Thế giới đã bị thử thách bởi 3 cú sốc lớn trong suốt 2 năm qua: Đầu tiên là khủng hoảng sức khỏe do Covid-19 gây ra, kéo theo sau là khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng năng lượng. Trong đó, khủng hoảng năng lượng gây ra những chấn động mạnh hơn nữa cho các nền kinh tế trên toàn thế giới. Việc giá năng lượng tăng không chỉ đơn thuần là tình hình khu vực hay châu Âu, mà là một hiện tượng toàn cầu có liên quan cơ bản đến biến đổi khí hậu.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế toàn cầu, cả Bắc-Nam và Đông-Tây, là không thể phủ nhận. Nếu một góc của thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, thì phần còn lại của thế giới cũng sẽ cảm nhận được. Khủng hoảng đe dọa nhu cầu cấp điện cơ bản của ngay cả những quốc gia giàu có nhất.

Trang The Economist gọi đây là “cú sốc năng lượng lớn đầu tiên của kỷ nguyên xanh”. Sự hoảng loạn do thiếu hụt năng lượng trong năm qua là một “lời nhắc nhở rằng cuộc sống hiện đại cần nguồn năng lượng dồi dào”. Khi nguồn cung trở nên khan hiếm, giá năng lượng sẽ tăng vọt, khiến người tiêu dùng khó có khả năng chi trả hóa đơn, nhà cửa nguội lạnh do thiếu năng lượng sưởi ấm trong mùa đông, và doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do thiếu điện để sản xuất.

Ngoài ra, cũng có nhiều nhận định rằng, cuộc khủng hoảng là bằng chứng cho sự cần thiết phải chuyển đổi nhanh hơn khỏi các nguồn nhiên liệu hóa thạch và tăng tốc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế sạch hơn để thoát khỏi chu kỳ giá hàng hóa.

Kỷ nguyên năng lượng dồi dào đã qua

Trước đây, sự bùng nổ của dầu khí đá phiến ở Mỹ đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung, khiến ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu phải tìm cách hạn chế sản lượng đầu ra để giữ giá sản phẩm ở mức cao, trang The Economist cho biết. Tuy nhiên, trong năm qua, tình thế đó có vẻ đã đảo ngược. Tình trạng thiếu hụt năng lượng đã trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Thiếu hụt tài xế xe bồn chở xăng và tắc nghẽn tại các cảng container khiến các cây xăng ở Anh cạn kiệt, đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng.

Giá khí đốt đã tăng 130% ở châu Âu khi nhu cầu năng lượng hồi phục mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc, kết hợp với việc giảm nguồn cung khí đốt trên thị trường toàn cầu và thời tiết cực đoan khiến dự trữ khí đốt ở châu lục này cạn kiệt. Giá loại nhiên liệu quan trọng này đã tăng 85% ở Đông Á. Ngay cả ở Mỹ, nơi có nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào, giá khí đốt cũng từng chạm mốc cao nhất trong 13 năm.

Nhân viên làm việc trên một tháp truyền tải điện cao thế ở Yichun thuộc tỉnh Giang Tây, miền Trung Trung Quốc cuối tháng 9/2021. Ảnh: Los Angeles Times

Tình trạng cắt điện ở nhiều khu vực của Trung Quốc xuất phát một phần từ nỗ lực nhằm điều tiết lượng phát thải carbon của nước này. Lượng than dự trữ tại các nhà máy điện ở Ấn Độ ngày càng giảm có liên quan đến việc giá nhập khẩu mặt hàng này tăng vọt.

Tuy nhiên, có một yếu tố cơ bản được cho là sẽ khiến tình trạng khan hiếm thậm chí trở nên tồi tệ hơn trong vài năm tới. Đó là sự sụt giảm đầu tư vào các giếng dầu, các mỏ khí đốt tự nhiên và các mỏ than. Đây giống như là giai đoạn thoái trào xảy ra sau giai đoạn đầu tư quá mức vào nhiên liệu hóa thạch từng gây ra dư thừa nguồn cung.

