây, đều đi tìm mối nhập hàng mới với chi phí rẻ hơn, dân du lịch, ngoại tỉnh đến đây với mục đích mua hàng Thái Lan cũng thưa dần…

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Theo tìm hiểu, hiện khu vực Khu kinh tế Cầu Treo Hà Tĩnh có 30 dự án đầu tư, 130 doanh nghiệp, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, nhưng trên thực tế, tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn.

“Ngày xưa, cứ sáng ra là xe đã vào bốc hàng nhộn nhịp. Bây giờ thì cả tuần cũng không mở hàng. Chúng tôi kinh doanh buôn bán ở đây đã lâu nên giờ chỉ cầm cự để có việc làm mà thôi chứ càng ngày càng tệ hại. Cả mùa du lịch vừa qua, không một khách nào đến. Bây giờ, cả ngày tiểu thương ở đây mà bán lãi được 100 ngàn là quá khó”, chị Nhàn lắc đầu thở dài nói.

Tiểu thương ngao ngán khi cả ngày không bán hết mấy cân thịt lợn.

Những mặt hàng kinh doanh chủ đạo tại đây “chết”, kéo các dịch vụ khác cũng “chết theo”. Kinh doanh buôn bán khó khăn, dân không có nguồn thu nên mọi chi tiêu cũng phải cắt giảm. Hàng cá, hàng thịt, hàng rau… tại trung tâm thương mại Tây Sơn cũng ngồi nhìn nhau từ sáng đến chiều.

25 năm buôn bán thịt lợn tại đây, chị Nguyễn Thị Hà (SN 1968) cho biết, chưa bao giờ tình hình kinh doanh lại tồi tệ như hiện giờ. Khi hàng Thái Lan, gỗ trắc “chạy”, dân tứ xứ đổ về thị trấn Tây Sơn và vùng lân cận cư trú để kinh doanh. Ngoài phục vụ nhu cầu tại chỗ, thì lượng thức ăn, nhu yếu phẩm được dân buôn mua đưa sang Lào với số lượng rất lớn. Thời điểm đó, quầy hàng của chị Hà và các tiểu thương khác, trung bình mỗi ngày mổ bán từ 1 – 2 con lợn là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng nay, cả khu hàng thịt, mỗi ngày bán được 1 con lợn đã là may mắn. Đi buôn không lãi, nhiều tiểu thương cũng không mặn mà với nghề, đồng loạt bỏ quầy nghỉ bán.

Hàng thịt ế ẩm, nhiều quầy đã phải đóng cửa

“22 quầy hàng thịt mà giờ họ bỏ hết còn 8 quầy. Mấy cân thịt mà bán từ sáng đến chiều không hết. Ế chợ nhưng cũng không thể bỏ nghề vì bỏ rồi cũng không biết làm gì nên cứ cố đi mót ít chục tiền lãi vậy. Cứ đến 4 giờ chiều hàng ngày, chị em khu hàng thịt chúng tôi lại mở nhạc nhảy thể dục cho khuây khỏa và cũng động viên nhau cố bám trụ”, chị Hà tâm sự.

Không riêng hàng thịt mà hàng cá, hàng rau, hàng tạp hóa ở khu chợ này cũng trong tình trạng ế ẩm. Lượng người đi chợ không có, một bó rau lãi được 500 đồng nhưng cả ngày không bán được, sang ngày thứ 2 lại phải vứt cho gà ăn. 22 ki - ốt rau cũng bị chủ lần lượt đóng cửa nghỉ bán, chỉ còn 6 ki- ốt. Không khí ảm đạm, buồn hiu hắt là những gì đang diễn ra tại khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết, mấy năm gần đây, khi Chính phủ bãi bỏ tất cả đặc cách cho khu vực kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (gồm 4 xã: Sơn Tây, thị trấn Tây Sơn, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2) thì hoạt động kinh doanh vùng đất này trở nên ảm đạm. Bên cạnh đó, Nhà nước Lào thắt chặt các quy định về việc xuất khẩu gỗ.

Nếu trước đây, gỗ từ Lào về Việt Nam được xuất khẩu gỗ thô và đi qua đường tiểu ngạch thì đến nay đã bị cấm hoàn toàn. Hàng Thái Lan bão hòa, gỗ trắc “chết” khiến nhà nhà chìm ngập trong nợ nần. Hiện, tổng nợ ngân hàng của toàn xã Sơn Kim 1 lên đến số tiền 150 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở 4 thôn: Kim Cương 1, Trưng, Công Thương và An Sú. Có nhiều người, phải “gán” toàn bộ nhà cửa cho ngân hàng nhưng cũng không đủ. 1527 hộ dân với 5500 nhân khẩu nhưng hiện không có ngành nghề chủ yếu, tư liệu để sản xuất không có, đặc thù vùng đất này chỉ là buôn bán kinh doanh trong khi cơ chế, chính sách không có nên việc vực lại là điều vô cùng khó khăn.

Theo ông Hải, trước tình hình này, chính quyền đã động viên người dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Những gia đình trước đây vốn rất giàu có nay quay lại phát triển cây lâm nghiệp và chăn nuôi, “đại gia” cũng cong lưng làm để trả nợ. Người dân toàn xã Sơn Kim 1 hầu như không còn ai buôn bán bên Lào nữa. Chính quyền cũng vận động bà con tham gia chương trình xuất khẩu lao động, học nghề. Tính đến năm 2018, địa bàn xã Sơn Kim 1 đã có trên 400 lao động xuất khẩu các nước, 6 tháng đầu năm 2019 có thêm 50 lao động xuất cảnh.

Không riêng Sơn Kim 1, mà thị trấn Tây Sơn số lượng lao động xuất khẩu cũng tăng nhanh, ngoài thanh niên thì những đối tượng là trung niên cũng bỏ quê, đi xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Kim Hảo, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn cho biết, hiện, trên địa bàn có khoảng 100 lao động đi xuất khẩu, một số lớn người dân đã rời địa bàn đi nơi khác sống, tìm đường kinh doanh. Ngay cả mặt hàng bền vững nhất là bò húc đến nay cũng gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách. Tiền làm không ra nên cửa hàng, quán xá cũng vắng tanh, đồng tiền chưa bao giờ khó khăn với mảnh đất siêu xe và đám cưới vàng như bây giờ.

“Tôi làm chủ tịch từ năm 2008. Chứng kiến sự hưng thịnh rồi suy vong của mảnh đất và con người nơi đây giờ thực mà nói là rất buồn. Đìu hiu, vắng vẻ, ảm đạm còn đâu một khu kinh tế nhộn nhịp như xưa. Người dân ở đây vốn là dân góp, tình cảnh này cũng đã bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

Vùng Tây Sơn là phải buôn bán, phải phát huy thế mạnh của cửa khẩu Cầu Treo. Muốn như vậy, Chính phủ phải có cơ chế thông thoáng, nên có một chính sách đặc cách cho khu kinh tế để cứu lấy mảnh đất đang “chết” dần này”, ông Hảo buồn bã nói.