'Họa sỹ chân đất' đạt kỷ lục vẽ tranh Bác Hồ

'Họa sỹ chân đất' đạt kỷ lục vẽ tranh Bác Hồ

Thứ 4, 06/02/2013 | 11:46
0
Dù chưa được đào tạo qua bất cứ một trường lớp nào về hội họa nhưng họa sỹ Trần Hòa Bình đã vẽ hơn 600 bức tranh về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian đầu khi gia đình phải chạy ăn từng bữa, ban ngày, ông đi làm thợ xây tối về lại tiếp tục công việc vẽ tranh. Năm 2010, ông lập kỷ lục "vẽ tranh truyền thần về Bác Hồ" với 520 bức tranh sơn dầu.

Ngày làm thợ xây, tối vẽ tranh

Tìm về thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) hỏi thăm nhà của họa sỹ Trần Hòa Bình ai cũng biết. Căn nhà nằm ngay mặt đường phố Phát Diệm tuy khiêm tốn về diện tích (rộng khoảng 10 m2) nhưng khá có tiếng ở trong và ngoài tỉnh. Trước đây căn phòng này là xưởng vẽ của gia đình cố họa sỹ Nam Phong (sinh năm 1917), một họa sỹ nổi tiếng trong giới vẽ tranh truyền thần của đất Bắc, trong đó phải kể đến bức tranh "Đức mẹ Việt Nam" mà hiện nay đang được trưng bày tại Italia.

Ngay từ khi mới lên 8 tuổi, Trần Hòa Bình đã yêu thích vẽ tranh và đam mê nghệ thuật. Mỗi buổi tối, khi cha vẽ tranh xong, ông thường nhặt nhạnh giấy và mực màu cũ, bỏ đi để tập vẽ. Ban đầu, những nét vẽ của ông nguệch ngoạc, không thành hình và trông rất khó coi. Không nản chí, ông vẫn kiên trì tập vẽ tranh và có thể vẽ ở bất cứ thời điểm nào, đặc biệt ông rất yêu thích những bức tranh về Bác Hồ. Trong nhiều chân dung được xem bố vẽ, Trần Hòa Bình thực sự thấy xúc động khi chứng kiến những nét vẽ tài hoa của bố khi thể hiện chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xã hội - 'Họa sỹ chân đất' đạt kỷ lục vẽ tranh Bác Hồ

Bức tranh về Bác Hồ đã hoàn thiện, giống hệt một bức ảnh Bác Hồ đã chụp trước đây.

Khi bước vào tuổi 16, Trần Hòa Bình đã vẽ truyền bức chân dung Bác Hồ đầu tiên trong đời mình. Tác phẩm này là món quà tặng Ủy ban thị trấn Phát Diệm trong Hội nghị tổng kết năm và được người xem trầm trồ thán phục. Cho đến nay họa sỹ Trần Hòa Bình vẫn không thể quên được cảm xúc vui sướng trong lòng, mặc dù kỷ niệm đó đã cách đây hơn 40 năm. Thời gian sau, Trần Hòa Bình còn tự học thêm về lịch sử hội họa cổ điển, ông chép tranh thời kỳ Phục Hưng và dòng tranh nhà thờ, để luyện thêm về kỹ thuật sơn dầu, mầu sắc hội họa và bố cục. Chính quá trình rèn luyện này đã được họa sỹ Trần Hòa Bình vận dụng vào vẽ truyền thần miêu tả nhân vật và đặc biệt là chân dung Bác Hồ qua ảnh.

Ông Trần Hoà Bình dù kế tiếp sự nghiệp của cha được coi là họa sỹ vẽ truyền thần nhưng ông vẫn là một nông dân chính hiệu. Kinh tế gia đình khó khăn khi vợ chồng nuôi tới 4 người con đang tuổi ăn học. Gánh nặng "cơm, áo, gạo, tiền" trĩu nặng đôi vai khiến ông phải suy nghĩ, đôi khi cảm thấy không thể cầm bút vẽ. Đã có lần ông nghĩ đến chuyện tạm nghỉ nghề vẽ tranh để làm kinh tế. Vậy nhưng niềm đam mê nghệ thuật níu kéo ông cầm bút vẽ hàng ngày. Niềm đam mê ấy giúp ông vượt qua mọi khó khăn. Ban ngày ông đi làm thợ xây tối về lại tiếp tục công việc vẽ tranh. Có hôm, ông thức cả đêm để vẽ hoàn thiện bức tranh Bác Hồ. Ông ngắm nhìn bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ đang làm việc, một niềm tin, sức sống mới lại bừng sáng trong ông, xua tan đi mọi mệt nhọc.

