Gặp lại người anh hùng từng bắt sống tướng Mỹ

Gặp lại người anh hùng từng bắt sống tướng Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Giữa những ngày khói bom dữ dội năm 1967, chính ông là người đã bơi ra hồ Trúc Bạch bắt sống tướng Mỹ John Mc.Cain.

Ngày lịch sử

Quán Thánh những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ nhằm vào miền Bắc là một trong những tụ điểm bắn phá của địch. Ở vị trí chiến lược, một bên gần Phủ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, một bên gần khu vực nhà máy nước, nhà máy điện Yên Phụ, đường Thanh Niên, những người dân sống ven Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch luôn trong trạng thái trực chiến.

Giữa hồ Trúc Bạch lúc bấy giờ còn lập nên một đại đội pháo phòng không, hàng ngày dân quân du kích thay nhau bơi ra hồ để tiếp tế cho anh em chiến sĩ và khi cần thiết thì trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong số những dân quân tự vệ ấy có chàng thanh niên Lê Trần Lụa.

Pháp luật - Gặp lại người anh hùng từng bắt sống tướng Mỹ

Ông Lụa viết chữ ở đền Ngọc Sơn

Sinh ra trong một gia đình đông con, vì vậy khi mới học hết lớp 7, Lê Trần Lụa đã đăng kí xin vào làm công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Chàng thanh niên tên Lụa vừa làm, vừa học nghề vừa cùng anh em đồng chí tham gia chiến đấu.

“Người Hà Nội lúc bấy giờ, được chiến đấu vì đất nước là một vinh dự lớn. Lúc đó chúng tôi nào nghĩ được đến sự sống và cái chết của bản thân mình, không làm được điều gì có ích mới là điều đáng sợ nhất”, ông Lụa nhớ lại.

Trưa 26/10/1967, ông Lụa vừa mới đi làm về, còn đang dở bữa cơm thì máy bay địch kéo đến, mọi người lập tức vào hầm trú ẩn tập thể gần đó. Ở trong hầm, nghe tiếng máy bay gầm rít trên đầu, ai nấy đều cảm thấy lo lắng cho gia đình mình, nhà cửa và những người hiện đang không có mặt.

Vì vậy khi thấy có tiếng nổ gần đó, ông và mấy anh em lập tức chui đầu ra khỏi hầm, thấy một cái dù lao xuống. Theo suy đoán của mọi người, chắc chắn chiếc dù sẽ rơi vào khu vực ven hồ, ngay sát chỗ gia đình nhà ông Lụa sinh sống.

Trên đầu máy bay Mỹ vẫn quanh quẩn tìm cách cứu trợ cho đồng bọn. Cảm thấy lo lắng cho gia đình, bất chấp sự ngăn cản của mọi người, ông Lụa vẫn lao ra khỏi hầm, trong tay chỉ có một con dao nhỏ. Anh em tự vệ liền theo sau. Chiếc dù rơi xuống mặt hồ, cách bờ chừng 20-30m.

Không nghĩ ngợi gì, ông lao xuống hồ, tiến đến gần phía chỗ viên phi công Mỹ đang giãy giụa trong đống phao dù. Ông Ổn - hàng xóm của ông Lụa bơi kế theo sau một đoạn với một ống bương dài để hỗ trợ.

Ông Lụa một tay túm tóc viên phi công to gấp đôi mình, miệng hô: “Hô-lê-manh!” (giơ tay lên!), một tay ghì cổ y vào cái bương, chờ mọi người cùng đến áp giải vào bờ. Cái dù gặp nước trở nên lùng nhùng khiến viên phi công hoảng loạn nhưng nhìn thấy con dao trên tay ông Lụa đủ để cho y hiểu ra: “Nên đầu hàng”.

Lúc bấy giờ ông Lụa mới để ý, xung quanh chỗ viên phi công rơi, có nhiều hóa chất màu vàng thường làm tín hiệu kêu cứu của lính Mỹ với đồng bọn. Nghĩ lại, ông vừa rùng mình vừa thấy buồn cười bởi: “Lính Mỹ mà mình lại hô Hô-lê-manh” (tiếng Pháp).

Vào đến bờ, các đơn vị vũ trang và công an nhanh chóng tiếp nhận viên lính Mỹ. Bàn giao xong, ông lại trở về nhà máy với công việc thường nhật của mình rồi cũng quên bẵng đi. Thậm chí mãi về sau ông mới biết viên lính Mỹ mà mình bắt sống là Jonh McCain - lúc bấy giờ đang là thiếu tá hải quân (sau được phong tướng và tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008).

