Elvis Phương: Không hối tiếc khi theo nghiệp cầm ca

Elvis Phương: Không hối tiếc khi theo nghiệp cầm ca

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Khi giọng ca cao vút, không trộn lẫn với bất cứ ai ngân vang trên ánh đèn sân khấu, chính là lúc ông trở thành biểu tượng của sự khai phá. Ông là Elvis Phương danh ca lẫy lừng của nhóm Rock nổi tiếng một thời mang tên Phượng Hoàng và của Tân nhạc Việt Nam.

Từng bị đuổi khỏi nhà vì mê hát

Giống như nhiều danh ca cùng thời, Elvis Phương cũng đã phải trải qua vô số những thăng trầm, biến cố cùng dân tộc. Trưởng thành từ phong trào ca hát của học sinh sinh viên Sài Gòn khi tham gia sinh hoạt trong nhóm nhạc Rock lừng danh Phượng Hoàng, Elvis Phương đã tự khẳng định giọng hát lạ, quái và độc của riêng mình bằng bản năng ca hát thiên phú. Gần 60 năm theo đuổi con đường âm nhạc và đứng trên những hào quang, danh vọng do nghiệp cầm ca mang lại, đến nay cái tên Elvis Phương đã chạm khắc vào tâm hồn của rất nhiều thế hệ người yêu nhạc, để chỉ cần nhắm mắt, lắng nghe tiếng ca quen thuộc cất lên từ một con phố xa xôi nào đó người ta cũng đủ hiểu, đủ cảm và dễ dàng gọi tên Elvis Phương.

Xã hội - Elvis Phương: Không hối tiếc khi theo nghiệp cầm ca

Elvis Phương mê âm nhạc từ khi mới tròn 6 tuổi và tự ông đã học hát bằng cách nghe những đĩa nhạc nổi tiếng của thời bấy giờ, đặc biệt là nam danh ca Elvis Presley. Năm 18 tuổi, Elvis Phương đã cãi lệnh bố mình ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp ca hát thay vì sang Pháp để học tập.

Ông kể: "Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi không có đàn bởi ba tôi luôn hướng cho tôi theo ngành y. Mê ca hát, tôi thường lấy chiếc khung thêu của mẹ quay tròn và hát theo vòng quay của khung. Cũng hồi đó, trước mỗi lần được đi chụp ảnh, tôi luôn tạo dáng như nghệ sĩ trong gương. Lớn hơn, có người tặng tôi cây đàn guitar chỉ còn một dây. Dù vậy, tôi vẫn rất quý và chơi đàn suốt. 16 tuổi, tôi bắt đầu đi hát. Năm tôi 18 tuổi, ba tôi mua vé máy bay và chuẩn bị hành trang cho tôi lên đường sang Pháp du học ngành y khoa nhưng tôi vẫn một mực giữ nguyên ý định trở thành ca sĩ. Ba tôi đã xé toàn bộ giấy tờ và đuổi tôi ra khỏi nhà".

Ra khỏi nhà hai năm, Elvis Phương lang thang đi hát ở khắp mọi nơi. Cũng trong thời điểm này, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Phương (tên thật của Evis Phương) nghe nhiều và hâm mộ cuồng nhiệt thần tượng Evis Presley nên ông đã đổi nghệ danh của mình thành Evis Phương khi đi hát. Ông là người đầu tiên khuấy động phong trào nhạc trẻ của Sài Gòn trong ban nhạc Rock Phượng Hoàng cùng với Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ông có thể hát được nhiều thể loại nhạc, từ Pop, rock cho tới nhạc trữ tình sâu lắng.

Lần đầu tiên Evis Phương xuất hiện trước khán thính giả năm 1962 tại trường trung học Regina Pacis trong ngày khai giảng khi ông trình bày nhạc phẩm Nửa đêm ngoài phố. Ban nhạc đầu tiên Evis Phương cộng tác là RockinStars, một ban nhạc nổi tiếng của thập niên 1960. Sau đó, ông tiếp tục cộng tác với một loạt các ban nhạc nổi tiếng khác như: Les Vampire và Phượng Hoàng. Năm 1968, Elvis Phương đã phát hành đĩa nhạc đầu tay của mình mang tựa đề: Tiếng hát Elvis Phương.

Vào năm 1977, sự nghiệp âm nhạc của Elvis Phương đánh dấu một điểm son sáng chói sau khi ông cho ra đời tác phẩm Hát cho người vượt biển. Từ đó trở đi, ông trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và xuất hiện ở hầu hết các hãng băng nhạc, CD và video. Elvis Phương nhanh chóng trở thành một danh ca trên vòm trời âm nhạc với nhiều thể loại nhạc khác nhau: Rockn roll, Pop, dân ca, tiền chiến. Tên tuổi của ông gắn liền với một loạt tác phẩm: Vết thù trên lưng ngựa hoang, Áo anh sứt chỉ đường tà, Đàn bà, Đêm nhớ Sài Gòn.

