Vốn không giỏi tiếng Anh và cũng không phải là dân công nghệ, mặc dù đã giữ chức vụ cao tại công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, nhưng ông Trần Đức Hùng – Founder kiêm CEO Edupia vẫn quyết định bỏ công việc ổn định rẽ hướng để đi khởi nghiệp, dấn thân vào thị trường Edtech (Công nghệ giáo dục) – một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Khởi đầu từ năm 2018 nhưng Edupia được coi là một trong những startup nổi bật trong lĩnh vực công nghệ giáo dục. Tháng 10 vừa qua doanh nghiệp này vừa hoàn tất vòng gọi vốn series A với 14 triệu USD do quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu. Mới đây nhất giải thưởng Global Brand Awards đã xếp hạng Edupia là sản phẩm dạy tiếng Anh trực tuyến tốt nhất toàn cầu.

Được nhiều người biết đến, nhưng khi được phóng viên hỏi về những gì đạt được anh thanh niên vẫn nhận: “Chúng tôi có thể ổn ở hiện tại nhưng chưa là gì trong tương lai”.

Người Đưa Tin (NĐT): Lời đầu tiên, Người Đưa Tin xin chúc mừng Edupia đã đạt giải thưởng sản phẩm dạy tiếng Anh trực tuyến tốt nhất của giải thưởng Global Brands Awards. Giáo dục tư nhân tại Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức, lý do vì sao ông lại chọn Edtech là điểm khởi đầu của mình?

Ông Trần Đức Hùng: Trước khi khởi nghiệp tôi may mắn được làm trong trung tâm kinh doanh VAS (Giám đốc Trung tâm VAS) của Viettel Telecom sau đó chuyển sang làm dịch vụ số (Giám đốc Trung tâm Digital). Nhờ có khoảng thời gian đó mà tôi được xu hướng dịch chuyển về các mảng digital khiến cho nhiều ngành truyền thống thay đổi.

Việc bén duyên với giáo dục cũng bởi tôi cảm thấy sự dịch chuyển trong ngành giáo dục và y tế còn chưa cao và đây là cơ hội. Nếu làm tốt, tạo ra những giá trị tốt hơn, thay đổi được những ngành truyền thống thì doanh nghiệp của mình sẽ phát triển tốt. Tôi chọn Edtech đơn giản vì nó đúng ngạch.

Nhưng điều này không có nghĩa các mảng đầu tư khác trong ngành giáo dục ngoài Edtech không có tiềm năng. Trung tâm tiếng Anh, trường đại học, hệ thống trường liên cấp, tư vấn du học, luyện thi IELTS đều có cơ hội phát triển khi bây giờ tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và họ có nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao cấp vì vậy đầu tư cho giáo dục số lượng khách hàng đến có thể nhỏ, nhưng doanh thu lại lớn.

NĐT: Vậy từ khi bắt đầu đến nay, trong suốt chặng đường 4 năm, mảng màu tối mà một doanh nghiệp, nhất là một startup quyết định đầu tư cho giáo dục là gì?

Ông Trần Đức Hùng: Đã là startup thì chắc chắn sẽ có khó khăn, những ai đã từng khởi nghiệp thì đều phải loay hoay đi tìm cho mình nguồn vốn, câu chuyện nhân sự, cách thức triển khai kinh doanh, và luôn phải thay đổi với những biến động của thị trường.

Nhưng đối với doanh nghiệp giáo dục thứ kinh doanh không phải là hàng hoá bình thường mà chúng tôi kinh doanh tri thức, mục tiêu là mang giá trị cho mọi người.

Vì vậy sẽ có những đặc thù riêng không giống như những doanh nghiệp khác, điều có thể thấy rõ nhất có lẽ doanh nghiệp kinh doanh giáo dục khả năng sinh lợi trong ngắn hạn sẽ thấp. Thứ chúng tôi quan tâm đầu tiên là cần phải xây dựng cho mình những kế hoạch dài hơi và giải quyết bài toán vốn để “sống” được trước đã thì mới dám nghĩ đến chuyện phát triển.

NĐT: Nhiều người cho rằng giáo dục tư nhân chưa bao giờ là lợi nhuận nhiều, chứ đừng nói là siêu lợi nhuận. Câu chuyện đầu tư cho giáo dục vẫn được đưa ra bàn thảo khá nhiều giữa lợi nhuận và lợi ích giáo dục. Edupia có bao giờ phải đối mặt giữa bài toán lợi nhuận và sứ mệnh của mình, và đâu sẽ là hướng đi tốt nhất cho các doanh nghiệp trong câu chuyện này, thưa ông?

Ông Trần Đức Hùng: Đã là kinh doanh thì lợi nhuận là bài toán thường trực của chúng tôi cũng như các công ty khác. Đơn giản vì doanh nghiệp phải tạo ra công ăn việc làm, phải tạo ra được lợi nhuận thì mới có khả năng đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ cho xã hội (cười).

Trong khi như tôi đã nói ở trên, người đầu tư cho giáo dục phải hiểu ngành này rất khó thậm chí không thể có lợi nhuận trong ngắn hạn. Có lẽ nếu biết mà họ vẫn bỏ tiền chứng tỏ họ hiểu sứ mệnh của mình như bạn nói.

