Gần 2 năm dịch Covid-19 hoành hành và ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành bất động sản nhuốm màu ảm đạm và gần như "đóng băng", nhưng với APEC Group, các dự án vẫn đảm bảo tiến độ, chuẩn bị "bung hàng". với hàng loạt dự án quy mô lớn, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn APEC, điều may mắn này là nhờ "gu" đầu tư của Tập đoàn. Không như nhiều tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư vào thị trường lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, APEC Group tập trung vào quỹ đất tại các "tỉnh lẻ" như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Bên cạnh đó, chính sự chủ động trong việc thu xếp vốn, đòn bẩy tài chính thấp và tư duy đổi mới sáng tạo cũng là yếu tố giúp APEC Group vượt qua cuộc "đại thanh lọc" mang tên Covid-19.

Người Đưa Tin (NĐT): Là một tập đoàn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, APEC Group chắc hẳn đã và đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ông có thể chia sẻ về tình hình kinh doanh của tập đoàn trong 2 năm qua?

Ông Nguyễn Quang Huy: Trong năm 2020-2021, Việt Nam và các nước khác trên thế giới đều nằm trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đều ảnh hưởng và APEC cũng không ngoại lệ.

Các sự kiện mở bán của chúng tôi bị ảnh hưởng đáng kể. Hầu như năm 2021, các sự kiện mở bán giảm đến 90%, ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và phương án triển khai trên thị trường.

Nhưng rất may mắn cho APEC, các dự án trên tỉnh thành đều được triển khai đảm bảo tốc độ cho khách hàng. Đơn cử, tháng 12/2020, chúng tôi cất nóc 3.000 căn ở dự án APEC Mandale Wyndham Mũi Né. Còn trong quý III này, chúng tôi sẽ bàn giao 1.100 căn hộ khách sạn 5 sao APEC Mandale Wyndham Phú Yên.

Và trong cái rủi có cái may, khi mà giãn cách xã hội diễn ra, công nhân không được về quê nên họ tập trung làm việc ở công trường. Hầu như, công trường hoạt động xuyên suốt đảm bảo đúng tiến độ về đích.

Về tình hình sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" APEC, các doanh nghiệp đều huy động được vốn trên thị trường chứng khoán.

Tại CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (MCK: IDJ), công ty đã phát hành cổ phiếu thành công cho các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp, tăng vốn lên gần 800 tỷ đồng. Trong thời gian tới, IDJ có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 1.500 tỷ đồng, hiện công ty đã gửi hồ sơ đề xuất tăng vốn lên UBCKNN và sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Đối với CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (MCK: API), doanh nghiệp này nhiều lần phát hành trái phiếu thành công. Tuy nhiên, trụ cột chính vẫn là dòng thu từ tiền thu của khác hàng hàng do tốc độ bán hàng tốt (người mua trả tiền trước tại ngày 30/9/2021 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng), dư nợ tín dụng các ngân hàng ở mức thấp, tỉ lệ vay nợ thấp nên khi thị trường xấu, API vẫn đảm bảo tài chính.

Đối với Công ty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (MCK: APS), trong năm 2021, APS đã phát hành tăng vốn thành công lên gần 800 tỷ đồng. Thời gian tới, Công ty đặt mục tiêu tiếp tục huy động vốn để vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng với định hướng APS sẽ trở thành tập đoàn tài chính đa năng: Kinh doanh chứng khoán, đầu tư các công ty fintech, các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thu xếp vốn quốc tế, tư vấn M&A. APS sẽ là kênh dẫn vốn cho các thành viên trong hệ sinh thái APEC.

Phó Tổng giám đốc Apec Trong nguy có cơ

NĐT: Điều gì khiến APEC Group lựa chọn đầu tư vào các thị trường “ngách” như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên?

Ông Nguyễn Quang Huy: Thị trường BĐS Hà Nội, Tp.HCM đã quá chật chội với các nhà đầu tư lớn. Do đó, chúng tôi vươn ra các tỉnh thành khác.

Hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện, gồm đường sắt, đường bộ, đường sông, đường hàng không trong tương lai là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường BĐS tại các tỉnh phát triển mạnh.

Cùng với đó, việc phát triển các thành phố, các khu đô thị vệ tinh nhanh hơn, mạnh hơn, mức sống của người dân ngày càng cao. Cho nên, nhu cầu về nhà ở đòi hỏi các tiện ích khép kín lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã có những bước đi sớm gặt hái thành công có thể kể đến như dự án Apec Royal Park Huế; Apec Mandala Wyndham Phú Yên; Apec Aqua Park Bắc Giang...

Các sản phẩm của APEC đảm bảo tiêu chí sang - xịn - mịn nhưng giá thành hợp lý với chế độ thanh toán linh hoạt cho các nhà đầu tư. Do đó, hầu như các sản phẩm của APEC khi tung ra đều đảm bảo sự hấp thụ tốt.

NĐT: Các dự án của APEC Group đều có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và gần như thực hiện đồng loạt. Vậy APEC huy động nguồn vốn như thế nào để đầu tư các dự án trên?

Ông Nguyễn Quang Huy: Để thành công một dự án BĐS nếu làm theo cách cổ truyền thông thường người ta sẽ cần sử dụng đến đòn bẩy rất là lớn. Nhưng chúng tôi làm BĐS với tư duy của một công ty công nghệ.

Tư duy công nghệ ở đây là đổi mới sáng tạo. Đội ngũ kiến trúc sư của APEC liên tục tạo ra những concept (ý tưởng thiết kế - PV) mới vừa có bản sắc dân tộc, vừa đẳng cấp 5-6 sao mà lại có chi phí, giá thành hợp lý.

Để có giá thành hợp lý, các sản phẩm của chúng tôi đều được tổ chức thiết kế tiện ích, lựa chọn vật liệu sao cho hài hòa, giảm thiểu giá thành. Mỗi thứ tiết kiệm một chút, lấy được giá gốc từ nhà cung ứng nhằm đảm bảo giá thành thấp.

Vì vậy, chúng tôi đưa ra được giá bán hợp lý cho khách hàng. Đó chính là cách marketing từ chất lượng sản phẩm, cao cấp mà giá thành lại hợp lý, chính sách mua bán linh hoạt cùng với chất lượng tương đương hoặc cao hơn với các chủ đầu tư lớn.

Khi đã chinh phục được khách hàng, bạn sẽ không phải tốn nhiều chi phí cho truyền thông quảng cáo, cho các đại lý bởi sản phẩm của bạn tung ra đã hết hàng. Điều này sẽ đảm bảo tài chính tốt cho mình đầu tư sau này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dùng các nguồn vốn khác như tăng vốn từ các cổ đông, huy động trái phiếu và vay vốn ngân hàng.

Mặc dù vậy, bảng cân đối tài chính của APEC khá bảo thủ, tỉ lệ vay nợ thấp (APS không vay ngân hàng, API & IDJ tỉ lệ vay ở top thấp nhất trong các công ty bất động sản có quy mô tương đương). Do đó, 2 năm Covid-19 vừa rồi, chúng tôi vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm.

NĐT: Trên thị trường, APEC Group còn được biết đến là một cái tên được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp chú ý khi huy động trái phiếu. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng kênh huy động vốn qua trái phiếu đối với các DN bất động sản? Và APEC Group đã thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Quang Huy: Khi chúng tôi đưa ra các sản phẩm trái phiếu thì chúng tôi cũng có sự so sánh với các kênh huy động vốn tương đương.

Với doanh nghiệp BĐS khi vay vốn ngân hàng lãi suất bình quân từ 11-13%/năm, trả lãi gốc theo tháng hoặc quý. Còn các gói trái phiếu trả lãi theo tháng hoặc quý của APEC tương đương 11-13%/năm. Bên cạnh đó, cũng có những sản phẩm trái phiếu chúng tôi phát hành lãi suất 18%/năm. Tuy nhiên, với những gói đó trái chủ sẽ nhận gốc và lãi trả vào năm cuối cùng với kỳ hạn 5 năm. Nếu tính về dòng tiền thì nó cũng tương đương như 13%/năm nếu như hàng tháng hoặc quý chúng ta lấy lãi.