Ở tuổi 60, tuổi của hoài niệm, là cột mốc cho những hồi ức dội về, nhưng Elvis Phương vẫn hát, hát đều đặn. Tuổi trẻ của Elvis Phương gắn đầy với những kỷ niệm Sài Gòn. Les Vampire khi xưa không còn ai, Phượng Hoàng cũng đã bay mất, ý tưởng về một sự tái lập cũng chẳng còn điểm tựa để cất cánh. Những người bạn cũ, người đi kẻ ở, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà cũng đã mãi mãi ra đi nhưng cái tên Elvis Phương người đương thời vẫn còn đủ để cho rất nhiều khán thính giả muốn lắng đọng cùng giọng hát của ông.

Xã hội - Elvis Phương: Không hối tiếc khi theo nghiệp cầm ca (Hình 2).

Elvis Phương và người vợ sau của mình.

Hạnh phúc khi được sống tại quê nhà

Nhìn lại quãng đời hơn 50 năm ca hát của mình, Elvis Phương nói ông không hối tiếc điều gì vì nghề đã cho ông mọi thứ mong muốn. Cuộc sống hiện tại của tôi phải nói là rất hạnh phúc. Tôi sẽ hát đến chừng nào khán giả không muốn nghe tôi hát nữa.

Năm 1975, Elvis Phương rời Sài Gòn và bước chân phiêu lãng của ông dừng lại trên bán đảo New Zealand rồi Tahiti. Đến năm 1978, Evis Phương sang định cư tại Pháp. Tuy nhiên, tại Kinh đô thời trang Paris, Elvis Phương cảm thấy cô đơn lạc lõng và thèm được hát, cảm thấy sự nghiệp âm nhạc không thể phát triển nơi vùng đất này. Vì thế năm 1983, ông rời Paris sang lập nghiệp tại bang California (Mỹ) - nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống. Tại hải ngoại, "ông vua nhạc rock" ngày nào vẫn là "cánh chim đầu đàn" là "cái tên bán vé" trong những chương trình ca nhạc Paris By Night, Thúy Nga Paris, Asia... vẫn rực rỡ với một phong cách trẻ trung cùng giọng ca quyến rũ, nồng cháy như thuở nào.

Mùa hè 1996, Elvis Phương quyết định trở về thăm quê hương sau hơn 20 năm xa cách, đồng thời thực hiện album Giọt nắng bên thềm (do Kim Lợi studio thực hiện). Ông rong ruổi từ Bắc vào Nam với tâm trạng dạt dào cảm xúc trước sự đổi thay của đất nước. Những khu nhà ổ chuột tồi tàn ven kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hũ, đã được thay thế bằng các tòa nhà cao ngất ngưởng. Tám giờ tối, ông cùng vợ dắt tay nhau đi từ bên này sang bên kia cầu Hiền Lương trong gió đêm lồng lộng và cả hai đã bật khóc bởi cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Độc lập - Tự do. Cây cầu Hiền Lương - chứng tích lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam, là bờ nối liền hai miền Nam - Bắc giờ đây dang rộng vòng tay đón chờ những đứa con lưu lạc từ phương xa trở về.

Evis Phương đã cùng vợ mình quyết định ở lại Việt Nam sinh sống và mua nhà tại An Phú Đông. Cũng từ khi bắt đầu hành trình sống lại nơi quê nhà, hai vợ chồng ông đã không còn cái cảm giác man mác buồn khi đón giao thừa ở khách sạn hay trên máy bay nữa.

Tại live show của Elvis Phương diễn ra vào cuối năm 2011, trong bài hát chia tay người hâm mộ, mắt ông ngấn nước khi trải lòng với ca khúc Xin làm người hát rong của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: "Cũng đành xin làm người hát rong, chỉ mong đời không chê trách, chỉ mong chuyến xe định mệnh, không rời bến khi đang rong chơi". Chuyến xe định mệnh vẫn chưa rời bến để Elvis Phương vẫn còn cơ hội làm người hát rong dạo chơi trên cõi đời mộng mị và vô thường này. Ông mượn lời ca khúc như để tự vấn lòng mình: Bao năm qua ông đã rời xa lũy tre làng, dòng sông cũ, bến đò xưa, tiếng ru hời của mẹ... và nay ông hạnh phúc vô bờ khi đặt chân trở lại trên mảnh đất quê hương như một người hát rong quay về nguồn cội.

Hương Giang

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.