Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl: 'Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi'

Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl: 'Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi'

Thứ 2, 18/02/2013 | 11:28
0
Nói một cách nào đó, Việt Nam đã giúp Bruce gặp người vợ của mình. Nếu không có những bài thơ về Việt Nam, liệu ông có học sáng tác để được gặp bà ở trường? Ông lại có một cô con gái Việt Nam khiến ông vô cùng tự hào và ông cũng có rất nhiều bạn bè ở đất nước cách quê hương ông nửa vòng trái đất.

Việt Nam trong mắt Bruce

Tiếp nối mạch câu chuyện về văn thơ ở kỳ trước, Bruce chia sẻ: "Từ một sinh viên theo học ngành tâm lý, cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác khi tôi bắt đầu kể câu chuyện của mình bằng thơ. Chính những ký ức về Việt Nam đã đưa tôi đến với văn thơ. Tôi không chỉ viết về chiến tranh mà còn viết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tôi yêu Việt Nam của hòa bình. Hình ảnh của các bạn luôn xuất hiện trong mọi tập thơ của tôi, nhiều đến nỗi mà người Mỹ còn đặt cho tôi biệt danh "Nhà thơ của Việt Nam".

Rồi Bruce nhắc đi nhắc lại rằng ông không chỉ viết về chiến tranh vì bây giờ, ông có mối thân tình với Việt Nam nên ông có rất nhiều "tư liệu" khác nữa. Chiến tranh đã lùi xa và hiện tại, với ông, Việt Nam là một miền đất của hạnh phúc, nơi cô con gái của ông ra đời và nơi ông có những người bạn thân thiết luôn sẵn sàng rộng cửa tiếp đón. Chẳng thế mà thời gian này ở Việt Nam, liên hệ với Bruce rất khó vì ông luôn trong tình trạng "trên từng cây số", bạn bè của ông ở Việt Nam rất nhiều và ai cũng muốn đưa ông đi đây đó. Ngồi gõ những dòng này, tôi biết Bruce đang "chu du" ở Tây Bắc.

Chỉ tiếp xúc với Bruce vài giờ nhưng chừng đó cũng đủ để tôi hiểu tại sao bạn bè lại quý ông đến thế. Bruce là người trọng bạn. Ông nói rất thật: "Nếu không có những người bạn Việt Nam, tôi đã không được như bây giờ. Bạn biết đấy, trước đây tôi là một người lính, tôi mang chiến tranh đến đất nước của các bạn nhưng khi tôi quay lại đây, không ai tỏ ra khó chịu hay bực tức với tôi.

Tôi còn nhớ trong cuộc gặp gỡ giữa hội Nhà văn Việt Nam và hội Nhà văn Mỹ lần đầu tiên năm 1993, tôi gặp Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu,... Họ nói với tôi rằng chiến tranh đã qua rồi và bây giờ chúng ta là bạn. Hữu Thỉnh còn mời tôi vào hội Nhà văn Việt Nam. Chính mối thân tình đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Những người bạn đó đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong sự nghiệp của mình, tôi chỉ cần hỏi và họ sẵn lòng giúp đỡ".

Nhân vật - Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl: 'Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi'

Bruce bên những người phụ nữ lao công Việt Nam.

Tuy lịch làm việc dày đặc nhưng Bruce không có vẻ vội vàng, khi buổi phỏng vấn diễn ra dài hơn so với dự định quá nhiều (Bruce có kế hoạch ăn sáng sau cuộc phỏng vấn nhưng bất thành vì chúng tôi đã kéo dài nó đến tận trưa), Bruce nói, tôi biết ông không có ý gì khác ngoài sự chân thành: "Tôi nghĩ như thế đã đủ thông tin cho một bài báo rồi".

Tôi trả lời: "Chúng tôi định viết vài bài cơ, làm hẳn một loạt bài về ông đấy". Bruce hơi ngửa người ra sau, xua tay, sử dụng tiếng Việt lơ lớ: "Không đâu, một thôi, một nhỏ nhỏ thôi". Tất nhiên là đề xuất của ông không được chấp nhận và tôi biết, dù không được chấp nhận nhưng Bruce cũng sẽ không giận.

Lần về Việt Nam này, Bruce kết hợp với nhạc sĩ đương đại Vũ Nhật Tân để tạo ra những sản phẩm âm nhạc mới bên cạnh dự án được hội Nhà văn Việt Nam "chọn mặt gửi vàng": Dịch 100 bài thơ tiêu biểu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ sang tiếng Anh. Chuyến đi này cũng là một mắt xích để Bruce hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình về những người Việt ở Mỹ luôn hướng về quê hương. Người bạn đi cùng Bruce cũng tiết lộ, ông có một quỹ nhỏ, lần này ông cũng đến để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Hòa Bình, nhưng Bruce lại khá kín tiếng về điều đó.