Khi cha mất, họa sỹ Trần Hòa Bình được kế thừa căn phòng tranh cổ kính truyền thống của gia đình. Ông cũng được thừa hưởng luôn kho tàng ảnh tư liệu quý báu và cả những tấm ảnh về chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó là cái vốn quý báu để ông theo đuổi niềm đam mê hội họa cùng những ý tưởng mới, đẹp về hình ảnh Bác Hồ.

Ông Trần Hòa Bình cho rằng: "Tôi mang nặng duyên với hình ảnh Bác Hồ. Bởi lẽ, hình ảnh về Bác Hồ đã đưa tôi đến với nghệ thuật hội họa. Vẽ tranh về Bác Hồ rất khó nên ít người theo mảng tranh này. Ngay trong chính gia đình tôi, cả bố tôi một họa sỹ nổi tiếng hay các em trai tôi làm họa sỹ cũng không vẽ được nhiều bức tranh đẹp, có hồn về Bác Hồ. Song tôi lại có những bức tranh được các hoạ sỹ bậc thầy nhận xét là... thành công".  Điều này minh chứng tranh của ông có sự tâm huyết, lòng đam mê của người cầm bút, vì thế nhân vật trong tranh cũng trở nên sinh động và có hồn. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, Trần Hòa Bình đã nổi tiếng cùng thương hiệu vẽ tranh, chép tranh về Bác Hồ.

Xã hội - 'Họa sỹ chân đất' đạt kỷ lục vẽ tranh Bác Hồ (Hình 2).

Căn phòng vẽ tranh của ông khá đơn sơ nhưng có truyền thống hàng trăm năm về hội họa.

"Thổi hồn" vào những bức tranh

Khi vẽ chân dung Người, vẽ đến chi tiết nào là ông lại nhớ đến những câu chuyện về Bác như:  Khi vẽ chòm râu là ông hình dung ra cảnh Bác đang vui chơi với các cháu thiếu nhi, vẽ đôi mắt sáng của Người thì hình ảnh Bác đang suy nghĩ về việc nước lại hiển hiện... Trong nhiều bức chân dung về Bác, Trần Hòa Bình thấy có cảm hứng nhất với bức chân dung Bác đang ngồi trên ghế trong chuyến sang thăm và làm việc tại Liên Xô cũ. Đây cũng là bức chân dung được nhiều người yêu thích. Nhiều cơ quan, công sở và khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đã tìm đến đặt anh vẽ chân dung Bác Hồ. Thậm chí, có Việt kiều ở Pháp còn nhờ người nhà đặt 5 bức chân dung về Bác ở các tư thế, hình ảnh khác nhau để đem sang Pháp treo.

Gần hết cuộc đời gắn bó với duyên nghề hội họa, họa sỹ Trần Hòa Bình không thể nhớ hết được bao nhiêu bức tranh ông đã vẽ, nhưng riêng tranh về Bác Hồ thì ông nhớ như in. Tính đến tháng 10/2010, ông đã vẽ 520 bức tranh về Bác ở nhiều thời kỳ Cách mạng,  Còn hiện tại, con số những bức tranh sơn dầu vẽ về Bác Hồ của ông đã lên đến trên 600 bức vẽ. Nhiều người, kể cả các họa sỹ trong nghề đều thán phục và cho rằng ông là người đã lập ra kỷ lục mới về số lượng tranh về Bác. "Bác luôn là tấm gương sáng soi đường để tôi làm được nhiều việc có ý nghĩa trong cuộc sống. Đặc biệt, hình ảnh Bác là cho tôi cảm hứng sáng tạo để mỗi tác phẩm được vẽ nên đều xuất phát từ tình cảm kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao như trời biển của vị cha già dân tộc", ông Bình chia sẻ.

Họa sỹ Trần Hòa Bình cho biết: "Vẽ chân dung rất khó, đặc biệt vẽ chân dung Bác Hồ lại càng khó hơn, khó nhất là những bức tranh tả Bác đang làm việc như những bức ảnh tư liệu. Vẽ tranh về Người cần phải có sự cẩn thận đến từng nét vẽ, từng chi tiết, từ mái tóc, ánh mắt hay bộ râu phải giống hệt như ảnh chụp. Nhìn bức tranh về Bác phải sống động, có hồn thì mới gọi là "tạm được”.

