alt=

Lời hẹn của quá khứ

Nắng tháng 6 rót vào tai tôi lời thì thào về mảnh đất Cổ Đông, Sơn Tây thơm mùi mít chín.

Bước chân trên con đường làng đã bê tông hoá, lòng tôi nặng trĩu ám ảnh về câu chuyện vội vàng giữa chợ.

“Ôi nó khổ lắm, lại bị thằng chồng nó tẩn cho thừa sống thiếu chết”, tiếng nói sang sảng từ góc cuối chợ bắt đầu câu chuyện dân sinh. “Nó mua chịu của tôi 2 lít rượu. Chắc “nốc” hết rồi dở chứng đấy mà, khổ thân con ý”, “Già đầu còn bị chồng nắm tóc”, “Tôi mà là nó tôi cho “đi ngược” lâu rồi nhé, đến khổ”.

Những thanh âm cứ chồng chéo đan xen vào nhau giữa không gian oi ngạt. Hoà mình vào đám đông, tôi nghẹn lòng khi nghe thấy câu chuyện ở một ngôi nhà nọ - nhà của chị Vân.

Bước chân đến khoảnh sân nhỏ, tiếng chổi nan quẹt vào chiếc lá khô cuối vườn từng hồi nhức nhối, ngôi nhà 1 tầng khang trang nằm khiêm tốn gần cuối làng.

Lạch cạch, người phụ nữ với đôi mắt sụp mí nặng nề lê bước xuống bậc tam cấp, cô cúi gằm mặt, mắt long lanh đọng vài giọt nước.

Tôi tiến đến sát chị hơn, chị lấy tay quệt ngang mi nhìn tôi thỏ thẻ: “Em đến chơi nhà, ngại ghê, nhà mới có chuyện, em chờ chút rồi vào, chờ chị lát”. Tôi gật đầu ngượng nghịu.

Lát sau chị thay bộ quần áo khác lên trên nhà ngồi với tôi. Lúc này tôi mới có cơ hội nhìn thấy chị rõ hơn bao giờ hết.

Và tôi biết rõ những gì tôi sắp được nghe sẽ khiến tôi suy tư nhiều lắm!

Nâng cốc nước lọc pha vội vàng, chị Vân bắt đầu câu chuyện: “26 năm rồi em ạ, 26 năm nên vợ nên chồng, chị chưa bao giờ nghĩ chị có ngày hôm nay.

Người phụ nữ ý mà, càng mong chờ lắm càng đau đớn nhiều. Lấy nhau từ ngày quen biết, vốn cùng làng nên chị và anh chẳng xa lạ gì. Ngày cưới, cả hai đến với nhau với tài sản là chiếc xe đạp không yên. Nghèo và cực ghê lắm. Nhà cửa hồi ấy không có gì, đến cái chăn cũng phải mang từ nhà mẹ. Mấy mâm cơm thiết đãi bà con, hứa hẹn với nhau biết bao điều”.

Chị nói nhìn vào bức ảnh cưới hai màu đen trắng cất tận trong hộc bàn, tôi lặng im, chị tiếp lời: “Anh đi làm, chị đi chợ. Hồi ấy anh chăm chỉ hiền lương. Sinh đứa con đầu lòng một tay anh chăm sóc. Chị hạnh phúc vì nghĩ rằng vậy là từ nay mình mãi không muốn trưởng thành vì đã có anh”.

“Vậy mà hạnh phúc là điều giả tưởng. Mọi chuyện thay đổi khi anh dấn thân vào con đường xây dựng. Nay đây mai đó. Tính tình anh thay đổi sớm chiều”, chị nói trong tiếng nấc nghẹn.

Đối diện với chị Vân là một con người khác, linh hồn khác. Người đàn ông từng yêu chiều, người bố với nụ cười thân thiện trở thành một người xa lạ, xa lạ với chị, với chính gia đình nhỏ bé ấy.

Những âm thanh gắt gỏng vang lên, những lời mạt sát bắt đầu xuất hiện, rồi cả những âm thanh chát chúa ghê tai sau mỗi lần đập phá.

Chị nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng ấy: “Hễ cứ vớ lấy cái gì là anh ấy đánh. Thắt lưng, đũa cả, thậm chí cả điếu cày. Có lần anh ấy cầm dao bầu doạ giết”.

Những trận đòn cứ thế nối tiếp nhau, vết bầm cũ chưa tan vết xước mới lại xuất hiện. Đau đớn về thể xác có thể chứ đau đớn về tâm hồn thì biết bao giờ mới lành?

Tôi nhìn quanh trong căn nhà, tôi không thể cảm nhận được hơi ấm gia đình, bủa vây lấy tôi là một cảm giác lạnh lẽo vô hồn.

Bất giác tôi nhớ về người đàn bà phía sau chiếc xe tăng cũ trong bộ ảnh lịch của nhiếp ảnh gia Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

“Ba ngày một trận nặng, năm ngày một trận nhẹ”, khi đập vào mắt người dưng là ánh nắng hồng của buổi bình minh trên biển, thì ở phía sau là sự cắn răng cam chịu của một người đàn bà vì chồng con mà nhận cay đắng cho mình.