Năm nay là năm thứ hai Bruce đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Ông tỏ ra rất háo hức vì lần trước, ông đã có những kỷ niệm rất thú vị. Nhìn thấy các gia đình quây quần bên nhau, người già và trẻ nhỏ được nhận những bao lì xì đỏ, Bruce cảm nhận được sự ấm áp, gắn bó của các gia đình Việt Nam.

Năm đó ông đón Tết ở thành phố, năm nay Bruce đón Tết ở làng Chùa (xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội), quê của người bạn thân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chương trình của Bruce sẽ có những buổi đọc thơ cùng thành viên của hội Thơ làng Chùa, những người nông dân chính hiệu.

Có duyên với Việt Nam

Tại Mỹ, Bruce Weigl không chỉ là một nhà thơ đương đại nổi tiếng, ông còn là một giáo sư đại học của trường Lorain County Community College ở Ohio. Bruce chia sẻ, vào những giờ lên lớp, ông vẫn kể cho sinh viên của mình về Việt Nam. Rất nhiều trong số họ hiểu sai về chiến tranh và ông nhận thấy phải có trách nhiệm phải nói cho họ sự thật bằng chính kinh nghiệm của mình. Bruce kể chuyện bằng văn thơ và sinh viên của ông tỏ ra rất thích thú với những bài thơ tiếng Việt do Bruce chuyển dịch, một vài người đã được truyền cảm hứng để đến Việt Nam.

Với 13 lần "trở về", Bruce đã đi hầu hết mọi tỉnh thành của dải đất hình chữ S, từ Tây Bắc đến Phú Quốc. Bruce yêu vẻ đẹp lãng mạn của Đà Lạt, hoa ở khắp nơi, không khí trong lành và đồ ăn lại rất tuyệt. Nhưng khi tôi hỏi: "Ông thích nơi nào nhất?", Bruce trả lời không chần chừ: "Hà Nội.

Ở đây tôi có những người bạn, và trên hết, tôi yêu sự thanh bình của cuộc sống nơi đây, một sự thanh bình thực sự nhưng không kém phần nhộn nhịp. Con người luôn thân thiện...". "Như tôi ấy hả?", tôi trêu Bruce. "Yes, như bạn đấy... và tốt bụng nữa. Ở đây tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ rắc rối nào, chưa bao giờ", Bruce nhấn mạnh.

Tôi nghĩ một phần vì Bruce là người tốt bụng và không nghĩ xấu về người khác. Tôi vừa chứng kiến cảnh một anh bạn đánh giày đến mời Bruce, ông nhanh nhảu cởi giày, một lúc sau anh đánh giày quay lại, giơ chiếc giày của Bruce cho ông xem vết há mõm, ra ý đề nghị sửa, Bruce gật đầu. Sửa xong, anh bạn quay lại và đòi 100 nghìn, người bạn của Bruce nhanh chóng trả tiền trong khi tôi thấy hơi bức xúc với cái giá đó nhưng cũng không muốn phá vỡ bầu không khí nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Còn Bruce nhận lấy đôi giày, cười rất tươi và khoe: "Này, anh ta không những làm sạch mà còn sửa nữa, giỏi quá".

Sau khi trả tiền, người bạn của Bruce vô tình tiết lộ với chúng tôi vợ của Bruce là một họa sĩ truyện tranh người Nhật, tôi lại thêm một chi tiết thú vị nữa để khai thác. Truyện tranh của vợ ông đã được xuất bản ở Việt Nam, lời Việt do chính Hạnh viết, cuốn truyện do Nhà xuất bản hội Nhà văn phát hành.

Hỏi Bruce về chuyện tình của ông, Bruce chần chừ rồi nói: "Câu này riêng tư quá". Rồi Bruce hỏi lại: "Tại sao bạn lại muốn biết chuyện đó". Tôi đành chống chế: "Ông biết đấy, người Việt Nam rất tò mò mà".

Bruce gật đầu rồi tiết lộ: "Chúng tôi cùng học trong một trường, một hôm, khi tôi đang đi cùng vài người bạn ở sân trường, tôi nhìn thấy cô ấy. Mặc dù trường tôi khá nhỏ nhưng trước đó tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô ấy, cô ấy đang đi vào một cửa hàng trong trường. Tôi kéo tay người bạn tôi và nói: "Nhìn thấy cô gái kia không", bạn tôi nói có. Tôi liền nói: "Tao sẽ cưới cô ấy làm vợ". Lúc đó không hiểu sao tôi lại nói thế, tôi còn không biết tên của cô ấy, đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao.