Số lượng khách hàng mua trái phiếu có lãi suất 18%/năm chiếm tỉ trọng thấp trong tổng thể các gói trái phiếu đã phát hành thành công của APEC Group.

NĐT: Một số ý kiến của chuyên gia cảnh báo về mức độ rủi ro của trái phiếu BĐS song hành cùng lãi suất cao. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huy: Thực ra, chúng ta phải nhìn nhận lãi suất trái phiếu cao so với cái gì. Nếu so với gửi tiết kiệm ngân hàng 3-5%/năm thì nói cao là đúng, mà lại không đúng. Do việc so sánh phải đưa vào cùng hệ quy chiếu, cần phải so sánh lãi suất trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất mà danh nghiệp đang phải đi vay với các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc cho vay vốn. Trong khi đó, lượng tiền gửi tiết kiệm bình thường của dân tiếp tục đổ vào. Do đó, họ muốn giảm giá thành đầu vào thì phải giảm lãi suất đầu vào bao gồm lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn.

Thế nhưng, lãi suất cho vay lại không hề giảm. Lãi suất cho vay các doanh nghiệp sản xuất vẫn dao động từ khoảng 7-10%, doanh nghiệp BĐS từ 10-13%/năm. Còn lãi suất các công ty BĐS phát hành trái phiếu cũng trong khoảng 10-13%.

Thế nhưng, lãi suất cho vay lại không hề giảm. Lãi suất cho vay các doanh nghiệp sản xuất vẫn dao động từ khoảng 7-10%, doanh nghiệp BĐS từ 10-13%/năm. Còn lãi suất các công ty BĐS phát hành trái phiếu cũng trong khoảng 10-13%.

Như vậy, tôi thấy cũng không có gì là cao. Mình nói cao so với tiền gửi còn nếu chúng ta so sánh lãi suất trái phiếu so với lãi suất các doanh nghiệp khác đi vay cũng tương đương.

NĐT: Mở rộng ra thị trường BĐS, ông có nhận định gì về khả năng phục hồi trong thời gian sắp tới? Đặc biệt, cơ hội nào cho APEC sau đại dịch?

Ông Nguyễn Quang Huy: Hai năm Covid-19 cũng là 2 năm liên quan đến chữ “Co”, đầu tiên là Cocobay, sau đó là Covid 2020, Covid 2021, thậm chí là Covid đến năm 2022.

Đây là một cuộc thanh lọc thị trường BĐS, thanh lọc các chủ đầu tư. Để đi ngược với thị trường đòi hỏi các chủ đầu tư phải có năng lực tài chính tốt, thiết kế sản phẩm xuất sắc có gu thẩm mỹ cao và bản sắc, chất lượng sản phẩm ở mức cao, mức độ cam kết phải lớn và dài hạn trong việc thực thi đến cùng cam kết. Thế cho nên, chủ đầu tư nào mà làm được các yếu tố như trên thì chủ đầu tư đó có cơ hội rất lớn, trong nguy luôn có cơ, đồng thời đảm bảo quản trị rủi ro về tài chính an toàn (vay nợ thấp, lượng tiền mặt dồi dào, đảm bảo tốc độ thi công trên công trường để thực hiện đúng tiến độ với cảm kết với khách hàng để khách yên tâm đóng tiền theo tiến độ).

Hiện giờ, với các công ty trong hệ sinh thái của APEC như IDJ Việt Nam, API đều có quỹ tiền mặt lớn. Cụ thể, với API, dòng tiền người mua trả trước hơn 1.000 tỷ đồng, còn với IDJ số dư trả tiền trước gần 1.500 tỷ đồng cộng với quỹ tiền mặt có sẵn, số dư người mua trả tiền trước của 2 công ty này sẽ còn tiếp tục tăng cao đến cuối năm 2021 và sang 2022.

