Ẩn số “tóc bạch kim”

Văn Toàn được đánh giá là tiền đạo đặc biệt, không chỉ sở hữu tốc độ anh chàng có kỹ thuật cùng khả năng xử lý bóng nhanh và săn bàn tuyệt hảo. Trước vòng cấm, Toàn như một con sói hung mãnh, nhưng ít ai biết được, ngoài sân cỏ, Văn Toàn là người nói nhiều và hay mít ướt.

Nguyễn Văn Toàn
Nguyễn Văn Toàn
Nguyễn Văn Toàn

Nguyễn Văn Toàn sinh ngày 12 tháng 4 năm 1996, trong một gia đình có bố đam mê bóng đá. Có lẽ vì thế mà tình yêu với môn thể thao vua cũng nhen nhóm trong tâm trí chàng trai này từ rất sớm. Mới 2 tuổi Toàn đã theo chân bố đến các giải đấu lớn-nhỏ, từ cấp xã đến cấp huyện. Và hình ảnh cậu bé nhỏ con suốt ngày bám bố đi đá bóng ở xã đã in sâu trong tiềm thức của người dân xã Thạch Khôi (huyện Gia Lộc – tỉnh Hải Dương).

Được bố dạy cho những kỹ năng cơ bản đến nâng cao của bóng đá, cậu bé ấy ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giải Nhi đồng toàn quốc năm 2007. Để rồi, lọt vào “mắt xanh” của HLV Nguyễn Văn Vinh, Toàn được đặc cách vào Học viện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mà không cần phải qua vòng sơ tuyển như hàng nghìn cầu thủ nhí khác.

Thế nhưng, không phải ai trong gia đình cũng đồng ý cho Toàn theo học Học viện HAGL. “Thời gian đầu, ông bà nội không cho Toàn đi, vì Toàn là cháu đích tôn. Ông bà rất thắc mắc về cuộc sống ở Gia Lai hay tương lai nghề nghiệp của cháu sau này. Lúc biết ông bà nội không cho đi, Toàn chỉ biết khóc nức nở. Tôi biết đam mê của cháu là bóng đá. Tôi cũng thuyết phục ông bà cho cháu đi 1,2 năm rồi về. Lúc Toàn biết cả nhà đồng ý cho đi hết rồi, Toàn chạy hò hét khắp xóm, khoe hết người này đến người khác”, ông Nguyễn Văn Tạo, bố Toàn chia sẻ.

Nguyễn Văn Toàn

Nhưng lúc phải xa gia đình, xa bạn bè ở độ tuổi lên 10, Văn Toàn cũng như bao đứa trẻ của Học viện HAGL khác, đã khóc rất nhiều. Tuy nhiên, khi đặt chân đến học viện, Toàn chỉ muốn ở lại mà không muốn về nữa: “Một ngôi trường có bể bơi lớn, sân bóng đá và những bậc thầy chơi bóng. Với một đứa trẻ 11 tuổi ham mê bóng đá, đó là một xứ sở kỳ diệu”.

Những tháng ngày sống xa người thân ở mảnh đất cao nguyên nắng gió biến Văn Toàn từ một đứa trẻ thấp bé mảnh khảnh trở thành một chàng trai chín chắn. Cô Tăng Thị Đua – mẹ Văn Toàn kể: "Nó không bao giờ than phiền. Chỉ sau này khi đọc lại nhật ký của con, tôi mới biết Toàn đã có những lúc bật khóc tủi thân vì phải sống xa bố mẹ".

Nguyễn Văn Toàn

Lần đầu tiên Văn Toàn được đá chính trong màu áo đội tuyển Việt Nam là từ tháng 3/2016. Đó cũng là thời điểm ông nội Toàn ốm liệt giường rồi qua đời. “Văn Toàn bước vào trận đấu với Đài Loan khi ông nội đang nằm ốm liệt giường. Khi Toàn ghi bàn thắng thứ 2, tôi thông báo cháu trai đã lập công, ông nghe xong chảy nước mắt và qua đời ngay trước khi trận đấu khép lại. Gia đình giấu thông tin này với Văn Toàn đến sau trận chung kết, nhưng đứa cháu đích tôn vẫn sớm biết ông nội qua đời nhờ thông tin từ bạn bè. Một năm sau đó, đến lượt bà nội của Toàn qua đời. Văn Toàn cũng không được gặp bà lần cuối do bận thi đấu tại Nhật Bản”, mẹ Văn Toàn nói trong nước mắt.