Để giải quyết thường thường các Edtech trên thế giới sẽ phải kêu gọi vốn đầu tư để mình có đủ sức xây dựng sản phẩm, duy trì hoạt động,…

Thứ 2 tập trung vào tạo ra output (sản lượng/sản phẩm) tốt nhất cho khách hàng. Có thể lần đầu tiên mình bán không có lãi nhưng nếu sản phẩm mình tốt, tạo ra giá trị cho người học thì khách hàng sẽ sẵn sàng gia hạn sử dụng.

NĐT: Là một công ty có nhiều lần gọi vốn thành công với con số không hề nhỏ, theo ông làm thế nào để các doanh nghiệp được các nhà đầu tư chú ý tới? Ở góc độ cao hơn, Việt Nam cần tạo môi trường như thế nào để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu vào lĩnh vực giáo dục ?

Ông Trần Đức Hùng: Với tôi thu hút đầu tư không phải là ngày ngày đi nói “Tôi có tiềm năng phát triển hãy đầu tư cho tôi”, trình bày kế hoạch nọ tầm nhìn kia, không phải như vậy.

Bạn không phải làm gì nhiều mà các doanh nghiệp Edtech nên tập trung tạo ra những sản phẩm tốt và phục vụ lợi ích khách hàng, được người dùng đón nhận. Lúc đó các nhà đầu tư sẽ tự tìm tự đến và ngỏ ý muốn hợp tác.

Còn đối với Việt Nam thực tế cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các quỹ đầu tư. Mặc dù trong năm vừa qua trải qua “mùa đông gọi vốn” ảnh hưởng đến quỹ đầu tư toàn cầu, nhưng chúng ta vẫn là điểm đến ưa thích của dòng vốn và thị trường cũng không quá trầm lắng.

Có chăng, vẫn còn một vài hạn chế về thủ tục đầu tư, ở đâu đó vẫn chưa được thuận lợi như các nước điển hình là Singapore. Tôi cũng tham gia nhiều diễn đàn và các nhà đầu tư cũng nói rằng chúng ta đang cố gắng rút gọn dần cho cơ chế bớt phức tạp.

Có thể tôi có cái nhìn lạc quan nhưng tôi đánh giá doanh nghiệp Việt Nam có môi trường hoạt động không quá tệ. Quan trọng nhất là phụ thuộc vào khả năng của mình.

NĐT: Nói về những dự định tương lai, lý do tại sao ông lại chọn Thái Lan và Indonesia là điểm đến tiếp theo của Edupia? Khi mở rộng ra thị trường người dùng sẽ biết đến ông là một thương hiệu “Made by Việt Nam”, điều này có làm rào cản cạnh tranh với các thương hiệu khác?

Ông Trần Đức Hùng: Mặc dù các ngành khác khi ra thị trường quốc tế sẽ có một số rào cản nhất định nhưng đối với lĩnh vực số, môi trường mở thì rào cản đó lại rất mờ. Thực tế mọi doanh nghiệp Edtech ở Đông Nam Á đều có xuất phát điểm giống nhau, khởi đầu như nhau, đều là bắt đầu tư đầu.

Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam lại có thị trường trong nước tốt hơn, nên lại có thuận lợi hơn chứ không hề thua kém.

Edtech Việt Nam mới phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Nếu nói thị trường phát triển mạnh nhất hiện nay có thể kể đến là Trung Quốc, Ấn Độ, khi đem so sánh sản phẩm của Việt Nam với doanh nghiệp ở thị trường trên về mô hình kinh doanh, sản phẩm thì chúng ta cũng tiệm cận được đến những ông lớn. Đối với Đông Nam Á thì hoàn toàn có thể tự tin vị trí của mình.

Có thể khẳng định, nếu so với các Edtech có “số má” thì Edtech Việt Nam không hề thua kém, nếu không muốn nói là tốt hơn, thậm chí nếu dùng ở trong nước thì các app do người Việt làm dùng còn tốt hơn. Khi đi ra nước ngoài thì đều khó khăn như nhau, mình nghĩ các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng.

Còn vì sao chọn Thái Lan và Indonesia bởi đây cũng là 2 thị trường lớn với riêng Thái Lan số dân đã khoảng 70 triệu người. Và họ chưa có nhiều giải pháp công nghệ phục vụ cho học tập, trình độ tiếng Anh thậm chí còn không phát triển bằng Việt Nam cho nên chúng tôi mặc dù đá sân khách nhưng cũng khá tự tin về nhóm khách hàng này.

NĐT: Vậy còn tiềm năng thị trường Edtech của Việt Nam hiện nay là gì thưa ông?

Ông Trần Đức Hùng: Rõ ràng các edtech Việt Nam được thừa hưởng rất nhiều lợi thế. Việt Nam có điểm mạnh nổi trội là thị trường dân số đông với quy mô gần 100 triệu dân, trong đó lượng học sinh từ mẫu giáo đến THPT chiếm khoảng 20-30 triệu dân. Đây cũng là thị trường hầu hết các cha mẹ đều sẵn sàng đầu tư cho con cái học tập, nhiều gia đình có thể bỏ ra 50% thu nhập cho việc học của con.

