Những năm gần đây, Bắc Giang nổi lên là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI, cũng như những nhà đầu tư lớn nhất cả nước.

Trong cuộc phỏng vấn với Người Đưa Tin trước thềm năm mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đã chia sẻ về những nỗ lực của tỉnh trong năm 2021 qua việc vận dụng linh hoạt các giải pháp chống dịch ngay tại thời điểm tỉnh là tâm dịch của cả nước, nhằm giữ vững niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, người lao động yên tâm sản xuất. Cùng với đó là chia sẻ về những cách làm đặc biệt của tỉnh để thu hút những “đại bàng” lớn đến đầu tư.

bac-giang.mov

Dù chưa đạt được kỳ vọng theo mục tiêu đề ra nhưng bằng những nỗ lực, trong năm 2021, tỉnh Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng GRDP rất khả quan, nằm trong top 10 cả nước khi đạt ở mức 7,82%.

Người Đưa Tin (NĐT): Nổi tiếng với việc đón đầu được những doanh nghiệp, tập đoàn FDI lớn, vậy trong câu chuyện đàm phán với các doanh nghiệp này, thì tỉnh Bắc Giang có những chính sách đặc thù như thế nào để có thể thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Bản thân tôi đã được hỏi rất nhiều về việc “Bắc Giang những năm gần đây lại thay da đổi thịt thế, phát triển nhanh thế?”. Hàng năm, thu hút FDI về tỉnh đều đạt trên 1 tỷ USD, năm 2021 cũng đạt trên 1,3 tỷ USD.

Thực ra, xét về chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI thì cả nước đều như nhau, Bắc Giang không có những chính sách riêng hay chính sách trái quy định. Điều cốt lõi giúp Bắc Giang thành công trong thu hút các nhà đầu tư FDI lớn đó là cách tổ chức thực hiện.

Đối với các dự án hiện nay, tỉnh đều thành lập các tổ công tác các dự án lớn, các tập đoàn lớn trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể, mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát, cùng bàn bạc, trao đổi các vấn đề và cùng đi đến thống nhất. Với Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh, sở ngành chủ động tìm doanh nghiệp, mời doanh nghiệp, giới thiệu họ về để khảo sát đầu tư chứ không để doanh nghiệp phải loay hoay đi tìm chính quyền.

Tiếp đến là hàng tháng, tỉnh sẽ có các cuộc họp để cùng kiểm điểm, lắng nghe lại các kế hoạch. Vấn đề nào hoàn thành tốt thì tiếp tục phát huy, vấn đề nào còn chưa hoàn thành thì phải nêu được lý do tại sao chậm, khắc phục thế nào. Phương pháp, cách thức làm việc để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang là xây dựng được sự an tâm, tạo lòng tin đôi bên, sự chủ động của chính quyền sở tại.

Một thực tế mà Bắc Giang đang tận dụng được đó là chính các doanh nghiệp FDI đã vào đầu tư, họ nhận thấy tỉnh có môi trường đầu tư tốt, có lao động tay nghề, có nhiều cái hay thì họ giới thiệu với đối tác của họ. Nó giống như câu chuyện tiếng lành đồn xa vậy.

Từ công tác quy hoạch đến việc tổ chức thực hiện tại tỉnh khá bài bản, rõ ràng. Phát triển công nghiệp thì kế hoạch quy hoạch ra sao? Nông nghiệp thì làm ở đâu, làm như thế nào? Đặt ra câu hỏi thì phải trả lời câu hỏi, để khi nhà đầu tư họ vào họ thấy rằng tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” để tăng tính kết nối, tạo điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định bền vững, thu hút các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước.

NĐT: Hướng tới phát triển kinh tế bền vững khi thu hút các nhà đầu tư FDI, tỉnh Bắc Giang có chủ trương đặc biệt gì không, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Với tỉnh Bắc Giang, chúng tôi hiện nay có chủ trương thu hút FDI theo hướng bền vững với “2 ít - 3 cao”. Chủ trương thu hút đầu tư “2 ít” có nghĩa là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động. Thực tế, lực lượng lao động nhập cư lớn sẽ tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng của tỉnh, vì vậy tỉnh Bắc Giang tập trung những dự án sử dụng ít lao động cũng là để giảm áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ trương thu hút đầu tư “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hàm lượng công nghệ cao và hiệu quả cao để thu về ngân sách cao cho tỉnh.

NĐT: Vậy trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Giang có đưa ra những ràng buộc với nhà đầu tư để họ có thể đảm bảo việc tiếp nhận con em của tỉnh được làm việc, được làm giàu trên chính quê hương của mình?