Chính vì có nguồn vốn lớn, các công ty dễ dàng thực hiện M&A các dự án có vị trí tốt, giá thành hợp lý và có độ thanh khoản cao. Đây là thời điểm vô cùng dễ mua những dự án như vậy.

Đó chính là cách mà chúng tôi nói đi chậm, đi chắc nhưng đi rất xa là vì thế. Mình bảo thủ bảng cân đối tài chính nhưng linh hoạt trong việc bán sản phẩm cùng với có nguồn thu tốt thì sẽ có những dự án ngày càng lớn hơn nữa trong tương lai.

Chúng tôi kỳ vọng 3-5 năm tới, doanh thu của API, APS, IDJ chạm ngưỡng 1 tỷ USD và vốn hóa cũng 1 tỷ USD.

Với CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (MCK: APS), sau này APS sẽ trở thành Tập đoàn tài chính chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp fintech, công nghệ sinh học về trí tuệ nhân tạo và sẽ tạo ra những kỳ lân mới của Việt Nam. Đồng thời, APS đóng vai là nhà thu xếp tài chính các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và các thương vụ M&A lớn.

Về IDJ, API các doanh nghiệp này sẽ trở thành nhưng nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng số 1 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến đến 2025, IDJ và API sẽ sở hữu trên 20.000 căn khách sạn 5 sao trên cả nước và sẽ làm các khu đại đô thị nghỉ dưỡng với tổng mức đầu tư hàng tỷ USD.

Thậm chí, trong thời gian tới APEC sẽ thực hiện những khu đô thị nhà ở xã hội cao cấp cho người có thu nhập thấp có quy mô lớn - chúng tôi gọi đó là những "khu đô thị an sinh 5 sao". Các căn nhà ở an sinh xã hội tại Hà Nội, Tp.HCM có giá khoảng 15 triệu đồng/m2; các thành phố trực thuộc Trung ương khác có giá khoảng 13 triệu đồng/m2; các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Đồng Nai, Long An là 10-12 triệu đồng/m2.

Với giá bán như vậy nhưng chất lượng không kém gì các khu đô thị cao cấp của các chủ đầu tư lớn bây giờ. Chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc đại cách mạng nhà ở xã hội cho những người công nhân có thu nhập thấp, người có công với cách mạng.

Tham vọng của chúng tôi 5 năm tới sẽ tung ra 1.000.000 căn hộ nhà ở xã hội 5 sao cho người dân có thu nhập thấp, với khát vọng "vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau".

NĐT: Mở rộng ra với cả nền kinh tế, ông đánh giá ra sao về khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam? Đặc biệt, là nhà đầu tư lớn trong mảng bất động sản nghỉ dưỡng, ông có cho rằng ngành du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ sớm phục hồi sau đại dịch?

Ông Nguyễn Quang Huy: Chính phủ đã xác định không thể “zero Covid” được và xác định sống chung với dịch. Việc mở cửa kinh tế là điều tất yếu nhưng cách làm của chúng ta phải khác để đảm bảo an toàn. Cho nên, đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch nghỉ dưỡng cũng như BĐS.

Mặc dù trong quý III, GDP tăng trưởng âm, GDP 9 tháng đầu năm tăng 1,42% nhưng về định hướng chung, theo tôi nhận định trong vòng 10-20 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập trung bình cao. Đồng thời sẽ có thêm khoảng 20-30 triệu dân tham gia vào tầng lớp trung lưu. Do vậy, nhu cầu về nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng sẽ rất lớn.

Chính vì vậy, tôi nhận định cơ hội phát triển cho BĐS Việt Nam trong vòng 10 năm hay thậm chí là 30 năm nữa rất tốt, không có sự kiện “bong bóng” nào cả. Đó là còn chưa kể đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam kéo theo nhu cầu nhà ở cho chuyên gia, cho công nhân.