Vì đâu nên nông nỗi này?

Câu chuyện của chị Vân chưa khiến tôi hoàn hồn thì tôi chợt bắt gặp cô Đào khi tôi lang thang trước cổng – một người phụ nữ trung niên nhỏ nhắn khiến tôi có ấn tượng ngay từ lần đầu gặp gỡ.

Kết hôn năm 27 tuổi, người đàn ông mang danh xưng là “chồng” lộ bản chất là một kẻ vũ phu từ lúc ấy. Không vui cũng đánh, buồn cũng đánh, tranh luận cũng đánh và hễ có rượu thì mọi chuyện càng trở nên gay gắt.

Dè dặt với tôi hồi lâu, chị mới nói chuyện: “Ông ấy nghiện rượu nặng cô à, cứ triền miên rượu và men. Đánh chứ, đánh nhiều là đằng khác. Nhưng cô ạ, phận đàn bà ấy mà, “xấu chàng hổ ai” mình vì con vì hạnh phúc bấy lâu mà gìn giữ. Chứ bây giờ đưa nhau ra toà, người đời “chửi” vào mặt cho”.

Tại sao vậy? Tại sao những người phụ nữ của tôi lúc nào cũng dành phần thua thiệt về mình một cách mù quáng đến vậy? 

Chị Vân cũng chỉ vì hai chữ Gia đình mà chấp nhận cuộc sống vợ chồng nham nhở những vết tích bạo hành.

Sự phản kháng duy nhất của chị là tự xây một cánh cửa riêng để mỗi lần bị đánh là chạy ùa ra thoát thân.

Chị nói: “Đã lâu lắm rồi em, chị chai sạn với những chuyện này rồi em, chị đã không còn cảm xúc nữa rồi em. Chị đã không còn chút cảm xúc nữa nào rồi em”.

“Em à, anh ấy có người đàn bà khác rồi. Chỉ vì người phụ nữ xa lạ ấy mà chị trở thành người bị trút giận. Chị cảm thấy mình giống như một chiếc bị bông được bơm căng phồng và xẹp lép lại sau mỗi trận đòn, lời mắng”.

Tôi hỏi chị: “Bây giờ chị tính thế nào. Chả nhẽ cứ như vậy cho đến hết đời?”.

“Em à, em chưa có gia đình em không hiểu nổi đâu. Còn con cái, chúng sẽ ra sao khi bố mẹ tan đàn, khi tổ ấm duy nhất chúng có thể trở về chỉ là một bãi đất trống vô hồn. Mặc kệ hết em à…?”.

Tôi lặng im nghe chị nói và không muốn ngắt lời của chị, nhưng có lẽ chị đã quên rằng bản thân tôi là một người đã có gia đình.

Tôi có chồng và một đứa con kháu khỉnh, nhưng tôi may mắn hơn chị, tôi may mắn vì chưa phải chịu đựng những lời mắng và chưa phải đi qua tàn tích của một trận hành hung.

Gạt bỏ đau thương tìm về ánh sáng

Nắng ngày một hanh hao nhưng chẳng đủ để sưởi ấm những tâm hồn đã giá lạnh tự khi nào.

Nhìn vào khoảng không vô định giữa đất trời Cổ Đông, Sơn Tây, tôi thấy cay xè sống mũi. Hoá ra, bên cạnh tôi, bên cạnh những xa hoa phù phiếm hay những bức ảnh tay nắm tay người ấy rong ruổi trên Facebook là những vệt tối của tình yêu, những vệt tối nham nhở đầy ám ảnh.

Hôn nhân đấy, hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu đấy nhưng ai dám đảm bảo con đường chúng ta đi dài theo năm tháng, ai đảm bảo rằng trong một đêm vừa gió lại vừa mưa, dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ có hai mái đầu kề nhau than thở đến hết đời.

Khác với chị Vân, chị Đào mạnh mẽ hơn tôi tưởng. Có lẽ những vết thương đã theo quá khứ ngủ vùi trong ký ức.

Giờ đây, chị Đào đã khác, chị mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và còn trở thành đôi tai tâm sự của biết bao nhiêu người đàn bà là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.

Hoạt động tại xã, chị Đào là cái tên quen thuộc trong chi hội Phụ nữ, chị mở lối thoát cho những người cùng cảnh ngộ, động viên và kéo họ ra khỏi màn đêm của bạo lực.

Có thể những vết sẹo trên da chị còn đó, có thể những vết bầm tím chưa tan nhưng thay vì than thở và nhẫn nhịn, một lối thoát vẫn tốt hơn là sự đứng im thụ động.

6h chiều, nắng gắt ngược lên ngọn cây mít khuất tầm mắt tôi hồi lâu, đứng trước cánh cổng nhà chị Vân, tôi thở dài lặng lẽ.

Trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, tiếng gọi nhau vẫn í ới ngoài chợ mà sao trước khoảng sân nơi tôi đang đứng lại nhuộm màu buồn u uất?

*Tên nhân vật đã được thay đổi!