Ông Phan Thế Tuấn: Trước đây khi công nghiệp chưa phát triển, chính quyền tỉnh rất chú ý và cũng có yêu cầu doanh nghiệp quan tâm, ưu tiên và có những cam kết tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm. Còn bây giờ, công nghiệp đóng vai trò chính trong kinh tế tỉnh, vấn đề này đã không còn quá nặng nề. Bởi lao động là tài sản, là nguồn lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào chiếm được lao động tốt, lao động chất lượng là doanh nghiệp đó sẽ có nguồn lực tốt để phát triển.

Với Bắc Giang, nguồn lao động là mơ ước của các nhà đầu tư FDI khi họ đến tìm hiểu. Hiện công ăn việc làm của người lao động địa phương phải nói là không thiếu, thậm chí Bắc Giang còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho lao động tỉnh khác.

Câu chuyện ly nông, không ly hương hiện đang là câu chuyện của cả một quốc gia. Chính vì lẽ đó, vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội là bài toán rất cần thiết, với tỉnh Bắc Giang yếu tố này cũng được đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh đảm bảo an toàn cho người dân trong đại dịch này.

NĐT: Thời điểm này có thể thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đang phục hồi khá nhanh. Việc chống dịch cho các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất vẫn còn rất thời sự lúc này. Thưa ông, tỉnh Bắc Giang đã vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế như thế nào trong năm vừa qua?

Ông Phan Thế Tuấn: Khi dịch bùng phát và tấn công vào các khu công nghiệp của tỉnh thì thời điểm đó có rất nhiều đặc thù. Lúc đó, kinh nghiệm thực tế trong chống dịch tại các khu công nghiệp ở tỉnh chưa có nhiều, còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế, năng lực xét nghiệm cũng rất hạn chế.

Tuy nhiên, với mục tiêu kép, chống dịch để sản xuất - sản xuất để chống dịch, tỉnh Bắc Giang đã tập trung cả hệ thống chính trị, bên cạnh đó Trung ương cũng hỗ trợ tỉnh rất nhiều và kết quả đạt được khá là tốt.

Tỉnh đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch; thành lập các tổ công tác rà soát đánh giá tình hình chống dịch của doanh nghiệp để từ đó có cách thức hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương thức “hai điểm đến một cung đường”, “3 tại chỗ”, kết quả cho thấy phương thức này được áp dụng khá thành công tại Bắc Giang khi đó.

Ngoài rà soát đánh giá năng lực phòng chống dịch của doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch hiệu quả, tỉnh còn bố trí các lực lượng y tế để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. Với chúng tôi, việc xét nghiệm toàn bộ công nhân giúp đánh giá được nguy cơ, kiểm soát được dịch ở bên trong các khu công nghiệp và các nhà máy. Từ đó, có cách thức xử lý kịp thời và hiệu quả.

NĐT: Theo thống kê mới nhất, tốc độ tăng GRDP cả năm 2021 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 7,82%. Vậy đâu là yếu tố thúc đẩy tỉnh Bắc Giang duy trì được đà tăng trưởng khả quan như vậy trong bối cảnh dịch Covid-19, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Như tôi đã chia sẻ thì trong bối cảnh dịch phức tạp nhất, tỉnh Bắc Giang khi đó phải dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, tuy nhiên chỉ 8 ngày sau đã có doanh nghiệp trở lại mở cửa để hoạt động sản xuất không bị đình trệ. Để làm được điều đó, tỉnh Bắc Giang đã tốc lực hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý chống dịch, trong phục hồi sản xuất.

Sau hai tháng khi dịch ổn định thì tất cả doanh nghiệp, người lao động đều quay trở lại làm việc. Kết quả đạt được khá khả quan khi tình hình sản xuất kinh doanh không những phục hồi ổn định mà còn phát triển, bứt tốc hơn.

Số doanh nghiệp mở mới tăng hơn so với trước dịch, số lao động cũng tăng hơn 41.000 lao động so với trước dịch. Những nỗ lực trong việc vận dụng linh hoạt các giải pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất đã giúp tỉnh Bắc Giang đạt được tốc độ tăng GRDP cả năm 2021 ở mức 7,82%. Đây là kết quả khá tốt đẹp trong bối cảnh năm 2021 đầy biến động, khó khăn do đại dịch Covid-19.

NĐT: Ông có thể chia sẻ về kịch bản, mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Bắc Giang?

Ông Phan Thế Tuấn: Ông Phan Thế Tuấn: Trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung cao bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Củng cố, duy trì, giữ vững, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tăng cường động lực tăng trưởng trong dài hạn…

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Bắc Giang đề ra 18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 14% với điều kiện dịch được kiểm soát. Cơ cấu kinh tế các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng phấn đấu đạt 60,6%; Dịch vụ 23,6% và Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản 15,8%.

