Gặp cha đẻ của chiếc mũ kỳ diệu cho người khiếm thị

Gặp cha đẻ của chiếc mũ kỳ diệu cho người khiếm thị

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Với chiếc "mũ bảo hiểm" này, người mù có thể an tâm di chuyển trong nhà, hay đi bộ trên đường mà không sợ bị va chạm và hoàn toàn có thể chủ động tránh né chướng ngại vật.

Đó là sáng chế mới được thử nghiệm thành công của vị tiến sĩ trẻ 30 tuổi Nguyễn Bá Hải - giảng viên Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Công nghệ - Gặp cha đẻ của chiếc mũ kỳ diệu cho người khiếm thịCác cô chú trong hội người mù Thủ Đức đang thử nghiệm chiếc nón "mắt thần".

"Mắt thần" cho người mù

Chúng tôi đến đúng lúc Nguyễn Bá Hải đang khá bận rộn. Mấy ngày gần đây, anh cùng nhóm sinh viên nghiên cứu phải tất bật hoàn chỉnh "chiếc mũ bảo hiểm" cho người mù để chính thức đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Bá Hải tâm sự: "Thời còn sinh viên, mình thường đến thăm mấy cô chú bên Hội người mù Thủ Đức, và các em ở những trung tâm hỗ trợ người khiếm thị. Gần gũi và tiếp xúc nhiều với người mù, mình biết rằng thật sự họ luôn rất cô đơn và sợ hãi, tệ hơn nữa là cảm giác họ không làm được việc gì. Từ đó, trong thâm tâm mình luôn nung nấu ý tưởng nhằm giúp cho cuộc sống của những người mù dễ dàng và thuận tiện hơn".

Trong những năm đi du học ở nước ngoài, Nguyễn Bá Hải đã may mắn được tiếp xúc với giáo sư Jee Hwan Ryu - người chuyên nghiên cứu về công nghệ Hapties. Hapties hay the sense of touch (tạm dịch: cảm giác chạm sờ) vốn dĩ ứng dụng cho ô tô là chính. Nhưng với khả năng sáng tạo của mình, trong đầu Hải lúc ấy đã lóe lên ý tưởng áp dụng công nghệ này cho các thiết bị hỗ trợ người mù. Ngay lập tức anh vạch ra tất cả những ý tưởng có thể hiện thực được ra giấy.

Và đến đầu năm 2012, Nguyễn Bá Hải đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc "mũ bảo hiểm" dành cho người mù khi đi trên đường. Kể từ đó, Hải và một nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật luôn túc trực trong phòng nghiên cứu. Sau ba tháng trời mày mò chế tạo, sản phẩm đã được hoàn thành. Ngay lập tức, Nguyễn Bá Hải mang thiết bị này đến cho những cô chú trong Hội người mù Thủ Đức dùng thử nghiệm, và thật sự đã thành công ngoài mong đợi.

Chiếc nón được đặt tên là SPKT Eye với ý nghĩa tương tự như con mắt của người mù. Theo đó, trên chiếc nón có gắn một cảm biến laze, được nhóm của Nguyễn Bá Hải gọi nôm na là "mắt thần".

Khi sử dụng, người mù chỉ cần lắc nhẹ đầu để "mắt thần" xác định vật cản từ khoảng cách 0,3 - 3m. Khi tia laze của "mắt thần" chạm phải chướng ngại vật, thiết bị sẽ chuyển thông tin thị giác thành thông tin xúc giác, tạo ra tín hiệu rung trên nón, ngay vị trí giữa trán người dùng. Khoảng cách chướng ngại vật càng xa thì tín hiệu rung càng nhẹ, do đó có thể giúp người mù xác định được vị trí chướng ngại vật để tránh va chạm.

Công nghệ - Gặp cha đẻ của chiếc mũ kỳ diệu cho người khiếm thị (Hình 2).

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết thêm: "Chi phí nghiên cứu thiết bị "mắt thần" cho người mù là do thầy và trò tự bỏ tiền túi ra. Đến giai đoạn này vào khoảng 20 triệu đồng, tuy nhiên sau khi hoàn chỉnh và sản xuất đại trà giá thành sẽ giảm một nửa, khoảng 10 triệu đồng. Đã có nhiều người ngỏ ý đặt mua thiết bị với giá đó nhưng mình không dám hứa trước. Còn những thiết bị đã chế tạo thành công mình và học trò đã quyết định tặng cho những người khiếm thị khó khăn".

Mong ước được một lần đội chiếc mũ kì diệu

Nguyễn Bá Hải cho biết: "Do đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chiếc mũ được nối với một bình ắc quy đựng trong ba lô để người dùng đeo trên lưng. Nhưng nếu có kinh phí sản xuất thì bình ắc quy cồng kềnh sẽ được thay thế bằng pin sạc. Khi đó, trọng lượng của thiết bị sẽ được giảm thiểu, có thể chỉ nặng bằng một chiếc mũ bảo hiểm thông thường cho người đi xe máy".

Bác Sáu, chủ tịch Hội người mù Quận Thủ Đức không kìm được xúc động: "Thật sự chúng tôi rất cảm ơn anh Hải và các em sinh viên đã quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi. Tuy chiếc nón có con "mắt thần" này không phải bất kì người mù nào cũng mua được, nhưng thật sự chúng tôi thấy rất hạnh phúc vì cảm nhận được rằng có rất nhiều người trong xã hội quan tâm, chăm lo cho đời sống của những người khuyết tật".

Nghe bác Sáu tâm sự, Hải cố giấu tiếng thở dài, anh nói nhỏ với tôi: "Thật ra, mình đang có rất nhiều ý tưởng như lắp thêm camera, thiết bị định vị GPS và xử lý tín hiệu bằng nhận dạng ảnh rồi chuyển thành giọng nói để giúp người khiếm thị có thể nghe và biết được mình đang ở đường nào, công viên hay trường học .v.v. làm được như thế thì quả là thiết bị không khác gì "mắt thần".

Nhưng ngặt nỗi một người làm nghề giáo như Nguyễn Bá Hải thì dù có cố vun vén đến mấy cũng khó lòng trang trải được chi phí nghiên cứu. Và để theo đuổi niềm đam mê của mình, Hải phải tranh thủ làm thêm rất nhiều việc như: Tư vấn các dự án nghiên cứu khoa học, hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm .v.v.

Tạm biệt các cô chú ở hội người mù, trên đường về Hải kể: "Chắc nghe được thông tin trên ti vi, nên mấy ngày gần đây người ta điện về cho mình nhiều lắm. Có nhiều người mù bảo thật sự rất mong được một lần đội chiếc nón có "mắt thần", rồi cảm ơn và động viên mình. Nghe mà chạnh lòng, giờ chỉ ước làm sao để phổ biến thiết bị này cho tất cả người mù, để họ có thể tự tin hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng".

Ngọc Giàu