Ngoài ra, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta không còn tư tưởng văn phòng cố định nữa. Người châu Á, châu Âu, châu Mỹ... có thể đến Việt Nam sinh sống và làm việc trực tuyến. Do vậy, xuất hiện thêm nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài. Chúng ta có thể yên tâm đổi mới sáng tạo, kiến tạo các sản phẩm xuất sắc mà đậm đà chất văn hóa dân tộc địa phương thì sẽ luôn có phát triển đột phá.

NĐT: Theo quan điểm của ông, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần có tư tưởng triết lý kinh doanh như thế nào để đóng góp, đồng hành cùng Chính phủ trong việc phục hồi nền kinh tế?

Ông Nguyễn Quang Huy: Đối với APEC cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong lúc này phải vững tin vào đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ.

Chính phủ hành động, sáng tạo, tinh thần đổi mới. Bản thân doanh nghiệp cũng phải đổi mới, thích ứng với tình hình mới. Thay vì chúng ta kêu khó, kêu khổ thì phải nghĩ cách tồn tại và phát triển.

Xuất phát từ hành trình phát triển bền vững của APEC, triết lý kinh doanh và nền tảng của APEC Ià để phục vụ xã hội. Nếu như chúng ta giải quyết được vấn đề lớn của xã hội, luôn trăn trở và đổi mới sáng tạo, nghĩ khác, làm khác với tư duy truyền thống để giảm giá thành cung cấp cho khách hàng các sản phẩm trên sự mong đợi thì chúng ta luôn có cơ hội để tồn tại và phát triển, kể cả trong những thời gian dài khó khăn nhất.

Phó Tổng giám đốc Apec Trong nguy có cơ

NĐT: Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Quang Huy: Theo tôi, gói hỗ trợ lớn nhất cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp chính là gói hỗ trợ tiêm vắc-xin. Chỉ có tiêm vắc-xin nhanh, quyết liệt, kịp thời thì mới không phải giãn cách xã hội. Có như thế mới bắt đầu lưu thông được hàng hóa, lưu chuyển dòng tiền tệ, đầu tư và không phải lo đi khoanh nợ, giãn nợ.

Tôi nghĩ gốc rễ vẫn phải là chương trình vắc-xin dài hạn, phải tự chủ được vắc-xin, sản xuất và cung ứng vắc-xin đầy đủ cho các Tp.Hà nội, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành và các khu công nghiệp lớn: Bình Dương, Đồng Nai, long an, Bắc Ninh, Bắc Giang… Có như vậy, các “đầu tàu” công nghiệp thành vùng xanh thì mới sớm phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư hệ thống y tế cơ sở và kết nối quản lý 4.0 để chúng ta có thể chủ động ứng phó các đại dịch tương tự có thể diễn ra sau này.

NĐT: Nếu được hỏi 5 tố chất phải có để trở thành một doanh nhân thành công, ông sẽ chọn điều gì?

Ông Nguyễn Quang Huy: Đối với tôi cũng như người APEC, khi đã dấn thân vào con đường kinh doanh xác định tố chất đầu tiên là kinh doanh bằng sự tử tế, phụng sự xã hội. Thứ hai là khát vọng cống hiến, thứ ba là tinh thần đổi mới sáng tạo.

Và yếu tố thứ tư là phải có là tinh thần cho đi, trả lại cho xã hội. Thay vì lợi nhuận thật cao thật nhiều thì hãy đưa ra những những sản phẩm thật xuất sắc và chất lượng cao cho khách hàng. Đó là tinh thần phụng sự xã hội của người APEC.

Cuối cùng và quan trọng nhất, chúng tôi - người APEC có một niềm tự hào Việt Nam. Chúng ta không phải tự ti mà phải tự tin. Chúng ta tự tin, tự hào là người Việt Nam, doanh nhân Việt Nam từng bước vươn ra toàn cầu.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn !

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 13/10/2021 | 13:53