NĐT: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới đưa Bắc Giang nằm trong số 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước. Vậy Bắc Giang sẽ làm gì để vươn lên trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước?

Ông Phan Thế Tuấn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đặt ra mục tiêu rất là rõ là đưa tỉnh nằm trong top 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước. Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã nằm trong top đó rồi.

Hiện giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt khá cao, trên 300.000 tỷ đồng/năm. Thủ tướng cũng đã phê duyệt cho tỉnh Bắc Giang phát triển thêm 3 khu công nghiệp trong năm 2021 và tỉnh cũng mới có đề xuất thêm 6 khu công nghiệp mới và mở rộng để đầu tư phát triển. Tỉnh cũng rất kỳ vọng về việc mở mới các khu công nghiệp, đóng góp tỉ trọng lớn cho nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp Bắc Giang cũng có nhiều thuận lợi, áp dụng các công nghệ cao vào phát triển. Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm cũng đạt ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng.

Quan trọng hơn cả, với sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, cơ hội là như nhau. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, quy mô hơn.

NĐT: Hồi tháng 6/2021, tỉnh Bắc Giang đã có những lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên được xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA đi chinh phục các quốc gia “khó tính” trong cộng đồng EU. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Bắc Giang khi mặt hàng nông nghiệp nổi bật của tỉnh được tiếp cận với thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Phải thú thật, ở thời điểm đó, mặc dù là tâm dịch nhưng tỉnh Bắc Giang lại sợ tiêu thụ vải hơn sợ chống dịch. Hơn 215.000 tấn vải thiều nằm chờ được đi tiêu thụ, bình thường tiêu thụ đã khó, dịch bùng phát đúng thời điểm mùa vụ càng khiến tiêu thụ vải khó gấp bội. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may khi năm vừa rồi trái vải thiều của Bắc Giang được lan toả cả ở trong và ngoài nước.

Lô vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA mang ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Bắc Giang nói chung và lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói riêng. Kỳ thực mà nói, nếu không có EVFTA thì trái vải thiều của Bắc Giang không thể nào vào được thị trường EU.

Dù số lượng xuất khẩu không lớn, chỉ vài chục tấn nhưng khi vải thiều Bắc Giang vào được thị trường EU nó đã phần nào khẳng định giá trị nông sản Việt Nam, mang tinh hoa của người nông dân vùng Bắc Giang ra thế giới, mở ra một hướng đi mới cho thị trường xuất khẩu của trái vải thiều Bắc Giang.

Trong năm vừa qua, vải thiều Bắc Giang cũng xuất đi các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Mỹ. Tại thị trường trong nước, vải thiều cũng được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Nếu không có dịch thì vải thiều Bắc Giang cũng sẽ không xuất hiện trên sàn thương mại nhiều như vậy. Chúng tôi cũng nhận thấy đây sẽ là xu thế, và tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong những năm tới.

NĐT: Từ câu chuyện quả vải, tỉnh Bắc Giang sẽ tính đường dài cho các sản phẩm nông sản thế nào?

Ông Phan Thế Tuấn: Nông nghiệp là một trong 3 ngành mũi nhọn của tỉnh và chắc chắn sẽ tiếp tục được tập trung xây dựng để phát triển. Nông nghiệp của Bắc Giang có nhiều sản phẩm chủ lực như vải thiều với diện tích 28.000 ha, lớn nhất cả nước; đàn lợn trên 1,1 triệu con, đàn gà trên 16 triệu con, đứng thứ 4 cả nước; vùng trồng cây ăn quả, cây có múi diện tích trên 20.000 ha… .

Một trong những lan toả của vải thiều năm 2021 chính là kéo theo sự thành công của các loại nông sản khác của tỉnh Bắc Giang ra thị trường quốc tế. Giá thành của những mặt hàng này đã được đẩy cao hơn, sức tiêu thụ cũng tốt hơn.

Sau vụ vải năm vừa rồi, lãnh đạo tỉnh cũng đã cùng ngồi lại, rút kinh nghiệm các chiến lược, kịch bản cho vụ vải tiếp theo. Trong năm 2022 và những năm tới đây, mặt hàng nông sản của tỉnh Bắc Giang không chỉ tập trung ở số lượng mà sẽ đẩy mạnh hơn nữa ở mặt chất lượng. Tập trung phát triển ở vùng cụ thể, nâng cao diện tích, trình độ thâm canh của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

“Bắc Giang xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể, mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát, cùng bàn bạc, trao đổi các vấn đề và cùng đi đến thống nhất. Với Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh, sở ngành chủ động tìm doanh nghiệp, mời doanh nghiệp, giới thiệu họ về để khảo sát đầu tư chứ không để doanh nghiệp phải loay hoay đi tìm chính quyền”, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 06/02/2022 | 08:00