Tôi may mắn được làm việc trong ngành viễn thông, nên cũng có cơ hội được đi đây đó và thấy được rằng Việt Nam có cơ sở hạ tầng internet tốt nhất thế giới, không có nước nào tỉ lệ sử dụng băng thông rộng nhiều như ở đất nước chúng ta. Giá cước rẻ cũng là tiền đề cho các ứng dụng công nghệ phát triển, thúc đẩy giáo dục.

Mặc dù cơ sở hạ tầng tốt nhưng đến nay khách hàng sử dụng dịch vụ edtech vẫn còn thấp và cơ hội tăng trưởng cao nên còn nhiều dung lượng để các doanh nghiệp khai thác.

Xét trên bình diện quốc tế, các quỹ đầu tư cũng đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất hiện nay.

NĐT: Trong khoảng 5 năm tới, Edtech Việt Nam sẽ mang diện mạo như thế nào?

Ông Trần Đức Hùng: Chúng tôi thường nói đùa với nhau bây giờ mới chỉ mới là khởi đầu thôi, trong khoảng 5 năm tới mới vui. Lúc đó khi có sự tham gia đông đảo của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư làm cho thị trường sôi động, dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ.

NĐT: Khi thị trường phát triển mạnh mẽ như ông nói, công nghệ sẽ giúp giải quyết vấn đề của ngành giáo dục như thế nào?

Ông Trần Đức Hùng: Qua quá trình làm việc trước kia và trải nghiệm của chính bản thân tôi thấy công nghệ chắc chắn sẽ giải quyết được những khó khăn hiện nay, và giúp ích rất nhiều không chỉ cho giáo dục mà còn cả những ngành như kinh tế, giao thông,… Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã được hưởng rất nhiều những giải pháp của công nghệ. Nó không còn xa vời mà len lỏi từng con phố, ra đường bây giờ nhìn thấy xe công nghệ nhiều hơn xe truyền thống, các mẹ đi chợ giờ đã dần không dùng tiền mặt thanh toán.

Còn trong giáo dục rõ nét nhất công nghệ đã giúp rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn.

Trước kia điều kiện học tiếng Anh không được tốt, nhiều bạn không nói được tiếng Anh, nhắc đến tiếng Anh là ngại. Tôi còn nhớ có người bạn ở thị trấn Đức Thọ, hàng tuần các gia đình có điều kiện ở đấy thường chung nhau thuê xe cho con đi học tại một trung tâm tiếng Anh ở Vinh, cách nhà khoảng 30 cây số.

Nhưng bây giờ nếu muốn học thì không cần phải mất công đi lại như vậy có nhiều giải pháp mang lại cơ hội học tập cho các em. Học online, học qua các ứng dụng đã giúp học sinh tiếp cận được những giáo viên giỏi nhất, chương trình tốt nhất thông qua các giáo trình điện tử.

Bây giờ công nghệ đã giải quyết nhiều vấn đề cho giáo dục thì trong tương lai còn tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, giải quyết nhiều khâu hơn nữa.

NĐT: Dung lượng thị trường lớn nhưng doanh nghiệp có đủ khả năng đáp ứng với nhu cầu thị trường hay không? Có phải quá dễ dàng với các doanh nghiệp Edtech khi cầu đang quá lớn?

Ông Trần Đức Hùng: Không có gì là dễ dàng cả (cười), thị trường tiềm năng lớn nhưng cần có thời gian khai thác. Nếu trước kia mọi người chưa biết học online là gì thì sau dịch hoạt động này trở nên quen thuộc, bây giời khách hàng cũng có điều kiện hơn trước. Ví dụ này để hiểu rằng cần thời gian để dần dần mở ra thị trường.

Edtech không giống các ngành khác là khi có cầu tôi chỉ cần là người sản xuất nhanh nhất và mang sản phẩm đến cho khách hàng là được. Chúng tôi phải là người đi mở thị trường, tạo ra nhu cầu chứ không phải có sẵn 2-3 triệu người ngoài kia luôn muốn và sẵn sàng học online.

Phải vừa làm, tạo ra sản phẩm vừa nói học online cũng tốt đấy. Nhu cầu tiềm năng ở đây là có, nhưng việc khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm online về giáo dục trong 1 tháng tới thì chắc chắn không có.

NĐT: Vậy với xu hướng như vậy, ông có lời khuyên nào cho các startup muốn đầu tư cho Edtech?

Ông Trần Đức Hùng: Tôi không dám khuyên nhưng mặc dù trên thị trường có nhiều thứ để khai thác. Tuy nhiên, khi chúng ta còn nhỏ thì không nên tham vọng bao phủ hết cả thị trường, thay vào đó hãy chọn phân khúc phù hợp và đủ lớn, có quy mô để tạo ra các sản phẩm cho khách hàng. Chuyên tâm vào một thứ sẽ tạo ra những giá trị thực, nên đi sâu chứ không phải trải rộng.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông !

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 28/01/2023 | 14:00