Thời điểm đó, cô ấy đã có bạn trai, một người bạn của tôi. Tôi đến chơi với người bạn đó thường xuyên hơn, hy vọng có thể gặp cô ấy ở đó. Rồi một mùa hè, anh bạn đó đi nghỉ, tôi thế chỗ anh ta và một năm sau, chúng tôi làm đám cưới. Năm nay chúng tôi kỷ niệm 39 năm thành hôn".

Đề nghị Bruce chụp ảnh làm tư liệu, do ánh sáng trong phòng không tốt, chúng tôi yêu cầu Bruce ra ngoài, ông vui vẻ đồng ý. Tôi trao đổi với ông rằng chúng tôi muốn có một bức ảnh tự nhiên, Bruce đứng nhìn quanh, tự dưng cười rất tươi rồi nói: "Tôi biết rồi, đi theo tôi". Bruce sà vào một quán cóc và ngồi với mấy cô lao công đang nói chuyện, người bán hàng liền đưa cho Bruce ống điếu thuốc lào, ông nhận lấy rồi đưa lên miệng giả vờ rít thuốc làm mấy cô lao công cười khoái chí.

Ông bảo: "Đấy nhé, bạn vừa có ảnh tự nhiên mà tôi lại vừa được chụp với những người phụ nữ xinh đẹp này". Tôi quay sang nói với các cô lao công: "Ông ấy là nhà văn người Mỹ đấy ạ, và ông ấy khen các cô xinh", các cô thích lắm, cứ cười mãi.

"Việt Nam đã đi vào văn thơ của tôi một cách tự nhiên"

Trong buổi phỏng vấn, nhận thấy Bruce hút khá nhiều thuốc, tôi có ý ngăn ông: "Ông đang bị ung thư mà", Bruce trả lời: "Nhưng tôi có bị ung thư phổi đâu" - "Nhưng hút thuốc không tốt cho sức khỏe" - "Một chút thôi", Bruce chống chế. Hỏi Bruce ông đang viết dở tác phẩm nào không, Bruce nói: "Văn thơ là nghề của tôi nên lúc nào tôi cũng trong tình trạng viết dở một cái gì đó. Tôi đã xuất bản khoảng 20 cuốn sách và cuốn nào cũng nhắc đến Việt Nam. Việt Nam vào văn thơ của tôi một cách tự nhiên như một phần không thể thiếu. Và thật vui khi độc giả Mỹ lại rất háo hức với những gì tôi viết về Việt Nam".

Thanh Xuân - Anh Đức

Câu chuyện kỳ lạ của nhà thơ Mỹ 'mê' nước mắm Việt

Thứ 5, 07/02/2013 | 11:12
Một người nào đó đã từng nói: "Những nhà văn, nhà thơ không bao giờ là kẻ thù của nhau vì trong trái tim họ luôn mang nặng tình yêu thương con người". Đối với Bruce Weigl cũng vậy. Đã có quá nhiều mỹ danh dành cho ông, từ vị giáo sư nghệ thuật đầy khả kính, vị "đại sứ nước mắm người Mỹ" đến lão cựu binh hàn gắn vết thương chiến tranh... nhưng ông vẫn thích mọi người gọi mình bằng cái tên dân giã: Nhà thơ của người Việt. Ông đã từng thốt lên rằng: "Tôi không biết tại sao tôi không phải là người Việt Nam. Đôi lúc tôi cảm thấy tôi là người Việt, hoặc tôi đã từng một lần sống cuộc đời của một người Việt"...

Ông bố Tây và hành trình nuôi dưỡng tâm hồn Việt

Thứ 5, 07/02/2013 | 11:21
Bruce được yêu mến không phải chỉ vì sở thích ăn nước mắm mà còn vì con người ông. Bruce yêu Việt Nam thật lòng, sự chân thành toát lên từ lời nói, ánh mắt, nụ cười của Bruce mỗi khi nhắc đến bất cứ điều gì liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là cô con gái nuôi người Việt, Nguyễn Thị Hạnh Weigl.

Nhà thơ hàng đầu của Mỹ say đắm... nước mắm Việt Nam

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:07
Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ. Mọi người cũng thường gọi ông bằng cái tên thân thuộc "Đại sứ nước mắm" vì "mối tình" đặc biệt của ông với sản vật đất Việt này.