Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn đối với nền kinh tế toàn cầu: Sự phục hồi từ những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra bắt đầu chững lại, khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung năng lượng ngày càng trầm trọng, lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chuẩn bị tăng lãi suất, và các thị trường tài chính biến động theo từng khúc quanh của một loạt các bất ổn.

Đó là nhận định của Viện Brookings (Mỹ) trong một bài đăng trên trang web của mình.

Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine gây ra thêm nhiều bất định cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu thời hậu Covid. Ảnh: The Japan Times

Cuộc xung đột đã làm trầm trọng thêm những bất ổn đó, với việc các tác động được cảm nhận khắp thế giới.

Còn quá sớm để nói cuộc xung đột sẽ làm thay đổi triển vọng kinh tế toàn cầu ở mức độ nào. Giống như loại coronavirus gây bệnh Covid-19, cuộc khủng hoảng mới nhất này ập đến bất ngờ, liên quan đến các yếu tố như quy mô, mức độ khốc liệt của nó, và phản ứng toàn cầu đối với nó.

Mọi thứ phần lớn sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo. Nhưng điều rõ ràng là giá thực phẩm và năng lượng đã bị đẩy lên cao hơn - cùng với sự thiếu hụt nguồn cung - sẽ là tác nhân “gây đau đớn” ngay lập tức cho các nền kinh tế và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp tục hoành hành.

Bên cạnh giá hàng hóa cao hơn, các hậu quả có thể được thể hiện thông qua một số yếu tố khác, ví dụ như các cú sốc thương mại, bất ổn tài chính, kiều hối và làn sóng người tị nạn.

Các quốc gia gần nhất với cuộc xung đột - thông mối liên hệ thương mại, tài chính và di cư mạnh mẽ với Nga và Ukraine - có khả năng phải gánh chịu các tác động tức thì lớn nhất. Đồng thời, các tác động này có thể vượt ra khỏi khu vực và lan tới nhiều phần khác của thế giới.

Trong một bài đăng trên trang web của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhận định tương tự.

Theo IMF, tác động của cuộc xung đột cũng đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của mạng lưới an toàn toàn cầu và các thỏa thuận khu vực nhằm nâng đỡ các nền kinh tế.

Biểu đồ thể hiện sự biến động của giá cả năng lượng, ngũ cốc và kim loại trong 10 năm (2013-2022). Ảnh: IMF

“Chúng ta đang sống trong một thế giới dễ bị sốc hơn”, Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva gần đây đã nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban ở Washington, Mỹ. “Và chúng ta cần sức mạnh của tập thể để đối phó với những cú sốc sắp xảy đến”.

Các quan chức IMF dự kiến sẽ giảm dự báo trước đó của họ về tăng trưởng kinh tế toàn cầu (4,4%) cho năm 2022. IMF sẽ công bố dự báo cập nhật vào ngày 19/4.

Về lâu dài, xung đột có thể thay đổi cơ bản trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng tái định hình, hệ thống thanh toán phân mảnh và các nước nghĩ lại về dự trữ tiền tệ.

Cùng với nhau, Nga và Ukraine cung cấp hơn 75% lượng lúa mì được nhập khẩu bởi một số nền kinh tế ở Châu Âu và Trung Á, Trung Đông và Châu Phi. Các nền kinh tế này đặc biệt dễ bị tổn thương do gián đoạn sản xuất hoặc vận chuyển ngũ cốc và hạt giống từ Nga và Ukraine.

Đối với các nước có thu nhập thấp hơn, sự gián đoạn nguồn cung cũng như giá cả cao hơn có thể gây ra gia tăng nạn đói và mất an ninh lương thực.

Nga cũng đóng một vai trò đáng kể trên thị trường năng lượng và kim loại. Nước này chiếm 1/4 thị trường khí đốt tự nhiên, 18% thị trường than, 14% thị trường bạch kim và 11% thị trường dầu thô.

Biểu đồ thể hiện sự biến động của giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế do Trading Economics theo dõi. Nguồn: Trading Economics

Biểu đồ của Trading Economics cho thấy giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế đã vọt lên mức 128 USD/thùng vào ngày 8/3, ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào Mỹ và Chính phủ Anh tuyên bố giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay.

Các ước tính từ một ấn phẩm sắp tới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mức tăng giá dầu 10% kéo dài trong vài năm có thể cắt giảm 1/10 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển nhập khẩu hàng hóa.

Giá dầu đã tăng hơn 100% trong 6 tháng qua. Nếu điều này kéo dài, nó có thể làm mất đi 1 điểm phần trăm tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu như Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

An ninh năng lượng trở thành chủ đề nóng hơn bao giờ hết ở châu Âu kể từ khi cuộc xung đột bùng phát vì châu lục này vốn trước đó đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang xem xét việc giữ cho các nhà máy điện than mở cửa lâu hơn để đảm bảo nguồn cung năng lượng, hãng tin AFP dẫn nguồn Chính phủ Đức cho biết hôm 24/3.

Với 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức đến từ Nga, sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã bị coi là “gót chân Achilles” khi các đồng minh phương Tây tìm cách áp dụng các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực năng lượng của Moscow.

Bộ trưởng Kinh tế Đức thuộc Đảng Xanh (đảng thân thiện với môi trường ở Đức) thậm chí đã buộc phải tìm kiếm khắp thế giới để mua than nhằm tăng lượng lớn dự trữ năng lượng của quốc gia.