Vài ngày sau, báo đài đăng, bạn bè biết và báo lại cho ông Lụa, ăn mừng cũng chỉ là những cái vỗ vai, những cái bắt tay động viên đầy ý nghĩa. Được tuyên dương, khen thưởng trước địa phương và cơ quan nhưng hàng ngày ông vẫn lụi cụi với công việc của một anh thợ cơ khí học việc, với những chiếc máy tiện, máy hàn.

Pháp luật - Gặp lại người anh hùng từng bắt sống tướng Mỹ (Hình 2).

Ông Lê Trần Lụa, người đầu tiên bắt sống tướng Mỹ John Mc.Cain tại hồ Trúc Bạch

Đi qua thời bao cấp...

Hơn 1 năm sau, Lê Trần Lụa được cơ quan cử đi học trường Bổ túc cán bộ Công Nông. Tại đây, ông đã gặp và đem lòng yêu cô con gái người cấp dưỡng trong trường, sau này trở thành người vợ gắn bó theo suốt cuộc đời.

Được học trong trường cũng phải là những người có thành tích đặc biệt, vậy mà cô gái nhỏ ấy dường như không để ý tới cái phần đặc biệt của anh chàng cao cao, gầy gầy thường hay đứng tần ngần trước căng tin của mẹ mình. Nhờ sự vun đắp của bạn bè, tình yêu đến với họ nhẹ nhàng và kết thúc ở một đám cưới nho nhỏ khi ông vừa tốt nghiệp trường.

Một đám cưới có thể gọi là hoành tráng lúc bấy giờ là món quà mà bạn bè, người thân dành cho đôi bạn trẻ. Đám cưới có ô tô, có máy ảnh, có nhạc sống, là niềm ao ước của nhiều người.

Để chuẩn bị cho đám cưới, bạn bè ông mỗi người giúp vào một tay. Người lo cho chè, người lo thuốc, người lo hoa, người giúp phông màn, âm thanh,.. từ thuốc lá Điện Biên, chè Đại Đồng tới cả chiếc giường cưới mua với giá 60 đồng đều được lo chu tất. Thành thử, hai vợ chồng chỉ phải chuẩn bị tinh thần để làm cô dâu, chú rể.

Buổi đầu cuộc sống vợ chồng cũng không đến nỗi khó khăn. Khi trở về nhà máy, đúng thời gian thực hành giảm biên chế, ông Lụa không được phục vụ đúng chuyên môn đào tạo mà phải làm bảo vệ trong suốt một thời gian dài.

Đến khi có đứa con đầu lòng thì hai vợ chồng ông xin phép gia đình được ở riêng. Một căn hộ nho nhỏ, chỉ khoảng 10m2, cơi nới thêm cũng được khoảng 10m2 nữa, hai vợ chồng bàn nhau nuôi gà, vịt cải thiện cuộc sống.

Được bố vợ cho chiếc xe mini Liên Xô, sẵn tay nghề, ông nới càng trước, càng sau ra cho rộng rãi, sáng ra hai vợ chồng đèo con đi làm, tối về thì nhận làm thêm, sửa chữa xe đạp, xe máy cho bà con, cũng có đồng vào đồng ra.

Rồi đứa con thứ hai ra đời. Do thai sản, vợ ông buộc phải nghỉ việc không lương, cuộc sống trở nên eo hẹp. Phần ông thì hết thuyên chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác trong tổ hợp công nghiệp. Vợ chồng phải nhận thêm hàng thủ công về làm đêm để có thêm thu nhập chi tiêu cho con cái.

Chật vật là vậy nhưng ông Lụa vẫn không từ bỏ ước mơ vào đại học. Vừa làm, vừa ôn thi tại chức, thi tới lần thứ hai mới đỗ, nhưng giấc mơ hiếu học vẫn không thành, phải bỏ giữa chừng.

Cuối những năm 80 thế kỷ trước bắt đầu có phong trào xuất khẩu lao động đi nước ngoài. Chạy vạy, gom góp rồi nhờ những mối quan hệ quen biết, ông cũng lo cho vợ được sang Nga làm công nhân nhà máy. Không ngờ, chuyến đi của vợ cứ kéo dài mãi, tới gần 20 năm trời. Khi đi, cả hai vợ chồng đều còn son trẻ, đến lúc về đã trong buổi xế chiều. Bao nhiêu năm gà trống nuôi con một mình, vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ, bao nhiêu điều không thể nói ra. Đến năm 2006 thì bà về hẳn. Nhà cửa, con cái cũng đã ổn định, lúc bấy giờ vợ chồng mới được hưởng niềm vui lúc tuổi già.