Tình hình giờ đây đang diễn biến theo chiều ngược lại, theo The Economist. Mặc dù nguồn cung eo hẹp, quản lý đầu tư vào ngành năng lượng lại có xu hướng bị siết chặt hơn trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với quá trình khử cacbon.

Bên cạnh đó, theo OPEC, việc xe điện ngày càng được sản xuất và sử dụng nhiều và các nguồn năng lượng thay thế và tái tạo được thúc đẩy mạnh hơn sẽ thực sự mở ra kỷ nguyên của nhu cầu dầu giảm. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của các nền kinh tế đang phát triển vẫn sẽ khiến dầu giữ vị trí nguồn năng lượng số 1 thế giới cho đến năm 2045, OPEC cho biết.

Thực ra, cuộc khủng hoảng nguồn cung đã tạm thời không bùng nổ từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19, với các biện pháp hạn chế, đã làm suy giảm nhu cầu năng lượng, The Economist nhận định. Nhưng một khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, với việc nhu cầu điện để vận hành sản xuất tăng vọt, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu là không tránh khỏi.

Đầu tư vào dầu thấp hơn có tác động lan tỏa đến sản lượng khí đốt tự nhiên, thường là sản phẩm phụ của quá trình khoan dầu thô. Thêm vào đó là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ những nơi nguồn cung dồi dào hơn (như Mỹ) đến những nơi khan hiếm hơn (như châu Á và châu Âu).

Do mất nhiều thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình này, việc thiếu công suất cảng dự phòng cho xuất khẩu LNG ở Mỹ dự kiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.

Giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn

Đó cũng là chủ đề được thảo luận nhiều ở Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow từ 31/10 đến 13/11/2021.

Kết quả cuối cùng, COP26 đã đạt được thỏa thuận về than đá, loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch chính

Hiệp ước Khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), được đàm phán bởi gần 200 quốc gia trong 2 tuần, không phải là hiệp ước mà nhiều người hy vọng.

Các quốc gia đạt được thỏa thuận về tăng tốc hành động vì khí hậu, nhưng thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu, theo tờ Washington Post.

Tuy nhiên, thỏa thuận đặt ra tầm nhìn về một thế giới cắt giảm triệt để việc sử dụng than, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cam kết của các chính phủ về các mục tiêu tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris.

Các chuyên gia dự báo, năm 2022 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các nguồn năng lượng xanh. Ảnh: REGlobal

Hiệp ước Khí hậu Glasgow vang lên "hồi chuông báo tử" cho than đá, theo Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tuy nhiên, ngôn ngữ cuối cùng sử dụng trong hiệp ước đã được “giảm nhẹ”, chuyển từ “xóa bỏ” (phase out) thành “giảm dần” (phase down) các dự án sản xuất điện than không thu giữ và lưu trữ carbon. Theo đó, cánh cửa vẫn mở cho các khoản đầu tư vào một số nhà máy than được trang bị công nghệ thu giữ khí thải.

Có câu hỏi đặt ra là trong số các nhiên liệu hóa thạch, tại sao lại tập trung vào than? Mike Bloomberg và Carl Pope vào năm 2017 đã coi than đá là nguồn ô nhiễm chính ở các tầng khí quyển thấp hơn. Các hạt than cháy gây ra khói làm trầm trọng thêm tình trạng phổi như bệnh hen suyễn ở cả người trẻ và người già.

Than là nguồn phát thải khí nhà kính chính. Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm 64% lượng than tiêu thụ toàn cầu và phát thải khoảng 35% lượng khí nhà kính của thế giới. Họ phụ thuộc vào than là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện. Trong năm qua, cả 2 quốc gia này đều đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện phần nhiều do tình trạng thiếu hụt nguồn cung than gây ra.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm nổi bật sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Giai đoạn chuyển đổi này là một giai đoạn gập ghềnh, đầy rẫy khó khăn, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Những lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch có thể là các nguồn năng lượng tái tạo, như quang điện (điện mặt trời) và phong điện (điện gió). Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế nhất định.