Cầm trên tay album ảnh của cậu con trai, ông Tạo kể lại về trận khóc đáng nhớ của Toàn: “Toàn tính ham vui, khi nghỉ Tết xong và phải lên đường vào Gia Lai tập trung. Đang ở nhà với gia đình và bạn bè vui vẻ, tự dưng phải lên CLB, bỗng Toàn ngồi khóc ngon lành. Tôi có động viên cháu cố gắng, bố mẹ sẽ cố gắng vào thăm sau. Đến nơi Toàn gọi điện cho mẹ rồi nói nhớ nhà quá lại khóc nấc lên”.

Chia sẻ về việc Văn Toàn bị chấn thương trước bán kết AFF Cup 2018, ông Tạo và bà Đua lại buồn rười rượi: “Lúc biết tin Toàn bị chấn thương, mẹ Toàn không thiết ăn uống gì cả. Lúc tôi bảo sẽ lên thăm, Toàn không cho rồi lấy cớ phải điều trị riêng ở phòng gym”.

Và không để gia đình và người hâm mộ phải chờ đợi lâu, tối 10/12, Văn Toàn đã trở lại tập luyện bình thường.

Nguyễn Văn Toàn
Nguyễn Văn Toàn
Nguyễn Văn Toàn

Toàn vốn là người trầm tính, cái gì đáng nói anh sẽ nói, điều gì không đáng sẽ bỏ qua. Trước giải vô địch U23 châu Á, người ta không nhắc nhiều tới cái tên Văn Toàn. Bởi thế, Toàn luôn là một ẩn số. Và ngay sau đấy Toàn cũng chỉ là một vệt sáng nhỏ tại Thường Châu, xuất hiện nhạt nhoà tổng cộng 114 phút, chủ yếu từ băng ghế dự bị.

Trước Olympic Syria, tại tứ kết ASIAD, Văn Toàn ghi bàn. Đó là pha lập công duy nhất đưa Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết ASIAD, bàn thắng đầu tiên của Văn Toàn ở Á vận hội, bàn thắng đầu tiên của anh dưới triều đại Park Hang-seo. Như cơn mưa rào cuối mùa nắng hạn, như bình minh xua tan bóng tối.

Bàn thắng của Văn Toàn không phải là một pha lập công đẹp mắt. Nhưng nó thể hiện sự nhạy cảm và khát khao mãnh liệt tiềm ẩn trong con người chàng cầu thủ trẻ. Khi trái bóng chạm chân Anh Đức đập xà ngang bật ra, vòng cấm còn 4 cầu thủ Syria khác. Cả 4 người họ hoặc không nhanh bằng Văn Toàn, hoặc không đủ khát khao như anh. 4 người không ngăn được Toàn một mình băng lên, chạm bóng, đưa Olympic Việt Nam tới chiến thắng.

Mái tóc bạch kim, thân hình mảnh dẻ, chuyên đóng vai phụ và nhanh như ánh chớp là những gì người hâm mộ nhìn thấy ở Toàn tại trận tứ kết đáng nhớ đó.

Tại mùa giải AFF Suzuki Cup 2018, từ đầu giải, Toàn mới ra sân từ băng ghế dự bị trong trận gặp Myanmar. Sau 2 trận mở màn AFF Suzuki Cup 2018, Văn Toàn chưa được đá phút nào, điều đó càng khiến cầu thủ này khao khát ra sân hơn bao giờ hết.

Phạm Đức Huy

Văn Toàn là cái tên được người hâm mộ Việt Nam nhắc đến nhiều nhất kể từ phút 60 của trận gặp Malaysia. Đó là thời điểm lão tướng Anh Đức nâng tỉ số 2-0 và HLV Park Hang-seo bắt đầu thay người chiến thuật.

Trong trận đấu gặp Myanmar, trên sân vận động Thuwunna, Văn Toàn có tình huống đưa bóng vào lưới đội tuyển Myanmar vào phút thứ 70. Tuy nhiên, trọng tài biên đã căng cờ báo việt vị không công nhận bàn thắng của Văn Toàn. Toàn tỏa sáng đúng thời điểm, nhưng lại không may dính chấn thương trước khi bước vòng bán kết.

Tiếc nuối nhưng vẫn mong chờ. Người hâm mộ vẫn mong được nhìn thấy Văn Toàn xuất hiện trong trận chung kết sắp tới trên sân Mỹ Đình. Để được nhìn thấy một Văn Toàn tỏa sáng đúng lúc, đúng thời điểm và tiếp tục bứt phá theo cách của một “con chó sói” hung mãnh trước vòng cấm.