Áp lực ngày càng gia tăng khi phương Tây ngày càng kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng nhập khẩu từ Nga, nhưng Đức vẫn miễn cưỡng, với lý do điều đó gây tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế nước này.

Một nhà máy nhiệt điện than của công ty năng lượng Uniper và một nhà máy lọc dầu BP được nhìn thấy bên cạnh một máy phát điện gió ở Gelsenkirchen, Đức, ngày 6/1/2020. Ảnh: Daily Sabah

Trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, nền kinh tế toàn cầu, được hỗ trợ bởi những kích thích tài chính và tiền tệ “chưa từng có tiền lệ” ở các nền kinh tế lớn, đã phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh hơn tốc độ mà nguồn cung có thể theo kịp, làm trầm trọng thêm sự gián đoạn mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một điểm đáng chú ý nữa là tình trạng thiếu hụt lao động chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tiền lương và tiền công tăng lên do các doanh nghiệp nâng mức lương cùng các lợi ích khác nhằm thu hút lao động.

Chính sự kết hợp giữa các vấn đề về chuỗi cung ứng và thị trường lao động tiếp tục thắt chặt đã dẫn đến lạm phát gia tăng ở một số nền kinh tế lớn.

Để đối phó với rủi ro lạm phát, tháng 12/2021, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã gây bất ngờ khi trở thành Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Kể từ đó đến nay, khi Vương quốc Anh tiếp tục đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao nhất trong 30 năm, BoE đã thực hiện liên tiếp 3 đợt tăng lãi suất lên thành 0,75% từ mức 0,1% thời kỳ đại dịch.

Trong báo cáo công bố hôm 17/3, BoE cho biết, "Áp lực lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể trong những tháng tới, trong khi tăng trưởng ở các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng ròng, bao gồm cả Vương quốc Anh, có thể sẽ chậm lại".

Ngân hàng đang kỳ vọng lạm phát ở Anh sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới lên gần 8% vào cuối quý II và có thể cao hơn nữa vào cuối năm nay, theo trang CNBC.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 16/3 đã tăng lãi suất ngắn hạn lần đầu tiên kể từ năm 2018, lên phạm vi mục tiêu từ 0,25% đến 0,5%, đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa kể từ đây cho đến cuối năm 2022.

Fed cũng lưu ý rằng triển vọng kinh tế vẫn "không chắc chắn" khi đối mặt với cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm chao đảo các thị trường tài chính, gây ra các đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu trên các thị trường toàn cầu chính.

Tâm lý bất an của giới đầu tư có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn chảy ra từ các nền kinh tế đang phát triển, gây ra sự mất giá tiền tệ, giá cổ phiếu giảm và phí bảo hiểm rủi ro cao hơn trên thị trường trái phiếu. Điều đó sẽ tạo ra căng thẳng nghiêm trọng cho hàng chục nền kinh tế đang phát triển với mức nợ cao.

Các thị trường chứng khoán biến động theo từng khúc quanh của căng thẳng Nga - Ukraine. Ảnh: Business Insider

Các nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai cao hoặc tỉ lệ nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ lớn sẽ gặp khó khăn trong việc xoay vòng nợ. Ngoài ra, họ sẽ phải đối mặt với nghĩa vụ trả nợ cao hơn.

Căng thẳng tài chính có thể trở nên trầm trọng hơn do phản ứng của các ngân hàng trung ương đối với lạm phát cao hơn. Ở nhiều nền kinh tế đang phát triển, lạm phát đã ở mức cao nhất trong một thập kỷ.

Sự thúc đẩy hơn nữa từ giá năng lượng tăng cao có thể dẫn đến một vòng xoáy lạm phát khi kỳ vọng về lạm phát dài hạn cao hơn trở nên cố hữu. Điều đó có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Sau 1 tháng xung đột, hơn 3,6 triệu người đã rời Ukraine sang tị nạn tại các quốc gia láng giềng, theo số liệu từ Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) do trang Al Jazeera tổng hợp, đánh dấu cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Chính phủ nhiều nước gặp khó trong việc thích ứng để tiếp nhận dòng người tị nạn lớn và đột ngột này. Nó gây áp lực lên tài chính công và cung cấp dịch vụ - đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, vốn vẫn thiếu hụt khi đại dịch kéo dài sang năm thứ ba.

Người tị nạn từ Ukraine vào Ba Lan qua cửa khẩu Medyka. Ảnh: Relief Web

Hơn nữa, nỗi đau kinh tế có thể lan rộng ra ngoài Đông Âu tới các quốc gia phụ thuộc nhiều vào kiều hối ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

Ví dụ, một số quốc gia ở Trung Á phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối từ Nga - trong một số trường hợp, số tiền gửi này chiếm tới 10% GDP của một quốc gia trong khu vực này. Nhiều quốc gia Trung Á có khả năng phải đối mặt với sụt giảm lượng kiều hối do cuộc xung đột.

Trong khi một số tác động có thể phải mất nhiều năm mới trở nên hoàn toàn rõ nét, IMF cho rằng đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến tranh và hậu quả về sự gia tăng trong chi phí cho các mặt hàng thiết yếu sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách ở một số quốc gia khó đạt được sự cân bằng mong manh giữa kiềm chế lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 30/03/2022 | 09:06