“Chi phí sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo ngày nay ở một số nơi trên thế giới đã rẻ hơn chi phí sản xuất điện bằng than đá. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không có điện mặt trời và điện gió 24 giờ mỗi ngày”, Bộ trưởng Năng lượng Chile, Juan Carlos Jobet, cho biết trong một cuộc nói chuyện với Forbes sau COP26.

“Đó là một thách thức mà chúng ta sẽ mất một thời gian để giải quyết: pin nhiên liệu cần phải phải rẻ hơn, và bên cạnh các dự án điện mặt trời, cần phải có các dạng năng lượng tái tạo khác. Những công nghệ đó, nếu chúng trở nên rẻ hơn, sẽ cho phép chúng ta thay thế than đá, khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu hóa thạch khác”.

Năng lượng tái tạo có là tương lai?

Những người ủng hộ hành động vì khí hậu coi sự bất ổn hiện tại là bằng chứng cho việc cần tăng gấp đôi quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

“Về lâu dài, chúng ta thấy rằng nền kinh tế đang giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”, chuyên gia Tom Sanzillo thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính ( IEEFA) nói với mục Today’s WorldView của tờ Washington Post.

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm bắt được “sự suy giảm có hệ thống” của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, ông Sanzillo cho biết thêm.

Dữ liệu cho thấy năng lượng tái tạo dưới nhiều dạng khác nhau đang trở nên rẻ hơn đáng kể khi nói đến chi phí sản xuất. Một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức phi lợi nhuận, cho thấy điện được tạo ra từ các nguồn không phát thải carbon đã giúp giảm hàng chục tỷ USD hóa đơn khí đốt của Anh và EU.

“Giá cả tăng chóng mặt là động lực để thoát ra khỏi nhiên liệu hóa thạch”, ông Sanzillo nhận định.

Các chính trị gia hàng đầu châu Âu cũng đồng tình. Họ tin rằng việc chuyển đổi sang nhiều năng lượng tái tạo hơn về lâu dài sẽ giúp bảo vệ khách hàng châu Âu khỏi sự biến động của thị trường dầu và khí đốt.

Khi tác động của khí hậu trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ gián đoạn nguồn cung và khủng hoảng năng lượng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đa dạng hóa khỏi các chuỗi cung ứng nhiên liệu hóa thạch dễ bị tổn thương và hướng tới các công nghệ năng lượng tái tạo có thể làm giảm tác động của khủng hoảng.

Nhiều thành phố ven biển sẽ bị vùi dưới chân sóng nếu biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng tới 4 độ C. Trong ảnh là thành phố cảng Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: IFS Neutral Maritime

Báo cáo “Triển vọng Năng lượng Thế giới” của IEA chỉ ra rằng, sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu có thể giảm 30% chi phí của các hộ gia đình nếu xảy ra cú sốc giá hàng hóa vào năm 2030 thông qua giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt do quá trình điện khí hóa và cải thiện hiệu quả năng lượng mang lại.

Những gì năng lượng tái tạo mang lại - đặc biệt là về lâu dài khi công suất phát điện tăng lên và chi phí sản xuất giảm đi - là tính độc lập cao hơn đối với các chuỗi cung ứng nhiên liệu không an toàn.

“Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt của năm 2021 đã nhắc nhở chúng ta rằng biến đổi khí hậu không còn là vấn đề tiềm tàng trong 30-40 năm tới”, Henry Fernandez, CEO của MSCI, một công ty tài chính có trụ sở tại Mỹ, cho biết. “Đó là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ. Những gì chúng ta làm trong nửa thập kỷ tới có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc có thể tránh khỏi hay phải trải qua những tác động khí hậu tồi tệ nhất”.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 05/02/2022 | 18:10