Trong căn phòng vẽ tranh nhiều đời của gia đình họa sỹ Trần Hòa Bình vẫn còn lưu giữ khá nhiều bức tranh sơn dầu các loại, có những bức tranh đã mấy chục năm tuổi nhưng màu sắc không bị phai nhạt. Còn những bức tranh về Bác Hồ chỉ còn 1 bức đã hoàn thiện và 1 bức ông đang vẽ. Ông tâm sự: "Tranh sơn dầu về Bác Hồ được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là các Văn phòng, công sở Nhà nước thường mua về trưng bày lấy Bác làm tấm gương học tập. Chính vì thế ngoài những bức tranh khách đặt hàng, mình vẽ xong bức nào về Bác thì một, hai ngày sau lại có người đến mua lại để làm kỷ niệm hoặc làm quà biếu người thân".

Tranh sơn dầu vẽ về Bác Hồ của họa sỹ Trần Hòa Bình được nhiều người biết đến, rất nhiều khách ở các tỉnh miền Nam như: Sài Gòn, Cần Thơ ra Bắc tìm ông để đặt vẽ. Những ai yêu thích tranh sơn dầu Bác Hồ vẫn tìm đến ông để mua tranh, và dĩ nhiên giá bán tranh cũng chỉ là tượng trưng, một tấm tranh sơn dầu cỡ lớn giá chỉ khoảng gần 1 triệu đồng.

Họa sỹ Trần Hòa Bình có bốn người con và đều theo nghề hội họa truyền thống của gia đình và đều thành đạt ở những lĩnh vực khác nhau. Điều mà họa sỹ Trần Hòa Bình trăn trở nhiều nhất đó là số họa sỹ có thể vẽ tranh, chép tranh về Bác Hồ còn rất ít, thế hệ trẻ thì càng khó thành công ở lĩnh vực này.

Ông thường dặn lại từng người con của mình, với mỗi bức họa chân dung Bác Hồ là một quá trình tập trung sáng tạo của mỗi họa sỹ và cũng là những bài học về đạo đức, tư tưởng của Người luôn vang lên trong từng nhịp sống. Họa sĩ Trần Hòa Bình đang góp sưc smình cùng nhiều họa sỹ khác trong khắp cả nước đang kiên trì lưu giữ hình ảnh Bác trong trái tim mọi người, bằng tài năng và lao động sáng tạo của mình.       

 Không chạy đua theo số lượng!

Năm 2010, họa sĩ Trần Hòa Bình hoàn thành bức tranh sơn dầu thứ 520 về chân dung Bác Hồ với kích thước 72 x 92cm. Nói đến kỷ lục này, ông rụt rè bày tỏ: "Đó chỉ là con số, tôi không hề có ý thức chạy đua, mà điều đáng quý nhất là tình yêu thương vô hạn của cả dân tộc Việt Nam với Bác Hồ, cùng những bài học quý báu mà Người để lại. Tôi mong muốn tấm gương của Người truyền lại cho con cháu muôn đời sau toát lên trong mỗi tác phẩm hội hoạ".  

CAO TUÂN

Lão họa sĩ bị con chữ 'đeo gông'

Thứ 6, 25/01/2013 | 08:27
Ở độ tuổi mà mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng họa sĩ Thành Đàm vẫn có sở thích của con trẻ: Cầm bút hí hoáy tập viết. Ông có thể viết lên bất cứ bề mặt nào "ăn" mực: tấm nhựa trần nhà, vỏ trai hay thân cây tre ông nhặt trên đường. Dưới bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ, những vật không có giá trị bỗng trở thành những món đồ vô giá.

Thăm làng họa sĩ ở Skagen

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Hai người phụ nữ đang đi dạo dọc theo bờ biển vô tận. Những tia nắng ấm áp cuối cùng đang nhuộm vàng bộ váy trắng của họ. Trong giờ khắc đó, nước biển dường như đã hòa nhập vào chân trời làm một.

Người họa sĩ có đôi tay bằng... thép

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Tuổi thơ của Nguyễn Hùng phải đối diện với nỗi đau dần dần bị cắt đi từng phần cơ thể. Tưởng rằng tai họa khủng khiếp ấy sẽ là bức màn đen u tối bao trùm lên cuộc đời anh. Thế nhưng, anh đã cùng cánh tay sắt được chắp lại của mình vẽ nên bức tranh tình yêu và nghị lực sống phi thường.

Kì tích khó tin của họa sĩ vẽ chân dung tội phạm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Chỉ qua lời kể miêu tả của nạn nhân về hình dáng, khuôn mặt, giọng nói, ông có thể phác thảo ra chân dung một tên tội phạm giống đến 80%.