Vượt qua cái thời kì khốn khó đó, ông vẫn cảm thấy kinh ngạc. Cái kinh ngạc của cả một dân tộc đi qua những vết thương chiến tranh và khủng hoảng kinh tế để vươn lên. Hòa bình, đất nước phát triển và mở rộng ra bên ngoài, những gì thuộc về chiến tranh cũng được nhắc lại.

Câu chuyện về người đàn ông đã bơi ra hồ Trúc Bạch năm xưa lại được người ta nhớ tới, nhất là khi John McCain trở thành ứng cử viên chức tổng thống Mỹ. Người ta tìm đến với ông, mời gặp gỡ, phỏng vấn, làm phim nhưng ông chỉ tiếp với tư cách một người bạn hiếu khách.

Niềm vui lúc tuổi già

Tự ví cuộc đời mình như một cỗ máy, hì hục chạy suốt cuộc đời, đến lúc được nghỉ ngơi thì cũng đã hoen rỉ rồi, nhưng Lê Trần Lụa chưa từng phải nuối tiếc về những gì đã qua. Đến giờ, gánh nặng mưu sinh không còn nữa, ông mới được sống cho bản thân mình. Ông đi học chữ Hán, viết chữ Nho cùng các cụ. Vợ con ông thấy ông có thêm niềm vui cũng mừng.

Vốn yêu thư pháp từ những ngày còn nhỏ, đến năm 2006 gặp cụ Trần Hinh ở Kim Mã ông mới có cơ hội được theo học bài bản. Lớp học do thầy Lại Cao Nguyện tổ chức khá đông, toàn các cụ thất thập, tuổi cao, sức yếu nhưng bù lại đam mê thì nhiều. Cầm cái bút lông trên tay cũng thấy ngượng ngiụ, chỉnh lại tư thế ngồi cũng thấy mỏi, tất cả đều phải tập lại từ đầu như một đứa trẻ con buổi đầu đi học. Rất nhiều cụ không trụ được, đành bỏ dở giữa chừng. Nhưng với sự kiên trì của mình, ông đã chinh phục được những con chữ tưởng chừng rất khó khăn này.

Mỗi khi Tết đến, xuân về, hay khi có lễ hội, ông lại khăn xếp áo the ra Văn Miếu viết chữ tặng bà con. Bẵng đi một thời gian, lại thấy ông ngồi trong đền Ngọc Sơn viết chữ cho du khách. Tóc đã bạc trắng trên đầu lại còn phải học thêm ngoại ngữ để có thể nói chuyện được với khách, không nản mà ông còn cảm thấy vui và thú vị.

Mỗi ngày, từ sáng sớm ông đạp xe từ nhà ở Ô Chợ Dừa lên Đền Ngọc Sơn rồi chiều đến lại lọc cọc đạp xe về khi thành phố đã lên đèn. Trở về với người vợ hiền và những đứa cháu nội ngoại là niềm vui lớn nhất của ông lúc tuổi già…

Trầm Ngải


Tag: sống
Cùng chuyên mục

Bắt 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt sính lễ

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:30
Ngày 19/4, Công an thành phố Hà Nội thông tin, Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ.

Bình Phước: Bắt giữ đối tượng chém 2 người trọng thương

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:43
Mâu thuẫn trong quán nhậu, Nguyễn Hồng Tâm đã rủ bạn đem bình xịt hơi cay và rựa đi chém người, khiến 2 người trọng thương.

Vũng Tàu: Bắt nghi can sát hại chủ quán cà phê sau vài giờ truy xét

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:07
Chiều tối 19/4, Công an TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã bắt giữ nghi can sát hại nữ chủ quán cà phê “Nhàn” trên địa bàn, sau vài giờ truy xét.

Vĩnh Long: Phát hiện 16 nam, nữ thanh niên tụ tập sử dụng ma túy

Thứ 6, 19/04/2024 | 20:59
Khoảng 3h30 ngày 17/4, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Công an huyện Long Hồ bắt quả tang nhóm 16 thanh niên sử dụng ma túy.

Hành trình bỏ trốn của tên cướp tiệm vàng ở Bình Thuận đến khi bị bắt

Thứ 6, 19/04/2024 | 19:45
Chiều 19/4, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ đối tượng cướp tiệm vàng ở Tp.Phan Thiết.
     
Nổi bật trong ngày

Bắt 2 người liên quan vụ án đấu thầu thiết bị y tế ở Bệnh viện Vũng Tàu

Thứ 6, 19/04/2024 | 16:16
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam một người là Phó phòng Sở Y tế và một giám đốc công ty liên quan vụ án vi phạm đấu thầu.